Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Dẫn nhập về nhà nước pháp quyền và vấn đề thực thi luật doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (203.19 KB, 14 trang )

Dẫn nhập về nhà nước pháp quyền và vấn đề thực thi luật
1. Nhà nước và Quyền lực tối cao
Giả sử rằng, chúng ta đang trên con tàu du lịch biển đông. Chợt một đợt sóng thần
ập đến cuốn phăng tất cả đến một hoang đảo xa lạ, đầy thú dữ, nguy hiểm. Chúng
ta ngay lập tức đều hiểu rằng mỗi người không thể sống sót nếu sống đơn độc.
Chính là nhu cầu tự bảo vệ khiến mỗi người ý thức được phải đoàn kết với những
người khác thành một cộng đồng của tất cả. Chúng ta cũng hiểu ngay rằng phải tổ
chức cộng đồng của mình dưới một hình thức nào đó sao cho nó trước hết phải có
khả năng bảo vệ mỗi người một cách tốt nhất- nếu không ta chẳng cần cái cộng
đồng ấy làm gì- và sau đó là phát triển sức mạnh chung của cộng đồng. Muốn vậy,
cộng đồng này phải được trang bị một quyền lực quyết định trong mọi lĩnh vực và
buộc mỗi các nhân phải tuân theo: quyền lực tối cao. Như thế, chúng ta đã có một
hình thái cộng đồng có quyền lực tối cao đối với tất cả thành viên và có hiệu lực
trên phạm vi hoang đảo. Một hình thái tổ chức xã hội như vậy chúng ta đã quen
biết, đó chính là Nhà nước.
2. Hiến pháp và giới hạn quyền lực tối cao
Là những trí thức bị dạt vào hoang đảo, chúng ta đều có thể hiểu rằng điều nguy
hiểm nhất đối với mỗi người là khi quyền lực Nhà nước tối cao bị lạm dụng. Vì
vậy, buổi họp đầu tiên của chúng ta phải là buổi họp thông qua một hệ thống
những nguyên tắc cơ bản nhất, những nền tảng quan trọng nhất mà mọi hoạt động
của Nhà nước, của mỗi thành viên cộng đồng đều phải nằm trong giới hạn được hệ
thống ấy cho phép . Cái mà chúng ta thông qua đó, được gọi là Hiến pháp. Và buổi
họp ấy mang tên Quốc hội lập hiến. Hiến pháp cùng với hệ thống các bộ luật, các
điều luật, qui định do những cơ quan có thẩm quyền ban hành và không đi ngược
lại Hiến pháp hợp thành hệ thống pháp luật. Như vậy, rõ ràng chúng ta đã nhất trí
rằng có một cái gì đó còn cao hơn quyền lực tối cao, là giới hạn của quyền lực tối
cao, đó chính là pháp luật.
3. Nguyên tắc bình đẳng
Mỗi một chúng ta trước khi bị cuốn ra hoang đảo đều đã ý thức được giá trị, nhân
phẩm cũng như các quyền tự do cá nhân của chính mình và của những người khác.
Chúng ta đều yêu qúi và cương quyết bảo vệ những giá trị này. Vì vậy, nguyên tắc


đầu tiên mà Hiến pháp của chúng ta phải công nhận là: mọi cá nhân, mọi thành
viên trong xã hội, kể cả Nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc thứ
hai mà chúng ta cũng rất dễ dàng thông qua là mọi hoạt động trong đời sống xã
hội, toàn bộ hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ cơ sở Hiến pháp, trong
khuôn khổ giới hạn của những bộ Luật, điều luật không mâu thuẫn với Hiến pháp
và chịu sự kiểm soát của pháp luật. Hai nguyên tắc này chính là nội dung cơ bản
của nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
4. Nguyên tắc bảo vệ quyền tự do cá nhân: phân tập quyền lực
Tuy nhiên bản thân nguyên tắc Nhà nước pháp quyền không phải là một sự đảm
bảo chắc chắn các quyền tự do cơ bản của chúng ta- vốn là mục đích khi thành lập
Nhà nước- trước sự lạm dụng quyền lực tối cao mà chúng ta trao cho Nhà nước.
