10 Bí quyết của những nhà lãnh
đạo thành công
Thực tế cho thấy những kỹ năng và nghệ thuật cần thiết để lãnh đạo tổ chức của bạn đi theo
đúng hướng có thể chỉ rất đơn giản, và bất kỳ ai cũng có thể học hỏi, phát triển nếu có quyết
tâm
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt đã từng nói: “Một nhà lãnh đạo tốt là người biết truyền
cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo xuất sắc là
người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào chính bản thân họ”. Thế
nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc không phải là điều dễ dàng. Làm thế nào để dẫn dắt
thành công tổ chức của mình vượt qua được những thăng trầm trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là
một trong những thách thức lớn nhất mà một người chủ doanh nghiệp có thể phải đối mặt.
Theo John C. Maxwell - chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực lãnh đạo, tác giả của cuốn “21
Quy tắc Lãnh đạo không thể bác bỏ” (Nhà xuất bản Thomas Nelson ấn hành năm 1998) và “Phát
triển Nhà lãnh đạo trong chính bạn” (Nhà xuất bản Thomas Nelson ấn hành năm 1993), lãnh đạo là
một trong những lĩnh vực quan trọng then chốt mà rất nhiều doanh nhân thường không chú ý tới.
Maxwell nói: “Bạn làm việc cực nhọc để phát triển sản phẩm và dịch vụ của công ty bạn. Bạn nỗ lực
hết mình để giải quyết những vấn đề về tài chính cho công ty bạn. Bạn làm mọi việc để quảng bá
sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn tới thị trường. Nhưng bạn lại không chú tâm thích đáng đến
việc làm thế nào để lãnh đạo nhân viên của bạn và tìm kiếm được những nhân viên giỏi nhất”.
Thực tế cho thấy những kỹ năng và nghệ thuật cần thiết để lãnh đạo tổ chức của bạn đi theo đúng
hướng có thể chỉ rất đơn giản, và bất kỳ ai cũng có thể học hỏi, phát triển nếu có quyết tâm. Dưới
đây là 10 bí quyết giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo thành công.
1. Hãy tạo dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy
Nhân viên của bạn phải tận tụy với bạn và với công ty. Những doanh nhân thành đạt không chỉ giỏi
về giao tiếp xã hội và kinh doanh, mà còn có bí quyết để thuê tuyển nhân viên một cách hiệu quả.
Theo Harvey Mackay, bậc thầy giảng dạy về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của cuốn “Bơi cùng cá
mập mà không bị ăn tươi nuốt sống” (Ivy Books, 1995): “Chỉ đơn thuần là một ý tưởng kinh doanh
lớn thì không đủ. Bạn phải có khả năng nhận diện, thu hút và giữ chân nhân tài-những người có thể
giúp bạn biến ý tưởng thành thành công thực sự”.
Khi tạo dựng đội ngũ nhân viên của mình, hãy tìm kiếm những người có giá trị đồng hành với mục
đích và sứ mệnh của công ty. Suzanne Bates- một nhà tư vấn về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của
cuốn “Hãy nói như một CEO” (McGraw Hill, 2005) cho rằng những nhân viên của bà luôn sát cánh
bên nhau trong giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ suy thoái bởi vì họ đều tin tưởng vào điều mà
họ đang làm. Theo bà: “Việc có những con người ngoan cường và thẳng thắn trong đội ngũ nhân
viên của bạn là một việc vô cùng quan trọng”.
2. Luôn cởi mở, chú trọng việc giao tiếp
Đây là một điều thực sự quan trọng. Ngay cả trong một đội ngũ chỉ bao gồm từ 5 tới 10 người, khó
mà có thể biết được điều gì đang diễn ra đối với tất cả mọi người. Nhằm khai thác sức mạnh giao
tiếp, hàng tuần Bates tổng hợp một bản tin cập nhật trong tuần mà bà gọi là “Dự báo Ngày thứ sáu”
và gửi qua email cho nhân viên của mình.
Bà nhận xét: “Nhân viên của tôi luôn luôn ngạc nhiên về tất cả những tin tốt mà tôi gửi cho họ mỗi
tuần. Nó khiến mọi người cảm thấy bạn thực sự có rất nhiều động lực để cống hiến, ngay cả trong
những giai đoạn khó khăn”.
