Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Bài văn bia duy nhất còn lại của Hoàng Giáp doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (328.07 KB, 14 trang )

Bài văn bia duy nhất còn lại của Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn - vị kinh sư
đại doãn nổi tiếng của kinh thành Thăng Long
LTS: “Ma nhai kỉ công bi văn” (磨崖紀功碑文), tấm bia mài vách núi Trầm
Hương do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn để ghi công của Thái thượng
hoàng Chương Nghiêu Văn Triết, là tấm bia cổ kính trải 7 thế kỉ nhưng vẫn còn
tươi nét nhất, được nhiều sử sách nhắc đến.
LTS: “Ma nhai kỉ công bi văn” (
磨崖紀功碑文
), tấm bia mài vách núi Trầm
Hương do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn để ghi công của Thái thượng
hoàng Chương Nghiêu Văn Triết, là tấm bia cổ kính trải 7 thế kỉ nhưng vẫn còn
tươi nét nhất, được nhiều sử sách nhắc đến.
Nhiều tác giả đã đề cập đến vấn đề này song lại có những chỗ chưa thống nhất
với nhau, cần được làm sáng tỏ. Với tấm lòng và lợi thế là người bản xứ được tiếp
cận nhiều, tác giả Trần Tử Quang trong bài viết sau đây đã có những ý kiến hay,
tiếp tục làm sáng tỏ và có những kiến nghị thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy di
sản quý giá này. Bài viết có sự phối hợp với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm
Nghệ An và bạn bè cùng ngành gần xa, nên đây được coi là ý kiến tập thể. Xin
được giới thiệu cùng bạn đọc.
“Nguyễn Trung Ngạn là một nhân vật nổi trội thời Trần, một danh nhân văn
hóa tiêu biểu của dân tộc. Ông được Phan Huy Chú đánh giá là một trong mười
người phù trợ có công lao thời Trần, sự nghiệp ngang hàng với Thượng tướng
Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư
Mạnh… Ông còn là một vị Kinh sư đại doãn (tương đương với chức Chủ tịch
UBND thành phố Hà Nội hiện nay) cai quản kinh thành nổi tiếng về tài đức, để
lại niềm tôn kính trong lòng người dân Thăng Long lúc bấy giờ.”
“Giữa thế kỉ XIV, sau 3 lần đại thắng đế quốc Mông Cổ, nhà Trần bắt tay
vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Dưới sự trị vì của các vị vua sáng
cùng với các tôi hiền tướng giỏi thì uy thế của Đại Việt ngày càng lớn mạnh.
Nhưng trong thời gian này các nước láng giềng lại thường đem quân quấy phá
và xâm lấn những vùng biên giới. Do đó, triều đình phải thường xuyên cắt cử


