Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Hai bàn tay trắng Thái Bá Vân potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (207.52 KB, 7 trang )

Hai bàn tay trắng
Thái Bá Vân




Thiếu nữ và hoa sen, tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Sáng.

Câu này không phải của tôi. Mà là của họa sĩ Nguyễn Sáng "Tôi
chẳng có gì đâu, ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng"

Anh coi buổi khai mạc phòng tranh riêng lần đầu tiên này là ngày sinh
của mình và đã mở đầu lời phát biểu ý kiến của mình một cách gọn
gàng như vậy trước mấy trăm đồng nghiệp, bạn bè và các vị lãnh đạo
văn nghệ, để cảm ơn tình nghĩa đồng chí, đồng nghiệp, và nói rõ cái lẽ,
cái đạo, vì sao và nhờ đâu mà anh có được hơn trăm bức tranh đẹp đẽ
để bày hôm nay.

Nghệ thuật, cái đẹp, vốn là kết quả của tấm lòng cao thượng, của tình
yêu con người và cuộc sống, cả khó khăn, đau thương, chờ đợi và hy
vọng của cuộc đời. Nghệ thuật cũng còn là từ hai bàn tay tài năng của
người nghệ sĩ hết lòng tận tuỵ, sẵn sàng quên mình vì nó. Ta thường
nói đó là: lý tưởng sống, và vì nó mà tự nguyện lao động đến cùng
trong chính hơi sức của mình, không đầu hàng, không xin xỏ.

Nguyễn Sáng đã một đời lao động nghệ thuật, đầy nghị lực và sáng tạo,
Nguyễn Sáng đã thành công. Nhưng thành công này không của riêng
anh, là thành công của cả nền hội họa hiện đại Việt Nam, của chúng ta,
trong cuộc chuyển mình gay gắt để vươn tới một thẩm mỹ cao đẹp,
hòng đối xứng được với cuộc cách mạng xã hội đang lật ngược mọi đời
sống cũ. Một thẩm mỹ phải có nguồn từ truyền thống, và trên hành


trình sẽ gặp nhiều dòng sông mới mẻ của nhân loại.

Nguyễn Sáng là một nghệ sĩ nhạy bén trong số những người đi vào
cuộc lựa chọn và giác ngộ thẩm mỹ đó. Nhưng cũng còn quan trọng
không kém là cái bản lĩnh kiên trì và nỗ lực đi tới đích của anh.

Tôi thấy trên tranh chân dung của anh thường có những đôi mắt mở to,
tròng trọc nhìn vào cuộc đời. Đôi khi là điềm nhiên, độ lượng, nhưng
nhìn thẳng tới đích, không bao giờ lạc hướng. Và tôi đã tin.

Tôi còn thấy hình hoạ của anh có cái gì gan góc. Anh nhìn cuộc đời
hình thể một cách trực diện, can đảm không buông, và dựng chúng lên
tranh ở cái thế đoàng hoàng nhất, vững chãi và sòng phẳng nhất. Cùng
với cách nhìn, Nguyễn Sáng còn là một tài năng hình họa.

Thế giới hình thể trong Kết nạp Đảng ở Điện Biên, sơn mài, 1963, là
vậy, phân minh, mạnh mẽ và thuyết phục. Còn người đàn ông ở trần,
cháy nắng, vuông vức, ngồi quay lưng lại người xem trong Không gian,
màu dầu, 1961, cũng thế. Cứ lùi lũi nhìn thẳng ra biển cả, với nghị lực
và trọng lượng của một hòn đá khổng lồ, sợ gì sóng gió. Hình thể của
anh làm chúng ta yên tâm về cái gì là nền tảng của hiện thực, trao cho
chúng ta lòng tin về một cái gì cao rộng, hoành tráng. Tôi còn cảm xúc
cả cái ứng xử quả quyết, một chút ngang tàng đàn ông trên cử chỉ hội
họa lao tới của Nguyễn Sáng trên những Thánh Gióng, hay Chọi trâu
nữa.

Mọi hình tượng nghệ thuật của anh đều đậm đặc bề dày sự sống. Từ
một hoàn cảnh như Giặc đốt làng tôi, màu dầu, 1954, hay Tình cảm họa
sĩ, màu dầu, 1956, đến những khuôn mặt riêng từ trên các Chân dung
hằn vết những mảnh đời cá biệt, hay một Cơn mưa thiên nhiên, sơn

mài, 1960, đều vậy. Không phải là cơn mưa nhìn thấy, thoáng qua mà
cơn mưa đã sống với những hồi tưởng, xúc động bồi hồi. Nghỉ trưa của
anh, sơn mài, 1959, chang chang cái nắng trung du là dầy cộp một
chồng kỷ niệm sâu sắc của đời bộ đội. Ta còn như nghe tiếng nổ tanh
tách đâu trên những cụm tre nóng bỏng, đã đổ bóng một lần trong tục
ngữ, ca dao.

Còn phải nói rõ hơn rằng bởi sự nhạy bén thẩm mỹ của một cá tính
nghệ thuật mạnh mẽ trong lao động quên mình mà Nguyễn Sáng đã có
công lớn trong việc bẻ một bước ngoặt ngôn ngữ của nền hội hoạ mới
của chúng ta.

Trong nghệ thuật, từ những bài học mỹ thuật được nhà trường cho điểm
rất cao đến một tác phẩm sáng tạo dù giản dị nhất, hẳn còn xa lắm.
Người ta có thể giảng giải và phân tích cái đẹp hội họa bằng khoa học,
nhưng người ta còn có thể, và cần thưởng thức nó nhiều hơn.

