Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học " Mối thân tình giữa Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Bác Hồ" pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.46 KB, 8 trang )

Mối thân tình giữa Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục và Phó bảng Nguyễn
Sinh Sắc - Thân sinh Bác Hồ
Những thập niên cuối thế kỷ XIX, trong lòng xã hội Việt Nam đã có “xáo trộn” tư
tưởng đạo đức “Vua - Tôi” (quân với thần), “Bằng - Hữu”, ở hoàn cảnh đó các nho
sĩ xứ Nghệ vẫn giữ được khí tiết mình chính là lòng yêu nước thương dân và mối
thân tình sâu nặng với các danh sĩ. Bài viết này, người viết đưa ra những gợi mở
về mối thân tình giữa Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục với Phó bảng Nguyễn
Sinh Sắc - thân sinh Bác Hồ, để độc giả được biết thêm.
Những thập niên cuối thế kỷ XIX, trong lòng xã hội Việt Nam đã có “xáo
trộn” tư tưởng đạo đức “Vua - Tôi” (quân với thần), “Bằng - Hữu”, ở hoàn cảnh
đó các nho sĩ xứ Nghệ vẫn giữ được khí tiết mình chính là lòng yêu nước thương
dân và mối thân tình sâu nặng với các danh sĩ. Bài viết này, người viết đưa ra
những gợi mở về mối thân tình giữa Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục với Phó
bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Bác Hồ, để độc giả được biết thêm.
Về con người, sự nghiệp của Cao Xuân Dục và Nguyễn Sinh Sắc đã được
sách, báo giới thiệu nên trong bài viết này tác giả chỉ tập trung chính vào nội dung.
Mối thân tình sâu sắc giữa Cao Xuân Dục với phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân
sinh của Bác Hồ, đặc biệt là thời kỳ ở Huế. Cao Xuân Dục chính là bạn thân với
cụ Hoàng Xuân Đường - người thầy - người cha vợ của ông Nguyễn Sinh Sắc. Vì
thế Cao Xuân Dục đã biết ông Nguyễn Sinh Sắc từ buổi thiếu thời, cụ rất mến tài
năng và ý chí của Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1895 Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự khoa
thi Hội. Ông Sắc thi đồng khoa với Cao Xuân Tiếu con trai của Cao Xuân Dục, Tế
tửu Quốc sử quán. Nhiều tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân và nhà văn Sơn Tùng đã
khẳng định chính Cao Xuân Dục đã giúp cho Nguyễn Sinh Sắc chút ít tiền bạc ăn
đường vào kinh thi. Trong kỳ thi khoa Ất Mùi (năm 1895) Cao Xuân Tiếu - con
trai Cao Xuân Dục đậu phó bảng còn Nguyễn Sinh Sắc thì bảng vàng chưa chịu
ghi tên. Được tin này, cụ Cao rất tiếc cho Nguyễn Sinh Sắc, vì từ lâu cụ đã rất mến
tài năng của Nguyễn Sinh Sắc. Thời gian sau khi thi hỏng, chính Cao Xuân Dục và
con trai của cụ đã trở thành nguồn động viên quan trọng đối với Nguyễn Sinh Sắc.
Nguyễn Sinh Sắc đã ở trong nhà Cao Xuân Dục cùng với Cao Xuân Tiếu một thời
gian. Có lần dường như nhận thấy sự lo âu và ái ngại của Nguyễn Sinh Sắc, Cao


Xuân Tiếu đã nói với bạn:
“Anh cứ tự nhiên cho - thầy tôi vốn là bạn của cụ Tú ở Hoàng Trù. Những
người Nghệ nhà nghèo có chí hướng học hành thầy tôi còn cho học điền, còn giúp
phương tiện vào kinh theo đòi bút nghiên, huống chi anh là rể cụ Tú”(1).