tướng lĩnh đi đến các vùng biên cương xa xôi dẹp giặc. Trận đánh giặc Bổng
vào mùa đông năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7, Thái thượng hoàng Trần
Minh Tông tướng thân chinh đi đánh dẹp và chiến thắng. Thượng hoàng sai
Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn khắc vào vách núi đá nhằm kỉ niệm
chiến thắng này. Đây là bài văn bia duy nhất còn lại của ông.”
1. Vài nét về tấm văn bia
Từ trước đến nay đã có rất nhiều thư tịch Hán Nôm cổ đề cập đến việc Thái
thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đánh giặc Bổng tại vùng Kiềm Châu
(Nghệ An bây giờ) vào giữa thế kỷ XIV cùng với bài văn bia do Hoàng giáp
Nguyễn Trung Ngạn phụng mệnh soạn và khắc lên núi đá nhằm ghi lại chiến công.
Nguồn gốc xuất xứ
Tấm bia hiện nằm ở hang Ông Trạng, núi Trầm Hương thuộc bản Khe Giún, xã
Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (cách trung tâm thị trấn Con Cuông chỉ
khoảng hơn 2km). Tuy nhiên, vẫn có một số nhầm lẫn trong việc xác định địa
danh có bài văn bia này. Một số sách chép tấm bia này thuộc địa bàn huyện Tương
Dương, tỉnh Nghệ An [1; tr. 44]. Đây là do sự thay đổi về địa danh và địa giới
hành chính qua các thời kỳ lịch sử. Thời Trần, khu vực có tấm bia này thuộc đất
Cự Đồn thuộc Mật Châu như chính trong văn bia đã đề cập đến (…“vu Mật Châu
Cự Đồn chi nguyên…” ). Thời thuộc Minh, vùng đất này gọi là Trà Long, sang
đến thời Lê lại đổi thành phủ Trà Lân do kiêng tên húy của vua Thái Tông Lê
Nguyên Long. Đến thời Nguyễn, vào năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), vua Thánh Tổ
mở cuộc cải cách hành chính lớn, lần này phủ Trà Lân được đổi thành phủ Tương
Dương. Sau Cách mạng tháng 8/1945, phủ Tương Dương lại được chia thành 2
huyện Tương Dương và Con Cuông, tấm bia này thuộc địa phận huyện Con
Cuông. Khi xưa vùng đất này là nơi biên viễn, là vùng chiến lược quan trọng của
các triều đại phong kiến. Đây còn là nơi giao thoa giữa trung du và miền núi. Phía
hữu ngạn sông Lam là dãy núi đá vôi sừng sững chạy dài, còn phía tả ngạn là
những vùng núi đồi quanh co trùng điệp. Từ dưới xuôi lên thượng chỉ có một con
đường độc đạo nằm cạnh bờ sông. Theo một số người dân địa phương, khi xưa
sông Lam chảy sát vào chân núi còn phía bên kia là cánh đồng rộng rãi. Cánh

đồng này có thể là nơi tập kết và đóng quân lập trại.
Vùng này nhiều đồi núi, eo Vực Bồng địa thế hiểm trở cheo leo, sông Lam chảy
qua eo tạo thành xoáy nước to rất nguy hiểm. Quân đội đi chinh phạt chỉ có thể
tiến quân bằng đường bộ bởi đường sông ít thuận lợi. Không phải ngẫu nhiên mà
Thượng hoàng Minh Tông và Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn chọn địa điểm
khắc bia tại núi Trầm Hương. Quả núi này thuộc một dãy núi chạy dài nằm bên
cạnh cánh đồng trũng ở hữu ngạn sông Lam. Núi hướng về phía Đông Bắc,
ngoảnh mặt nhìn ra sông, cách đó khoảng 150m và cách quốc lộ 7A khoảng 100m.
Bia được khắc trên vách núi cao, mặt nhìn về hướng Đông Bắc cách mặt đất
khoảng hơn chục mét. Muốn đi lên tấm bia phải trèo lên núi bằng 1 mô đất dốc
khoảng 50
0
, xung quanh cây cối um tùm che khuất tấm bia do đó nếu nhìn từ cánh
đồng thì không thể thấy được. Đỉnh dốc có 1 cái hang hàm ếch (còn gọi là hang
Ông Trạng), bên trong rất sâu có thể chứa được nhiều người. Điều đặc biệt là xung
quanh hang, ngoài tấm văn bia bằng chữ Hán còn có những dòng chữ quốc ngữ
được chạm khắc rất tinh vi bay bướm ghi lại sự kiện tránh bom của người dân thời
chiến tranh chống Mỹ
(1)
. Với địa thế hiểm trở cheo leo, người ngựa đi qua phải đi
chậm rãi, quả núi khắc bia lại thấp, ngang với tầm nhìn nên ai cũng có thể trông
thấy. Bài văn in vào vách núi, ngoảnh mặt trông ra sông Lam và đường bộ qua lại
như thách thức với thời gian, là minh chứng cho tinh thần bảo vệ bờ cõi của vương
triều Trần và nhân dân Đại Việt, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe cho những
tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống phá lại sự ổn định và thống nhất lúc bấy
giờ.
Bài văn bia được khắc sâu trên vách núi đá vôi lõm vào trong và đã được mài
nhẵn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép đây là bia “Ma Nhai”. “Ma Nhai” nghĩa
là mài vách đá. Bia có độ nghiêng phù hợp (khoảng từ 30-40
0

