Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động KH-CN cấp huyện ở Nghệ An
Nhân Hội nghị giao ban KH-CN cấp huyện năm 2011 tổ chức tại Thị xã Thái Hoà
vào tháng 7/2011, Thông tin KH-CN Nghệ An (ấn phẩm của Sở Khoa học và
Công nghệ Nghệ An) đã ghi lại ý kiến, chia sẻ, kinh nghiệm của một số lãnh đạo,
cán bộ phụ trách KH-CN cấp huyện cũng như mong muốn của người dân về hoạt
động KH-CN trên địa bàn các huyện tỉnh Nghệ An.
* Ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: “ Trong
công tác nghiên cứu xây dựng, triển khai các đề tài, dự án KH-CN cấp huyện,
nên chú ý đến việc ứng dụng, nhân rộng, đảm bảo hiệu quả thiết thực nhất đối
với địa bàn miền núi ”
Công tác KH-CN cấp huyện hiện nay chủ yếu là thực hiện một số nhiệm vụ
theo kế hoạch được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thẩm định nội dung
và phê duyệt từ đầu năm. Điều này tạo điều kiện cho Hội đồng KH-CN huyện
chủ động thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, tổ chức triển khai đúng theo hạng
mục dự toán đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với huyện Quế Phong, một huyện xa
trung tâm, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH-CN có những phát sinh
ngoài dự kiến, mà kinh phí bổ sung hàng năm hạn hẹp nên việc điều chỉnh kế
hoạch gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác,
là huyện miền núi vùng cao biên giới, nhân dân còn khó khăn về đời sống, trình
độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giao thông đi lại không thuận lợi, để
triển khai một cách hiệu quả các hoạt động KH-CN trên địa bàn không phải là
một việc đơn giản. Cán bộ phụ trách KH-CN huyện thì còn phải kiêm nhiệm nên
nhiều lúc công tác quản lý nhà nước về KH-CN của huyện chưa đáp ứng yêu đề
ra. Cho nên, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động KH-CN của huyện, cần có
bộ phận chuyên trách về KH-CN (từ 2-3 người) để theo dõi sát sao hơn việc triển
khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN trên địa bàn. Và trong công tác nghiên cứu
xây dựng, triển khai các đề tài, dự án KH-CN cấp huyện, nên chú ý đến việc ứng
dụng, nhân rộng, đảm bảo hiệu quả thiết thực nhất đối với địa bàn miền núi./.
* Ông Phan Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: “ Thực
tiễn công tác quản lý KH-CN cấp huyện hiện nay đang đặt ra những vấn đề
đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách và tổ chức ”
Thực tiễn công tác quản lý KH-CN cấp huyện hiện nay đang đặt ra những vấn
đề đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách và tổ chức.
Để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cần
giải quyết nhiều vấn đề, trong đó:
- Cần có cơ chế, chính sách và tổ chức phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả
hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, trung tâm khuyến nông,
khuyến công, hỗ trợ phát triển nông thôn nhằm tăng cường mối liên kết chặt
chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa nghiên cứu, sản xuất và đời sống.
- Địa bàn huyện là nơi trực tiếp đưa tiến bộ khoa học đến với người dân, là nơi
áp dụng và nhân rộng những thành quả nghiên cứu KH-CN vào sản xuất nên cần
có nguồn kinh phí phù hợp, nhất là đối với huyện thuần nông, ngân sách khó
khăn.
- Hoạt động KH-CN bao trùm nhiều lĩnh vực, địa bàn
rộng nhưng hiện nay mỗi huyện chỉ có 1 lãnh đạo và 1 cán bộ không
chuyên trách giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về
KH-CN. Điều này đã gây khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN.
Cho nên, cần có chính sách chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN cấp
huyện, trong đó quan trọng nhất là công tác tập huấn, đào tạo nâng cao trình
độ, rèn luyện kỹ năng làm việc và bố trí đủ biên chế./.
* Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: “
cần nghiên cứu để xây dựng bộ máy thống nhất theo ngành dọc từ trung ương
đến cơ sở. Cấp huyện nên có phòng quản lý KH-CN và ở cấp xã cũng cần có
một chức danh đảm nhiệm các công việc về KH-CN.”
