Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Một làn sóng nghệ thuật mới đang đến docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185 KB, 12 trang )

Một làn sóng nghệ thuật mới
đang đến (*)
(Ghi chú: Đưa lại các bài này lên blog của mình, không có nghĩa là
tôi đồng ý, đồng tình với nội dung của chúng. Lý do ở đây, đơn giản
chỉ là tạo thêm nguồn tư liệu tham khảo…-Nguyên Hưng)


Đào Mai Trang

Có vẻ không thể khi làm một nghiên cứu "nghiêm ngắn" về mỹ thuật
đương đại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Như ý kiến của một số
nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, cần phải có một độ lùi nhất định về
thời gian để tìm hiểu và để xem sự tự khẳng định của nghệ sĩ cùng như
tác phẩm của họ.

Sự cẩn trọng của công việc nghiên cứu và phê bình luôn luôn cần thiết.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý đến một số khía cạnh: Nếu xét theo giới hạn
thời gian, mỹ thuật đương đại (tức là các hình thức nghệ thuật thị giác
mới ngoài tranh giá vẽ và nặn tượng: Sắp đặt, trình diễn, video art,
nghệ thuật đa phương tiện ) đã xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên
90, thế kỷ trước, như vậy cho đến thời điểm hiện tại, chúng đã tồn tại
qua gần hai thập kỷ. Bởi vậy, việc một số ý kiến bảo thủ, cho rằng các
hình thức này vì lai căng, bắt chước “Tây” nên sẽ chết yểu là không có
cơ sở thực tế. Nếu xét từ góc độ người thực hiện các sáng tác nghệ
thuật này, họ đã có một sự tiếp nối thế hệ liên tục theo thời gian, và đặc
biệt, căn cứ trên sáng tác và ý niệm từ các sáng tác nghệ thuật của họ,
sẽ thấy khá rõ nét sự biến đổi qua từng giai đoạn trong cách thức ứng
xử với dạng thức nghệ thuật mới (ở Việt Nam) này. Bài viết nhỏ dưới
đây sẽ cố gắng khái lược, căn cứ trên sáng tác của nghệ sĩ, về sự biến
đổi nói trên.


Giai đoạn thứ nhất

Một số đại diện của thế hệ này có thể kể đến Trương Tân, Trần Lương,
Nguyễn Minh Thành, Đào Anh Khánh, (1) Xét từ góc độ quan niệm,
họ là những người đầu tiên đưa ra cho công chúng Việt Nam một quan
niệm khác về mỹ thuật. Mỹ thuật, trước tiên là một sáng tạo thị giác,
một nghệ thuật thị giác, và còn là là một dạng thức nghệ thuật không
gian. Vì vậy, một sáng tác mỹ thuật không thể được (bị) cảm thụ, tiếp
nhận theo cách thức cũ như một thói quen. Nghệ sĩ được thoải mái hơn
trong cách thức thể hiện tác phẩm và tự do hơn trong việc bộc lộ cảm
xúc. Hơn nữa, với các sáng tác trình diễn hoặc sắp đặt kết hợp trình
diễn, nghệ sĩ lại chính là một phần của tác phẩm nên tính nguyên bản
và độc nhất của một tác phẩm nghệ thuật đương đại đáng được lưu tâm,
như một giá trị cốt lõi của tác phẩm ấy.

Như vậy, cái tam giác quan hệ nghệ sĩ- tác phẩm- công chúng đã có sự
vận động lớn, khác hẳn về tính chất: Nghệ sĩ không phải chỉ tạo ra tác
phẩm, đặt vào đó tinh thần, cảm xúc cá nhân, mà còn là một phần cơ
thể vật chất, nói cách khác, chính là một phần chất liệu, của tác phẩm
ấy. Công chúng đã bắt đầu làm quen với một khái niệm mới trong ứng
xử với tác phẩm: tương tác với chúng một cách trực tiếp và có tính vật
chất, đơn giản là chạm vào chúng (với các sáng tác sắp đặt), xa hơn thì
là bộc lộ cảm xúc tức thời như xê dịch vị trí đứng xem theo sự di
chuyển của nghệ sĩ, cười nói, hú hét, tạo nên một hiệu ứng bổ sung
cho tác phẩm, xa hơn nữa thì phụ giúp nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm
(như trong các trình diễn của nghệ sĩ Đào Anh Khánh).

