Quy trình lập hiến và vai trò của quy trình lập hiến trong xây dựng Nhà nước
pháp quyền
Ban hành Hiến pháp hay sửa đổi Hiến pháp là một công việc rất cẩn trọng,
phải phân biệt rõ ràng các vấn đề thuộc nội dung Hiến pháp và các vấn đề
thuộc nội dung lập pháp thông thường. Sự khó khăn của quy trình nhằm hạn
chế sự tuỳ tiện của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tạo điều kiện để nhân
dân bày tỏ ý chí của mình trong Hiến pháp - đạo luật thiết lập nền tảng cho
một quốc gia.
Quy trình lập hiến hiểu một cách đơn giản - là trình tự, thủ tục mà các chủ
thể có quyền lập hiến phải tuân theo trong quá trình ban hành hoặc sửa đổi
Hiến pháp
Quy trình lập hiến về cơ bản khác với quy trình lập pháp ở một số điểm cơ bản.
Một là, quy trình lập hiến phải do Hiến pháp quy định. Hiến pháp của nhiều nước
quy định lập hiến là một nội dung “cứng” không được sửa đổi khi tiến hành sửa
đổi, bổ sung Hiến pháp. Bởi, Hiến pháp được xem là một khế ước xã hội, một văn
bản của nhân dân, “là một bộ phận của quyền lập hiến, quyền sửa đổi một hiến
pháp sau khi nó đã được chấp nhận và thông qua bởi nhân dân, cũng là một quyền
nguyên thủy chỉ có thể được hành xử bởi nhân dân một cách trực tiếp hoặc bởi
một hội đồng lập hiến đặc biệt được ủy quyền sửa đổi Hiến pháp”. Do vậy, Hiến
pháp không thể được sửa đổi một cách đơn phương bởi Nhà nước – nó được Hiến
pháp quy định như một trình tự, thủ tục đã được nhân dân ưng chuẩn.
Hai là, quy trình lập hiến ở các nước theo mô hình Hiến pháp cương tính, hay
Hiến pháp nhu tính thì thủ tục ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp đều khó khăn,
phức tạp bao gồm những quy định chặt chẽ, ngặt nghèo hơn so với việc ban hành
hay sửa đổi một đạo luật thông thường. Điều đó bắt nguồn từ tính chất của Hiến
pháp là một văn bản thiết lập các quan hệ nền tảng của một quốc gia, thể hiện sự
cam kết đối với chủ quyền của nhân dân. Vì vậy, ban hành Hiến pháp hay sửa đổi
Hiến pháp là một công việc rất cẩn trọng, phải phân biệt rõ ràng các vấn đề thuộc
nội dung Hiến pháp và các vấn đề thuộc nội dung lập pháp thông thường. Sự khó
khăn của quy trình nhằm hạn chế sự tùy tiện của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp,
tạo điều kiện để nhân dân bày tỏ ý chí của mình trong Hiến pháp – đạo luật thiết
lập nền tảng cho một quốc gia.
