Bảy chị em, sao Kim, tinh vân “mì”:
Giải nhiếp ảnh Thiên văn 2012
Vào mùa giải thưởng nghệ thuật bận rộn đúng sau mùa Olympic, Anh
Quốc lại tiếp tục công bố những người thắng giải nhiếp ảnh Thiên văn
2012 do Đài quan sát Hoàng gia Greenwich tổ chức; và như đã hứa,
SOI có bài cho mọi người xem đây. (Các bạn bấm vào hình để xem bản
lớn hơn.)
Đây là tác phẩm đoạt giải nhất của mục “Trái đất và Vũ trụ”, do
Masahiro Miyasaka chụp tại Nagano, Nhật Bản. Lúc này đang là mùa
đông ở Nagano, các vách núi đóng băng và trời rất trong. Các bạn có
thể nhìn thấy chòm sao Bảy chị em (The Pleiades – ai đọc bài học chủ
nhật thì sẽ biết thêm tích về chòm sao này) ở phía bên trái hình, chòm
sao Taurus đứng cạnh bên.
Arild Heitmann thì đoạt hạng nhì mục “Trái đất và Vũ trụ” với tác
phẩm này, chụp vầng cực quang (vầng sáng bạn chỉ có thể thấy tại
vùng khí quyển gần hai địa cực của trái đất) ở Nordland Fylke, Na Uy.
Đây là quầng sáng mà chim cánh cụt trong “Bi kịch của loài chim cánh
cụt” vẫn lặn lội đến nhìn rồi về đấy…
Laurent Laveder đoạt giải nhất mục “Con người và Vũ trụ” với tấm
hình chụp chính mình tại một bãi biển (không biết ở đâu), với sao Kim
(sáng nhất) và sao Mộc (sáng nhì, bên trái sao Kim) trên bầu trời đêm.
Giải nhì cho mục “Con người và Vũ trụ” thuộc về anh Steven
Christenson với tấm ảnh chụp hai nhà leo núi tại vùng Yosimite (Mỹ)
hoang dã dưới bầu trời đêm.
Giải nhất của mục “Nhiếp ảnh gia Thiên văn trẻ” thuộc về bé Jacob von
Chorus, 15 tuổi, người Canada, với tác phẩm chụp chòm sao Bảy chị
em.
Giải nhì thuộc về bé Laurent V. Joli-Coeur, 15 tuổi, người Canada. Đây
là hình chụp mặt trăng, được ghép lại từ nhiều hình khác nhau (chụp
mặt trăng từ mọi góc độ rồi ghép thành một). Lý do bé thực hiện tác
phẩm này là: Cháu thấy nhiều hình chụp mặt trăng trên bầu trời đêm
đen, nhưng ít thấy hình chụp mặt trăng lúc trời còn xanh và sáng.
Thắng giải nhất cho hạng mục “Hệ mặt trời của chúng ta” là Chris
Warren với tác phẩm chụp sự chuyển động của sao Kim (Transit of
Venus). Chú thích thêm chút, chuyển động sao Kim xảy ra khi sao Kim
đi ngang qua mặt trời và trái đất, đây là hiện tượng hiếm khoảng 243
năm mới có một lần. Nếu nhìn vào hình, thì đốm đen tròn tròn đứng
bên phải mặt trời chính là sao Kim.
Thắng hạng nhì cho mục “Hệ mặt trời” là tấm ảnh chụp các bề mặt của
sao Hỏa, do Damien Peach thực hiện.
Hạng nhì của mục “Vũ trụ sâu thẳm” thuộc về Rogelio Bernal Andreo
của tinh vân (nebula) Simeis 147 mà giới Thiên văn gọi đùa là “Tinh
vân mì Spaghetti”. Lại chú thích thêm chút, tinh vân (nebula) là các
đám mây bụi tập hợp lại do lực hấp dẫn, sau vài trăm triệu năm hay tỷ
năm, đám mây bụi sẽ trở thành một ngôi sao. Nhưng một số tinh vân sẽ
hình thành từ các vụ nổ supernova (khi các ngôi sao lớn “chết” và phát
nổ). Tinh vân mì Spaghetti này là đám bụi của một vụ nổ supernova từ
40 000 năm trước đây. Ngoài tinh vân này thì vũ trụ còn nhiều tinh vân
đẹp khác, như tinh vân cua (crab nebula), tinh vân lửa (flame nebula),
tinh vân đại bàng (eagle nebula)…
Và giải nhất của “Vũ trụ sâu thẳm” kiêm giải “Ảnh Thiên văn của
năm” thuộc về Martin Pugh, với tác phẩm chụp Thiên hà Xoáy
(Whirlpool Galaxy) M51. Một thiên hà nhỏ khác đứng cạnh thiên hà
xoáy này đang bị lực hấp dẫn của thiên hà xoáy hút vào. Đây là một
thiên hà rất quan trọng trong ngành thiên văn, các chuyên gia đang
nghiên cứu nó để tìm hiểu thêm về cấu trúc cũng như sự tương tác giữa
các thiên hà. Đây cũng là thiên hà sáng nhất trong nhóm M51