Các phương pháp nối tóc và cách chăm sóc
Tóc nối là "cứu cánh" cho các quý cô tóc ngắn nhanh nhất. Tuy nhiên,
việc chăm sóc mái tóc nối cần kiên trì, liên tục, và đôi khi còn phải nhẹ
nhàng hơn cả người yêu.
Ngày nay, công nghệ làm đẹp phát triển vượt trội với nhiều phương thức
làm đẹp nhanh chóng, mới mẻ giúp phái đẹp khắc phục nhược điểm
nhanh nhất có thể. Nối tóc là một phương pháp làm đẹp được khá nhiều
quý cô yêu thích trong vài năm qua để "chữa cháy" cho mái tóc ngắn
"lỡ" cắt hỏng của mình; hay đơn giản chỉ là để bản thân thêm nữ tính,
điệu đà với suối tóc mềm mượt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chăm
sóc và nuôi dưỡng mái tóc nối đòi hỏi các cô nàng phải thật chăm chút,
nhẹ nhàng.
* Không nuôi tóc vẫn dài
Cảm ơn công nghệ nối tóc đã mở ra cho chị em phụ nữ một con đường
sáng, để từ đây, mỗi khi vì dại khờ mà cắt cụt tóc hay vì chịu chơi mà
muốn có thêm vài sợi light, họ đã có thêm nhiều giải pháp để lựa chọn:
1. Nối keo: Chấm tóc giả vào keo (thường là nhựa thông hoặc mật ong),
vê vào tóc thật.
Ưu điểm: Nối keo cho hiệu quả tự nhiên, khó phát hiện ra mối nối,
không gây đau và nặng đầu khi đi ngủ.
Nhược điểm: Tóc có khả năng bị hỏng hoàn toàn từ phần mối nối cho
đến phần chân tóc. Nếu chân tóc không đủ khỏe và gội đầu không đúng
cách sẽ dễ làm rụng tóc thật. Khi tháo mối nối, keo dính lại nhiều trên
tóc khiến bạn mất khá nhiều thời gian mới gội sạch được chúng.
Bạn có thể nghe nhắc đến hai hình thức nối sáp và nối ống nhiệt, thật ra
chúng cũng tương tự như nối keo. Điểm hạn chế của những phương
pháp nối này là khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, mối nối dễ bị chảy, tuột
lỏng.
Giá thành: 3-4 triệu đồng cho cả đầu.
2. Nối kẹp chì: Tóc thật và tóc giả được nối lại với nhau bằng một miếng
chì nhỏ.
Ưu điểm: Đây là kiểu nối tóc phổ biến nhất, được nhiều chị em ưa dùng
bởi giá thành rẻ, dễ nối - tháo, đặc biệt phù hợp với những người có thú
chơi ngắn ngày hoặc muốn nối highlight.
Nhược điểm: Mối nối to nên dễ bị phát hiện, đặc biệt ở những người để
tóc suông thẳng. Sợi tóc dễ bị đứt gãy ở phần mối nối. Khi mới nối, bạn
có thể bị… khó ngủ vì mối chì cắn tóc gây nặng đầu. Để khắc phục
nhược điểm này, các salon tóc cho bạn thêm một lựa chọn khác: nối kẹp
nhựa. Khi thay mối chì bằng mối nhựa, chân tóc và da đầu được thả lỏng
hơn nhiều.
Giá thành: dưới 1triệu đồng cho cả đầu.
3. Nối tết: Là một hình thức phổ biến hơn ở Sài Gòn, và đang lan dần ra
Hà Nội. Tóc thật được tết trực tiếp vào tóc giả, sau đó có thể tra thêm
keo cho chắc chắn.
Ưu điểm: Tép nối êm, mịn, không gây đau và nặng đầu, mối nối bền
chặt khó rụng.
Nhược điểm: Phần mối nối dễ bị xù, rối nếu chải tóc không khéo. Cách
nối này khá tỉ mỉ và mất công, do đó giá thành cũng cao hơn các loại nối
chì, nối kẹp thông thường.
Giá thành: 4-6 triệu đồng cho cả đầu.
4. Nối kẹp gài: Các lọn tóc được kết thành một dải, đính liền lên chiếc
kẹp/ xược. Khi dùng chỉ cần kẹp sát chân tóc là bạn đã bổ sung được
thêm một mảng tóc dài và dày.
Ưu điểm: Nhanh gọn, dễ làm, tiện lợi cho những người thích thay đổi
nay tóc dài mai tóc ngắn.
Nhược điểm: Nếu bạn có mái tóc ngắn và muốn nối dài, lời khuyên là
không nên dùng phương pháp này. Nối kẹp chỉ phù hợp với những mái
tóc có sẵn độ dài, cần thêm độ dày. Ngoài ra, sau khi kẹp nối, bạn chỉ
nên để tóc xõa để mối kẹp không bị lộ.
Giá thành: 1-1,5 triệu đồng cho cả đầu.