, nghiêng xuống
hướng vào trong), phía trên có cây cối nên ít bị mưa gió bào mòn hoặc làm ẩm
mốc rêu phong, dù đã non 700 năm trôi qua nhưng những chữ viết trên đó vẫn còn
rất rõ. Bia hình chữ nhật nằm ngang có chiều dài 213cm và chiều rộng 155cm,
gồm 14 dòng với 155 chữ. Dòng nhiều chữ nhất là dòng thứ 2, dòng thứ 6 và dòng
thứ 11 có 14 chữ và dòng ít chữ nhất là dòng thứ 4 có 4 chữ (tính từ phải sang trái).
Trong số 155 chữ, có hai chữ được viết theo kiểu chữ cổ, rất ít xuất hiện trong các
văn bản chữ Hán khác, đó là:
Chữ thì được viết gồm bộ triệt 屮 ở trên, chữ nhất 一 ở giữa và chữ nhật 日 ở
dưới.
Chữ thế được viết gồm chữ thập 十 ở trên và chữ chấp 廿 ở dưới.
Những dòng chữ trên bia được khắc đúng phong cách viết văn bản cổ, thể hiện
ở chỗ chữ được đài lên cao hai hàng, đó là những chữ: “Chương” trong cụm
“Chương Nghiêu Văn Triết” tức tên hiệu của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông
và chữ “Đế” chỉ hoàng đế. Tất cả đều là những chữ thuộc “diện” phải đài lên cao
hơn so với các chữ khác. Nét chữ của bia là kiểu chữ chân phương, mặc dù khắc
trực tiếp lên đá núi nhưng những nét mác, nét phẩy được thể hiện rất rõ ràng và
tinh tế. Chữ khắc sâu vào đá sâu chừng 2cm và không có hoa văn trang trí. Do bia
cao so với mặt đất, to rộng, lại khắc trực tiếp lên núi đá nên khó in dập theo kiểu
cách bình thường. Điều khá thú vị ở tấm bia này đó chính là nét chữ của nó to đạt
mức kỉ lục. Nếu như ở nước ta, tấm bia Khiêm Cung Kí
(2)
của vua Dực Tông
triều Nguyễn tức vua Tự Đức (1847-1883) được xếp vào hàng bia đá lớn nhất
Việt Nam thì bia Ma Nhai nên xếp vào hàng bia có nét chữ lớn nhất Việt Nam.
Theo kết quả đo đạc sơ bộ, trung bình mỗi chữ có đường kính khoảng 10,5cm,
chữ nhỏ nhất là chữ nhật (日) đường kính khoảng 4,5cm. Các bộ sử lớn của
nước ta đều ghi nhận điều này: Sách Đại Nam nhất thống chí chép “…chữ to
bằng bàn tay, khắc sâu vào đá hơn 1 tấc, nay hãy còn…”, sách Khâm định Việt
sử thông giám cương mục cũng chép “…chỗ đục núi ghi công bây giờ ở quả

núi thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nét chữ viết to bằng
bàn tay, nét tạc vào đá sâu hơn đến một tấc…” [3; tr. 608]. Việt Nam sử lược
của Trần Trọng Kim cũng chép với nội dung như vậy. Có điều, gần 700 năm
trôi qua, nét chữ còn rõ nhưng có lẽ đã bị mòn đi chút ít. Còn chuyện chữ được
khắc sâu đến 1 tấc thì số liệu này được nhìn nhận dưới đơn vị đo lường cổ. Qua
khảo sát thực tế thì thấy rằng các chữ Hán được khắc vào đá chỉ với độ sâu
chừng 2cm mà thôi. Còn nói “chữ to bằng bàn tay” thì quả đúng là như vậy
thật.
Phiên âm: Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế, Chương Nghiêu Văn Triết thái
thượng hoàng đế thụ thiên quyến mệnh, yêm hữu trung hạ, phổ hải nội ngoại võng
bất thần phục, tối nhĩ Ai Lao, do ngạnh vương hóa. Tuế tại Ất Hợi quý thu, đế thân
soái lục sư tuần vu Tây bỉ. Chiêm Thành quốc thế tử, Chân Lạp quốc, Tiêm quốc
cập man tù đạo thần Quỳ, Cầm, Xa, Lặc, tân phụ Bôi Bồn man, tù đạo Thanh Xa
man chư bộ các phụng phương vật, tranh tiên nghênh kiến. Độc nghịch Bổng chấp
mê úy tội, vị tức lai triều. Quý đông đế trú tất vu Mật Châu, Cự Đồn chi nguyên.
Nãi mệnh chư tướng cập man di chi binh nhập vu kỳ quốc. Nghịch Bổng vọng
phong bôn thoán, toại giáng chiếu ban sư. Thì Khai Hựu thất niên, Ất Hợi đông
nhuận, thập nhị nguyệt nhật lặc thạch.
Dịch nghĩa: Đời vua thứ sáu triều Trần nước Đại Việt, Thái thượng hoàng đế
Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời thương mến, làm chủ hết cả bốn
cõi, khắp trong đất ngoài bể không ai không thần phục, thế mà nước Ai Lao nhỏ
bé kia còn ngang ngạnh với giáo hóa của triều đình. Cuối thu năm Ất Hợi, nhà
vua thống lĩnh sáu quân đi tuần ở cõi Tây. Thế tử nước Chiêm Thành, nước
Chân Lạp, nước Tiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc rồi các bộ
mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật
của địa phương mình và tranh nhau đón rước. Chỉ một mình tên giặc Bổng cứ
giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối đông, vua đóng quân ở
cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính
mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, vua
bèn xuống chiếu đem quân về. Lúc bấy giờ là ngày tháng 12 nhuận, năm Ất Hợi,

niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá.
Giá trị của văn bia
Tuy bài văn ngắn chỉ với 155
(3)
chữ nhưng có nội dung và ý nghĩa rất tiêu
biểu cho một thời kỳ trong lịch sử dân tộc. Qua đó, cho chúng ta một cái nhìn rõ
hơn về triều Trần ở giai đoạn giữa (tức khoảng thời gian sau thời kỳ đầu gắn với
3 cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Mông Nguyên thắng lợi), nhà Trần
đang trong giai đoạn ổn định và phát triển. Với sự trị vì của vua Anh Tông Trần
Thuyên, rồi Minh Tông Trần Mạnh, Hiến Tông Trần Vượng, cùng với các tôi
hiền tướng giỏi như Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Đoàn Nhữ Hài, Phạm
Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… thì uy thế của nước Đại Việt đối với các nước
xung quanh là rất lẫy lừng. Điều đặc biệt trong thời gian này là việc các nước
láng giềng nhỏ thường hay đem quân quấy rối ở những vùng biên giới hay các tù
trưởng nổi lên làm loạn (như loạn Ngưu Hống ở Đà Giang). Trong bài văn này
ghi rõ việc Ai Lao đem quân sang đánh phá vùng biên giới. Chính Thái thượng
hoàng Minh Tông đã tự làm tướng thân chinh đi đánh dẹp, thanh thế rất vang dội
khiến giặc Ai Lao nghe hơi đã chạy trốn. Bài văn bia thể hiện đúng tinh thần bảo
vệ lãnh thổ đất nước và uy thế của vương triều Trần. Bài văn là một trong những
tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này bởi trong những bộ sử lớn của nước ta như
Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Khâm định Việt sử thông giám cương
mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho đến Việt Nam sử lược của Trần Trọng
Kim, ít nhất là có ba bộ sử lớn đều trích dẫn, bình luận rõ ràng, đầy đủ. Theo
thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tính đến năm 1945 ở nước ta đã tìm thấy
1.157 văn bia, chủ yếu là các văn bia có từ triều Lê và triều Nguyễn, còn văn bia
của các triều đại trước đó rất ít và hầu hết đều ở miền Bắc. Riêng trên địa bàn
tỉnh Nghệ An, hiện có 167 văn bia và tấm bia này chính là tấm văn bia cổ nhất,
cách thời điểm hiện tại 675 năm. Đây là một tư liệu đặc biệt quý hiếm và cần
thiết trong công tác nghiên cứu sử học, văn học cũng như nghệ thuật thư pháp,
khắc đá và cách dùng chữ cổ (chữ “thì”, “thế” như trên).

