Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Phương pháp học tốt nhất của doanh nhân VN pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.9 KB, 4 trang )




Phương pháp học tốt
nhất của doanh nhân VN


Khao khát tự cải thiện kiến thức về kinh doanh là ý thức xứng đáng được cổ
vũ của doanh nhân VN trong thời gian qua. Rất nhiều khóa học, chương trình
đào tạo đã ra đời và thị phần đào tạo này được dự đoán còn nhộn nhịp hơn rất
nhiều.
Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nhân khi đi học là thiếu thời gian vì quá
bận rộn, do vậy thường có tâm lý học tranh thủ, chuộng sự cô đọng, ngắn
gọn. Các khóa học cũng theo nhu cầu đó mà được “nén” lại tới mức tối đa.
Bình thường, nhiều chương trình đào tạo kéo dài trong 2 - 3 năm sẽ được
“nén” lại trong vòng vài tuần, sáu tháng sẽ chỉ còn ba ngày, có rất nhiều
chương trình chỉ diễn ra trong một ngày hoặc một buổi. Một khi không có nền
tảng vững, lại học kiểu vồ vập, khẩn trương như thế tất nhiên dễ phát sinh
những hệ lụy nguy hại chẳng kém thà không biết gì. Vậy thì, doanh nhân đi
học ngắn hạn phải học sao cho hiệu quả?
Anh Phùng Chí Cường, chủ doanh nghiệp Chí Thọ ở TP.HCM, đã kể về việc
“trả giá” cho sự học bấp bênh của mình. Là một doanh nghiệp chuyên nhập
khẩu, thu mua và phân phối trái cây tươi và thực phẩm, nên bài học về tổ
chức hệ thống kho vận khiến anh rất tâm đắc. Sau ba ngày học, anh về ứng
dụng ngay. Kết quả là mọi thứ “rối tung lên do trật tự làm việc lâu nay bị đảo
lộn”, hàng hóa không được kiểm soát, vận chuyển và giao nhận đúng quy
trình. Khoảng trống “chết người” ở đây là sự sốt sắng thay đổi từ một phía,
phía của anh. Trong khi để sự thay đổi diễn ra hiệu quả, thì công tác tập huấn,
chuẩn bị cho nhân viên và các đối tác là rất quan trọng, giúp họ quen với quy
trình làm việc mới. Sau thời gian “rối ren” vì cải tiến, anh Cường quyết định
trở lại như cũ cho an toàn và đỡ mất công.


Anh Cường còn tâm tình, vì mong muốn nâng cấp quy mô kinh doanh, nên
anh và vợ rất tích cực chia nhau đi học. Chị học về lĩnh vực nhân sự, tài chính
để làm “nội tướng”, còn anh “theo” tiếp thị, thương hiệu, kho vận, dịch vụ
khách hàng nói chung là những lĩnh vực “chinh chiến” bên ngoài. “Một
người đi học không xuể, nên hai vợ chồng phải chia nghĩa vụ học như vậy rồi
về tóm lược nói cho nhau nghe”, anh kể. Từ khi tích cực đi học, anh Cường
thấy có nhiều thay đổi tốt. Kiến thức vợ chồng anh được nâng tầm lên rất
nhiều. Nhưng: “Có nhiều thứ mình học xong, thấy lơ tơ mơ quá nên không
dám áp dụng. Có khóa học xong, thấy lâu nay mình làm sai hoàn toàn, nên về
nhà rất trăn trở tìm cách thay đổi. Nhưng khi học những chuyên đề sau, lại
thấy mình đang làm đúng. Hóa ra, có nhiều cách thức khác nhau, chứ không
phải chỉ có một đường thẳng. Nếu chỉ đi học chập chờn một, hai chuyên đề
hoặc hiểu biết không đến nơi, rất dễ bị phiến diện”, từ kinh nghiệm của mình,
anh Cường cảnh báo.
Đại diện của một đơn vị đào tạo khá quen thuộc với doanh nhân TP.HCM
cũng tâm tình rằng do xuất phát điểm của phần đông doanh nhân VN là ngành
kỹ thuật hoặc các ngành nghề không chuyên về kinh doanh, sau một thời gian
dài làm theo quán tính, mọi thứ đã thành nếp. Muốn tạo nên sự đổi mới, phải
làm một cuộc thay đổi toàn diện, mang tính xâu chuỗi, hệ thống, chứ không
thể là kết quả chắp vá sau một vài buổi học. Những gì được học trong các
khóa ngắn hạn chỉ mang tính trang bị nền tảng hoặc cập nhật cái mới, nhưng
nhiều doanh nhân đến học với tâm lý sẽ tìm được chiếc chìa khóa “thần kỳ”
nhằm thay đổi tình trạng của công ty mình. “Học là một quá trình dài, liên
tục. Song nhiều anh, chị chỉ đi học một vài khóa, khi thấy doanh nghiệp của
mình đang lúng túng, bế tắc. Sau đó, lúc bận rộn hoặc có nhiều khách hàng,
họ lại không đi học nữa hoặc không có ý thức tiếp tục theo đuổi vấn đề. Tức
là ngay cả trong nhu cầu học, nhiều doanh nhân cũng tư duy rất ngắn hạn. Vì
vậy, thú thật là chúng tôi cũng rất lo cho kết quả ứng dụng trong doanh
nghiệp”, vị này nói.
Với các hội thảo cũng vậy, nhiều doanh nhân tham dự với kỳ vọng sẽ tìm

được một lời chỉ dẫn hoặc một liều “thần dược” để đem về áp dụng và sẽ thu
được kết quả tốt đẹp nơi doanh nghiệp mình. Vì vậy mà rất thường gặp
những câu hỏi như “Tôi phải làm gì?”, “Tôi nên làm gì?” từ các doanh nhân
VN dù diễn giả nhiều khi đến từ xứ lạ, chẳng biết rõ tình hình thực tiễn địa
phương để đưa ra nhận xét hay lời khuyên. Trong khi đó, hội thảo hoặc các
chương trình học ngắn hạn với các diễn giả, chuyên gia bậc thầy chỉ là dịp để
chia sẻ, thảo luận về những vấn đề mới, nóng, mang tính cập nhật. Để lĩnh hội
được nội dung mới, người nghe phải có sự hiểu biết sẵn về vấn đề. Nếu
không, sẽ rơi vào tình trạng mông lung, và thấy mình chẳng thu hoạch được
gì, hoặc học rồi không biết áp dụng ra sao.
Học “nén”, học cô đọng, ngắn gọn là một giải pháp tốt cho những đối tượng
có quá ít thời gian và tâm trí quá bận rộn như doanh nhân. Song, người học
cũng cần hiểu rõ tính chất của giải pháp này. Sẽ chỉ có thể thu thập từ đó
những điểm mấu chốt, quan trọng, mới mẻ để được cập nhật, hệ thống lại vấn
đề, chứ không phải là những giải pháp sẵn có để áp dụng một cách máy móc
vào công việc. Doanh nhân cũng đừng nên chỉ đi học một vài khóa khi doanh
nghiệp mình đang “gặp vấn đề”, mà phải theo đuổi đến cùng mục đích của
việc học. Đây là lời khuyên chung từ phía các đơn vị đào tạo.

×