Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học "Đảng bộ tỉnh Nghệ An với công tác cổ động tuyên truyền trong những năm đầu thành lập Đảng " pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.37 KB, 9 trang )

Đảng bộ tỉnh Nghệ An với công tác cổ động tuyên truyền trong những năm
đầu thành lập Đảng
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta bước vào trận đấu tranh
quyết liệt với kẻ thù, bùng lên là Cao trào cách mạng 1930 - 1931. Có được kết
quả to lớn đó là bởi ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã có đường lối cách mạng khoa
học; nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn. Đường lối cách mạng đúng
đắn của Đảng, qua các chiến sĩ Cộng sản trên mặt trận cổ động tuyên truyền, đã
đến với mọi người dân yêu nước. Vì vậy, nhân dân ta đã giác ngộ, đi theo và chiến
đấu quên mình dưới lá cờ của Đảng quang vinh.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta bước vào trận đấu
tranh quyết liệt với kẻ thù, bùng lên là Cao trào cách mạng 1930 - 1931. Có
được kết quả to lớn đó là bởi ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã có đường lối
cách mạng khoa học; nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn. Đường
lối cách mạng đúng đắn của Đảng, qua các chiến sĩ Cộng sản trên mặt trận cổ
động tuyên truyền, đã đến với mọi người dân yêu nước. Vì vậy, nhân dân ta
đã giác ngộ, đi theo và chiến đấu quên mình dưới lá cờ của Đảng quang vinh.
1. Chủ trương của Đảng ta về cổ động tuyên truyền trong những năm đầu
thành lập Đảng.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cổ động tuyên truyền trong việc đưa
đường lối của Đảng đến với quần chúng, Hội nghị thành lập Đảng đã đề ra nhiệm
vụ “… Bỏ những tờ báo Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng
xuất bản trước đây. Ban Chấp hành Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý
luận và 3 tờ báo tuyên truyền của 3 xứ” (1).
Từ giữa năm 1930, phong trào cách mạng phát triển khắp cả nước, thực dân
Pháp thi hành chính sách dụ dỗ mua chuộc và khủng bố trắng tàn bạo. Ngày
3/1/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã gửi Thông cáo cho các cấp ủy về
việc đối phó lại chính sách đàn áp của địch, yêu cầu quần chúng “… phải bền lòng
cương quyết, đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu
tranh”(2) .
Quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Ban Chấp hành
Tỉnh Đảng bộ Nghệ An đã lập ra Ban Cổ động và Tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở


nhằm thực hiện sứ mệnh cao cả, trách nhiệm lớn lao của mình là tuyên truyền cổ
động quần chúng hăng hái tham gia cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ dưới sự
lãnh đạo của Đảng.
2. Đảng bộ tỉnh Nghệ An với công tác cổ động tuyên truyền trong những
năm đầu thành lập Đảng.
Công tác tuyên truyền cổ động tại Nghệ An vào những năm đầu khi Đảng mới
ra đời rất phong phú với nhiều hình thức khác nhau: báo chí, truyền đơn, văn, thơ,
vè, câu đối, diễn thuyết, diễn tuồng, điếu văn… Nhờ vậy đã tạo ra bước chuyển to
lớn trong nhận thức của nhân dân, vận động và tập hợp được đông đảo quần chúng
tham gia cách mạng.
2.1. Tuyên truyền cổ động qua báo chí cách mạng.
Báo chí cách mạng là công cụ cổ động tuyên truyền mà Tỉnh ủy chú trọng thiết
lập. Ở Nghệ An, trong những năm 1930 - 1932, từ Tỉnh ủy, Khu bộ Vinh - Bến
Thủy đến hầu hết các huyện Đảng bộ đều có các tờ báo riêng của mình. Đó là các
tờ như: tờ Nghệ An Đỏ (1930) và Tiến Lên (1931) của Tỉnh ủy; tờ Chuông Vô Sản
(1931) và Cờ Dẫn Đạo (1932) của Khu bộ Vinh - Bến Thủy; tờ Chỉ Trích (1932)
của Huyện ủy Nghi Lộc; tờ Tia Sáng (1930) và Lao Động (1931) của Huyện ủy
Quỳnh Lưu; tờ Nhà Quê (1931) của Huyện ủy Thanh Chương; tờ Sản Nghiệp
(1930) của Huyện ủy Hưng Nguyên; tờ Giác Ngộ (1930) của Huyện ủy Nam Đàn.
Trong thời gian này, xuất hiện một tờ báo hết sức đặc biệt là “báo miệng” với các
tên gọi Đề Lao Tuần Báo, Ngục Báo ra đời ngay chính nơi mà bọn đế quốc Pháp
và tay sai muốn khuất phục tinh thần cách mạng của các chiến sĩ yêu nước - Nhà
lao Vinh.
Trong hoàn cảnh Đảng mới ra đời, lại hoạt động bí mật nên các tờ báo cách
mạng đó còn đơn giản về nội dung, mang dáng dấp của tờ truyền đơn, chủ yếu
được in thủ công (in thạch), số lượng phát hành mỗi số không nhiều… Nhưng đã
vượt qua sự cấm đoán nghiệt ngã của kẻ thù, kịp thời chuyển tải đường lối của
Đảng đến với quần chúng yêu nước, là lời tố cáo đanh thép đối với tội ác của bọn
đế quốc và tay sai, thúc dục quần chúng tranh đấu giành quyền lợi.
Chẳng hạn, tờ Lao Động số 2 ngày 20/9/1931 phản ánh tình cảnh của dân cày

lúc bấy giờ “Dù 3, 4 năm nay mùa màng mất ráo, năm thì bị hạn, năm thì bị lụt
chẳng năm nào được hoàn toàn cả.
Vì sao! Bởi trời chăng? Bởi phật chăng? Không, cũng bởi bàn tay tàn bạo của
đế quốc Pháp và bọn phong kiến địa chủ kia chỉ lo bòn sức móc thuế, bóc lột, hà
hiếp đủ đường chứ không lo cứu chữa gì cho chúng ta”(3). Qua việc phản ánh nỗi
khổ cực ấy, các cấp bộ Đảng đã kêu gọi quần chúng cần phải đoàn kết để đấu
tranh giành lại quyền lợi chính đáng của mình.
Không chỉ tập trung chủ đề kêu gọi quần chúng đoàn kết, đấu tranh, báo chí
cách mạng của các cấp bộ Đảng tại Nghệ An trong thời gian này còn làm tròn
trọng trách là kịp thời đưa tin về các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân
trong tỉnh từ ngày có Đảng; trình bày những thắng lợi, hạn chế của một số cuộc
đấu tranh để rút ra bài học kinh nghiệm về sau. Bài “Tự chỉ trích” của Tỉnh ủy,
trên báo Tiến Lên số ngày 12/9/1931 đã viết: “Xét ra công việc của chúng ta bấy
lâu nay vì nhiều điều sai lầm khuyết điểm, làm cho phong trào tranh đấu của
chúng ta ngưng lại mà thừa dịp đó đế quốc tấn công. Giờ đây, phong trào đấu
tranh ngày một thụt lùi, nguyên nhân như sau:
1) Trong các cuộc tranh đấu thường có tính chất thỏa hiệp do dự và không
triệt để
2) Ít khi tranh đấu về chính trị mà lại sợ tranh đấu về chính trị.
3) Khi tranh đấu kế hoạch không thống nhất
6) Khi đế quốc dùng chính sách cải lương lừa gạt quần chúng hay là dùng thủ
đoạn dã man đàn áp, quần chúng không hết sức tuyên truyền cổ động cho thật náo
nhiệt để giải thích cho toàn thể anh em, chị em hiểu cần phải tranh đấu mới bênh
vực được quyền lợi của mình, và vạch rõ âm mưu của đế quốc cho họ hiểu mà
định kế hoạch đối phó cho thống nhất”(4).
Việc đăng tải những tin tức trên là một công tác tư tưởng chính trị vô cùng
quan trọng đối với các cấp bộ Đảng, góp phần tăng cường nhiệm vụ giáo dục quần
chúng và cán bộ Đảng viên.
Ngoài ra, nhân dịp những ngày lễ quan trọng trong nước và thế giới, trên một
số tờ báo như Sóng Cách Mệnh, Tiến Lên, Gương Vô Sản, Lao Động,v.v đã có