Quy trình lập hiến ở các nước có sự khác nhau. Những nước theo mô hình
Hiến pháp cương tính thì quy trình lập hiến khó khăn, phức tạp hơn so với
những nước có mô hình hiến pháp nhu tính. Tuy nhiên, quy trình lập hiến
thường bao gồm một số giai đoạn cơ bản
Giai đoạn thứ nhất là đưa sáng quyền lập hiến, tức là giai đoạn xác lập sự cần thiết
xây dựng hoặc sửa đổi Hiến pháp. Thông thường nhu cầu xây dựng một bản hiến
pháp được đặt ra khi một chế độ chính trị đã thay đổi; chế độ chính trị này phủ
định chế độ chính trị kia. Còn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện có chỉ đặt ra
khi có sự đồng ý của 3/4 tổng số đại biểu (như Philippines); 2/3 tổng số thành viên
có mặt đồng ý (như ở Mỹ) Ngày nay, việc đưa ra sáng quyền sửa đổi Hiến pháp
thường bắt nguồn từ sự khởi xướng của Đảng cầm quyền và được đa số nghị sỹ
biểu quyết tán thành với tỷ lệ từ 2/3 trở lên. Một số nước như Thụy Sỹ, nhân dân
cũng có quyền yêu cầu sửa đổi Hiến pháp (100 ngàn chữ ký; Italia 500 ngàn chữ
ký và Philippines là 20% cử tri được đăng ký). Sáng quyền tu chính Hiến pháp gần
đây, cũng được thực hiện ở một số bang của Mỹ.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn soạn thảo bản dự thảo Hiến pháp. Để soạn thảo dự
thảo sửa đổi Hiến pháp, ở các nước thường tổ chức Hội nghị lập hiến do nhân dân
bầu ra trong một cuộc bỏ phiếu thông thường như ở Mỹ; Quốc hội lập hiến bầu ra
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp như Hiến pháp năm 1946 ở nước ta, Hiến pháp năm
1993 của Liên bang Nga. Tại các cơ quan này, những người được bầu thay mặt
nhân dân, được nhân dân ủy quyền, nhân dân phản ánh tiếng nói của mình trong
việc soạn thảo dự thảo Hiến pháp hay dự thảo sửa đổi Hiến pháp Các tổ chức
được lập nên bởi nhân dân là hình thức để nhân dân lựa chọn trực tiếp những
người thực sự có khả năng thuộc các giai tầng khác nhau thay mặt mình soạn thảo
dự thảo Hiến pháp hoặc Hiến pháp sửa đổi. Đồng thời là nơi tiếp nhận và phản hồi
các ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình soạn thảo.
Giai đoạn thứ ba là công bố bản dự thảo rộng rãi và tổ chức để các tầng lớp nhân
dân đóng góp ý kiến. Trong giai đoạn này thường có các quy trình về nội dung
những vấn đề lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, thời gian lấy ý kiến, việc tiếp thu
và phản hồi ý kiến của cơ quan soạn thảo.
Giai đoạn thứ tư là thảo luận thông qua Hiến pháp tại Quốc hội (Nghị viện), dự
thảo Hiến pháp được Quốc hội thông qua thường quy định ít nhất có 2/3 trở lên số
đại biểu đồng ý.
Sau khi được Nghị viện thông qua, ngày nay, một xu hướng phổ biến trong quy
trình lập hiến của nhiều nước là tiến hành trưng cầu dân ý. Những điều khoản
được soạn thảo sau khi phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc.
Hiến pháp năm 1946 ở nước ta quy định theo cách thức này.
Việc sửa đổi Hiến pháp khác với làm một bản Hiến pháp mới. Sửa đổi Hiến pháp
là một quyền lực có giới hạn. Còn làm Hiến pháp mới là một quyền lực nguyên
thủy nên không có giới hạn, nghĩa là nhà lập hiến không bị ràng buộc bởi một thủ
tục pháp lý nào, việc sửa Hiến pháp phải tuân theo thủ tục đã được Hiến pháp quy
định. Nói cách khác, việc sửa Hiến pháp là một quyền lực Hiến định nên bị giới
hạn của Hiến pháp. Quyền sửa đổi Hiến pháp chỉ bao gồm quyền thay đổi, bổ
sung, mở rộng, loại bỏ những điều khoản của Hiến pháp nhưng vẫn giữ lại bản
thân bản Hiến pháp. Đúng như một nhà nghiên cứu luật Hiến pháp người Đức Carl
Sehmitt đã viết “trong khi sửa đổi Hiến pháp, bản sắc và tính chỉnh thể của Hiến
pháp phải được giữ lại”. Điều đó có nghĩa là hệ thống chính trị bao gồm hình thức
chính thể nhà nước, chế độ chính trị không được thay đổi trong khi sửa đổi Hiến
pháp. Vì thế, các Hiến pháp ngày nay thường có các quy định đặt ra các giới hạn
đối với việc sửa đổi Hiến pháp, để khi tiến hành sửa đổi không thể tùy tiện. Đây
cũng là một nội dung của quy trình lập hiến. Ví dụ Hiến pháp của nền cộng hòa
thứ 5 của Pháp (năm 1958) quy định chính thể cộng hòa không thể được sửa đổi.