Thanh Chương là huyện miền núi nằm trong vùng Tây Nam của tỉnh Nghệ
An, là huyện đất rộng, người đông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, UBND huyện rất quan tâm đến lĩnh vực hoạt động KH-
CN, coi đây là bước đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy địa bàn
rộng, không có cán bộ chuyên trách, công tác quản lý KH-CN ở địa phương gặp
nhiều khó khăn nhưng huyện đã tìm cách khắc phục bằng cách lồng ghép nhiệm
vụ KH-CN với các phòng ban chuyên môn một cách chặt chẽ. Hội đồng KH-
CN gồm các thành viên đại diện cho các phòng, ngành liên quan, có trách
nhiệm chỉ đạo các phòng, ngành của mình thực hiện các nhiệm vụ KH-CN
được giao. Từ thực tiễn cơ sở, chúng tôi thấy rằng để hoạt động KH-CN của
huyện phát triển mạnh mẽ, cần phải có những giải pháp đồng bộ:
- Về tổ chức, Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng bộ máy thống nhất
theo ngành dọc từ trung ương đến cơ sở. Cấp huyện nên có phòng quản lý
KH-CN và ở cấp xã cũng cần có một chức danh đảm nhiệm các công việc về
KH-CN.
- Về chính sách, cần bổ sung chính sách cho các doanh nghiệp, cá nhân
nghiên cứu, ứng dụng thành công các công nghệ mới, có giá trị, ví dụ như
Nhà nước tài trợ cho những nghiên cứu của cá nhân, doanh nghiệp có triển
vọng; mua lại kết quả những nghiên cứu có giá trị; có chính sách miễn, giảm
thuế cho những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trên dây chuyền công
nghệ do mình phát minh, sáng chế; đồng thời làm tốt công tác bảo vệ quyền
tác giả…
- Về ngân sách, một mặt tăng cường kinh phí cho các hoạt động KH-CN; mặt
khác cần đầu tư tập trung, không dàn trải, đồng thời tăng tính chủ động cho cấp
huyện./.
* Ông Phan Công Hải - Cán bộ phụ trách KH-CN huyện Yên Thành:
“ cần tập trung xây dựng nền sản xuất quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ sản
phẩm ổn định, để người sản xuất yên tâm đầu tư và ứng dụng các tiến bộ
KHKT vào sản xuất, đưa lại hiệu quả kinh tế cao ”
Trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông
nghiệp ở huyện Yên Thành ngày càng được phát huy mạnh mẽ, huy động được
nguồn lực sẵn có của địa phương và lồng ghép được các chương trình, dự án
phát triển kinh tế - xã hội, như chương trình sản xuất nấm, sản xuất gạo sạch,
sản xuất lúa giống , giải quyết được các vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra,
góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo ra nghề mới, thay đổi tập quán canh tác của
người nông dân. Một số mô hình ứng dụng đem lại lợi ích kinh tế - xã hội ở
huyện Yên Thành như: Mô hình kinh doanh rừng tổng hợp phát triển bền vững
tại xã Hùng Thành; Mô hình nuôi thỏ New ZiLân - Nam Thành; Mô hình sản
xuất giống lúa BC15 vụ hè thu - Nhân Thành; Mô hình chăn nuôi gà sinh sản -
Quang Thành; Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản - Quang Thành; Ứng dụng
các tiến bộ KHKT chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất chuyên canh
lúa theo hướng gia trại tại xã Đô Thành.
Trong thời gian tới, để triển khai các mô hình ứng dụng KH-CN trên địa bàn
huyện đạt kết quả cao hơn nữa, lãnh đạo tỉnh cũng như ngành KH-CN cần tập
trung xây dựng nền sản xuất quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định,
để người sản xuất yên tâm đầu tư và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất,
đưa lại hiệu quả kinh tế cao./.
