BÀI SOẠN ÔN THI TỐT NGHIỆP
MÔN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ (PHẦN 8)
Câu 10: Trình bày các công cụ chủ yếu của chính sách tài chính. Cho ví
dụ minh hoạ của 1 công cụ của chính sách này.
Trình bày các công cụ chủ yếu của chính sách tài chính:
1. Theo cách hiểu chung nhất chính sách tài chính là hệ thống các quan
điểm, nguyên tắc xử lý của nhà nước đối với các quan hệ tài chính quốc gia
thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, cụ thể là thuế và chi tiêu ngân
sách. Trong kinh tế vĩ mô chính sách tài chính là việc Chính phủ sử dụng
thuế khoá và chi tiêu công cộng để điều tiết mức chi tiêu chung của nền kinh
tế, đưa nền kinh tế về mức sản lượng tiềm năng.
Về nguyên tắc, Chính phủ sử dụng chính sách tài chính nhằm duy trì tổng
cung của toàn xã hội luôn tương ứng hoặc xấp xỉ sản lượng tiềm năng của
nên kinh tế, thông qua đó có thể loại bỏ được hiện tượng suy thoái hoặc tăng
trưởng quá nóng của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển ổn định, cân bằng,
bền vững.
Giả sử nền kinh tế đang lâm vào tình trạng suy thoái và thất nghiệp, các nhà
doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư thêm, người tiêu dùng không
muốn chi tiêu thêm cho tiêu dùng. Lúc này để mở rộng tổng cầu, Chính phủ
phải tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, nâng cao mức chi tiêu chung của nền kinh
tế. Ngược lại, khi nền kinh tế đang trong trạng thái phát đạt quá mức, lạm
phát tăng lên, Chính phủ có thể giảm chi tiêu và tăng thuế, nhờ đó mức chi
tiêu chung giảm đi, sản lượng giảm theo và lạm phát sẽ chững lại.
Như vậy, mục tiêu của chính sách tài chính là nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn
định. Trên thực tế bằng chính sách tài chính không chỉ thúc đẩy tăng trưởng
mà còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực công nghiệp cạnh
tranh, duy trì ổn định nền kinh tế bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Hai công cụ chủ yếu của chính sách tài chính là thuế và chi tiêu của Chính
phủ:
a. Chi tiêu của Chính phủ là từ ngân sách. Chi tiêu của Chính phủ là quỹ tiền
tệ quốc gia, dùng để chi tiêu cho toàn bộ hoạt động chung hàng năm, do
Chính phủ quản lý và sử dụng theo Luật ngân sách nhà nước và kế hoạch
phê chuẩn. Chỉ trên cơ sở luật định, Chính phủ mới được chi tiêu. Tuy nhiên,
trong khuôn khổ luật định về các khoản chi, hạn mức chi tính theo tỷ lệ
trong tổng số, Chính phủ còn có 1 khoản tự do nhất định trong điều hành
ngân sách, cụ thể là trong chi tiêu ngân sách nhà nước, ở góc độ này Chính
phủ cần và có thể phát huy tác dụng điều tiết vĩ mô nền kinh tế quốc dân.
Khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao, tổng cầu ở mức thấp nhất,
chi tiêu của Chính phủ có tác dụng làm cho cầu tiêu dùng của Chính phủ
tăng lên, dẫn đến sự gia tăng tổng chi tiêu của xã hội, tổng cầu tăng làm cho
cung lại có cầu thúc đẩy, kinh tế sẽ ra khỏi suy thoái. Đặc biệt, riêng việc
tăng cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu theo mô hình số nhân, nhờ đó mà
đẩy mức tăng sản lượng đến gần sản lượng tiềm năng.
Khi nền kinh tế ở trạng thái nóng, việc giảm chi tiêu của Chính phủ sẽ có tác
dụng giảm mức chi tiêu chung của toàn xã hội, giảm tổng cầu.
b. Thuế:
Thuế là 1 khoản thu của nhà nước đối với các tổ chức và mọi thành viên
trong xã hội, khoản thu đó mang tính bắt buộc, không hoàn trả trực tiếp được
pháp luật qui định.
Sự xuất hiện nhà nước đòi hỏi cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện cho nhà
nước tồn tại và thực hiện chức năng của mình. Nhà nước dùng quyền lực
chính trị để ban hành những quyết định pháp luật cần thiết làm công cụ phân
phối lại 1 phần của cải của xã hội và hình thành quỹ tiền tệ tập trung của nhà
nước. Sự xuất hiện sản phẩm thặng dư trong xã hội và cơ sở chủ yếu tạo khả
năng và nguồn thu để thuế tồn tại, phát triển. Như vậy, thuế là phạm trù lịch
sử và là 1 tất yếu khách quan xuất phát từ nhu cầu đáp ứng chức năng của
nhà nước. Thuế phát sinh, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại và
phát triển của nhà nước. Thuế được nhà nước sử dụng như 1 công cụ kinh tế
quan trọng nhằm huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần
điều chỉnh kinh tế và điều hoà thu nhập.
Thuế là khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.
+ Thuế góp phần điều chỉnh nền kinh tế.
+ Thuế góp phần đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công
bằng xã hội.
Khi nền kinh tế ở trạng thái suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao, tổng cầu giảm,
các doanh nghiệp giảm đầu tư, dân cư giảm tiêu dùng, Nhà nước giảm thuế
cho dân, nhờ đó làm tăng thu nhập khả dụng, doanh nhân lại tăng đầu tư,
dân cư lại tăng tiêu dùng, tổng cầu lại tăng thúc đẩy cung, kinh tế sẽ ra khỏi
suy thoái.
