Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học "Đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhà trường và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung" pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.57 KB, 7 trang )

Đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhà trường và doanh
nghiệp cần có tiếng nói chung
Từ khi nước ta hội nhập sâu và toàn diện với thế giới, vấn đề đào tạo theo nhu cầu
xã hội được đặc biệt quan tâm. Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng
chương trình hành động quốc gia về đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Các trường
đại học đã tổ chức nhiều hội thảo về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tại các cuộc gặp
gỡ tiếp xúc giữa nhà trường và doanh nghiệp, vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội
luôn được đặt ra và thảo luận sôi nổi. Như thế nào là đào tạo theo nhu cầu xã hội,
làm thế nào để các trường đại học nắm bắt được nhu cầu xã hội cần bao nhiêu
nhân lực cho từng ngành nghề để đào tạo không thừa, không thiếu; xã hội cần loại
hình nhân lực như thế nào, chất lượng ra sao để bố trí nội dung
1. Thế nào là đào tạo theo nhu cầu xã hội
Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, các trường đại học đã có chủ
trương "đào tạo cái xã hội cần chứ không đào tạo cái nhà trường có". Nhưng xã
hội cần cái gì, cần bao nhiêu, thì Bộ GD&ĐT và các trường đều chưa nắm bắt
được. Ngay cách hiểu đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng chưa thống nhất. Theo
chúng tôi hiện nay tồn tại ba cách hiểu:
Thứ nhất, đào tạo đúng những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, không đào
tạo thừa, lãng phí. Như vậy, các trường cần phải nắm bắt được nhu cầu của xã
hội và căn cứ vào nhu cầu đó để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho từng
ngành học.
Thứ hai, có thể hiểu đào tạo theo nhu cầu xã hội là đào tạo sinh viên ra trường
đáp ứng được yêu cầu về năng lực của nhà tuyển dụng đưa ra. Tại bộ tiêu chuẩn
đầu ra của các trường đại học phải có tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Ví dụ tốt nghiệp cử nhân Tài chính - Ngân hàng phải đạt trình độ chuyên môn cỡ
nào, ngoại ngữ ra sao, tin học thế nào. Chúng ta hiểu là nhu cầu xã hội như một
cỗ máy có nhiều bộ phận. Nhà trường phải "sản xuất" ra các bộ phận của cái máy
đó, để lắp ráp vào máy sẽ chạy trơn tru.
Thứ ba, đào tạo theo nhu cầu xã hội có nghĩa là các doanh nghiệp, các tổ chức
kinh tế - xã hội đặt hàng cho nhà trường theo phương thức ký kết hợp đồng. Gọi
chung là "đào tạo theo địa chỉ". Trách nhiệm đào tạo không chỉ thuộc về nhà


trường mà cả doanh nghiệp nữa.
2. Sản phẩm đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, do đâu?
Gần đây rất nhiều nhà tuyển dụng cho rằng khi tiếp nhận sinh viên ra trường
các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Khoảng 70% kiến thức sinh viên được
học ở trường không sử dụng được. Mặt khác, xã hội có sự thừa thiếu cục bộ giữa
các loại hình lao động. Vì thế nhiều sinh viên ra trường, tốt nghiệp loại khá, giỏi
vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Trái lại có lĩnh vực do thiếu nhân lực cho
nên phải sử dụng những sinh viên chất lượng thấp. Có thể chỉ ra một số nguyên
nhân chính dẫn đến thực trạng này:
- Hàng năm Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường chưa căn cứ nhu
cầu xã hội hay căn cứ vào khả năng của từng trường? Lẽ ra Bộ phải nắm bắt nhu
cầu xã hội để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi đó Bộ lại căn cứ vào năng
lực giảng viên và cơ sở vật chất của trường.
- Nhu cầu xã hội phong phú, đa dạng, biến động thường xuyên, làm thế nào
để người học thích ứng được. Bộ đã có khẩu hiệu "nói không với đào tạo không
đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội" song thế nào là đạt chuẩn lại chưa
xác định được. Cần phân biệt đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp lớn, kỹ
thuật hiện đại thì khác với đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa. Cứ đào tạo
như hiện nay chẳng khác gì vác
đại bác đi bắn chim sẻ.
- Nhà trường chạy theo nhu cầu thị trường, đào tạo theo phong trào, thị hiếu,
bị động chạy theo yêu cầu trước mắt mà không có kế hoạch lâu dài. Không chăm
lo xây dựng đội ngũ giảng viên để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt
trình độ quốc tế.
- Chương trình đào tạo ở hầu hết các trường còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành,
chưa gắn với thực tiễn cuộc sống. Chương trình của các trường rất nặng nề, dàn
trải, ôm đồm. Cái gì sinh viên cũng biết nhưng không biết được cái gì sâu sắc cả.
Ví dụ, nhà trường tốn nhiều công sức để dạy ngoại ngữ và tin học, song khi ra
trường ít người sử dụng được ngoại ngữ, tin học thành thạo, phải học thêm mới
làm được. Đó là vì chỉ dạy theo chương trình tin học, ngoại ngữ đại cương,

