Kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất:
Mạnh tay chấn chỉnh
Thời gian qua, phương tiện, hàng hóa tạm nhập – tái xuất (TN – TX) có dấu hiệu bị
tồn đọng tại các cảng biển và các khu vực biên giới. Chỉ riêng Quảng Ninh, đến giữa
tháng 7/2012, tại các cửa khẩu với Trung Quốc còn tồn đọng 1.585 container hàng
TN - TX. Ngoài ra, hàng hóa chưa ra đến cửa khẩu biên giới, ở cảng tạm nhập Hải
Phòng và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) còn rất lớn. Có thể nói, lợi dụng sự thông
thoáng về hải quan, ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động TN - TX, nhiều doanh
nghiệp (DN) đã lợi dụng để thẩm lậu hàng hóa vào Việt Nam, gây bất ổn và thiệt hại
về kinh tế, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Mỗi năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước
được nhập khẩu qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của Việt
Nam. Thống kê cho thấy, kim ngạch kinh doanh hàng TN - TX trong những năm qua
tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 2006, kim ngạch nhập khẩu (hàng tạm nhập) mới chỉ ở
con số 1,33 tỉ USD thì tới năm 2011 đã lên tới 6,29 tỉ USD, kim ngạch hàng tái xuất năm
2006 là 782,1 triệu USD thì đến năm 2011 đã là 6,64 tỉ USD. Bên cạnh đó, hiện cả nước
có trên 1.700 DN tham gia TN - TX với tổng kim ngạch là 10,3 tỷ USD. Việc cấp giấy
phép cho TN - TX hàng hóa đang có xu hướng tăng lên. Đơn cử tại Quảng Ninh, nếu như
năm 2010 tổng số tờ khai đã đạt con số 24.311 (64.720 container; khoảng 2.141.160 tấn
hàng), gấp 3 lần so với năm 2006 và đến hết tháng 11/2011 đạt 28.621 tờ khai (72.157
container; khoảng 2.227.712 tấn hàng)… Có thể nói, hoạt động TN – TX đã góp phần
tăng thêm nguồn thu cho NSNN, thúc đẩy các dịch vụ cảng biển, vận tải, giao nhận hàng
hoá phát triển, song thực tế cho thấy hoạt động này hiện đang mang lại nhiều bất cập.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan), tình trạng các loại rác thải, phế
liệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhập lậu về Việt Nam đang ngày càng
diễn biến phức tạp. Thủ đoạn phổ biến của bọn buôn lậu là lợi dụng hình thức TN – TX
và ưu tiên miễn kiểm tra phân luồng hàng hóa để khai báo không đúng tên hàng, đưa chất
thải độc hại, rác thải công nghiệp vào Việt Nam hoặc tái xuất sang nước thứ ba. Những
điều tra của Bộ Công an cũng cho thấy, thời gian gần đây loại hình TN - TX đang bị một
số DN lợi dụng để thẩm lậu hàng hóa vào Việt Nam, gây bất ổn và thiệt hại về kinh tế,
môi trường. Nhiều năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện 2.575 vụ
vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó, có trên 200 vụ việc vi phạm trong
lĩnh vực xuất nhập khẩu, chủ yếu nhập chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp. Cơ quan
chức năng đã phạt tiền, truy thu phí bảo vệ môi trường trên 142 tỷ đồng, buộc tái xuất và
tiêu hủy 325 tấn rác thải, 3.150 tấn nhựa phế liệu, hơn 10.000 tấn thép phế liệu và gần
6.200 tấn ắc quy chì phế thải…
Điều đáng lo là vài năm gần đây, giá xăng dầu có sự biến động khá nhiều, tạo nên chênh
lệch giá cao trong nước và thế giới. Một số tổ chức cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của hình
thức TN-TX để xuất loại hàng này với số lượng lớn sang biên giới Trung Quốc,
Campuchia sau đó lại quay lại thị trường Việt Nam, khiến Nhà nước thất thu lớn đối với
lượng xăng dầu thẩm lậu này do không phải nộp lệ phí xăng dầu (1.000 đồng/lít xăng,
500 đồng/lít dầu), không phải nộp 200 đồng/lít quỹ bình ổn, trốn 10% thuế tiêu thụ đặc
biệt, 10% VAT… Ngoài ra, một số DN dùng tàu biển, máy bay bay nhiều chặng ra nước
ngoài, trong đó có nhiều chặng dừng chân ở một số cửa khẩu trong nước (vẫn nằm trong
lộ trình phù hợp) và lợi dụng hình thức TN-TX để thẩm lậu mặt hàng này cũng như trốn
thuế.
Bộ Công an cho rằng, mô hình TN - TX tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ
tập trung vào một số DN và tư nhân, trong khi đó Việt Nam phải chịu nhiều rủi ro, hàng
hóa vận chuyển trên bộ hầu hết bằng container gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản
trở giao thông. Đối với những lô hàng phế thải bị buộc tiêu hủy, chi phí để tiêu hủy rác
thải là rất lớn, trong khi đó một số mặt hàng tại Việt Nam hiện nay chưa có công nghệ
tiêu hủy đảm bảo tiêu chuẩn. Điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho xử lý và tiêu hủy
chất thải rắn ở Việt Nam, thậm chí đã có những nhận định “Việt Nam đang dần trở thành
bãi phế liệu của nhiều nước”. Đó là chưa kể hệ lụy tồn tại nhiều năm nay đặc biệt là về
tình trạng tồn đọng hợp đồng gia công với số nợ thuế ngày càng tăng. Tính đến thời điểm
ngày 30/6/2012, tại 17/33 cục hải quan còn 806 hợp đồng gia công chưa thanh khoản từ
năm 1994 với số nợ tạm tính hơn 115 tỉ đồng.
