Tải bản đầy đủ (.pdf) (18 trang)

báo cáo nghiên cứu khoa học ''''mấy ý kiến về phương pháp đánh giá kết quả học tập trong trường đại học l''''

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (154.75 KB, 18 trang )

Mấy ý kiến về phương pháp đánh giá kết quả học
tập trong trường Đại học
LÊ THỊ BÍCH THỌ
Thạc sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. HCM

Đánh giá kết quả học tập là một khâu quan trọng
trong quá trình đào tạo. Việc kiểm tra đánh giá kết
quả học tập không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết
quả quá trình học tập của người học (sinh viên) mà
còn là nguồn thông tin ngược (phản hồi) giúp người
dạy (thầy) nắm bắt được chất lượng, phương pháp
của việc giảng dạy để từ đó có những điều chỉnh
thích hợp cho công tác giảng dạy của mình. Như vậy
việc đánh giá kết quả học tập của người học có mối
quan hệ chặt chẽ với việc giảng dạy của người thầy.
Tuy nhiên, làm thế nào để việc đánh giá kết quả phản
ánh trung thực, chính xác, đầy đủ những kiến thức
mà người học tiếp thu được và làm thế nào để có
phương pháp đánh giá kết quả học tập thích hợp vẫn
là những điều mà các nhà quản lý giáo dục, các nhà
giáo quan tâm.
Việc đánh giá kết quả học tập ở các Trường Đại học
được áp dụng theo các qui chế hiện hành của Bộ giáo
dục và đào tạo về tổ chức thi, kiểm tra và công nhận
tốt nghiệp. Các qui chế này được áp dụng cho các đối
tượng học khác nhau theo cách phân chia đối tượng
chính qui và các hình thức không chính qui (chuyên
tu, tại chức, mở rộng). Tuy nhiên về hình thức đánh
giá kết quả học tập, cách tính điểm trung bình chung
cho toàn khóa học là không có sự khác nhau lớn. Sự
khác nhau cơ bản ở đây là điều kiện để được dự thi


và công nhận tốt nghiệp. Trong bài viết này chúng tôi
chỉ tập trung vào việc trình bày phương pháp đánh
giá kết quả đối với sinh viên hệ chính qui.
Đối với hệ chính qui, việc đánh giá kết quả học tập
hiện đang được thực hiện theo Qui chế về tổ chức
đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp Đại học
và Cao đẳng hệ chính qui ban hành kèm theo Quyết
định số 04/1999/QĐ-BGD & ĐT ngày 11/2/1999 của
Bộ giáo dục và đào tạo. Theo đó việc đánh giá kết
quả học tập được thực hiện đối với học phần, theo
học kỳ và cho toàn khoá học.
1. Đánh giá kết quả học tập thông qua việc thi, kiểm
tra học phần
Kết quả học tập của một sinh viên được hình thành từ
kết quả học tập của từng môn học (học phần). Theo
qui chế hiện hành, việc đánh giá kết quả học tập của
từng môn học được thực hiện thông qua các hình
thức: thi viết (trắc nghiệm hoặc tự luận), vấn đáp, làm
thực tập hoặc kết hợp giữa các hình thức trên1. Việc
áp dụng hình thức nào phụ thuộc vào điều kiện giáo
viên, vào tính chất của từng môn học và vào mục tiêu
được đặt ra đối với môn học. Mỗi hình thức trong quá
trình thực hiện đều có những ưu điểm và nảy sinh
những hạn chế nhất định. Cụ thể:
Đối với hình thức thi viết: Đây là hình thức được áp
dụng khá phổ biến. Theo hình thức này giáo viên cho
một đề thi có thể là tự luận hoặc trắc nghiệm. Thời
gian làm bài tuỳ theo đề thi nhưng được giới hạn từ
60 đến 180 phút. Phương pháp này có ưu điểm là tạo
cho sinh viên có điều kiện trình bày các vấn đề đã

