Tình hình chuyển đổi sang EMV ở một số khu vực
và xu hướng phát triển các dịch vụ mới ứng dụng trên thẻ chip EMV
Đặng Thị Thanh - Phạm Hải Hà
Mục đích của việc ứng dụng thẻ chip EMV vào trong các hoạt động thanh
toán là nhằm đảm bảo cho các giao dịch thanh toán an toàn, nhanh chóng, hiệu quả
và gia tăng được nhiều tiện ích trên thẻ. Cho đến nay, nhiều quốc gia như Anh,
Pháp, Malaysia… đã hoàn thành chuyển đổi sang EMV trên diện rộng, tình trạng
gian lận thẻ giả mạo, thẻ bị mất, thẻ bị đánh cắp đã giảm xuống đáng kể. Kinh
nghiệm chuyển đổi thành công sang công nghệ thẻ chip EMV của các quốc gia này
cho thấy, việc đưa ra lộ trình chuyển đổi phù hợp, sáng tạo trong việc khai thác lợi
nhuận trên thẻ chip EMV sau phát hành là việc làm vô cùng quan trọng, quyết định
sự thành công hay thất bại của một chương trình chuyển đổi.
1. Kinh nghiệm chuyển đổi tại các châu lục
Châu Âu là khu vực đi đầu trên thế giới trong việc chuyển đổi sang công nghệ
thẻ chip EMV. Chính sách chuyển giao trách nhiệm bắt đầu có hiệu lực tại châu
lục này là từ tháng 1/2005, áp dụng đối với các tổ chức không tuân theo chuẩn chip
EMV (đối với cả bên phát hành và bên thanh toán). Điều này có nghĩa là các đại lý
chấp nhận thẻ không tuân theo chuẩn EMV sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với
bất kỳ gian lận nào gây ra đối với giao dịch sử dụng thẻ quốc tế Visa hoặc
MasterCard.
Anh và Pháp là hai quốc gia đầu tiên triển khai hệ thống chấp nhận cả hình
thức chip và nhập mã PIN ở Châu Âu. Nhận thấy được lợi ích của việc triển khai,
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt tay triển khai công nghệ thẻ chip, và ngày nay đã trở
thành quốc gia có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng nhất ứng dụng trên thẻ chip EMV
tại Châu lục này.
Một số quốc gia khác thậm chí còn ứng dụng EMV trong cả hoạt động thanh
toán thẻ nội địa. Tây Ban Nha dự tính sẽ áp dụng chính sách chuyển giao đối với
các gian lận thẻ nội địa trong năm 2008, trong khi hiện tại Đức vẫn chưa có ý định
chuyển giao trách nhiệm với gian lận thẻ nội địa.
Khu vực thanh toán bằng đồng Châu Âu SEPA là nơi vận hành chính hoạt
động chuyển đổi sang thẻ chip ở Châu Âu. Tháng 12/2005, Ngân hàng trung ương
châu Âu ECB đã đề xuất Cơ cấu tổ chức hoạt động thẻ ở SEPA, có nhiệm vụ triển
khai ứng dụng tất cả các chuẩn chip EMV và chuẩn xác thực dùng mã PIN ở tất cả
các quốc gia trong khu vực Châu Âu đến năm 2010. Chính điều này đã thúc đẩy
các chương trình chuyển đổi của các quốc gia ở Châu lục này, cụ thể như Hà Lan
là quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi rất tích cực.
Việc chuyển đổi EMV tại các thị trường thẻ ở khu vực Châu Á-TBD đang
diễn ra mau chóng từng ngày và là khu vực được quốc tế đánh giá là có nhiều sáng
tạo trong các chương trình thẻ chip đa ứng dụng. Tính đến nay, đã có hơn 19 quốc
gia trong khu vực đã hoàn thành chương trình chuyển đổi chip. Quốc gia điển hình
nhất trong việc chuyển sang thẻ chip đạt chuẩn EMV ở Châu lục này là Malaysia.
Từng được xem là “thủ đô của tội phạm thẻ”, Chính phủ Malaysia đi tiên phong
trên thế giới về việc chuyển đổi sang thẻ thông minh đạt chuẩn EMV (bắt đầu
chuyển đổi từ năm 2002) và đã hoàn thành việc chuyển đổi cho toàn bộ thẻ thanh
toán, ngày nay còn đang phát triển thẻ Visa Contacless (thẻ không tiếp xúc). Chính
phủ Đài Loan và Hàn Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng ở các nước này nâng cấp
hệ thống phát hành và thanh toán thẻ sử dụng cho thẻ chip EMV. Các ngân hàng ở
đảo quốc Singapore cũng đã và đang mang tới cho khách hàng một phương tiện
thanh toán an toàn và tiện lợi hơn - thẻ chip đạt chuẩn EMV. Trung Quốc và Úc đã
hoàn thành triển khai dự án EMV trên diện rộng….