Nguyên nhân vì sao?
Có khá nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho tình trạng “loạn” của hình thức TN
– TX hiện nay:
Thứ nhất, cơ quan hải quan thiếu thông tin do hãng tàu, DN kinh doanh cảng cung cấp
để làm cơ sở quản lý hàng hóa. Các bản lược khai không thể hiện cụ thể chủng loại hàng
hóa.
Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa quy trách nhiệm của các hãng tàu, đại lý vận tải đối
với khắc phục hậu quả khi vận chuyển các lô hàng vi phạm vào lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, do các vụ việc vi phạm phần lớn được xử lý theo hình thức vi phạm hành chính
và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nên dẫn
đến DN lợi dụng kẻ hở của pháp luật để tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng cấm nhập.
Trong trường hợp bị phát hiện, DN lại sẵn sàng chịu hình thức xử lý vi phạm hành chính
và căn cứ vào quyết định xử lý hành chính để tái xuất lô hàng.
Thứ tư, cơ chế, chính sách quản lý, thủ tục hải quan đối với mặt hàng này quá thông
thoáng, tạo kẽ hở cho DN lách luật. Nhiều DN lợi dụng qui định Luật Hàng hải, Luật
Thương mại và Luật Hải quan để từ chối nhận hàng khi bị phát hiện đưa hàng cấm vào
Việt Nam. Ngoài ra, do quy định không mở kẹp chì để kiểm tra, nên nhiều DN đã lợi
dụng lỗ hổng này để đưa hàng lậu hoặc hàng cấm vào Việt Nam, rồi sau đó sẽ tìm cách
trà trộn và tiêu thụ.
Thứ năm, thời gian hàng TN - TX được phép lưu lại tại Việt Nam khá dài (120 ngày)
dẫn tới xảy ra tình trạng một lượng hàng lớn được nhập sau đó bán tiêu thụ nội địa rồi bỏ
trốn hoặc tự giải thể DN đã từng xảy ra.
Vào cuộc mạnh mẽ
Mới đây, Bộ Công an đề xuất Chính phủ nên cân nhắc, xem xét cho dừng hình thức kinh
doanh TN - TX hoặc có qui định mới nhằm siết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng.
Một số ý kiến lại cho rằng, không nên tạm dừng hình thức kinh doanh này vì ngân sách
nhà nước sẽ mất đi một nguồn lợi lớn. Điều quan trọng hiện nay là phải khôi phục trật tự,
kỷ cương TN – TX, đặc biệt là tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và tăng mạnh
các mức hình phạt. Đầu tháng 8/2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng
đã chỉ đạo một số bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn
trương tổng hợp, có báo cáo đánh giá toàn diện tình hình, trong đó, lưu ý việc rà soát lại,
xây dựng những nhiệm vụ, kế hoạch triển khai đối với từng nhóm hàng, cơ cấu hàng hoá,
cửa khẩu có lượng hàng hoá tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu. Các giải pháp được đề
xuất cần có tính căn cơ và tính đến lợi ích tổng quát hơn đồng thời cũng hết sức cụ thể để
từng cơ quan, địa phương thực hiện với các nhóm biện pháp về thủ tục, tài chính, thuế…
Bên cạnh đó, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh,
thành phố (Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng,
Hà Tĩnh và Quảng Trị) chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ,
thực hiện nghiêm các chính sách, quy định của pháp luật đối với loại hình hàng hóa TN -
TX. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục để các DN thực hiện đúng quy định. Tổ
chức lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trọng điểm, không
để xảy ra tình trạng DN phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa, đưa vào tiêu thụ nội địa, phát
hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 2873/TCHQ-GSQL yêu cầu cục
Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số biện pháp để tăng cường công tác quản lý
đối với loại hình hàng hóa này như: Thực hiện cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối
với các DN không thực hiện thanh khoản hồ sơ tạm nhập theo quy định. Hết thời hạn lô
hàng được phép lưu giữ tại Việt Nam (120 ngày), Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm
nhập có văn bản thông báo cho DN biết để thanh khoản hồ sơ. Nếu quá 15 ngày kể từ
ngày hết hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam (thời hạn phải nộp thuế) mà DN chưa đến
thanh khoản hồ sơ tạm nhập thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai tạm nhập ra quyết
định ấn định thuế đối với lô hàng tạm nhập thông thường và dừng làm thủ tục hải quan
đối với các lô hàng nhập khẩu tiếp theo của DN. Đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm
nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì áp dụng ngay biện pháp dừng làm thủ tục hải
quan…; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng kinh doanh TN - TX. Thường
xuyên kiểm tra công tác tổ chức thực hiện các quy trình thủ tục hải quan tại các Chị cục
để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những đơn vị chưa thực hiện đúng. Cục Hải quan tỉnh,
thành phố nơi có hàng tạm nhập và Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có hàng xuất cần
phải tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin và chỉ đạo các Chi cục trực thuộc
chủ động trong việc trao đổi thông tin, phối hợp nghiệp vụ kể cả việc truy tìm những lô
hàng chuyển cửa khẩu vận chuyển không đúng tuyến đường, thời gian vận chuyển đã
đăng ký với cơ quan Hải quan để nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan; Rà
soát, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm đối với các hồ sơ hàng kinh doanh
tạm tái xuất quá hạn thanh khoản