những bài viết về những ngày tháng lịch sử đó, nhằm mục đích tuyên truyền sâu
rộng trong quần chúng nhân dân; để quần chúng nhân dân hiểu rõ ý nghĩa quan
trọng của các sự kiện này. Đó là ngày kỷ niệm Công xã Pari, ngày sinh Các - Mác,
ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ngày thành lập Quốc tế Cộng sản
Đồng thời, báo chí của các cấp bộ Đảng Nghệ An lúc này còn phản ánh về
công tác xây dựng Đảng thông qua mục đưa tin về thi hành kỷ luật một số đảng
viên, nhằm mục đích làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Báo Tiến Lên
số 25 ra ngày 10/01/1932 có đoạn: “Đồng chí Liệu, Thường vụ Tỉnh ủy được yêu
cầu về bắt mối địa phương, thấy đế quốc bắt cha, rồi bỏ công việc Đảng đâm đầu
ra đầu thú.
Nên Tỉnh ủy quyết nghị khai trừ để rõ cái mặt nạ hoạt đầu và óc cảm tình gia
tộc của đồng chí ấy ra, đồng thời để làm gương cho kẻ khác”(5).
Nhờ hoạt động tích cực của các cấp bộ Đảng và tinh thần quên mình vì nước vì
dân của các chiến sĩ Cộng sản trên mặt trận tuyên truyền cổ động, nên báo chí
cách mạng tại Nghệ An thời gian này đã làm tròn trọng trách “cỗ vũ tập thể và
tuyên truyền tập thể”. Tạo mốc son chói lọi về vai trò, sứ mệnh lịch sử vẻ vang
của báo chí cách mạng nước nhà nói chung và Nghệ An nói riêng.
2.2. Cổ động tuyên truyền qua truyền đơn và diễn thuyết.
Cùng báo chí cách mạng, thì truyền đơn và diễn thuyết là những biện pháp
tuyên truyền, cổ động mà các chiến sĩ Cộng sản của Nghệ An sử dụng trong những
năm đầu thành lập Đảng.
Truyền đơn cách mạng thực sự là thứ vũ khí tinh thần vô địch trong tay các
chiến sĩ cách mạng bởi ưu thế, tác dụng to lớn của nó. Với những nội dung phong
phú, ngắn gọn, những tờ truyền đơn được rải, dán, treo ở nhiều nơi, ở nhiều thời
điểm khác nhau, làm cho quân thù hoang mang khiếp sợ, xây dựng được niềm tin
sắt đá của nhân dân với Đảng.
Lúc này ở Nghệ An, ngoài truyền đơn của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng
Cộng sản Đông Dương từ 10 - 1930), còn có truyền đơn của Tỉnh ủy, Huyện ủy
mang nhiều nội dung khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung kêu gọi quần chúng
đoàn kết đấu tranh, đi theo tiếng gọi của Đảng, vạch trần tội ác của đế quốc và bọn