Trước đây, khi mỹ thuật chỉ bao gồm tranh và tượng, công chúng hoàn
toàn là khách thể của mỹ thuật. Trong bảo tàng mỹ thuật, công chúng
còn phải tuân thủ một nguyên tắc "không chạm tay vào hiện vật". Như

vậy, khi so sánh cách ứng xử trong tương quan công chúng- tác phẩm,
lại càng thấy sự vận động của tam giác quan hệ như nêu trên là thực sự
đáng kể.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại kỹ lưỡng hơn về vị trí của công chúng
trong sáng tác của thế hệ nghệ sĩ thứ nhất, sẽ thấy họ vẫn chỉ dừng lại là
người quan sát (người xem); giống hệt như vị trí của họ trong tương
quan truyền thống. Khác chăng là "người quan sát" đương đại này có
điều kiện, có hoàn cảnh để bộc lộ sự tích cực trong vị trí quan sát ấy,
nâng nó lên thành một sự tương tác trực tiếp với tác phẩm, trong một
chừng mực nhất định.

Giai đoạn thứ hai

Họ là, ví dụ, Trí Mạnh, Lê Vũ, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Mạnh
Hùng,

Điểm khác cơ bản của họ với thế hệ ban đầu là họ không những tham
gia vào tác phẩm của mình mà còn đề nghị những người dân thường,
không phải là nghệ sĩ, tham gia vào cùng (2). Nghĩa là, đã có sự mở
rộng biên độ của "chất liệu" làm nên tác phẩm. Tuy nhiên, vì tính chất
"sống" của chất liệu này, nên sự biến thiên của tác phẩm là khó đoán
biết, đem lại một hiệu ứng nghệ thuật rất đáng được chờ đợi. Vì vậy, nó
đòi hỏi công chúng chứng kiến tác phẩm này một sự tham dự nhiều hơn
nữa, ở khía cạnh sự tập trung theo dõi, cảm xúc dành cho tác phẩm và
sự mở rộng thêm khái niệm về nghệ thuật. Hơn nữa, sự tham gia của
những người dân thường vào sáng tác đem lại cảm giác về tính "bình
dân hoá" của nghệ thuật và như vậy, có vẻ như mỹ thuật đã bị bớt đi sự
diệu vợi xa cách, và đến gần với mỗi người. Tất nhiên, vị trí của người
dân thường tham gia sáng tác ở đây vẫn là một vị trí thụ động, vì họ

làm theo chỉ dẫn của nghệ sĩ- tác giả.

Song, cái vị trí người quan sát của công chúng (rộng hơn, những người
đến chứng kiến tác phẩm, xem tác phẩm) trong trường hợp này vẫn
không thay đổi. Và suy xét sâu hơn nữa, sẽ thấy, cái tam giác nghệ sĩ-
tác phẩm- công chúng vẫn là một quan hệ như trước, nghĩa là giữa
chúng còn những lằn ranh, khoảng cách không thể xóa nhòa mặc dù đã
có sự thay đổi về chất.

Nhưng có vẻ như một điều quan trọng khác đang đến, đó là một sự thay
đổi hoàn toàn cho cái tam giác này, đúng hơn là không còn cái tam giác
này nữa vì ba yếu tố ấy đã hoà vào làm một, và biến động, hoà quyện
hoặc tách rời nhau tuỳ theo bối cảnh của tác phẩm. Người viết bài
muốn nhắc đến thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật đương đại thứ ba.

Giai đoạn hiện tại

Họ là, ví dụ, Như Huy, Kim Hoàng, Ngô Lực, Phạm Văn Trường,

Người viết bài muốn bắt đầu từ dự án Việt dã nghệ thuật (tháng 9 đến
tháng 11- 2007 tại một số địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh) của Như
Huy(3). Dự án này bao gồm nhiều dự án nhánh. Một trong số đó là dự
án Mỗi người chúng tôi là một đề nghị do hai nghệ sĩ Lý Đợi và Lê
Quý Anh Hào làm chủ trì theo cách, họ đưa ra công cộng các đề nghị
dân chúng tham gia vào dự án này với công việc: chụp ảnh về đời sống
theo một chủ đề nào đó. Các chủ đề này cũng do người tham gia đề
nghị, rồi thảo luận và thống nhất đến lựa chọn cuối cùng. Người tham
gia được phát một máy ảnh kỹ thuật số, hướng dẫn cách sử dụng, có
một khoản tiền tiêu vặt trong những ngày đi chụp, và ảnh sẽ do dự án
chu cấp tiền in phóng. Tiếp đó, trong các buổi thảo luận nhóm, có sự

tham gia của công chúng đến xem, những người tham gia dự án sẽ trình
bày lại trải nghiệm của mình khi làm một công việc nghệ thuật, hay
đúng hơn là có tính chất nghệ thuật, và quan trọng nhất là suy nghĩ của
họ về công việc này, về một vị thế xã hội khác của họ khi cầm trên tay
máy ảnh và "sáng tác". Họ là một người thất nghiệp, một thợ hồ, một
thợ may, một thợ chữa khóa, một sinh viên,

