Xem lọat tranh A.C.I.D của Bùi
Anh Phong: Vài ghi chú về một
sự khởi đầu…
Nguyên Hưng
Phong tự ví mình là chú Tễu. Lơ ngơ giữa chốn thị thành. Thấy gì cũng
mới lạ, cũng hấp dẫn. Nhưng, thấy gì cũng sợ. Tưởng mình là “trung
tâm của thế giới”, ai cũng xét nét nhìn mình. Cái-nhìn-người-khác trở
thành một ám ảnh. Và, người khác, không phải là những cá tính, mà là
những thái độ. Nhiều khi là những thách thức, đe dọa. Chú muốn giống
người khác, nhưng người khác, vẫn luôn là người lạ. Sự hòa nhập của
chú vào cuộc sống mới, bởi vậy, là một quá trình tự định nghĩa không
ngừng. Về mình, và về người khác. Tâm thế chú giao động giữa mặc
cảm “người-ở-trung-tâm” với “người-ở-bên-lề”, và, luôn luôn phải tự
hòa giải. Bằng ý chí vươn lên. Bằng những phép “thắng lợi tinh thần”.
Bằng mong ước được tôn trọng, cảm thông và sẳn sàng ban phát sự tôn
trọng,cảm thông v.v… và v.v…
Phong không phải là chú Tễu. Nhưng cái tình cảnh Tễu, cái tâm thế
Tễu thì đã từng có trong Phong. Đó là một kinh nghiệm. Sự nhìn lại, có
lẽ là nguyên cớ dẫn Phong quay về với công việc của một họa sĩ. Nó là
nguồn cảm hứng, là đối tượng, là nguồn tài nguyên, là chất liệu… để
Phong khám phá, biểu hiện. Sáng tác trong chiều hướng này, với
Phong, trở thành quá trình nắm bắt những tượng trưng và ẩn dụ, quá
trình trừu xuất ý tượng từ những trãi nghiệm nội quan-những trãi
nghiệm mang đậm màu sắc thi ca và triết học…
Đối tượng chính trong loạt tranh mới này của Phong là những gương
mặt người, những giao lộ và biển báo giao thông. Gọi tên là vậy, nhưng
tất cả, chỉ mỗi tác phẩm “Chân dung em bé được đánh dấu” là rõ mặt
người-dường như ở đây có một sự thương cảm đặc biệt nào đó-còn lại,
đều chỉ là những hình hiệu đơn giản, tồn tại đan xen vào nhau, chia cắt
lẫn nhau. Sự biến đổi cấu tạo hình diện và sự khác biệt của các hình
thức đan xen, chia cắt, thể hiện trong sự tương phản nhiều cấp độ của
các yếu tố tạo hình-từ mảng hình, kết cấu bề mặt vật liệu, đến bố cục,
màu sắc…-đã tạo cho tác phẩm của Phong có cấu trúc tạo nghĩa và sắc
thái biểu cảm hết sức đa dạng. Phong tỏ ra thuần thục trong việc sử
dụng ngôn ngữ tự trị của hình và màu (không phụ thuộc thế giới đối
tượng). Cũng là hình hiệu mặt người, nhưng ở “Bước vào”, chỉ như
một bóng đổ mờ nhạt, hư ảo trên những vạch đường sơn đỏ nghiệt
ngã… Trong “Bong bóng bay lên”, hình hiệu mặt người kia, lại như
một-khối-nhiệt-tâm đầy ẩn ức và đơn độc. Cái vạch đỏ chạy ngang ở
trên thật kỳ lạ. Nó hiện diện như một thách đố-biến không gian xanh
thẳm phía sau trở thành cái gì hết sức xa xôi, bí ẩn… “Con gái tôi, khẩu
trang xanh,lá non cùng trôi trên phố” là một trong những tác phẩm
đáng chú ý nhất trong lọat tranh này. Cái tên,có thể gợi liên tưởng về
một hình ảnh bình yên, thơ mộng nào đó. Nhưng, những gì hiện diện
trên mặt tranh chỉ gợi nên những cảm xúc âm u, âu lo… Sự trái ngược
này không phải là một thất bại. Nó khiến cho cái cảm xúc âm u,âu lo
kia trở thành một chấn động…
Từ cảm nhận Tễu đến tác phẩm hội họa của Phong là một quá trình
chuyển hóa của các trãi nghiệm. Nó mang tính nội tại. Và, đó là nguồn
cơn tạo ra năng lượng, tính chân thực, cũng như sự thống nhất trong
phong cách hội họa của Phong. Có lẽ, phải thật hồn nhiên trong tư duy
và thực sự yêu nghệ thuật, Phong mới có thể có được khởi đầu như vậy.
Phong sinh năm 1976. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà
Nội năm 2000. Sau khi ra trường, Phong một mình vào TP Hồ Chí
Minh, và cả thời gian dài sinh sống bằng các họat động trong ngành
quảng cáo. Phong mới gác hết mọi chuyện, tập trung cho việc vẽ trong
vòng một năm trở lại đây.
Về phần mình, tôi mới biết Phong chưa đầy hai tháng. Nhưng chỉ qua
vài lần trò chuyện, xem qua lọat tranh mới của Phong, tôi đã cảm thấy
đặc biệt yêu thích. Tôi yêu thích cái hành động dám từ bỏ mà chung
thủy với hội họa trong thời gian dài đi làm quảng cáo của Phong trước
đây. Và,yêu thích cái tính cách điềm tỉnh mà bạo liệt của Phong trong
hành động sáng tạo nghệ thuật hiện tại. Với tôi, như vậy là đủ…!