tay sai… Mặc dầu, kẻ thù ra sức cấm đoán và bắt bớ, thậm chí vào cuối năm 1931,
Tỉnh ủy Nghệ An chỉ còn lại 5 đồng chí, phải dời cơ quan lên rừng núi ở Thanh
Chương, Anh Sơn nhưng vẫn in được truyền đơn để rải nhằm gây dựng phong trào.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An còn ghi lại những cuộc rải truyền đơn có tiếng
vang lớn, như cuộc rải truyền đơn ngày 7/2/1931 tại huyện Yên Thành. Ngày ấy, ở
Yên Thành, bọn quan lại đang thực hiện âm mưu thâm độc “Rước cờ vàng và phát
thẻ quy thuận” nhằm lung lạc tinh thần đấu tranh của nhân dân. Tại buổi lễ ấy, để
lấy lòng thượng cấp, chúng mời cả Công sứ Vinh, tên mật thám Pơ-ti khét tiếng
gian xảo và cả Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Nguyễn Khoa Kỳ đến tham dự. Khi
buổi lễ bắt đầu thì “truyền đơn bỗng xuất hiện la liệt khắp nơi, cả trên ô tô của
bọn chúng”(6). Thậm chí, truyền đơn còn xuất hiện ngay cả trên áo tên tay sai
Nguyễn Loan, một tay sai đắc lực luôn chỉ điểm cho Pháp bắt bớ những người yêu
nước. Buổi lễ trở nên hỗn loạn, riêng tên mật thám Nguyễn Loan trên đường về đã
bị bắn chết.
Ngoài ra, diễn thuyết là một trong những hình thức tuyên truyền cổ động đem
lại những hiệu quả lớn. Qua người diễn thuyết, đường lối, chủ trương của Đảng
đến được với đông đảo quần chúng một cách trực tiếp, dễ đi vào lòng người và
vượt qua được những hạn chế về trình độ học vấn Trong những năm 1930 - 1932,
với tinh thần quả cảm, các cán bộ tuyên truyền của Đảng tại Nghệ An đã tổ chức
rất nhiều cuộc diễn thuyết để lại ấn tượng sâu sắc trong quần chúng nhân dân. Lịch
sử còn ghi lại cuộc diễn thuyết ngày 12/9/1930 của chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga
(tức Phia) trong ngày biểu tình ở Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình đi đến giữa
đường, chị đã đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị, tuyên
truyền đường lối chính sách của Đảng, kêu gọi quần chúng đứng lên chiến đấu
dưới màu cờ chói lọi của Đảng. Hay cuộc diễn thuyết của một học sinh trong đám
ma ở Kim Liên - Nam Đàn ngày 28/8 (Âm lịch), trước khoảng 300 người mà báo
Sản Nghiệp đã đưa tin,v.v Đó là những ví dụ sinh động về những đóng góp to
lớn của các chiến sĩ cách mạng, bất chấp hiểm nguy để kêu gọi, vận động quần
chúng đấu tranh.
2.3. Cổ động tuyên truyền bằng thơ ca.

Cùng với những tờ báo, truyền đơn, bài diễn thuyết là những vần thơ ca cách
mạng với nhiều thể loại như: thơ, văn, vè, câu đối… do những người yêu nước của
Nghệ An sáng tác. Những vần thơ, văn cách mạng đã trở thành vũ khí tinh thần to
lớn trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, đi vào lòng quần chúng với cả tinh thần, nhiệt
huyết cách mạng và với cả niềm tin thắng lợi dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng
lãnh đạo.
Đọc bài thơ “Giới thiệu về Liên Xô” của Trương Vân Lĩnh viết năm 1931,
chúng ta bắt gặp những câu chứa chan xúc động và một niềm tin mãnh liệt:
“Theo gương Bôn-sê-vích
Chiến đấu đến kỳ cùng
Xô Viết rạng trời đông
Dù chết cũng cam lòng
Thiếp khuyên chàng bền chí
Thiếp xin chàng bền chí.”(7).
Đặng Chánh Kỷ (1890 - 1931), một cán bộ Ban Tuyên truyền Cổ động xuất sắc
của Tỉnh ủy trong những năm 1930 - 1931, đã sáng tác nhiều bài thơ, bài văn để
vận động quần chúng tham gia cách mạng. Trong đó bài “Bài ca cách mạng” của
ông được phổ biến rộng rãi, để lại dấu ấn sâu sắc, cho đến nay những lời thơ ấy
vẫn còn sục sôi nhiệt huyết:
“… Hơi nghĩa khí dồn vang bốn mặt
Dải đồng tâm thắt chặt muôn người
Lợi quyền ta cố ta đòi
Dần xương đế quốc, xẻo môi quan trường…
Làm cho nó không đường an nghỉ
Đến thời cơ ta sẽ dùng binh
Ở ngoài, quốc tế liên minh
Ở trong, quần chúng đồng tình kéo lên…”(8).
Một loạt những bài văn tế, văn truy điệu do các chiến sĩ Cộng sản và quần
chúng yêu nước sáng tác tuy làm theo thể biền ngẫu, nhưng cũng có sức rung cảm
mãnh liệt, là một trong những mạch nguồn cổ vũ quần chúng đấu tranh theo gương