Dự án nhánh thứ hai là Thế giới mã vạch của Bảo Ngọc. Cô đã phóng
lớn hình ảnh những mã vạch in trên các bao bì hàng hoá đủ loại để dán
kín lên tường trong phòng triển lãm, tạo nên một hiệu ứng thị giác nhất
định. Thêm vào đó, cô còn thực hiện động thái đóng một dấu mã vạch
lên người của khách đến triển lãm, để ghi dấu một cảm nhận "mình như
một thực thể hàng hoá". Dự án này diễn ra suốt một tuần lễ trong một
quán cà phê, vì thế khách đến quán này tức là tham gia vào dự án, được
đề nghị đóng dấu và thế là họ vừa là một phần chủ thể của dự án- tác
phẩm, lại vừa là một khách thể- công chúng đến xem tác phẩm, và vì
thế, họ không thể không tìm hiểu ít nhiều về cái thế giới mã vạch này.

Dự án nhánh thứ ba mang tên Quán Nhìn của Ngô Lực. Trong dự án
này, Ngô Lực đã dành riêng một góc 2m vuông trong một quán cà phê
để nghệ sĩ tham gia dự án triển lãm nghệ thuật của họ. Mỗi người một
ngày, kéo dài trong vòng một tuần. Người thì vẽ tranh chân dung cho
khách đến uống cà phê, người thì thực hiện một tác phẩm trình diễn,
Điều quan trọng là một không gian "triển lãm" - quán cà phê- lại chứa
đựng một không gian triển lãm khác, mặc nhiên, khách vào uống cà
phê sẽ tham gia vào cái tác phẩm bên trong tác phẩm ấy, và họ là một
thành phần vừa không thể thiếu, có tính chủ động tham gia xây dựng
tác phẩm, vừa không quên đi vị thế công chúng quan sát nguyên khởi
của mình. Cũng vẫn là Ngô Lực, trong một dự án riêng của anh, mang
tên Vào chợ (4), đã nỗ lực đem lại một cảm thức mới cho mỗi người

khi đến đây. Trong chợ, có rất nhiều gian hàng của các nghệ sĩ trong
nam, ngoài bắc. Mỗi gian hàng đưa ra một tình huống khác nhau, mỗi
gian hàng cũng là một tác phẩm riêng biệt và khi công chúng bước
chân vào đó, mặc nhiên họ đã tham gia vào tác phẩm. Tất cả sự riêng
biệt ấy lại nằm trong một tác phẩm tổng thể. Như vậy, một tác phẩm
mỹ thuật, trong trường hợp này chỉ hoàn thiện khi dự án kết thúc. Tuy
nhiên, sự kết thúc này chưa hẳn là sự chấm dứt của một tác phẩm, mà
có thể là một mở đầu cho một tác phẩm khác tiếp nối- có thể là một
video art được quay và biên tập công phu từ toàn cảnh của dự án, bao
gồm quán trình thảo luận chuẩn bị, đến khi diễn ra, tới lúc kết thúc "ít
nhất trong thời điểm này, những tác phẩm của tôi luôn luôn biến thiên
theo từng hoàn cảnh. Cũng một mô hình đó, cách thức đó song nếu đặt
ở văn cảnh khác nhau thì sẽ sản sinh ra thông điệp khác nhau. Một tác
phẩm có giá trị theo tôi là khi nó phù hợp với văn cảnh, với bối cảnh
lịch sử, với những cảm xúc mang tính cá nhân hoặc cộng đồng ngay
trong thời điểm đó hoặc bản thân của tác phẩm nó cũng thay đổi hàng
ngày, hàng giờ một cách vật lý lẫn tâm tưởng làm cho ngay cả tác giả
cũng không kiểm soát được sự phát triển và biến thiên của tác phẩm.
Đấy là một điều tương đối thú vị làm cho tác giả luôn có cảm hứng sự
hồi hộp khi làm tác phẩm của mình. Chính bởi vì điều đó mà quá trình
hình thành tác phẩm và quá trình diễn ra tác phẩm có khi còn quan
trọng hơn kết của của tác phẩm. Nó chỉ được kết thúc khi tác giả không
còn cảm hứng với nó nữa." (5)

Rõ ràng là ở một số dự án nêu trên, hình ảnh của nghệ sĩ chủ trì tác
phẩm của mình đã không còn nổi bật nữa. Họ đôi khi chỉ như một
người điều phối cho cả dự án- tác phẩm- được thực hiện, thậm chí bị
(được) lẫn vào trong đám đông công chúng. Công chúng thì không còn
chỉ tương tác với tác phẩm một cách dè dặt, hay tích cực, hoặc tham gia
vào đó một cách thụ động, mà họ mặc nhiên đã cùng làm nên một tác

phẩm. Một tác phẩm đã không còn bị "ấn định" vào một buổi chiều
khai mạc, mà là cả một quá trình tồn tại và có khi còn tiếp tục được
phát triển sau khi khoảng thời gian vật lý tại một địa điểm triển lãm cụ
thể của nó kết thúc.