Sự lạm dụng quyền lực ở đây phải được hiểu là sự sử dụng quyền lực vượt khỏi
giới hạn cho phép của pháp luật. Như vậy, chúng ta sẽ phải đề ra một nguyên tắc
cơ bản để giải quyết vấn đề lạm dụng quyền lực. Một quyền lực sẽ khó bị lạm
dụng một khi sự sử dụng nó được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và cân bằng
với những quyền lực có thể có khác. Đối với việc sử dụng quyền lực tối cao Nhà
nước, thì đó chính là nguyên tắc mà chúng ta quen gọi một cách không chính xác
lắm là nguyên tắc phân tập quyền lực.
Ý tưởng phân tập quyền lực đã có từ rất xưa. Aristoteles (năm 384 đến 322 trước
Công nguyên) đã mô tả sự phân tập quyền lực cho ba cơ quan là Nghị hội Nhân
dân, Tòa án Nhân dân và Công chức Nhà nước. John Locke trong cuốn “ Two
Treatises“ năm 1689, và sau đó là Charles Montesquieu trong cuốn “De l’esprit
des lois“ năm 1784 đã yêu cầu thực hiện phân tập quyền lực với mục tiêu hạn chế
quyền lực của nhà vua. Nhà vua không còn được coi mình là quyền lực tối cao, là
người duy nhất sử dụng quyền lực tối cao, mà phải chia sẻ nó cho ba cơ quan Nhà
nước khác nhau.
Khác với mục đích và ý nghĩa ban đầu, ngày nay nguyên tắc phân tập quyền lực
không còn ý nghĩa là chia sẻ quyền lực tối cao thành 03 quyền độc lập với nhau
nữa, bởi chỉ và chỉ có một quyền lực tối cao mà thôi, nó là của Nhà nước và không
thể chia sẻ. Việc sử dụng quyền lực tối cao được trao cho 03 cơ quan hiến định có

thẩm quyền khác nhau và độc lập với nhau thực hiện là lập pháp (quốc hội), hành
pháp (chính phủ) và tư pháp (tòa án). Phân chia thẩm quyền sử dụng quyền lực tối
cao như vậy nhằm mục đích hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng quyền lực
thông qua cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao bởi 03 cơ quan
hiến định này. Mục đích cuối cùng của nguyên tắc phân tập quyền lực hiện đại
không có gì khác hơn là bảo vệ quyền tự do công dân truớc khả năng lạm dụng
quyền lực tối cao.
5. Nguyên tắc thực hiện: dân chủ
Đến đây, chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi, vậy sẽ thực hiện các điều đã nói ở trên
trên như thế nào cho đúng với nguyên tắc nhà nước pháp quyền? Việc thực hiện
các nguyên tắc hoạt động trong nhà nuớc pháp quyền phải tuân theo nguyên tắc
dân chủ. Một cách khái quát, nguyên tắc dân chủ trong thực thi mọi hoạt động của
Nhà nước Pháp quyền là những quyết định giới hạn quyền tự do công dân phải
được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng. Hệ qủa của nguyên tắc này là sự tham
gia ngày càng nhiều, càng tích cực của công dân vào các hoạt động của Nhà nước,
mà đặc biệt là hoạt động kiểm tra kiểm soát. Thành qủa to lớn nhất mà chúng ta
biết đến nhờ nguyên tắc dân chủ, chính là sự xuất hiện quyền lực thứ tư, bên cạnh
quyền LP,HP,TP,: quyền lực của công luận, báo chí.
Cơ sở nền tảng của nguyên tắc dân chủ hiện đại, chính là sự công nhận mỗi cá
nhân đều có năng lực hình thành và thực hiện ý chí chính trị của mình.
Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Dân chủ, người ta lại dễ dàng thống
nhất với nhau được về hai nguyên tắc cơ bản-có thể xem như thành tố- của Dân
chủ là Tự do và Bình đẳng. Mỗi cá nhân chỉ có thể phát huy năng lực hình thành ý
chí chính trị của mình nếu được bảo đảm các quyền tự do căn bản. Việc hình thành
ý chí chính trị ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi anh ta không được quyền thực hiện nó
như những cá nhân khác trong xã hội.
Trong chế độ dân chủ, quyền lực luôn luôn gắn liền với trách nhiệm; không có
trách nhiệm thì cũng không có quyền lực. Một chế độ mà quyền lực không cần
trách nhiệm thì không thể là chế độ dân chủ. Trong tương quan Quyền lực – Trách
nhiệm đối với người sử dụng quyền lực Nhà nước ở chế độ dân chủ, thì trách

nhiệm trước hết là trách nhiệm tự ràng buộc hoạt động của mình theo pháp luật,
như trách nhiệm bảo đảm việc sử dụng quyền lực phải trên cơ sở điều luật, theo
mục đích được pháp luật cho phép và thỏa đáng; tiếp đó là trách nhiệm phải chịu
trách nhiệm về hậu quả vi phạm trách nhiệm; v…v.
Việc kiểm tra, đánh giá và quyết định tính chất quan hệ Quyền lực – Trách nhiệm
cho từng trường hợp sử dụng cụ thể quyền lực Nhà nước cũng là một yếu tố quan
trọng để đánh giá bản chất một chế độ dân chủ. Trong chế độ dân chủ, người dân
có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa hành chính kiểm tra, xét xử toàn bộ mọi hoạt
động quản lý Nhà nước và sử dụng quyền lực tối cao.
Với giả thiết đều là những trí thức khi bị trôi ra hoang đảo, chúng ta thật dễ dàng
thông qua việc thành lập một nhà nước pháp quyền và những nguyên tắc cơ bản
cho hoạt động của nó. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển văn minh loài ngừơi lại khác.
Để có được sự hiểu biết như chúng ta hiện nay, loài người đã phải mất hàng trăm
năm, nếu như không phải là hàng ngàn năm.
Ngay từ thời nguyên thủy, bản năng sống đã khiến con người có ý thức sống trong
một cộng đồng dưới hình thức bầy, rồi bộ lạc. Quyền lực tối cao ở đây tự nhiên
thuộc vào kẻ có khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng cộng đồng tốt nhất, tức là kẻ có
sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm săn mồi. Tuy nhiên, dần dần con người cũng
thấy sức mạnh cơ bắp ấy không thể bảo vệ họ trước sức mạnh thiên nhiên, một sức
mạnh mà họ không thể lý giải và vì vậy trở thành linh thiêng. Điều đó tạo điều
kiện cho những người được cho là có khả năng hô phong hoán vũ cùng sở hữu
quyền lực tối cao, thứ quyền lực đã được hiểu là do đấng thiêng liêng trao cho.
Sự phát triển ý thức dẫn đến câu hỏi về tính chính danh của người nắm giữ quyền
lực tối cao, bao trùm cộng đồng. Sự chính danh ấy, cho đến thời quân chủ phong
kiến vẫn là vâng mệnh trời, thế thiên hành đạo của người nắm giữ quyền lực tối
cao trong vai trò thiên tử hoặc nhân danh một sứ mệnh trừu tượng, thiêng liêng
nào đó. Quyền lực tối cao vẫn là quyền lực bao trùm xã hội, đứng trên tất cả của
vua hoặc một nhóm người nào đó.(Chế độ quân chủ phong kiến)
Quá trình phát triển văn minh của xã hội dân sự đã làm mỗi cá nhân ngày càng ý
thức rõ hơn giá trị bản thân, nhận ra năng lực hình thành và thực hiện ý chí của

mình và từ đó đòi hỏi quyền bình đẳng. Quyền lực tối cao không còn là quyền lực
của một người và vượt lên trên tất cả: trước hết nó bị chia sẻ; tiếp đó, nó có thể
vẫn nằm trong tay một người hoặc một nhóm người hợp mệnh trời, thuận theo sứ
mệnh lịch sử, nhưng phải được phân tập, cân bằng và kiểm soát bởi luật pháp
(quân chủ lập hiến); rồi thì không phải mệnh trời mà là nhân dân sẽ quyết định ai
là người được họ tin cậy giao cho sử dụng quyền lực Nhà nước tối cao ấy.(Pháp
quyền dân chủ)
Do quá trình phát triển loài người luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giành quyền
lực tối cao, có không ít học giả nhận định rằng lịch sử phát triển xã hội loài người
là lịch sử quyền lực.