Tại Đông Dương, đa số thẻ chip EMV này đều được phát hành ở Cambodia.
Việt nam cũng đã và đang tích cực chuẩn bị cho việc chuyển đổi này từ cuối năm
2006, đầu năm 2007, dự kiến công bố lộ trình chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip
chuẩn EMV cuối năm 2008.
Khu vực Bắc Mỹ mà điển hình là nước Mỹ cho đến nay vẫn chưa có thông
báo gì kế hoạch về chip EMV của mình. Hầu hết các ngành công nghiệp ở Mỹ vẫn
cho rằng việc chấp thuận EMV chỉ là hiện thực nếu có xảy ra gian lận đến mức
không thể chấp nhận được tại quốc gia văn minh này. Hiện tại 35% hệ thống POS
ở Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận thẻ chip EMV, và có khoảng 50% thiếp bị POS hiện
bán ở Mỹ có đầu đọc chấp nhận chip.
2. Xu hướng phát triển các dịch vụ mới
Thẻ chip EMV không chỉ giúp cho các giao dịch thanh toán diễn ra an toàn
mà còn mở ra cơ hội cho các đại lý làm dịch vụ thanh toán thẻ như thanh toán tại
các buồng điện thoại, tại các đại lý bán lẻ hay các địa điểm bán vé… Một vài quốc
gia phát triển như Anh và Thổ Nhĩ Kỳ còn đang tiếp cận nhiều dự án có tham vọng
lớn để chiếm lĩnh thị trường, phát triển các hướng kinh doanh mới, có sáng tạo và
gia tăng giá trị giao dịch cũng như số lượng giao dịch. Các ngân hàng của Anh tiếp
cận với phương thức thanh toán mới là thanh toán thẻ EMV không tiếp xúc, phục
vụ cho các khoản thanh toán giá trị thấp như thanh toán ở cửa ra vào ở các nhà
hàng ăn nhanh, máy bán hàng tự động, và trong việc quá cảnh. Việc sử dụng thẻ
chip EMV không tiếp xúc sẽ có giao dịch thực hiện nhanh hơn, xử lý được nhiều
giao dịch hơn, thời gian chờ đợi ngắn hơn và vô cùng thuận lợi cho khách hàng.
Thổ Nhĩ Kỳ lại thu hút công chúng sử dụng thẻ chip bằng các chương trình dành
cho khách hàng trung thành và đã đạt được thành công đáng kể.
Mô hình phát hành thẻ lấy ngay cũng là một hình thức phát hành đang được
nhiều quốc gia ứng dụng. Khách hàng có thể đi vào một chi nhánh ngân hàng và
chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn (có thể tính đến phút) khách hàng đã có
thể đi ra với chiếc thẻ thanh toán EMV đã được cá thể hóa với số PIN riêng của
mình. Mô hình cá thể hóa này ứng dụng tại các ngân hàng và các đại lý bán lẻ sẽ
kích thích hoạt động thẻ và gia tăng hoạt động sử dụng thẻ, giảm chi phí quản lý,
thư từ, và các yêu cầu khác.
Có thể khẳng định rằng thẻ chip chuẩn EMV đang dần dần thay thế các loại
thẻ từ và thẻ chip khác ở phần lớn các quốc gia. Nhờ vào việc áp dụng chuẩn EMV
cho các thiết bị đầu cuối thanh toán ATM/POS, giao dịch được đảm bảo an toàn
cao tại các đầu đọc thẻ, chính vì vậy tội phạm thẻ hiện nay đang có xu hướng quay
lại tấn công vào các giao dịch trực tuyến và chip EMV có thể ngăn ngừa được các
gian lận này. Tổ chức thẻ MasterCard và Visa đang đưa vào các chuẩn bảo mật
quốc tế trên các thẻ chip EMV, cụ thể là chương trình xác thực thẻ chip EMV của
MasterCard (chương trình CAP), được dùng để bảo mật trong giao dịch e-banking,
phone banking và các giao dịch thương mại điện tử bằng cách sử dụng một thẻ
chip EMV và một đầu đọc thẻ để sinh ra các password dùng một lần OTP. Chương
trình xác thực này kéo theo các lợi ích như chi phí hiệu quả, đa kênh, ứng dụng ở
nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Benelux (Liên minh của 3 nước Bỉ, Hà Lan, Đức) và
Anh.
Thay vì chỉ coi việc chuyển đổi EMV như là một giải pháp để giảm chi phí
kinh doanh, các ngân hàng cũng cần phải có định hướng về mặt công nghệ để có
nhiều cơ hội nhất tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia chuyển đổi EMV có tính sáng
tạo như Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã minh chứng được điều này, và EMV chính là cơ
hội tương lai sáng rạng trong công nghiệp thanh toán thẻ.