Điểm cốt lõi của các sáng tác thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ ba này chính là
đưa ra một ý niệm và mô hình nghệ thuật đương đại tương ứng với
cộng đồng và hoàn toàn thuộc vào môi cảnh xãhội. Những nội dung
được đề cập hay chứa đựng trong các sáng tác của họ gắn liền với đời
sống thực tại, bởi chúng chỉ được thành hình khi có sự tham gia thực sự
của thường dân trong xã hội; bên cạnh đó, sự tham gia ấy còn được
điều chỉnh sau những trải nghiệm riêng của từng cá nhân, cũng như nhờ
sự điều phối hướng tới một tổng thể chung hài hòa của nghệ sĩ. Như
vậy, cái tam giác nghệ sĩ- tác phẩm- công chúng với các ranh giới,
khoảng cách nhất định giữa ba đỉnh của nó đã thực sự biến mất, đúng
hơn là chúng hòa vào làm thành một tác phẩm- một lát cắt thực tại sống
động của đời sống xã hội- và thực sự là "đương đại". Nó chỉ có thể ở
đây, ở trong một môi cảnh cụ thể của xã hội hiện tại, không thể trật
khấc, không thể tách rời.

Sau những dự án nghệ thuật trên, người viết bài đã nghĩ rằng, có một
làn sóng nghệ thuật đương đại mới đang đến với công chúng Việt Nam
. Nó đem tới một sự thực chất cho nghệ thuật và trong nghệ thuật. Và
mặc nhiên, nó biến mỗi cá nhân, mọi cá nhân trong cái cộng đồng nghệ
sĩ và công chúng liên quan trở thành một nhân tố không thể thiếu làm
nên tác phẩm. Do vậy, sẽ không còn sự thơ ơ, sự thụ động, sự quan sát
đơn thuần của công chúng khi bước vào tác phẩm, cũng không còn sự
cách biệt giữa nghệ sĩ và công chúng. Nói đúng hơn, mỗi cá nhân trong
tác phẩm đó đảm đương cùng lúc nhiều vai trò: công chúng (quan sát,
thưởng thức)- nghệ sĩ (kiến tạo tác phẩm)- nghệ thuật (chính là [một

phần]tác phẩm). Sự quan trọng của nghệ sĩ sẽ ở chỗ: ý niệm anh đưa ra
và khả năng điều phối quá trình thực hiện để cuối cùng, ý niệm ban đầu
của anh được mô hình hoá trong một tác phẩm cụ thể và quan trọng
nhất, ý niệm đó được cộng đồng rộng rãi chia sẻ.

Nghệ thuật, dù là dạng thức nào, cuối cùng cũng là điểm tựa cho sự
cộng cảm xã hội, trước tiên là trong cái xã hội mà nó được sinh ra. Và
như vậy, các nghệ sĩ sáng tác thuộc vào "làn sóng mới" như đã nói trên,
thực sự đáng được ngợi khen.



Chú thích:

1. Thông tin về sáng tác của các nghệ sĩ này sẵn có trên công cụ tìm
kiếm: www.google.com.vn với nhiều đường dẫn đến nội dung các bài
viết giới thiệu về triển lãm của họ.

2. Ví dụ như video art Tắm với sự tham gia của công nhân mỏ than
Mạo Khê, tại triển lãm ở Trung tâm Mỹ thuật đương đại, Hội MTVN,
năm 2001, trình diễn với gần 20 người lao động di cư ở chợ lao động
Giảng Võ của Nguyễn Minh Phước, tại triển lãm Xanh- Đỏ- Vàng,
Viện Goethe Hà Nội, tháng 10- 2003, Trình diễn Đọc Kiều của Lê Vũ
cùng với bố

3. Thông tin đầy đủ về những dự án tiêu biểu có trên blog:


4. Triển lãm VÀO CHỢ của ngô lực diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật
Việt- VAC, 42- Yết Kiêu, Hà Nội, từ ngày 1 đến 4- 11- 2007.


5. Phỏng vấn nghệ sĩ Ngô Lực, ngày 10- 12- 2007, tài liệu riêng chưa
công bố đầy đủ.


×