Nhưng về bản chất, chính các bước phát triển ý thức về quyền tự do, bình đẳng và
năng lực cá nhân đã định hướng và xác định kết quả không thể khác cho cuộc đấu
quyền lực dẫn đến việc hình thành Nhà nước pháp quyền dân chủ với các nguyên
tắc đã nói ở trên. Lịch sử loài người chính là lịch sử phát triển ý thức về giá trị cá
nhân.
Hiện tại, cũng có rất nhiều người chia sẽ quan điểm cho rằng ý thức công dân và
hiệu qủa kiểm soát, giới hạn quyền lực tối cao của Nhà nước sao cho nó thực sự là
của chung, chính là thước đo trình độ văn minh của một xã hội.
6. Mục tiêu chung của loài người
Quá trình toàn cầu hóa đang làm cho trái đất trở thành ngôi nhà chung của mọi dân
tộc. Nguyên tắc nền tảng nhất cho cuộc sống dưới mái nhà trái đất đã được xác
định. Muốn hội nhập vào cuộc sống chung, chúng ta phải công nhận và thực thi
các nguyên tắc này.
Ngày nay, đa số các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đều nhất trí rằng mục tiêu của
quá trình toàn cầu hóa về mặt xã hội là Nhà nước pháp quyền dân chủ và về kinh
tế là nền kinh tế thị trường mang tính xã hội.
Có thể dễ dàng thấy rằng lịch sử quyền lực như trình bày một cách hết sức giản
lược ở trên, diễn ra ở tất cả mọi xã hội quốc gia. Đối với những người theo chủ
nghĩa bi quan, câu hỏi đặt ra ở đây sẽ là: phải mất bao nhiêu năm nữa chúng ta
mới kết thúc chặng đường lịch sử phải đi mới có một trình độ văn minh đủ để là

một thành viên bình đẳng trong mái nhà trái đất? Những người lạc quan sẽ tìm
thấy ở Nhật bản câu trả lời đầy hy vọng con người có thể đi tắt, đón đầu trong quá
trình xây dựng một xã hội dân sự văn minh.
Ngay khi còn là một chế độ quân chủ rất mạnh và với một sức mạnh kinh tế yếu
hơn các nước phương Tây rất nhiều, Nhật hoàng đã quyết định tiếp nhận trọn vẹn
bộ luật dân sự của Đức-một bộ luật hết sức nổi tiếng được coi là công trình của thế
kỷ 19- cũng như hệ thống tư pháp Đức; dù trình độ phát triển và trình độ dân trí
của Nhật lúc đó vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận một bộ Luật dân sự với các nguyên
tắc dân sự, pháp quyền như vậy. Đây chính là một trong những động lực chủ yếu
nhất cho quá trình dân sự hóa xã hội nhật bản và sự phát triển kinh tế vượt bậc của
Nhật sau này. Quyết định của Nhật là một ví dụ điển hình cho sự đúng đắn của
một quan điểm triết học về Luật pháp: Luật pháp phải là khung pháp lý hướng mọi
hoạt động của con người nhằm đạt được bình đẳng, tự do và công lý.