Điều quan trọng nhất thấy được qua việc khảo sát thực tế bài văn bia này đó
là việc tìm đúng chính xác thời gian diễn ra trận đánh và thời gian đục núi khắc
văn. Sở dĩ điều này quan trọng bởi các bộ sử trước đây đều chép khác so với
thực tế. Trong Đại Việt sử kí toàn thư có chép sự kiện này xảy ra vào năm Giáp
Tuất, tức niên hiệu Khai Hựu thứ 6. Nguyên văn:
“…Giáp Tuất, (niên hiệu Khai Hựu) năm thứ 6 (tương đương với niên hiệu
Nguyên Thống năm thứ hai triều Nguyên)… Thượng hoàng tuần thú đạo Nghệ
An, thân đi đánh Ai Lao. Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Phát vận sứ Thanh Hóa,
vận tải lương thực đi trước. Xa giá tới châu Kiềm, Ai Lao nghe tin chạy trốn.
Sai Nguyễn Trung Ngạn mài vách núi khắc chữ ghi công rồi về…” [2; tr. 122].
Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi ngày tháng giống
như trong Đại Việt sử kí toàn thư. Nhưng các tác giả lại đưa ra lời cẩn án: “Năm
tháng chép ở bài văn này, so với năm chép trong Sử cũ, không phù hợp với nhau
nhưng cứ chép để đề phòng khi khảo cứu” [3; tr. 608]… Còn trong Việt Nam sử
lược, tác giả Trần Trọng Kim cũng chép sự kiện này xảy ra vào năm Giáp Tuất mà
không có chú thích gì thêm. Như vậy, sự kiện này trong sử chép xảy ra vào năm
Giáp Tuất, nhưng trên thực tế lại không phải như thế. Dòng chữ cuối cùng ghi trên
văn bia là: (dòng chữ này chữ nhỏ hơn một chút và viết tụt xuống 1 chữ) “Thì
Khai Hựu thất niên Ất Hợi đông nhuận, thập nhị nguyệt nhật lặc thạch” nghĩa là
“Lúc bấy giờ là ngày tháng 12 nhuận, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7,
khắc vào đá”. Thực tế này đã cho biết thời gian xảy ra sự kiện là năm Ất Hợi
(1335) chứ không phải năm Giáp Tuất (1334) như Đại Việt sử kí toàn thư và Việt
Nam sử lược đã ghi. Điều đáng lưu ý là vì tháng nhuận nên tháng 12 của năm
1335 này sẽ ứng với tháng 1 năm 1336. Như vậy, đã đính chính cho sự nhầm lẫn
trong sử sách và cũng chứng minh cho lời cẩn án của các tác giả Khâm định Việt
sử thông giám cương mục là hoàn toàn chính xác.
2. Tác giả
Không giống như các bia đá khác, tấm bia này khắc trực tiếp lên núi đá và
không ghi rõ người soạn, người viết chữ, kể cả hoa văn trang trí. Nhưng qua các
bộ sử có nói đến bài văn bia này thì nó được xác định chính xác là của Nguyễn

Trung Ngạn (1289-1370). Ông tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ
Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Thuở thiếu thời ông đã
nổi tiếng là thông minh, ham học. Năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời
vua Anh Tông triều Trần (1304), ông đỗ Hoàng giáp khi mới tròn 16 tuổi