đồng bào đã hy sinh quên mình vì nước.
Đôi câu đối điếu trong buổi lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Công Thường, người
Thanh Chương, hi sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930, là một bằng
chứng sinh động về hình thức cổ động tuyên truyền của các chiến sĩ trên mặt trận
tư tưởng: “Đau đớn thay nghĩ lại càng đau, nhà tan nước mất, của hết dân mòn,
bể thảm lênh đênh làn sóng đỏ; Chết như thế mới là nên chết, đất động trời vang,
non sông sầu tủi, hồn thiêng phất phới ngọn cờ đào”(9).
Bài văn tế các chiến sĩ bị giết ở Yên Phúc (Anh Sơn) và Song Lộc (Nghi Lộc)
của đồng chí Nghi người Thanh Chương, khi đến với quần chúng thực sự có tác
dụng tuyên truyền cổ vũ lớn lao: “Đau đớn nhẽ gió sầu mưa thảm, một cọc lim, ba
thước đất, găng mồm bịt mắt, thằng Tây giết sống bạn trung lương; Vẻ vang thay
đất rộng trời cao, ba hồi trống, một hồi chiêng, hiệu lệnh phép truyền, năm loạt
súng đưa hồn người cách mạng
Giận bừng trời biết trả lúc nào xong; sầu tựa biển biết khi mô thì tính?
Vẫn biết rằng: Người cách mệnh chẳng kể gì sinh tử, trăm nguy ngàn hiểm,
mảnh hình hài dù có cũng như không…”(10).
Như vậy, cùng với những tờ báo cách mạng, những cuộc diễn thuyết, những
vần thơ, bài văn… dưới ngòi bút của các chiến sĩ Cộng sản trên mặt trận cổ động
tuyên truyền trở thành vũ khí tinh thần bất diệt, đã cổ động, khơi dậy tinh thần
cách mạng sôi sục trong nhân dân, là một trong những nguyên nhân sâu xa thổi
bùng Cao trào cách mạng 1930 – 1931./.

Chú thích
(1), (2) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1976), Những sự kiện Lịch
sử Đảng, tập 1 (1930 - 1945), Nxb Sự Thật, HN, tr173; tr227 - 228.
(3) Báo Lao Động số 20/9/1931, lưu tại Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An. Ký hiệu
LV 58.
(4), (5) Báo Tiến Lên số ngày 12/9/1931, 17/12/1931 và 10/1/1932 lưu tại Bảo
tàng Tổng hợp Nghệ An. Ký hiệu LV 58.
(6) Tiểu Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (2005), Nghệ An

những tấm gương Cộng sản (Tập 2), Nxb Nghệ An, tr383.
(7) Ty Văn hóa Nghệ An phát hành (1960), Thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -
1931, tr10.
(8), (10) Ninh Viết Giao (1971), Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, Hội Văn nghệ dân
gian Nghệ An, tr64; tr161-162.
(9) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1998), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ
An, tập 1 (1930 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, tr66.

×