Như vậy, chúng ta đã có thể tin chắc rằng chỉ một Nhà nước được xây dựng và
hoạt động theo nguyên tắc pháp quyền dân chủ mới có thể đảm bảo sự phát triển
xã hội văn minh dân sự, bảo đảm hội nhập quốc tế thành công. Vấn đề trọng tâm
của một Nhà nước pháp quyền luôn luôn là hạn chế đến mức thấp nhất sự lạm
dụng quyền lực tối cao của Nhà nước.
II. Một số nguyên tắc chính
Chúng ta đã có thể đồng ý rằng, có một số nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng
Nhà nước pháp quyền và hệ qủa của nó là có giá trị phổ cập chung, không thể thay
đổi ở bất cứ quốc gia nào. Đó là:
- Mọi hoạt động của Nhà nước, của đời sống xã hội đều phải xuất phát từ Hiến
pháp , tuân theo pháp luật, trong giới hạn của pháp luật và chịu sự kiểm soát của
pháp luật.
- Tất cả thành viên trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Không một ai có
quyền đứng ngoài pháp luật.
- Nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước để bảo đảm các quyền tự
do Hiến định của cá nhân.
Quyền lực tối cao của Nhà nước pháp quyền được trao cho 03 cơ quan có thẩm

quyền khác nhau thực hiện:
· Lập pháp: Quốc hội có thẩm quyền và nhiệm vụ chính là ban hành Luật
· Hành pháp: Chính phủ và các cơ quan công quyền, có thẩm quyền và nhiệm vụ
chính là thực hiện Luật.
· Tư pháp: hệ thống các Tòa án độc lập, có thẩm quyền và nhiệm vụ chính là quyết
định về mọi tranh chấp liên quan đến ban hành, lý giải và thực thi Luật pháp.
Nói có thẩm quyền và nhiệm vụ chính, bởi các cơ quan này ngoài việc kiểm tra lẫn
nhau còn có thể đảm nhận một vài nhiệm vụ của cơ quan khác. Chẳng hạn:
- Quốc hội còn có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của chính phủ, của Tòa án
- Chính phủ và các bộ khi được ủy quyền có thể ban hành các qui định, văn bản
dưới luật … nghĩa là đảm nhiệm công việc lập pháp.
- Tòa án: quyết định thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời…cũng đã đảm
nhận công việc của hành pháp v…v.
Trong một hệ thống cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực Nhà nước như vậy,
sự độc lập của Tòa án đối với Nhà nước, quốc hội và chính phủ, cũng như sự trung
lập công tâm
không thiên vị của Thẩm phán trong xét xử đóng một vai trò quyết định. Sự trung
lập công tâm của Tòa án còn là điều kiện để phán quyết của Tòa hội đủ tính chính
danh cần thiết và có hiệu lực pháp lý.
III. Vài điều cần suy nghĩ về thực thi luật tại Việt Nam
1. Nhân danh nước CHXHCN VN
Mở đầu mỗi bản án, quyết định của Tòa án Việt nam là dòng chữ Nhân danh nước
CHXHCN VN. Điều đó có nghĩa là ngay cả bản thân Tòa án, cũng chỉ là công cụ
của Nhà nước, Nhà nước đứng cao hơn Pháp luật và cao hơn mọi thành viên khác
trong xã hội. Điều này vi phạm nghiệm trọng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật
của một Nhà nước pháp quyền. Trong một Nhà nước pháp quyền, Nhà nước cũng
sẽ bị khởi kiện trước Tòa nếu vi phạm pháp luật và Tòa án là cơ quan độc lập xét
xử Nhà nước. Ở các nhà nước pháp quyền khác, phán quyết của Tòa án bao giờ
cũng bắt đầu bằng dòng chữ: Nhân danh nhân dân hoặc nhân danh công lý.
Không những thế, một khi Tòa án phải nhân danh Nhà nước trong hoạt động xét

xử thì điều đó cũng có nghĩa là nguyên tắc tam quyền phân lập hiện đại đã không
được tôn trọng. Ở đây, ít nhất người ta cũng chấp nhận sự can thiệp của Nhà nước
thông qua chính phủ.