không dạy theo yêu cầu chuyên môn. Nhiều môn học không có nội dung khoa
học, hoặc nội dung đã lạc hậu. Sinh viên học lý thuyết mà không biết mình học
để làm gì, sử dụng vào đâu. Vì nhà trường chưa khảo sát nhu cầu xã hội, thị
trường lao động, yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xây dựng chương trình cho
ngành học, môn học.
- Giảng viên phần lớn thiếu kiến thức thực tế. Không ít giảng viên quanh năm
lên lớp, không có thời gian để đi thực tế, hoặc có đi thì chỉ "cưỡi ngựa xem hoa".
Đi thực tế phải thực sự "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với doanh nghiệp, mà muốn
thế phải có đủ tài chính. Đó là chưa kể cần phải thực tế nước ngoài. Có chuyện lạ
là có cán bộ làm luận án tiến sỹ về Nhật Bản mà không hề có 1 giờ đến Nhật. Ở
Việt Nam đọc tài liệu tiếng Việt mà vẫn bảo vệ thành công luận án về Nhật Bản.
Có thể nói kiến thức thực tế của giảng viên rất thấp. Điều này rất đáng lo ngại.
Ví dụ, dạy về thị trường chứng khoán mà giảng viên chưa một lần lên sàn giao
dịch chứng khoán; dạy về kiểm toán nhưng giảng viên chưa từng tham gia kiểm
toán.
- Doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho cán bộ và sinh viên thực tập. Nhiều
doanh nghiệp từ chối không nhận sinh viên thực tập vì nhiều lý do khác nhau.
Nhà trường và doanh nghiệp chưa thật sự phối hợp tốt trong đào tạo sinh viên.
Bộ, ngành chưa có những cơ chế ràng buộc để doanh nghiệp có trách nhiệm
trong việc hướng dẫn sinh viên thực tập. Điển hình nhất là doanh nghiệp thiếu
nhiệt tình, thiếu quan tâm đến sinh viên thực tập. Nhiều sinh viên cho rằng trong
thời gian thực tập, sinh viên chỉ được xem mà không được làm. Mang tiếng là
thực tập nhưng chỉ tham quan là chính, hoặc chỉ "rửa cốc chén và quét nhà".
- Nhiều sinh viên chưa biết định hướng nghề nghiệp trước khi thi vào trường
đại học. Sinh viên chọn ngành nghề mà không hiểu ngành nghề đó có phù hợp
với mình không. Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được quan
tâm đúng mức. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói "Hiện nay chúng ta chưa
làm tốt công tác dự báo và chiến lược nguồn nhân lực, tỷ lệ cung cấp lao động
còn mất cấn đối ''. Người học, học tự phát theo phong trào, theo tâm lý đám
đông. Vì thế, gần đây một số ngành đào tạo thật sự quá tải gây nên sự lãng phí