Quy trình lập hiến nói chung, quy trình sửa đổi Hiến pháp nói riêng có vai
trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Trước hết, Nhà nước pháp quyền là nhà nước tôn trọng và đề cao Hiến pháp trong
tổ chức và hoạt động của đời sống nhà nước và đời sống xã hội, trong việc bảo vệ
quyền con người, quyền công dân, bảo vệ an ninh, an toàn cho cuộc sống con
người. Theo đó, đòi hỏi chất lượng của Hiến pháp phải cao, phải hoàn hảo về nội
dung và hình thức thể hiện, phải tồn tại được lâu dài để bảo đảm được sự phát
triển một cách ổn định. Để có một Hiến pháp như vậy đòi hỏi một quy trình lập
hiến (trong đó có sửa đổi Hiến pháp) phải dân chủ nhưng phải rất chặt chẽ và khó
khăn khi thực hiện. Một bản Hiến pháp được xây dựng theo một quy trình, công
nghệ dân chủ, khoa học, hoàn hảo thì chắc chắn sẽ cho ra đời một sản phẩm có
chất lượng tốt.
Nhà nước pháp quyền là nhà nước được xây dựng trên nền tảng chủ quyền nhân
dân. Việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp là dựa trên cơ sở chủ quyền nhân dân. Ở
Mỹ, các nhà lập hiến khởi đầu đã coi học thuyết chủ quyền nhân dân của John
Locke là nền tảng lý thuyết để lập quốc và là cơ sở để xây dựng Hiến pháp và sửa
đổi Hiến pháp. Theo đó, quy trình soạn thảo Hiến pháp đòi hỏi phải được thực
hiện bởi một Đại hội phổ thông do dân chúng bầu, chứ không phải là một cơ quan
lập pháp thông thường và sau đó được phê chuẩn theo một quy trình thể hiện được
ý chí của dân chúng như thông qua trưng cầu dân ý. Về sau, quy trình sửa đổi Hiến
pháp Liên bang ở Mỹ được quy định tại Điều V Hiến pháp: Khi hai phần ba thành
viên của hai viện đều xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến
pháp, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, sẽ
triệu tập một hội nghị để đề xuất những điều sửa đổi; trong cả hai trường hợp, các
điều khoản sửa đổi Hiến pháp đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi
được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi Đại
hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do QH đề nghị với điều
kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất trước năm 1808 theo một
cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của điều I; và không
một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị tước đoạt quyền bỏ phiếu
bình đẳng trong thượng viện. Như vậy, Hiến pháp Mỹ quy định bằng hai cách để
thực hiện quyền tu chỉnh Hiến pháp là Quốc hội và Đại hội Hiến pháp.
Việc phê chuẩn Hiến pháp, theo Hiến pháp Mỹ cũng gồm hai cách phê chuẩn bởi
các cơ quan lập pháp của các bang hoặc phê chuẩn bởi Đại hội Hiến pháp của các
bang. Trong cả hai cách, việc sửa đổi Hiến pháp được xem là một công việc rất hệ
trọng. Do đó phải được thực hiện bởi người đại diện do nhân dân bầu với cách làm
đó, tiếng nói của nhân dân được phản ánh trong việc sửa đổi Hiến pháp, thể hiện
thái độ tôn trọng chủ quyền của nhân dân.
Với vai trò quan trọng của quy trình lập hiến như nói trên, việc hoàn thiện quy
trình lập hiến ở nước ta là một tất yếu khách quan trong điều kiện xây dựng Nhà
nước pháp quyền XHCN. Tính tất yếu khác quan đó, bắt nguồn từ các đòi hỏi sau:
một là, quy trình lập hiến hiện hành còn quá đơn giản, không đầy đủ, và không cụ
thể, chủ quyền nhân dân trong việc thực hiện quy trình còn mang tính hình thức.
Theo đó, hoàn thiện quy trình phải hướng tới khắc phục các khiếm khuyết này.
Hai là, hoàn thiện quy trình lập hiến là một đòi hỏi tất yếu của quá trình xây dựng
Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm hoàn thiện một bản Hiến pháp thể hiện sâu
sắc dân chủ XHCN, một bản Hiến pháp của dân, do dân, vì dân; một bản Hiến
pháp hoàn hảo cả về nội dung lẫn hình thức; bảo đảm cho nó giữ được vị trí tối
thượng trong đời sống Nhà nước và đời sống xã hội.