Có lẽ chính nếp nghĩ coi Nhà nước là cha là mẹ, đứng trên tất cả cũng là một trong
những nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể ngăn chặn được nạn tham
nhũng hối lộ. Dù với mục đích nào và bằng cách gì thì bản chất của tham nhũng
hối lộ cũng là sự lạm dụng quyền lực. Chúng ta không thể nói đến việc kiểm soát
và giới hạn hoạt động sử dụng quyền lực Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật khi
mà ngay cả cơ quan tư pháp- tòa án- cũng phải nhân danh nhà nước khi xét xử
hoạt động của Nhà nước. Cũng chính quan điểm coi Nhà nước đứng trên tất cả đã
không thể khai thông hoạt động công minh của Tòa hành chính- là tòa án chuyên
xét xử các hoạt động của cơ quan công quyền. Có lẽ quan điểm này cũng là một
trở ngại lớn cho quyết định thành lập Tòa Hiến pháp.
Nếu hậu qủa trên còn có một chút gì đó trừu tượng thì việc các bản án của Tòa án
Việt nam rất khó được công nhận cho thi hành án ở nước ngoài chắc chắn sẽ là
một hậu qủa nhãn tiền hơn.
Chúng ta đều biết, sự trung lập công tâm của Tòa án là điều kiện để phán quyết
của Tòa hội đủ tính chính danh cần thiết và vì vậy có hiệu lực pháp lý. Trong thực
tiễn, một phiên Tòa sẽ bị hoãn, thẩm phán và Hội đồng xét xử sẽ phải thay đổi nếu
người ta chứng minh được có cơ sở để không thể loại trừ khả năng thiên vị của họ
đối với một trong các bên tham gia tranh tụng. Cơ sở nghi ngờ có khả năng thiên
vị này có thể là quan hệ bà con, bạn bè hoặc thậm chí chỉ là những tuyên bố có lợi
cho một bên trước khi toà bắt đầu làm việc.
Điều gì sẽ xẩy ra khi một doanh nghiệp nước ngoài vi phạm hợp đồng và bị một
doanh nghiệp Nhà nước hay một doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần chi phối
khởi kiện trước một Toà án VN? Trong trường hợp bị thua kiện, doanh nghiệp
nước ngoài hoàn toàn có thể trước hết không chấp hành phán quyết và yêu cầu Tịa
án nước mình không chấp nhận cho thi hành bản án với lý do Tòa án VN không có
đủ sự công minh trung lập cần thiết vì đã nhân danh một bên tranh chấp để xét xử.
2. Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật

Chúng ta đã biết vì sao phải phân chia thẩm quyền và nhiệm vụ trong việc thực thi
quyền lực Nhà nước cho ba cơ quan hiến định là LP, HP và TP. Trong hai hình
thức lạm dụng quyền lực là vượt quá giới hạn được phép (giới hạn ở đây là Pháp
luật) và thâu tóm, lợi dụng thẩm quyền của người khác, thì dạng thứ hai là dạng
phổ biến nhất trong thực tiễn. Ngăn ngừa dạng lạm dụng quyền lực kiểu như vậy
cũng là một ý nghĩa của việc phân tập quyền lực.
Chúng ta cũng biết, Chính phủ và các cơ quan công quyền chỉ có thẩm quyền và
nhiệm vụ chính là thực thi luật, quan điểm và việc thực hiện luật như thế nào của
chính phủ là quan điểm riêng của cơ quan hành pháp và nó sẽ bị giám sát, kiểm tra
cũng như có thể bị khởi kiện trước Tòa án. Hiểu đúng mục đích của các điều Luật
và thi hành chúng như thế nào là quyền lợi, trách nhiệm của mọi thành viên trong
xã hội. Bởi họ là những chủ thể hoàn toàn tự do và bình đẳng trước pháp luật. Khi
họ có tranh chấp về việc hiểu và thực thi này, thì lúc đó Tòa án mới vào cuộc
(Nguyên tắc: Không có đơn kiện, cũng chẳng có Tòa án). Chỉ và chỉ có Tư pháp-
với cơ quan là các Tòa án- mới có thẩm quyền quyết định về việc lý giải, thực thi
luật có đúng đắn hay không. Và bằng cách đó hướng dẫn định hướng cho việc thi
hành luật.