lớn.
3. Giải pháp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
- Các trường đại học cần quan tâm đến công nghệ đào tạo mà “công nghệ đào
tạo gắn với nhu cầu xã hội có 2 nhân tố cơ bản là chương trình và giảng viên”.
Về chương trình đào tạo nên cắt giảm các môn chung (môn đại cương, môn cơ
bản, cơ sở ngành), dành 2/3 thời lượng cho các môn chuyên ngành. Giảm thời
gian dạy lý thuyết, tăng thời gian thực tế, thảo luận. Nhất thiết không để sinh
viên học chay. Gắn với đổi mới chương trình đào tạo là đổi mới công nghệ thi cử.
Tăng cường thi vấn đáp, làm các bài tập tình huống, thực hành. Hình thức thi này
buộc sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu. Đề thi không nên quá dài, giảm các
câu hỏi học thuộc, thời gian làm bài 90 phút là tối đa.
- Giảng viên là nhân tố hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo. Về giảng
viên, cần sử dụng giảng viên có kinh nghiệm dạy lý thuyết, giảng viên chưa có
kinh nghiệm dạy thực hành. Dành thời gian cho giảng viên nghiên cứu thực tế,
mỗi năm khoảng 1 tháng. Khuyến khích việc mời doanh nghiệp tham gia giảng
dạy cho sinh viên, bởi vì chính họ mới biết sinh viên cần gì, thiếu gì. Mạnh dạn
sử dụng giảng viên và cán bộ quản lý đang làm việc tại doanh nghiệp. Ví dụ,
Trưởng khoa có thể là giám đốc một công ty, hoặc kế toán trưởng hay giám đốc
ngân hàng. Chính những kinh nghiệm, hiểu biết quý báu của họ sẽ dắt dẫn sinh
viên đi vào thực tế cho sinh viên.
- Doanh nghiệp không chỉ thụ động ngồi chờ sản phẩm của các trường đại học
mà nên đặt hàng cho nhà trường về loại hình nhân lực mà mình cần và khi sinh
viên ra trường nhận họ về làm việc. Gần đây các doanh nghiệp gửi sinh viên về
cho các trường đào tạo, gọi tắt là đào tạo theo địa chỉ. Nhưng chính những sinh
viên đó khi đến thực tập tại doanh nghiệp, doanh nghiệp không đồng ý nhận. Quá
trình đào tạo doanh nghiệp không bỏ chi phí, không cần biết sinh viên đó học ra
sao. Hình thức liên kết này quá lỏng lẻo, hời hợt. Ở nước ngoài doanh nghiệp cần
lao động giỏi, phải bỏ tiền ra cho các trường đào tạo.
- Để đào tạo theo nhu cầu xã hội đạt hiệu quả, người học phải thay đổi nhận
thức. Học để làm việc chứ không phải để lấy bằng. Nếu sinh viên muốn được xã

hội thừa nhận, tôn vinh thì chính họ phải tự học, tự vươn lên. Người học phải
biết trong 4 năm học cần học như thế nào. Người học chủ động trong lựa chọn
ngành nghề. Nghề bạn chọn phải phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đa số sinh viên
hiện nay chưa xác định được mục đích học rõ ràng, vì vậy chưa thực sự phấn đấu,
chưa có phương pháp học tập thích hợp. Nhà trường chưa tạo điều kiện tối ưu về
cơ sở vật chất cho người học. Nhiều nơi thiếu bàn ghế, tài liệu giáo trình, thiếu
giảng viên lên lớp, hoặc sử dụng giảng viên chưa đạt chuẩn. Cần phải nhắc lại
câu nói đã cũ là "dạy ai, ai dạy". Người học phải được chọn thầy cô dạy.
- Các trường cần tăng thời gian thực tập nghề cho sinh viên. Mỗi khóa học 4
năm phải dành 1 học kỳ cho thực tập nghề, để cho doanh nghiệp đánh giá sinh
viên thực tập. Ngoài ra nhà trường cần xây dựng môi trường ảo cho sinh viên
thực hành ngay trong trường.
- Các trường đại học cần quảng bá thương hiệu của mình với doanh nghiêp.
Các trường nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp đối với
từng loại hình lao động. Đồng thời phải điều tra xem sinh viên ra trường được sử
dụng như thế nào, thừa loại nghề nào, ngành nghề nào thiếu để từ đó xác định chỉ
tiêu tuyển sinh cho từng ngành học. Quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường
cần được gắn kết trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đó là cách tốt nhất
để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tóm lại, đào tạo theo nhu cầu xã hội là vấn đề lớn mang tầm cỡ quốc gia. Từ
4 năm nay (2008 đến nay), Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các trường đại học đã tổ
chức nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này. Tuy vậy, trong thực tế vẫn đang gặp
không ít khó khăn. Giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa có sự đồng hành. Nhà
nước chưa có chính sách động viên khuyến khích. Nhà trường và doanh nghiệp
đã có các quan hệ như ký kết hợp đồng đào tạo, nhận sinh viên ra trường, cấp
học bổng. Doanh nghiệp và các trường đại học đã xích lại gần nhau, song giữa
đào tạo và sử dụng, giữa đào tạo và nhu cầu xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Tình
hình trên đang đòi hỏi một lời giải ngắn cho một bài toán khó mà không ai khác,
nhà trường và doanh nghiệp cần phải đồng tâm, đồng hành./.


■ PGS. TS Nguyễn Đăng Bằng

×