* Ông Nguyễn Xuân Thanh - Cán bộ phụ trách KH-CN Thị xã Cửa Lò:
“ Dù phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nhưng nếu biết chia sẻ và giao việc
cho những cán bộ có chuyên môn liên quan thì hoạt động quản lý KH-CN trở
nên đơn giản hơn ”
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phụ trách KH-CN của Thị xã Cửa Lò, để
khắc phục những khó khăn do phải kiêm nhiệm, tôi đã chủ động tham mưu cho
Trưởng phòng Kinh tế là phòng thường trực Hội đồng KH-CN Thị xã, giao cho
một số cán bộ chuyên viên trong phòng Kinh tế đảm nhiệm một số lĩnh vực liên
quan đến chuyên môn của họ, cụ thể giao cho kỹ sư nông nghiệp theo dõi và quản
lý công tác ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp; giao cho kỹ sư thuỷ sản
theo dõi, quản lý và định hướng cho ngư dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực khai
thác và chế biển thuỷ hải sản; giao cho cử nhân quản trị kinh doanh theo dõi và
quản lý về việc ứng dụng KH-CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng thời kiểm soát về đo lường chất lượng sản
phẩm hàng hoá trên địa bàn. Sự phân công hợp lý đó đã góp phần cho hoạt động
KH-CN của Thị xã ngày càng hiệu quả hơn. Do đó, dù phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh
vực nhưng nếu biết chia sẻ và giao việc cho những cán bộ có chuyên môn liên
quan thì hoạt động quản lý KH-CN trở nên đơn giản hơn.
Tuy nhiên, vẫn rất cần có một phòng quản lý KH-CN Thị xã, là phòng chuyên
môn trực tiếp tham mưu cho Thường trực Thị uỷ - HĐND - UBND thì hiệu quả
của hoạt động KH-CN cấp huyện sẽ hiệu quả hơn. Cơ cấu phòng quản lý KH-CN
nên có từ có 3-5 người, tuỳ thuộc tình hình cụ thể của từng huyện, thị, nhưng
trong đó ít nhất có 2 chuyên môn quan trọng trong các lĩnh vực Nông nghiệp,
Công nghiệp - TTCN và Thương mại dịch vụ. Cho nên, tôi có kiến nghị: Sở
KH&CN Nghệ An cần tham mưu cho UBND Tỉnh xem xét triển khai thực hiện
Thông tư 05/2010/TT-BKHCN càng sớm càng tốt. Trong những năm đầu có thể
thí điểm thành lập một tổ KH-CN thuộc phòng Kinh tế hay Công thương để xem
xét tính hiệu quả làm cơ sở thành lập phòng quản lý KH-CN cho từng huyện,
thị./.
* Ông Ngô Thanh Bình - Cán bộ phụ trách KH-CN huyện Diễn Châu:
“ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KH-CN dù quan trọng cũng chỉ
chiếm tỷ trọng nhất định, muốn KH-CN phát triển mạnh và bền vững, rất cần
các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, từ xã hội ”
Sở KH&CN Nghệ An cần xem xét điều chỉnh cơ chế quản lý các đề tài, dự án
KH-CN cấp huyện cho phù hợp. Trong đó cần nêu cao trách nhiệm, vai trò quản lý
của cấp huyện đối với các đề tài, dự án thực hiện trên địa bàn huyện; Đồng thời,
có quy hoạch ổn định và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về
KH-CN của Sở KH&CN cũng như của các ngành và cấp huyện, khắc phục sự
hẫng hụt về nhân lực KH-CN. Đặc biệt, cần có cơ chế huy động tối đa sự đóng
góp của đội ngũ cán bộ KH-CN của các trung tâm KH-CN đóng trên địa bàn, coi
đây là một trong những nguồn lực quan trọng của tỉnh. Mặt khác, cần phải xây
dựng một chiến lược phát triển đồng bộ, huy động được nhiều nguồn đầu tư, nhiều
đặt hàng cho khoa học. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KH-CN dù
quan trọng cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhất định, muốn KH-CN phát triển mạnh và bền
vững, rất cần các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, từ xã hội. Việc đề xuất một chính
sách hợp lý để huy động được các nguồn đầu tư này là trách nhiệm của cơ quan
quản lý nhà nước về KH-CN. Một vấn đề nữa cần quan tâm là hiện nay phần lớn
các đề tài, dự án đều thành công nhưng chủ yếu đang dừng lại ở mô hình, số kết quả
được nhân rộng sau khi đề tài, dự án kết thúc chưa nhiều. Đây là tình trạng của
không ít địa phương, đặt ra cho ngành KH&CN Nghệ An yêu cầu phải đánh giá lại
một cách nghiêm túc và bài bản hơn nữa hiệu quả ứng dụng cũng như hiệu quả kinh
tế - xã hội của các đề tài, dự án./.