Hiện nay, các đạo luật của ta đều phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn của
chính phủ hoặc các bộ mới có thể được áp dụng trong thực tế, tức là của cơ quan
hành pháp.
a) Gạt bỏ quyền lực của các cơ quan lập pháp, tư pháp trên thực tế?
Trước hết, việc một đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành phải chờ quyết định
của hành pháp mới có giá trị thực hiện trong thực tế là một hạn chế nghiêm trọng
quyền lực của lập pháp, đồng thời mở ra các khả năng lạm dụng quyền lực hành
pháp qua việc có thể kéo dài hoặc rút ngắn một cách có chủ đích hiệu lực trên thực
tế của điều luật.
Thứ hai, các nghị định, thông tư hướng dẫn của chính phủ chúng ta không phải chỉ
là những hướng dẫn thi hành thông thường, mà là những qui định mang tính chất
chuẩn mực pháp lý. Nghĩa là chúng sẽ là chuẩn mực là cơ sở cho Tòa án xét xử.
Như vậy, trên thực tế, thẩm quyền của Tư pháp cũng đã chuyển qua cơ quan hành

pháp là chính phủ. Và như thế, chúng ta đã có thể thấy thực tế hoạt động xây dựng
Nhà nước pháp quyền ở ta với thói quen ban hành các nghị định thông tư hướng
dẫn thi hành luật đã không củng cố được cơ chế cân bằng, kiểm soát và giới hạn
quyền lực Nhà nước tối cao mà còn tạo điều kiện hình thành một chính phủ siêu
quyền hạn, mở ra nhiều khả năng lạm dụng quyền lực hơn.
b) Phân biệt thẩm quyền ban hành các qui định, văn bản dưới luật.
Như vậy, thực ra việc Chính phủ tham gia phần nào vào chức năng lập pháp qua
việc ban hành các văn bản, qui định dưới luật phải được thực hiện thế nào?
Trước tiên phải khẳng định rằng Chính phủ không có thẩm quyền và nhiệm vụ
hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, cho nội bộ cơ quan hành pháp, chính phủ
hoàn toàn có quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo quan điểm
của mình. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, những văn bản này chỉ có giá trị pháp lý
đối nội trong nội bộ chính phủ và các cơ quan công quyền chứ không có giá trị
chuẩn mực pháp lý chung. Nghĩa là, nếu một cơ quan công quyền bị khởi kiện
trước tòa án thì các hướng dân thi hành của chính phủ cũng chỉ có gía trị như ý
kiến riêng của một bên tham gia tranh tụng mà thôi, chứ không phải là cơ sở pháp
lý để tòa án xem xét.
Để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan lập pháp và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi
luôn biến động của của xã hội, cơ quan hành pháp cũng có thể đảm nhận việc ban
hành những nghị định, qui định, văn bản dưới luật nhưng vẫn có giá trị chuẩn mực
pháp lý chung. Chẳng hạn: bộ giáo dục có thể ban hành Luật tổ chức trường đại
học, thậm chí cả Luật Giáo dục. Với điều kiện cơ quan hành pháp phải được sự ủy
quyền của cơ quan lập pháp qua một bộ luật ủy quyền do quốc hội thông qua. Có
lẽ do không phân biệt rõ ràng chức năng ban hành các văn bản dưới luật và thẩm
quyền lý giải hướng dẫn thi hành luật mà chúng ta mới giao luôn cho cơ quan
hành pháp một loại quyền lực siêu quyền hạn bao gồm cả hoạt động lập pháp lẫn
tư pháp như vậy.