Chính Cao Xuân Dục là người đã khuyên Nguyễn Sinh Sắc vào kinh học
tiếp vì trong kinh có nhiều sách vở để mở mang kiến thức. Ông Nguyễn Sinh Sắc
rất muốn được tiếp tục học ở kinh, đặc biệt là khi nhìn thấy những tủ sách hấp dẫn
của gia đình Cao Xuân Dục. Nhưng ông Sắc rất ái ngại vì công việc nhà không thể
để cho một mình bà Hoàng Thị Loan gánh vác. Cụ Cao Xuân Dục đã tạo điều kiện
giúp Nguyễn Sinh Sắc vượt qua khó khăn này. Cụ Cao đã từng nói với Nguyễn
Sinh Sắc:
- “Bác sẽ xin cho cháu vào học trường Giám để hàng tháng có học bổng, đỡ một
phần chi tiêu ăn học. Còn cái gia đình nặng nề của cháu, nếu cần cháu đưa vào
kinh luôn. Ở đây cô ấy sẽ lo việc nhà và nuôi dạy con. Còn cháu, với cái bằng cử
nhân, ngoài giờ học ở Giám, các nhà quan thiếu gì nơi để cháu cho chữ kiếm lợi
cung cấp cho gia đình”(2).
Rồi cụ còn nói mình là bạn cụ Tú. Cụ Tú mất rồi thì cụ Cao sẽ có trách
nhiệm với Nguyễn Sinh Sắc. Cụ dặn dò Nguyễn Sinh Sắc về quê đưa vợ con vào,
có khó khăn gì cứ nói Cao Xuân Tiếu giúp đỡ. Nghe những lời đó dường như
Nguyễn Sinh Sắc cảm thấy mình gặp may mắn vì có “quý nhân phù trợ”. Một thời
gian sau, Nguyễn Sinh Sắc đã đưa vợ và hai con trai vào Huế. Và Bác Hồ kính yêu
của chúng ta đã có một thời niên thiếu ở kinh đô Huế. Chính mảnh đất này đã có
một ảnh hưởng nhất định trong việc hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng
của Bác. Cũng tại Huế, cụ Cao Xuân Dục đã có mối liên hệ tình cảm sâu sắc với
gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ.
Theo Nguyễn Đắc Xuân trong “Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”, gia
đình Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đã ở tạm trong nhà một người cùng quê, ngay
trước Đô sát viện. Viện này ở bên bức tường phía tây Quốc Tử Giám - nơi Cao
Xuân Dục làm việc. Sau này người ta nói đó chính là nhà cụ Cao Xuân Dục. Còn
trong tài liệu của nhà văn Sơn Tùng thì Cao Xuân Tiếu đã mua ngôi nhà của một

ông lính “khố vàng” cho Nguyễn Sinh Sắc để ông Sắc đưa vợ con vào ở đó. Nhìn
chung, các tài liệu đó đều cho thấy sự quan tâm sâu sắc của những người trong gia
đình họ Cao đến gia đình Nguyễn Sinh Sắc khi ở Huế. Cao Xuân Tiếu vì thông
cảm với khó khăn của bạn nên nhờ thân sinh là Cao Xuân Dục can thiệp cho
Nguyễn Sinh Sắc được vào học ở Giám, trường Đại học độc nhất vô nhị ở Việt
Nam hồi đó. Vào học Quốc Tử Giám phải là con quan đại thần mà ông Sắc chỉ là
con một người bình thường. Cụ Cao Xuân Dục phải can thiệp cho vì lúc đó cụ
đang là Thượng thư bộ Học và là Tế tửu Quốc Tử Giám. Theo nhà văn Sơn Tùng
“gia đình Bác Hồ sống được ở Huế, đứng được ở Huế và tiếp cận được những vấn
đề văn hóa đều nhờ có cụ Cao Xuân Dục… Cao Xuân Dục có ân nghĩa lớn đối với
thân sinh Bác Hồ…”(3).
Cũng chính nhà văn Sơn Tùng - con người dường như dành cả cuộc đời
mình cho việc nghiên cứu về Bác Hồ, trong một lần “hầu rượu” bác Nguyễn Sinh
Khiêm - anh cả Bác Hồ (năm 1948) đã được nghe bác Khiêm kể lại chuyện Cao
Xuân Dục “vớt” cho Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng. Bác Nguyễn Sinh Khiêm đã
nói với nhà văn Sơn Tùng rằng:
“Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) nếu không có cụ Cao Xuân Dục toạ vị
chánh chủ khảo để phúc khảo thì bác Phan Chu Trinh và phụ thân bác bị đánh
hỏng lần nữa”(4).
Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) Cao Xuân Dục làm Chánh chủ khảo.