3. Đừng giả định điều gì
Khi bạn điều hành một doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể nghiễm nhiên cho rằng đội ngũ nhân viên của
bạn hoàn toàn hiểu được mục tiêu và sứ mệnh của công ty- và thực tế có thể là như vậy. Nhưng
vẫn cần phải nhắc nhở mọi người về cái đích mà công ty đang hướng tới và triển vọng sẽ như thế
nào nếu đạt được mục tiêu. Nhân viên của bạn có thể hỏi: “Triển vọng của tôi khi đó là gì”. Một điều
hết sức quan trọng là bạn phải vẽ lên bức tranh về tương lai cho nhân viên của mình. Hãy dành thời
gian để thực sự hiểu về những con người đang giúp bạn gây dựng công ty của mình.
Theo Beverly Flaxington, người sáng lập The Collaborative- một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư
vấn doanh nghiệp ở Medfield, Mass: “Các ông chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, có nhiệt huyết, và họ
thành lập doanh nghiệp để biến tầm nhìn và nhiệt huyết của họ thành hành động. Nhưng họ thường
giả định về nhân viên quá nhiều. Họ thường nghĩ nhiệt huyết của họ sẽ dễ dàng lan truyền sang
những người khác – nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn phải đưa mọi người vào thế giới của
mình và hết sức chủ động trong giao tiếp”.
4. Hãy trung thực và đáng tin cậy
Theo Faxington, các nhà lãnh đạo tốt thường truyền dẫn tính cách và niềm tin của họ vào tổ chức.
Bà nói: “Nếu bạn là chính bạn, không cố gắng hành động như một người nào khác, và tập hợp
quanh bạn những người cùng chia xẻ các giá trị với bạn, doanh nghiệp của bạn sẽ có nhiều khả
năng thành công hơn”.
Theo Faxington: “Các doanh nghiệp đều có những đặc thù riêng và mỗi ông chủ doanh nghiệp lại có
những tính cách riêng. Nếu bạn trung thực và đáng tin cậy, bạn sẽ thu hút được những người bạn
cần cho tổ chức của mình, bao gồm cả nhân viên và khách hàng.”
5. Biết được những trở ngại của mình
Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều lạc quan và chắc chắn rằng họ đang tiến thẳng tới mục tiêu của
họ. Nhưng theo Flaxington, một nhà lãnh đạo nếu không dành thời gian để hiểu rõ những trở ngại
của mình sẽ trở thành nhà lãnh đạo thiển cận.
Theo bà: “Bạn cần biết bạn đang chống lại cái gì và bạn phải có khả năng lên kế hoạch xung quanh
những việc này. Sẽ là điên rồ nếu nghĩ rằng chỉ bởi vì bạn có nhiệt huyết và năng lượng là bạn sẽ có
thể chinh phục tất cả. Sẽ thông minh hơn nhiều nếu lùi lại một bước và nghĩ xem bạn đang phải đối
mặt với những trở ngại gì, và tính đến những trở ngại này khi lập các kế hoạch hành động”.
6. Tạo ra một Hiến chương cho tổ chức
Theo Ken Blanchard, đồng tác giả của cuốn sách “Giám đốc một phút” (William Morrow & Co.,
1982), đồng thời là nhà sáng lập The Ken Blanchard Cos., một công ty chuyên về đào tạo kỹ năng
lãnh đạo và xây dựng nơi làm việc, quá nhiều tổ chức mới vội vã lên đường đua trước khi họ kịp
xác định họ là ai, họ định đi về đâu, với chiến lược nào. Nếu chỉ gọi một tập hợp người là một tổ
chức và giao cho họ một nhiệm vụ rõ ràng thì không có gì đảm bảo là tổ chức đó sẽ thành công.
Theo Blanchard, “Điều quan trọng là tạo ra một loạt các đồng thuận về những mục tiêu một tổ chức
phải hoàn thành, chỉ rõ tại sao những mục tiêu này lại quan trọng và tổ chức này cần phối kết hợp
như thế nào để đạt được những kết quả mong đợi. Hiến chương của một tổ chức sẽ đóng vai trò
như là một bản ghi chép các thỏa thuận chung và có thể được sửa đổi cùng với sự lớn mạnh của tổ
chức hoặc khi tổ chức cần có sự thay đổi”.