Hậu qủa của việc giao cho chính phủ quyền ban hành nghị định, thông tư hướng
dẫn thi hành luật, ngoài việc phi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Nhà nước pháp
quyền nói chung, vi phạm nguyên tắc cân bằng, kiểm tra, kiểm soát và giới hạn

quyền lực tối cao, còn dẫn đến rất nhiều bất lợi khác trong việc thực thi pháp luật
trong thực tế:
- Trước hết, đó là mở rộng khả năng lạm quyền của cơ quan hành pháp qua việc có
thể tự ý kéo dài hoặc rút gọn thời gian có hiệu lực của điều luật, cũng như qua việc
can thiệp vào việc xét xử của tòa án.
- Tiếp theo là sự tắc nghẽn trong vận dụng điều luật vào thực tế. Chúng ta có thể
thấy rất rõ là các bộ hay liên bộ được giao soạn thảo nghị định như vậy bao giờ
cũng có xu hướng lý giải điều luật đó sao cho nó thuận tiện và bảo vệ quyền lợi
của mình. Trong trường hợp do liên bộ soạn thảo thì điều này trước hết sẽ là sự
thỏa hiệp quyền lợi của các cơ quan đó và trong nhiều trường hợp sự thỏa hiệp này
đi trệch với mục đích ban đầu của cơ quan lập pháp. Cuối cùng, theo thời gian,
việc lý giải và hướng dẫn thi hành không do một mà là nhiều cơ quan công quyền
khác nhau thực hiện như vậy cũng dẫn đến tình trạng một điều luật do bộ này
hướng dẫn thực hiện không kết hợp được một cách hữu cơ với các điều luật liên
quan đến nó nhưng do các bộ khác hướng dẫn thực hiện. Chính điều này cũng là
một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mà chúng ta thường nói một
cách rất lịch sự là: tính không đồng bộ của hệ thống pháp luật VN. Những điều mà
chúng ta vừa đề cập đến là một vài nguyên nhân chính gây ra vấn nạn thực thi luật
kém hiệu qủa hiện nay của chúng ta.
- Khi đã VN là thành viên của WTO, Tòa án chúng ta sẽ phải tiếp nhận và xét xử
hàng loạt vụ tranh tụng về các vấn đề thời sự trong giao dịch kinh doanh quốc tế.
Tòa án phải ra phán quyết. Điều gì sẽ xẩy ra, khi Tòa án phải chờ nghị định hướng
dẫn thi hành những điều khoản, qui định quốc tế liên quan đến tranh chấp tuy còn
xa lạ với chúng ta nhưng là quen thuộc với quốc tế?
3. Hệ thống pháp luật đặc biệt cho Việt nam
Ai cũng biết hệ thống pháp luật của chúng ta đang có nhiều điều bất ổn. Nhưng đa
số cho rằng VN phải có luật pháp mang đậm bản sắc dân tộc VN, không thể áp đặt
luật nuớc ngoài.
Thế nhưng, qua những gì vừa trình bày, có thể thấy rằng con người dù ở đâu cũng
mong muốn được sống trong tự do bình đẳng và họ đã nhất trí được với nhau về

những nguyên tắc chung nhất nhằm bảo đảm điều ấy. Đó chính là nguyên tắc Nhà
nước pháp quyền cũng như các nguyên tắc nhằm cân bằng, kiểm soát và giới hạn
quyền lực tối cao của nhà nước. Các nguyên tắc này cũng chính là một trong các
điều kiện để đuợc hội nhập quốc tế và hội nhập thành công. Chúng ta chỉ có thể có
một chọn lựa, hoặc là hội nhập quốc tế và phải tuân thủ các nguyên tắc chung đó
hoặc là không hội nhập.
Tất nhiên, không thể ảo tưởng để hy vọng chỉ một sớm một chiều Việt nam sẽ đạt
được một trình độ văn minh dân sự như các nước phát triển khác. Nhưng chúng ta
có trách nhiệm phải xây dựng cho quê hương những nền tảng căn bản đầu tiên cho
một sự phát triển đuổi kịp văn minh nhân loại.

×