Nhưng chấm thi Hội xong cụ rất ngạc nhiên và thương cảm vì không thấy tên ông
trong bảng vàng. Cao Xuân Dục biết tài năng, ý chí của Nguyễn Sinh Sắc và cũng
biết ông Sắc đi thi trong một hoàn cảnh khó khăn. Năm 1901, gia đình ông Sắc
vừa mới trải qua một mất mát lớn: bà Hoàng Thị Loan qua đời. Dù nỗi đau cứa tận
ruột gan nhưng Nguyễn Sinh Sắc đành phải gác lại để tham gia kỳ thi Hội năm
Tân Sửu. Khoa thi này Nguyễn Sinh Sắc mong đỗ không phải để làm ông Nghè,
ông Cống mà chỉ để yên việc học hành tập trung nuôi con, làm vui lòng người vợ
tần tảo đã khuất và làm một cái gì đó cho dân cho nước vì lúc đó chỉ “những người
đỗ đạt đồng bào mới nghe”.
Vì hiểu và thương ông Sắc nên sau khi không thấy tên ông Sắc trong “bảng

vàng”, với tư cách là Chánh chủ khảo, Cao Xuân Dục đã đọc lại bài của ông Sắc.
Cụ thấy trong các bài của Nguyễn Sinh Sắc phảng phất một tư tưởng “yếm thế”
mất lòng tin vào chế độ hiện tại. Cụ Cao chắc rằng đó là lý do mà bài của Nguyễn
Sinh Sắc bị đánh hỏng. Cụ Cao đã tìm cách giúp đỡ ông Sắc một cách khéo léo để
không mang tiếng là thiên vị “thầy cử Sắc”. Cao Xuân Dục lấy thêm bài của ba
người nữa ở các tỉnh khác mà cũng bằng điểm bài Nguyễn Sinh Sắc để xem lại và
nói:
- “Chết, những bài này mà đánh hỏng thì hậu thế người ta nói thi cử không
công bằng”(5).
Rồi cụ Cao còn nói:
- “Thời bấy giờ Bảo hộ át lướt Nam Triều. Thí sinh không tin ở Nam triều
là điều dễ hiểu. Người ta nghĩ sao viết vậy… Tại sao lại cho người ta ít điểm. Tôi
đề nghị đưa bốn người này vào thi Đình” (ba người kia là: Lê Ngãi ở Quảng Ngãi,
Lê Đình Hiến ở Quảng Nam và Hoàng Đại Bính ở Quảng Bình)(6).
Sau đó Hội đồng khoa thi, Bộ Lễ và nhà vua đã chấp nhận đề nghị của
Chánh chủ khảo Cao Xuân Dục. Khoa Tân Sửu có 9 người đậu Tiến sĩ, 13 người
đậu Phó bảng. Trong đó Nguyễn Sinh Sắc đỗ thứ 11 còn Phan Chu Trinh đỗ thứ
13 - đỗ cuối cùng. Mặc dù trình độ học vấn không hơn nhau là mấy nhưng ân vua
và bổng lộc giữa Tiến sĩ và Phó bảng thì cách xa nhau nhiều. Vì thế, Cao Xuân
Dục đã vào điện Cần Chánh gặp vua Thành Thái xin cho những người phó bảng
đồng khoa năm ấy một chút vinh hiển: như cấp áo mũ, cấp ngựa trạm khi trở về
nhà… Vì tín nhiệm uy tín và học vấn của Cao Xuân Dục nên nhà vua đã đồng ý và
phê chuẩn ngay. Cao Xuân Dục đúng là vì thương Nguyễn Sinh Sắc mà đã đặt cho
khoa cử thời Nguyễn có thêm cái tiền lệ ấy. Đến khoa Canh Tuất (1910) bộ Học
đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục lại xin cho những ai trúng phó bảng được
dự bàn yến.
Sau khi thi đỗ, dù không muốn làm quan nhưng Nguyễn Sinh Sắc rất muốn
có cơ hội cho các con học hành (học chữ Tây) nên năm 1905 ông Phó bảng đã đưa
con vào Huế. Vừa vào kinh là Nguyễn Sinh Sắc đưa Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn
Tất Thành đến thăm cụ Cao Xuân Dục - ân nhân của gia đình ông Phó bảng. Nghe

Nguyễn Sinh Sắc nói không muốn làm quan chui đầu vào cái vòng cương toả
miếng cơm manh áo mà chỉ muốn đưa các con vào kinh học tiếng Tây thì Cao
Xuân Dục đã nói:
- “Dưới con mắt của Tây, những người đỗ đạt như chú mà không làm quan
thì làm giặc, mà bị họ xem là giặc thì họ có cho chú ngồi yên ở kinh lo nuôi con đi
học chữ Tây đâu”(7).