Làm sao có thể lẫn lộn được một Nguyễn Sáng ở những vết chải sơn
dầu rất ngon lành, ở những mảng sơn ta đang mài bỗng dừng lại đột
ngột như thức tỉnh giữa đam mê, ở những vùng sáng lênh láng bạc như
một mặt trời huyền thoại chọc thủng từng đám lá xanh rì sức sống, ở
những nét bút dọc ngang thoả thích, tự do như đường kiếm múa lên.
Rồi những biến hình quả quyết, những miếng màu như vung vãi phóng
tay, những cấu trúc táo bạo bất ngờ bên cạnh những bố cục hình và
màu còn hàn lâm hơn cổ điển.

Nguyễn Sáng là một tài năng già dặn, càng vẽ càng đẹp. Tôi đã nghiệm,
có thể đặt một bức hội hoạ kỳ công hàng năm, trên vài thước vuông của
anh cạnh một mảnh ký hoạ bút chì anh làm trong chớp mắt mà không
thấy bên nào lấn át hay xoá bỏ bên nào. Nguyễn Sáng coi tất cả cái gì

anh vẽ ra là ngang nhau, như tình thương đầy đủ và công bằng của một
người mẹ đã khai sinh ra nhiều đứa con vậy.

Anh đã dồn nhiều công sức và thành công ở những đề tài lớn làm
chứng một thời đại hào hùng: Giặc đốt làng tôi; Kết nạp Đảng ở Điện
Biên; Thành đồng Tổ quốc v v Và cũng bởi tư tưởng hội họa được
xác định, hơn là bàn tay sành sỏi nghề nghiệp, mà anh đã làm sống mọi
chất liệu, từ mầu dầu đến sơn mài, từ lụa đến phấn. Bao giờ hơi thở
nghệ thuật của anh cũng lưu loát, nhẹ nhõm như cánh chim. Tôi có
nhận xét là ở đâu ít phụ thuộc vào sự nghiêm trang của đề tài, thì cử chỉ
hội hoạ của anh càng đẹp, cấu tạo hội hoạ của anh càng thuần khiết và
tài năng của anh càng bộc lộ tự nhiên. Tôi thấy điều đó trên những Con
mèo và Chân dung rất rõ. Tôi càng quý anh hơn khi không thấy anh để
lộ trên tranh một bi cảm riêng tư nào mà bất cứ ai trong đời cũng sẵn có
về tình yêu, gia đình, vợ con, cơm áo, để làm tròn bổn phận xã hội của
người nghệ sĩ công dân. Trong khi anh trao cho ta những cảm giác phơi
phới tình đời thì chính nhân cách nghệ thuật ấy đã đưa anh chiến thắng
những dằn xé trong bản thân. Ta không ngờ anh đã vẽ tấm sơn mài
"Thiếu nữ trong vườn chuối", 1982, trong khi anh đang bị cơn bệnh
nặng đe doạ đến tính mạng mà vẫn lộng lẫy ánh sáng và nhịp điệu như
trong một ngày đẹp của đất trời ta sống, và cũng không ai nghĩ rằng
giữa cuộc chia tay đớn đau không ngờ với người vợ yêu thương và mới
mẻ thì anh đã bình tĩnh trở lại hoàn thành phác thảo sơn dầu Tình cảm
họa sĩ như lời nhắn về tình thương và lòng tin vào sự sống gửi cho một
thân phận ngặt nghèo (tranh với đề tài đứa con hoang khác màu da do
chiến tranh để lại).

Tôi đã xem phòng tranh Nguyễn Sáng mấy lần khi chưa mở cửa, vắng
vẻ với một người bạn. Khi đó tranh của anh sống đời sống cực kỳ yên
lặng. Tôi có cảm tưởng như những lần tôi gặp Nguyễn Sáng ở căn gác

của anh hay ở một góc quán hẻm nào đó của Hà Nội, ngồi hằng giờ yên
lặng với ly rượu trầm ngâm.

Nhưng tôi phải nói lên sự quan sát tò mò của mình ở buổi khai mạc
tranh của anh tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi cả mấy trăm
cuộc đời sôi nổi ập vào triển lãm. Giữa tiếng người rạng rỡ, tiếng nhạc,
tiếng máy quay phim, ánh sáng, giữa mái đầu bạc trắng của nhà văn
thượng thọ và cử chỉ nhảy nhót của cô họa sĩ hai mươi mốt tuổi, giữa
những áo xanh bộ đội, quần gin và son phấn thì phòng tranh Nguyễn
Sáng thật là rực rỡ.

Các Nguyễn Sáng - tranh, phân tán trên ba mươi năm nay, bắt đầu cử
động. Từ lung linh trong ánh sơn mài, từ thiết tha bền chặt của màu
dầu, từ mịn màng phiêu du của mặt lụa, tất cả đồng thời bước ra, hát
lên, tham dự vào đời sống xã hội của mình.

Và Nguyễn Sáng - thật thì vẫn đi lại điềm nhiên trước chúng. Vẫn
giọng lơ lớ Bắc Nam, vẫn hai con mắt trố nhìn như con ếch, vẫn điếu
thuốc lá thường trực giữa hai ngón tay già dặn, vẫn chân tình với bằng
hữu gần, xa.

Nguyễn Sáng - thật và Nguyễn Sáng - tranh cố kết một cuộc đời chung
thuỷ làm nên cái hài hòa cuối cùng đẹp nhất.

Và tôi nghĩ rằng nghệ thuật của Nguyễn Sáng là như vậy, trong sáng và
bình dị.


(*)
In lần đầu ở Tạp chí Văn nghệ của Hội nhà văn, số 31-1984; in

lại trong
Thái Bá Vân-Tiếp xúc với nghệ thuật




×