* Ông Phan Trung Nhâm - Cán bộ phụ trách KH-CN Thị xã Thái Hoà:
“ Người làm công tác phụ trách KH-CN cấp huyện phải chịu khó nghiên cứu,
nắm bắt những tiến bộ KH-CN đồng thời phải am hiểu tình hình thực tế của
địa phương để có những tham mưu chính xác với lãnh đạo ”
Người làm công tác phụ trách KH-CN cấp huyện phải nêu cao tinh thần trách
nhiệm, phải thật sự tâm huyết với nhiệm vụ chuyên môn, phải chịu khó nghiên
cứu, nắm bắt những tiến bộ KH-CN đồng thời phải am hiểu tình hình thực tế của
địa phương để có những tham mưu chính xác với lãnh đạo. Trình độ chuyên môn,
sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định đến chất
lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy phải thường xuyên học hỏi, không ngừng
nâng cao nhận thức mọi mặt, đặc biệt đối với lĩnh vực chuyên môn. Trong thực
hiện nhiệm vụ, phải có kế hoạch khoa học, việc làm trước, việc làm sau, không để
chồng chéo, không để bỏ sót công việc. Cần phối hợp chặt chẽ với các bộ phận có
liên quan để tạo nên sức mạnh thống nhất khi thực hiện các nhiệm vụ. Lãnh đạo
các cấp cần quan tâm và có kế hoạch cụ thể nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực
chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác KH-CN ở cấp huyện. Cần có chính
sách động viên thiết thực để nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như khả năng
hoàn thành nhiệm vụ của họ./.
* Ông Nguyễn Hùng Cường - Cán bộ phụ trách KH-CN huyện Nghĩa
Đàn: “ cần phải xây dựng và đào tạo cán bộ quản lý KH-CN tại các xã. Đây
là lực lượng cơ sở hỗ trợ đắc lực cho cán bộ phụ trách KH-CN huyện ”
Trong những năm qua, hoạt động KH-CN cấp huyện đã có nhiều đóng góp tích
cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ KH-CN đã được triển
khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống và sản xuất của nhân dân.
Ở mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có một cán bộ phụ trách KH-CN trên địa bàn và
được biên chế tại phòng Kinh tế hoặc phòng Công thương, có nhiệm vụ trực tiếp
quản lý nhà nước về KH-CN ở cấp huyện. Tuy nhiên, phòng Công thương ở các
huyện lại đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như xây dựng cơ bản, giao
thông và công nghiệp - TTCN. Vì thế, cán bộ phụ trách KH-CN ở cấp huyện phải
kiêm nhiệm nhiều công việc khác dẫn đến việc theo dõi hoạt động KH-CN trên địa
bàn chưa được thường xuyên, liên tục và gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, Sở
KH&CN cũng đã bố trí kinh phí để cán bộ phụ trách KH-CN huyện tham gia các
lớp tập huấn về quản lý KH-CN cấp huyện do Trường Quản lý KH&CN (Bộ
KH&CN) tổ chức tại các địa phương để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Song
thực tế, công tác đào tạo và tập huấn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc
quản lý về KH-CN cũng như hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến
bộ kỹ thuật tại địa bàn huyện.
Vì vậy, một trong những giải pháp cần thực hiện để khắc phục khó khăn và
phát huy vai trò tham mưu của cán bộ quản lý KH-CN tại địa phương đó là cần
phải xây dựng và đào tạo cán bộ quản lý KH-CN tại các xã. Đây là lực lượng cơ
sở hỗ trợ đắc lực cho cán bộ phụ trách KH-CN huyện./.