Như vậy là cũng xuất phát từ tình thế không thể khác được, từ sự lựa chọn
con đường đặc biệt của mình ngày trước, Cao Xuân Dục đã khuyên Nguyễn Sinh
Sắc dù không muốn làm quan nhưng cũng phải núp vào đó cho yên thân, âu đó
cũng là bài học của những người đã từng “gặp thời thế thế thời phải thế”, “làm
quan nhân nghĩa ẩn tại triều”. Sau này, ông Nguyễn Sinh Sắc làm quan bị cách
chức, triệt hồi, còn bị đe doạ phải trừng trị nặng hơn nhưng Cao Xuân Dục đã tìm
cách giúp đỡ để ông Sắc thoát nạn(8).
Ngay sau khi trở lại Huế, “theo lời khuyên của Cao Xuân Dục, Nguyễn
Sinh Sắc đã cho hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành theo học
trường cấp II thuộc hệ thống giáo dục Pháp - Việt nằm ngay bên ngoài thành
trước cổng chợ Đông Ba”(9). Khi biết Nguyễn Tất Thành muốn học chữ Tây, tiếp
cận văn minh phương Tây, Cao Xuân Dục rất tán thành chí hướng của Nguyễn Tất
Thành và cụ còn dặn:
- “Muốn cứu nước không con đường nào khác là phải duy tân. Không học
văn minh kỹ thuật phương Tây thì làm sao duy tân được”(10).
Một điều đáng ngạc nhiên là ý nghĩa cứu nước duy tân của cụ Cao, một đại
thần của triều đình lại không giống cách nghĩ và sự lựa chọn của nhà Nguyễn. Khi
Việt Nam đứng trước những thách thức lịch sử ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
thì nhà Nguyễn đã chìm đắm trong chính sách thủ cựu và tự cô lập nhằm cố gắng
bằng mọi cách duy trì chế độ quân chủ chuyên chế lạc hậu và phản động. Dựa vào
hệ tư tưởng Nho giáo và đám quan lại nho sĩ cổ hủ, triều Nguyễn đã thi hành một
đường lối hết sức bảo thủ. Nhà Nguyễn đã từng khước từ, cự tuyệt hết những đề
nghị cải cách, khăng khăng duy trì chính sách cai trị cũ. Đồng thời triều Nguyễn
đã thi hành đường lối “bế quan tỏa cảng” cấm đoán nhân dân không được tiếp xúc

giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây. Trong khi đó,
Cao Xuân Dục - bậc đại thần, vị tôi trung của triều Nguyễn lại cho rằng “muốn
cứu nước muốn duy tân thì phải học tập văn minh kỹ thuật phương Tây”.
Theo Charler Partris, “Cụ Cao Xuân Dục quá thông minh và yêu nước để
hiểu rằng nền văn minh phương Tây đem lại cho đất nước cụ là không thể thiếu
được. Cụ biết rằng vào cái thời đại luyện thép và cơ học, những dân tộc sẽ hùng
mạnh trong tương lai là những dân tộc thiết lập được một trào lưu mạnh mẽ,
thường xuyên có sự trao đổi về trí tuệ cũng như về kinh tế, tư tưởng với các dân
tộc khác trên toàn cõi địa cầu và cụ cũng thấy dân tộc nào tự khép mình một cách
ngông cuồng trong cảnh cô lập kiêu căng sẽ không tránh khỏi lâm vào tình trạng
suy đồi, thoái hóa và hoàn toàn diệt vong”(10). Dù rất gắn bó với nền văn hóa cũ,
bảo vệ văn hóa cũ một cách kiên trì nhưng Cao Xuân Dục đã chào đón ánh sáng
từ phương Tây dọi về là một điều đáng quý. Cũng vì vậy, cụ Cao rất tán thành chí
hướng của Nguyễn Tất Thành - chí học chữ Tây để tiếp cận văn minh phương Tây.