(khoa
này Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên). Năm 1313, ông làm gián quan. Năm sau, tức
năm Giáp Dần (1314), vua Minh Tông cử ông cùng Phạm Mại đi sứ nhà Nguyên.
Năm 1321, ông được thăng chức Ngự sử đài Thị ngự sử. Năm 1332, ông được
thăng làm Nội mật viện phó sứ. Năm 1341, ông được giao giữ chức Kinh sư đại
doãn. Cũng trong năm này, ông cùng Trương Hán Siêu biên soạn bộ Hình thư và
Hoàng triều đại điển. Năm 1355, thăng Nhập nội đại hành khiển khu mật viện. Về
già, được phong tước Thân quốc công. Nguyễn Trung Ngạn là một nhân vật nổi
trội thời Trần, là một con người kiêm gồm văn võ. Được Phan Huy Chú đánh giá
là một trong mười người phù trợ có công lao thời Trần, ngang hàng với Thượng
tướng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Phạm
Sư Mạnh… Ông còn là một vị quan cai quản kinh thành nổi tiếng về tài đức để lại
niềm tôn kính trong lòng người dân Thăng Long lúc bấy giờ (cho nên hiện nay
trên địa bàn Hà Nội có tới 7 đền miếu thờ ông).
Ông làm quan trong suốt 4 đời vua Trần (từ Anh Tông cho đến Dụ Tông) và giữ
tới chức Đại học sỹ khai huyện Bá, được ban tước Công. Nhắc đến ông trước hết
là nhắc đến một nhà ngoại giao xuất sắc đã đem lại mối quan hệ hòa hiếu giữa
nước ta và Đại Nguyên kể từ khi nhà Trần ba lần đánh bại đế quốc Mông Nguyên
hung hãn. Ông còn là một nhà thơ, một soạn giả tài năng, tuy tác phẩm của ông để
lại không nhiều. Ngoài hai công trình mà ông soạn chung với Trương Hán Siêu
năm 1341 là bộ “Hình thư” và “Hoàng triều đại điển”, ông còn để lại trên dưới 84
bài chép rải rác trong các tập thơ “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên, “Nam Ông
mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng, “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích và
“Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn… Sau này, các bài thơ này được Phan Huy
Ôn (1755-1786) biên tập lại và lấy tên hiệu của ông để đặt tên cho tập thơ (Giới

Hiên thi tập). Thơ ông phần lớn làm trên đường đi sứ Trung Hoa. Có thể nói ông
là người khai sinh cho thể loại thơ sứ trình ở nước ta mà sau này Nguyễn Du (Bắc
hành tạp lục) là người kế thừa xuất sắc. Phan Huy Chú có lời nhận xét về thơ ông
rằng “thơ Nguyễn Trung Ngạn hào mại, phóng khoáng, khí cốt Đỗ Lăng”. Gần
đây nhất, nhân 720 năm năm sinh của ông, ngày 20/3/2009 tại Văn miếu - Quốc tử
giám đã diễn ra một cuộc hội thảo về danh nhân văn hóa - Hoàng giáp Nguyễn
Trung Ngạn nhằm “bày tỏ tấm lòng trân trọng và tôn vinh một danh nhân lớn của
đất nước”(theo lời GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam).
3. Góp ý về bản dịch
Tấm văn bia này hiện có rất nhiều bản dịch, tuy lời văn mỗi bản khác nhau song
nội dung tương tự. Tuy nhiên, có 1 câu chưa hợp lý, đó là câu đầu tiên trong văn
bia, xin nêu ra để cùng xem xét:
“Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng hoàng
đế” được dịch là:
1. “Hoàng Việt Triều nhà Trần, vua trị vì thứ 6 là Chương Nghiêu Văn Triết
thái thượng hoàng đế…” (Bản dịch của tổ biên dịch Viện sử học: Hoa Bằng, Phạm
Trọng Điềm, Trần Văn Giáp, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T1, Nxb
Giáo dục, 1998, 607, 608).
2. “Chương Nghiêu Văn Triết Thái thượng hoàng là vua thứ 6 đời nhà Trần
nước Hoàng Việt…” (Bản dịch của Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn
hóa Thông tin, 1999, 173).
3. “Vua thứ sáu triều Trần nước Việt Chương Nghiêu Văn Triết Thái thượng
hoàng đế…” (Bản dịch của Phan Văn Các, Thông báo Hán Nôm, 2001, Về áng
văn xuôi đặc sắc của Nguyễn Trung Ngạn, trang 48-55. Văn hoá Nghệ An dẫn lại
ở số 145 ngày 25/3/2009, 19).
Trong các bản dịch bia Ma Nhai hiện nay đều dịch câu đầu tiên đại ý nói rằng
vua thứ 6 của triều Trần nước Việt chính là Chương Nghiêu Văn Triết Thái
thượng hoàng đế, chỗ này hẳn có sự nhầm lẫn.
Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng
hoàng đế