7. Hãy tin vào nhân viên của mình
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải giúp nhân viên của mình phát triển niềm tin, đặc biệt là trong
những giai đoạn khó khăn. Như Napoleon Bonaparte đã từng nói "Các nhà lãnh đạo là những người
kiến tạo hy vọng". Theo Maxwell, niềm tin mà những người nhân viên có được một phần bắt nguồn
từ chính sự tin tưởng của nhà lãnh đạo vào họ. Ông nói: “Tôi nghĩ về nhân viên của tôi như những
người ưu tú nhất, tôi đối xử với họ như những người ưu tú nhất, và kết quả là họ cố gắng làm việc và
đạt thành tích như những người ưu tú nhất”. Ông cũng nhắc nhở: “Nhưng chỉ tin vào nhân viên của
mình thôi thì chưa đủ. Bạn phải giúp họ chiến thắng”.
8. Đừng tiết kiệm những lời khen
Theo Mackay, một nhân viên bán hàng giỏi là người biết thứ âm thanh ngọt ngào nhất trên thế giới
là gì. Đó chính là âm thanh về tên của họ phát ra trên đôi môi của ai đó. Thế nhưng quá nhiều nhà
lãnh đạo doanh nghiệp lại lầm tưởng rằng đó là tiếng sột soạt của tiền mới in hay tiếng ngã huỵch
của đối thủ cạnh tranh.
Theo Mackey: “Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp quá say sưa với những ý tưởng của chính mình
mà không biêìt phân phát lời khen. Một tiền vệ xuất sắc là người luôn biết yểm trợ tốt cho hàng
phòng thủ của anh ta”.
9. Giữ cho nhân viên của bạn luôn bận rộn và hứng thú với công việc
Theo Stephen Covey – một chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của cuốn “Bảy thói quen của
những người thành đạt” (Free Press, 1989), các nhà lãnh đạo xuất sắc thường giao những nhiệm
vụ mang tính thách thức cho nhân viên của mình và làm cho họ hứng thú với những nhiệm vụ này.
Ông nêu ví dụ về một cửa hàng pizza nhỏ ở một thị trấn tầm trung mà có thể đánh bại cả một chuỗi
cửa hàng đồ ăn nhanh lớn về doanh số bán. Theo ông, sự khác biệt lớn giữa chuỗi cửa hàng và
cửa hàng bánh pizza nhỏ này chính là nhà lãnh đạo.
Theo lời kể của ông Covey, cứ tuần nào cũng vậy, người chủ cửa hàng bánh pizza nhỏ lại tập hợp
những nhân viên ở tuổi thiếu nhi của ông ta lại và hỏi họ một cách hào hứng: “Tuần này chúng ta có
thể làm gì mà chúng ta chưa bao giờ làm trước đây?” Bọn trẻ thường ưa thích thách thức. Chúng
bắt đầu nhắn tin cho tất cả bạn bè chúng mỗi khi có một loại bánh pizza đặc biệt được bán. Chúng
mang máy quẹt thẻ tín dụng ra tận lề đường để khách đi xe máy, ô tô đi qua có thể mua pizza ngay
trên phố. Chúng chở bánh pizza nóng trên xe tải để mang bánh tới bán tại các điểm vui chơi của
trường. Và thế là tiền cứ đổ về và người chủ cửa hàng không bao giờ phải lo lắng về vấn đề nhân
viên bỏ việc".
10. Hãy bình thản
Theo Mackay, học giả đến từ Minneapolis: “Một người đứng đầu doanh nghiệp phải biết trấn an
nhân viên không phản ứng quá mức với những tình huống nhất thời”. Điều này đặc biệt quan trọng
ở thời điểm hiện nay, khi mà tin tức về môi trường kinh tế khó khăn đang lan truyền khắp mọi nơi.
Ông nói: “Kể từ năm 2008, các phương tiện truyền thông chỉ nhai nhải các tin tức xấu. Nhưng hay
nhìn những gì mà các công ty và tên tuổi sinh ra chính từ trong suy thoái như iPod, GE và Federal
Express đã đạt được”.