* Anh Trần Thanh Tuất - xã Tân An, huyện Tân Kỳ: “ Cần đưa nhiều
những dự án KH-CN có hiệu quả như thế về từng huyện, từng xã để người
dân được thụ hưởng thành quả của khoa học.”
Trước tình hình giá cả phân bón ngày một tăng cao, người dân chúng tôi
hết sức lo ngại. Cũng đã có những hộ gia đình tự sản xuất phân vi sinh để sử
dụng nhưng không mấy hiệu quả. Từ khi Sở Khoa học và Công nghệ cùng với
Phòng Nông nghiệp huyện đưa dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
sản xuất phân hữu cơ vi sinh quy mô hộ gia đình ở Tân Kỳ” về triển khai tại
xã Tân An, người dân chúng tôi rất ủng hộ vì những hiệu quả thiết thực mà dự
án đem lại. Việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã giải quyết được nhiều vấn đề
như: làm sạch môi trường do phế phụ phẩm nông nghiệp, cung cấp nguồn
phân bón giá thành rẻ cho sản xuất Đặc biệt, nguồn phân bón sản xuất bằng
chế phẩm sinh học cho hiệu quả rất tốt. Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi
nhận thấy đất có độ tơi xốp và độ ẩm cao, độ phì nhiêu của đất tăng lên. Kết
quả, năng suất cây trồng cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù dự án này chưa kết
thúc nhưng nhiều hộ gia đình không thuộc diện thực hiện dự án đã tình
nguyện tham gia. Theo tôi cần đưa nhiều dự án khoa học công nghệ có hiệu
quả như thế về từng huyện, từng xã để người dân được thụ hưởng thành quả
của khoa học nhiều hơn nữa./.
* Cô giáo Nguyễn Thị Minh - Giáo viên trường THPT Thái Lão - Hưng
Nguyên: “ Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đã đưa lại hiệu quả cao cho
quá trình dạy học ”
Công nghệ thông tin mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương
pháp và hình thức dạy học. Trước đây do kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông
tin ở một số giáo viên vẫn còn hạn chế nên chưa thể phát huy tính trọn vẹn tích
cực và tính hiệu quả của nó. Khi soạn giáo án điện tử chúng tôi thường rất vất vả,
khi lên lớp có lúc chưa thực sự tự tin do chưa nắm vững kỹ thuật, thậm chí nhiều
tiết dạy không dám sử dụng giáo án điện tử. Từ khi dự án “Ứng dụng CNTT
trong nhà trường THCS, THPT ở Nghệ An” triển khai tại trường, chúng tôi được
tập huấn nắm vững phần mềm, cách soạn giáo án điện tử nên bây giờ mọi việc
thuận lợi hơn. Giáo viên hứng thú hơn trong việc giảng dạy, học sinh hứng thú
hơn trong tiếp nhận kiến thức và nhớ lâu hơn. Việc ứng dụng CNTT trong giảng
dạy đã đưa lại hiệu quả cao cho quá trình dạy học./.
* Anh Nguyễn Tiến Cường - Chủ lò ngói - Hợp tác xã làng nghề Ngói Cừa
- Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ: “ Việc đưa các tiến bộ KH-CN về ứng dụng trên địa
bàn huyện như dự án này là rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của địa
phương và đời sống người dân ”
Là người dân làng nghề sản xuất ngói, chúng tôi luôn mong muốn có những
sản phẩm thực sự tốt về chất lượng và đẹp về mẫu mã để bán ra thị trường, phục
vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Trước đây, do sản xuất theo dây chuyền cũ
nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngói của chúng tôi chưa thực sự cao, lợi
nhuận thu được còn thấp. Từ khi dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN sản xuất ngói
chất lượng cao ở HTX Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ” triển khai ứng dụng, dây chuyền
sản xuất mới được đưa vào sản xuất thì chất lượng sản phẩm và năng suất sản
xuất được cải thiện. Sản phẩm bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá
cao hơn, tiêu thụ tốt hơn. Từ đó đời sống của anh em công nhân được nâng cao.
Tôi thấy việc đưa các tiến bộ KH-CN về ứng dụng trên địa bàn huyện như dự án
này là rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và đời sống
người dân./.