Trong câu đầu tiên này có nói đến hai nhân vật lịch sử, thứ nhất đó là vị vua thứ
6 của triều Trần, thứ 2 là vị Thái thượng hoàng đế có tôn hiệu là Chương Nghiêu
Văn Triết. Các bản dịch đều cho hai làm một, điều này vô lý bởi không có vị vua
nào trong lịch sử nước ta vừa làm vua lại kiêm luôn cả Thái thượng hoàng. Chỉ
riêng trường hợp vua Thần Tông nhà Lê lên ngôi năm 1619, đến năm 1623
nhường ngôi cho con là Lê Duy Hiệu và lên làm Thái thượng hoàng, đến năm
1649, Duy Hiệu mất sớm, ông lại trở lại làm vua. Tuy nhiên, vua Lê Thần Tông
cũng không kiêm vua và cả Thượng hoàng mà chỉ trở lại làm vua khi vua con qua
đời, lúc đó không còn làm Thái thượng hoàng nữa.
Sau đây ta hãy xem phần miếu hiệu và tôn hiệu của các vua triều Trần:
Vua thứ nhất: Thái Tông Trần Cảnh, Tôn hiệu là Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái
Thượng hoàng đế.
Vua thứ hai: Thánh Tông Trần Hoảng, Tôn hiệu là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái
Thượng hoàng đế.
Vua thứ ba: Nhân Tông Trần Khâm, Tôn hiệu là Hiến Nghiêu Quang Thánh
Thái Thượng hoàng đế.
Vua thứ tư: Anh Tông Trần Thuyên, Tôn hiệu là Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái
Thượng hoàng đế.
Vua thứ năm: Minh Tông Trần Mạnh, Tôn hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết
Thái Thượng hoàng đế.
Vua thứ sáu: Hiến Tông Trần Vượng…
Phần này cho thấy vua thứ 6 của nhà Trần chắc chắn không phải là Chương
Nghiêu Văn Triết như các bản dịch kể trên. Ta biết rằng ngày 15 tháng 2 năm Kỷ
Tỵ (1329), Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Vượng và lên làm Thái thượng
hoàng. Thái tử Vượng lên ngôi vua (năm 10 tuổi) liền đổi niên hiệu là Khai Hựu
(bắt đầu từ đây dùng niên hiệu Khai Hựu chứ không còn dùng niên hiệu Đại
Khánh và Khai Thái nữa), tôn vua cha là Chương Nghiêu Văn Triết Thái
Thượng hoàng đế, tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ Thái Thượng hoàng hậu.
Tuy nhiên, tự quân còn nhỏ tuổi nên mọi quyền hành chính sự đều do một tay
Thượng hoàng đảm nhiệm, những lần dẹp giặc đều do Thượng hoàng thân chinh.

Nguyễn Trung Ngạn là bậc văn tài, lại là người đương thời nên chắc không thể có
sự nhầm lẫn. Các bản dịch kể trên đã chưa nhận rõ được vế 1 (Hoàng Việt Trần
triều đệ lục đế) là thời gian, còn vế 2 (Chương Nghiêu Văn Triết Thái thượng
hoàng đế) là nhân vật chính của sự kiện.
Ngay cả trên văn bia cũng đã cho ta thấy rõ điều này. Theo lệ xưa, chữ viết từ
phải sang trái và từ trên xuống dưới. Mỗi khi gặp một chữ hoặc một cụm từ liên
quan tới Trời, Hoàng đế hay liên quan đến các đối tượng thiêng liêng cao quý khác
thì phải đưa chữ hay cụm từ đó viết sang ở một hàng khác sao cho nó luôn đứng ở
một dòng riêng và dòng đó phải cao hơn các dòng khác, gọi là “Đài”. Trong văn bia
này, dòng chữ thứ 2 (nói về Thái thượng hoàng) được tách sang viết ở một dòng
riêng và được đài lên cao hơn so với hàng đầu tiên (nói về đệ lục đế). Người khắc
chữ đã phải thể hiện như vậy bởi Thượng hoàng là người cao nhất đất nước lúc bấy
giờ, cao hơn cả vua thì không thể viết cùng hàng và xếp ở dưới vua được.
Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất trên văn bia đó là cụm từ “Hoàng Việt Trần
triều đệ lục đế” lại đứng trước cụm từ “Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng
hoàng đế”. Nếu xét theo logic trên thì có sự mâu thuẫn: Thượng hoàng lại bị đặt ở
sau vua, điều này không hợp lý. Hơn nữa dòng chữ cuối cùng trên văn bia có ghi
rõ niên hiệu là Khai Hựu. Do đó, có thể khẳng định rằng cụm từ “Hoàng Việt Trần
triều đệ lục đế” trong bài văn này muốn nhấn mạnh đến thời gian xảy ra sự kiện
này vào “Đời vua thứ 6 của triều Trần nước Đại Việt” tức khoảng thời gian trị vì
của hoàng đế Trần Hiến Tông chứ không phải nhắc đến nhân vật hoàng đế Trần
Hiến Tông.
Đây là một văn bia rất có giá trị lịch sử do đó phải đảm bảo tính chính xác. Vì
vậy, đoạn văn này cần phải được bàn luận và dịch lại cho sát hợp với nguyên văn
và để phù hợp với thế thứ các vua triều Trần trong lịch sử. Xin được góp ý chi tiết
về 1 bản dịch mới như phần dịch nghĩa ở trên. Đây chỉ là ý kiến cá nhân mạo muội
nêu ra, rất mong quý độc giả quan tâm để cùng xem xét, bàn luận và góp ý.
Tấm văn bia này có mặt nơi đây đã gần 7 thế kỉ nhưng đến nay vẫn còn là xa lạ
đối với nhiều người dân địa phương. Người ở xa thì không biết sự hiện diện của
tấm văn bia ghi lại thời kỳ hào hùng của dân tộc được viết bởi một danh nhân văn