Khi nền kinh tế ở trạng thái nóng, cầu tăng hơn cung, Nhà nước có thể tăng
thuế để hạn chế mức tiêu dùng của toàn xã hội. Khi đó giá cả sẽ hạ, cung sẽ
giảm, nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng ổn định.
Câu 11: Trình bày các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ.
1. Chính sách tiền tệ là hệ thống quan điểm, nguyên tắc do nhà nước đề ra để
chỉ đạo việc xây dựng các giải pháp tiền tệ nhằm ổn định nền kinh tế quốc
dân. Theo lý thuyết Keynes, điều tiết khối lượng tiền tệ là 1 trong những
công cụ cơ bản để điều tiết nền kinh tế. Khối lượng tiền tệ ảnh hưởng đến ổn
định giá cả và lãi suất, đến lượt nó lãi suất là giá cả của tiền vay. Việc tăng
hay giảm cung về tiền đều do Ngân hàng Trung ương quyết định. Trường
hợp cung về tiền tăng lên, thì lãi suất giảm; lãi suất giảm xuống sẽ làm gia
tăng các khoản chi đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng lên, qua đó tổng cầu
tăng lên sẽ làm gia tăng sản lượng và việc làm. Ngược lại, khi nền kinh tế
phát triển quá nóng, cung về tiền giảm đi, lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng
lên, từ đó làm giảm chi tiêu của nền kinh tế, tổng cầu giảm, nền kinh tế thoát
ra khỏi tình trạng phát triển quá nóng.
Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện điều tiết cung về tiền tệ thông qua 3
công cụ chủ yếu: lãi suất chiết khấu, dự trữ bắt buộc và thị trường mở.
+ Lãi suất chiếc khấu là công cụ quan trọng để Ngân hàng nhà nước tính lãi
đối với các khoản cho Ngân hàng thương mại vay, nhằm khống chế chất
lượng và số lượng tín dụng của Ngân hàng thương mại. Tuỳ theo nhu cầu
hạn chế hay khuyến khích mà lãi suất chiết khấu cao hay thấp hơn lãi suất
ngân hàng đó cho khách vay.
+ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ số giữa số lượng phương tiện thanh toán cần vô
hiệu hoá trên tổng số tiền gửi mà Ngân hàng nhà nước qui định nhằm điều
chỉnh khả năng thanh toán và cho vay của Ngân hàng thương mại. Thông
qua việc điều chỉnh trực tiếp tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng nhà nước tác
động cả vào khối lượng và giá cả tín dụng của Ngân hàng thương mại.
+ Thị trường mở là thị trường tiền tệ của Ngân hàng nhà nước là 1 kênh
quan trọng để Ngân hàng nhà nước có thể can thiệp được vào hoạt động của
thị trường tiền tệ. Cụ thể như sau: muốn ngăn chặn lạm phát, thu hút bớt
lượng tiền tệ dư thừa trong lưu thông, Ngân hàng nhà nước bán các loại
chứng chỉ có giá của Chính phủ ra thị trường. Trong trường hợp này, Ngân
hàng nhà nước không chỉ giảm bớt khối lượng tiền ngoài lưu thông mà còn
thu hẹp được khối lượng tín dụng. Ngược lại, cần bơm tiền vào lưu thông
cho phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế, hay bù lượng tiền thiếu
hụt do lạm phát giá khi chưa ngăn chặn được, Ngân hàng nhà nước mua lại
các chứng chỉ có giá của Chính phủ. Nhờ vậy, 1 khối lượng tiền được phát
hành vào lưu thông để mở rộng tín dụng, thúc đẩy đầu tư, giảm bớt thất
nghiệp.
Chính sách tiền tệ có tác động quan trọng đến tăng trưởng sản lượng về mặt
ngắn hạn, song do tác động đến đầu tư nên nó cũng có ảnh hưởng đến sản
lượng tiềm năng về mặt dài hạn.
Ví dụ: Lãi suất.
Lãi suất là số so sánh giữa số tiền phải trả thêm mà vốn được sử dụng trong
1 khoảng thời gian nhất định.
Vai trò của lãi suất: Giúp cho các doanh nghiệp đầu tư 1 cách có hiệu quả; là
công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế; là công cụ thu hút vốn đầu tư.
Khi lãi suất thay đổi, nó tác động nhiều đến hoạt động của nền kinh tế:
+ Lãi suất tăng - nhu cầu tiền giảm - đầu tư giảm- sản lượng giảm- nền kinh
tế
+ Lãi suất giảm - nhu cầu tiền tăng - đầu tư tăng - sản lượng tăng - nền kinh
tế
Nhà nước vận dụng công cụ lãi suất:
+ Khi nền kinh tế suy thoái, thất nghiệp nhiều, mở rộng chính sách tiền tệ,
thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, làm cho cung tiền tăng, giảm lãi suất.
Khi lãi suất giảm, cung tiền tăng, đầu tư sẽ tăng lên, thì sản lượng cũng sẽ
tăng theo, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm. Ví dụ: Thông qua nghiệp vụ thị
trường mở - mua trái phiếu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất chiếc
khấu.
+ Khi nền kinh tế phát triển quá nóng (đầu tư tăng, tổng cầu tăng, giá cả
tăng, lạm phát tăng) Nhà nước dùng giải pháp chính sách tài chính hạn chế
(thắt chặt): giảm chi tiêu, tăng thuế, giảm lượng cung tiền và tăng lãi suất.
Khi lượng cung tiền giảm và lãi suất tăng sẽ làm hạn chế đầu tư, và dẫn đến
sản lượng giảm theo.