Mối liên hệ tình cảm gần gũi sâu sắc giữa gia đình cụ Cao Xuân Dục với
gia đình phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng đã khiến “cụ Cao định gả cô con gái
yêu là Cao Thị Trâm làm vợ kế Nguyễn Sinh Sắc để giúp ông phó bảng và các con
còn thơ ấu”(11). Cao Xuân Dục có ý định như vậy và đã mời ông Nguyễn Sinh
Sắc đến tư dinh nói rõ điều này. Nhưng ông phó bảng đã cảm tạ cụ Cao và xin từ
chối vì lý do Nguyễn Sinh Sắc học hành đỗ đạt được như hôm nay là nhờ mẹ vợ,
gia đình vợ, bố vợ là thầy học vừa là cha nuôi. Theo ông phó bảng, đỗ đạt vinh
quy bái tổ mà lại về cùng người con gái khác thì mẹ vợ đau lòng… Mặc dù con gái
mình mới chỉ 18 tuổi nhưng Cao Xuân Dục đã muốn gả con gái cho một ông tân
khoa đã ba con có tài để giúp ông Sắc nâng khăn sửa túi, giúp nuôi con, dựng
nghiệp. Điều này cũng một phần nào thể hiện nhân cách của một ông quan đại
thần nhất phẩm triều đình biết trọng dụng người tài. Tế Tửu Quốc Tử Giám Đặng
Văn Thụy người làng Nho Lâm đã trở thành con rể cụ Đông các đại học sĩ Cao
Xuân Dục cũng nhờ quan niệm trọng dụng người tài đó. Cụ Cao làm quan to ở
triều. Cụ có ý muốn chọn một chàng rể là học trò giỏi cùng quê. Cụ được quan
giáo thụ giới thiệu cho học Thụy. Học Thụy nhà rất nghèo, vừa đi học vừa đi làm

thuê để nuôi mẹ và nuôi thân. Sau khi xem xét bài sát hạch của Đặng Văn Thụy,
cụ Cao quyết định đem anh về nhà nuôi cho ăn học, còn đối với mẹ già của anh thì
chu cấp cho đủ sinh sống. Cao Xuân Dục còn dặn con gái - bà Cao Thị Bích:
- “Văn chương anh này là văn chương đại khoa. Con ở nhà chăm sóc cho
anh ta ăn học thành tài để làm người kết duyên tơ tóc…”(12).
Vì thế là cuộc hôn nhân coi như đã được quy ước. Sau này bà Bích về làm
dâu họ Đặng, bà đã không quản ngại khó khăn, vất vả lo liệu cho chồng ăn học. Sự
đảm đang, tháo vát của bà Bích đã góp phần giúp Đặng Văn Thụy thi đậu Nhị giáp
tiến sĩ Đình Nguyên và làm quan đến Tế tửu Quốc Tử Giám… Sau này cả Cao
Xuân Dục và Đặng Văn Thụy đều là thầy dạy học cho Hoàng tử Vĩnh San tức là
vua Duy Tân, một ông vua yêu nước.
Những điều trên cho thấy rằng Cao Xuân Dục là vị quan có nhân cách. Tài đức
của cụ đã chinh phục được toàn thể dân chúng. Đặc biệt, cụ rất được các nho sĩ
hâm mộ. Trong đó, Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ cũng đã từng coi Cao
Xuân Dục là ân nhân, là “quý nhân phù trợ” của gia đình ông Phó bảng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) (2) (6) (7) Nguyễn Đắc Xuân, “Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”, Nxb Trẻ và
Nxb Văn học, tr 8, tr 9, tr 47, tr 54
(3) (4) (5) (11) (9) Sơn Tùng, “Búp sen xanh”, “Những câu chuyện về Bác Hồ - cả
trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”, “Chân dung một con người”, “Theo con
đường Bác Hồ”, Tài liệu sưu tầm, tr 36, tr 11, tr 37, tr 55.
(8) Cao Xuân Dục, “Quốc triều sử toát yếu”, Nxb Văn học, tr 18.
(10) Charles Patris, “Ngài Cao Xuân Dục - con người tâm tánh cuộc sống riêng.
Những người bạn cố đô Huế”, tập 10 (2002), Nxb Thuận Hóa, tr 11.
(12) Ninh Viết Giao, “Kho tàng truyện kể dân gian Xứ Nghệ”, Nxb Nghệ An, tr
339.

×