hóa của đất nước, người gần thì không biết tấm bia kia có nội dung và ý nghĩa như
thế nào. Đây là một di sản quý giá cần phải được công nhận và bảo tồn để lưu lại
dấu ấn thời gian của cha ông ta nhằm giáo dục cho thế thệ trẻ về lịch sử của dân
tộc./.

Chú thích
(1)
Nguyên văn những dòng chữ quốc ngữ khắc gần hang ông Trạng:
Vì Mỹ nên phải ở đây/ Ngày nay gian khổ có ngày vinh quang/ Ngày 5.8.1964
Mỹ phá miền Bắc/ Tản cư 4.3.1965/ Về nhà 16.3.1980
(2)
Tấm bia ở lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1875, gồm 4935 chữ Hán,
làm bằng đá hoa cương nguyên khối lấy từ tỉnh Thanh Hóa vào (đá Thanh), chiều
cao toàn thân là 407cm, rộng 259cm. Trong đó, trán bia cao 97cm, rộng 287,5cm,
tai bia mỗi bên rộng 22cm, chỗ dày nhất là 48cm. Bia có trọng lượng ước tính
khoảng 22 tấn. Tấm bia này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ
lục là bia đá cao và nặng nhất Việt Nam vào năm 2008.
(3)
Số chữ của bài văn bia này cũng tương đương với một số bài văn khác viết ra
sau các cuộc chinh phạt thắng lợi.
Bài Phạt Tống lộ bố văn của Thái úy Lý Thường Kiệt soạn năm 1075 khi đánh
chiếm vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) có 145 chữ, ít hơn bia Ma Nhai 10 chữ.
Bài văn bia Ma Nhai Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn của vua Lê Thái
Tổ soạn ra khi thân chinh đánh dẹp Đèo Cát Hãn năm 1431 khắc tại núi Pú Huổi
Chơ xã Lay Tởư, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu có 132 chữ, ít hơn bia Ma Nhai
13 chữ.
Bài văn bia Ma Nhai Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê là bài văn bia thứ
2 của vua Lê Thái Tổ khi thân chinh đánh Đèo Cát Hãn khắc tại vách núi Hào
Tráng, tỉnh Hòa Bình cũng có số chữ tương tự như vậy.
Bài Quế Lâm ngự chế của vua Lê Thái Tông soạn ra năm 1440 khi dẹp loạn

Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) có
140 chữ, ít hơn bia Ma Nhai 15 chữ.

Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thọ, Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia tiến sỹ, Trung tâm hoạt
động văn hoá khoa học Văn miếu Quốc tử giám, 2002.
2. Viện khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, Nxb Khoa
học xã hội, 1998.
3. Viện sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb Giáo dục,
1998.
4. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999.

×