5. Nối tóc bằng Fiber Glass: Fiber Glass giống như một chiếc chun buộc
nối vào sát chân tóc thật. Đây là kỹ thuật nối tóc hiện đại nhất hiện nay.
Fiber Glass rất mảnh nhưng có độ đàn hồi cực tốt, chịu nhiệt, chịu nén,
chịu co giãn tối đa.
Ưu điểm: Dễ dàng chỉnh sửa, tháo các mối nối mà không sợ bị hỏng tóc.
Mối nối rất nhỏ và mảnh nên không bị lộ khi buộc tóc cao. Sợi Fiber
Glass không bị đứt, tuột hay chảy dưới tác động của hơi nóng tạo kiểu
và môi trường nước. Cảm giác nhẹ như không hề nối tóc là ưu điểm đặc
biệt khiến chị em ngày càng ưa chuộng phương pháp này.
Giá thành: 4-6 triệu đồng cho cả đầu.
Nhà tạo mẫu tóc Vũ Xuân Thương khuyên: "Bạn nên chọn mua tóc thật,
tóc khỏe để tạo độ tự nhiên và dễ xử lý tạo kiểu. Trên thị trường hiện
nay có bán cả các loại tóc nối làm từ sợi nilon tổng hợp. Tóc loại này
không có khả năng hấp thụ hóa chất nên bạn không thể ép, nhuộm hay
làm xoăn với chúng. Cách phân biệt tóc thật và tóc giả: Xịt nước lên tóc
để kiểm tra độ đàn hồi. Thân tóc thật khi kéo ra sẽ có độ co giãn, còn
thân tóc giả sẽ đứt ngay".
* Của một đồng, công một nén
Nếu công cuộc nối tóc phiền hà và phức tạp yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn
trọng từ những người thợ làm tóc, thì ở công cuộc chăm sóc tóc sau khi
nối, bạn mới chính là người bị thử thách sự cẩn trọng và lòng kiên trì.
Nói “của một đồng, công một nén” cũng chẳng sai, bởi sau khi bỏ ra một
số tiền tương đối để nối thêm một lượng tóc tương đối, bạn có thể sẽ
tháo bỏ tất cả những thứ “tương đối” ấy đi sau một tuần, chỉ bởi bạn đã
gội đầu hay nằm ngủ không đúng cách.
1. Gội đầu
Nên dùng dầu gội có công thức nhẹ nhàng cho tóc nối. Đổ dầu gội ra
tay, tạo bọt rồi mới nhẹ nhàng xoa lên tóc. Các mối nối dễ bám bết bụi
bẩn hơn tóc thường, vì vậy, gội đầu 3 lần/tuần là hợp lý. Nên đứng dưới
vòi sen và để tóc buông tự nhiên xuống lưng, nếu bạn gội đầu trong tư
thế dốc ngược tóc xuống, các mối nối dễ bị xô lệch. Dùng đầu ngón tay
mát-xa da đầu và bóp nhẹ phần chân tóc đến mối nối. Cào hay vò tóc rất
dễ khiến bạn phải mất thêm vài trăm nghìn để đi gia cố phần tóc bị rối.
2. Xử lý tóc
Sau khi gội đầu, dùng khăn bông thấm khô tóc, không vò tóc trong khăn.
Nếu có thời gian, hãy để tóc khô tự nhiên. Nếu phải dùng máy sấy, hãy
để ở chế độ gió mát. Hơi nóng của máy sấy, máy là dễ làm hỏng mối
nối. Nếu hấp tóc, hãy chọn phương pháp hấp nguội.
3. Đi ngủ
Nên buộc lỏng hoặc hất tóc sang một bên khi nằm ngủ. Bọc tóc trong
một chiếc khăn lụa mỏng cũng giúp bạn bớt được phần nào nỗi lòng
“lắm mối tối nằm… đau”.
4. Chăm sóc tóc
Thật ra tóc nối không thể hấp thu các chất dinh dưỡng, bởi chúng là tóc
đã chết. Tuy nhiên, tăng cường hấp dưỡng vẫn là việc nên làm sau khi
nối tóc, bởi khi có mối nối bám vào, tóc thật cần được bổ sung nhiều
chất dưỡng hơn để có thể phát triển khỏe mạnh. Cứ sau 2-3 tháng, khi
chân tóc mọc ra khoảng 3cm, bạn nên đến salon gia cố tóc một lần để
chỉnh sửa các mối nối bị tuột, lỏng. Chi phí cho mỗi lần chăm sóc định
kỳ này khoảng 200-500 nghìn đồng.
Không nên quá lạm dụng việc nối tóc. Theo các chuyên gia tóc, việc sử
dụng tóc nối chỉ có tác dụng làm đẹp tạm thời và gây ảnh hưởng không
tốt đến tình trạng tóc lâu dài. Do phần tóc được nối thêm không được
nuôi dưỡng từ chân tóc nên sẽ làm nặng phần tóc thật, kéo giãn tóc và
tổn hại đến da đầu. Tóc thật sẽ rất dễ rụng do các nang tóc dần yếu đi.