học một cách chủ động, rèn luyện khả năng lập luận
logic, phân tích, tổng hợp kiến thức môn học. Hạn
chế của hình thức này là tính chính xác và khách
quan trong đánh giá bị hạn chế. Do số lượng câu hỏi
trong một đề thi không nhiều và không bao trùm toàn
bộ nội dung môn học nên dễ đưa đến tình trạng học
tủ, quay cóp. Vì thời gian thi có hạn, khối lượng kiến
thức của môn học được yêu cầu trong đề thi chỉ
chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ chương trình
của môn học nên kết quả thi có khi không phản ánh
đúng chất lượng của người học. Do vậy, khả năng có
những sinh viên bị điểm kém chưa chắc đã kém hơn
so với sinh viên thi cùng môn học được điểm cao do
“trúng tủ”.
Để khắc phục những hạn chế của hình thức này, nâng
cao tính chính xác và khách quan của việc đánh giá
kết quả học tập và đảm bảo yêu cầu đào tạo của nhà
trường, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có
những đổi mới, hoàn thiện các biện pháp đánh giá kết
quả học tập trong sinh viên. Cụ thể:
+ Sử dụng ngân hàng đề thi. Đảm bảo người dạy
không cắt xén chương trình và người học không học
tủ, học trọng tâm và đảm bảo tính khách quan, vô tư
trong thi cử.
+ Tổ chức cắt phách bài thi. Bộ phận làm phách
không phải là các giáo viên chấm thi.
+ Thường xuyên thay đổi bộ đề thi, đổi mới cách ra
đề thi để đảm bảo tính chính xác, tính thời sự của đề
thi và hạn chế việc sinh viên tự thu thập đề thi và giải
trước.

So với trước, cách ra một đề thi viết cũng có những
thay đổi. Đó là các đề thi viết không chỉ giới hạn ở
các đề tự luận như trước mà được thiết kế bằng sự kết
hợp giữa tự luận, trắc nghiệm tự luận và giải quyết
tình huống. Đối với hầu hết các môn khoa học pháp
lý, đề thi thường được cấu tạo bởi hai phần: Lý
thuyết và bài tập. Ở phần lý thuyết các câu hỏi đưa ra
là câu hỏi tự luận hoặc/và câu hỏi trắc nghiệm tự luận
(câu hỏi đúng sai có giải thích vì sao). Phần bài tập là
một hoặc nhiều tình huống yêu cầu giải quyết. Cách
ra đề thi như trên đã giải quyết được những hạn chế
của bài thi viết thuần tuý tự luận đòi hỏi sinh viên có
sự ứng dụng các kiến thức lí luận cũng như pháp luật
thực định trong việc giải quyết các tình huống cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương pháp
đánh giá nêu trên cũng đã nảy sinh một số vấn đề
sau:
Một là, mặc dù nhiều đề thi đã được thiết kế theo
hướng đòi hỏi sinh viên phải biết vận dụng và rèn
luyện khả năng phân tích, tổng hợp song lại không
cho phép sinh viên sử dụng tài liệu khi làm bài. Điều
này dẫn đến việc sinh viên phải học thuộc. Theo
chúng tôi nên hướng đến việc ra các đề thi không hạn
chế việc sử dụng tài liệu bởi một trong các yêu cầu
đặt ra đối với sinh viên luật là phải nắm kiến thức và
vận dụng chúng trong xử lí các tình huống cụ thể.
Mục tiêu đào tạo ở bậc đại học nói chung và ở đại
học luật nói riêng không nhằm đào tạo ra những
người chỉ biết nắm bắt những kiến thức của thầy một
cách thụ động mà trang bị cho sinh viên học phương

pháp tư duy để xử lý công việc, nói cách khác là học
phương pháp học. Điều này đưa đến một thực tế nếu
đề thi ra vào phần giáo viên không đề cập đến trên
lớp sẽ gặp phản ứng của người học và giáo viên
thường sử dụng giờ trên lớp chỉ để giảng thay vì
hướng cho người học cách tự học. Và đây cũng là
cách thi dễ tạo cho người học vi phạm qui chế thi. Vì
vậy theo chúng tôi cần có các đề thi theo hướng cho
sinh viên được sử dụng tài liệu để giải quyết các vấn
đề cụ thể hoặc phân tích, tổng hợp kiến thức. Cho đến
nay phần lớn đề thi của các môn khoa học pháp lý
được thiết kế theo hướng cho sinh viên được sử dụng
văn bản pháp luật, có một số môn học đề thi đã cho
phép sinh viên được sử dụng không chỉ văn bản pháp
luật mà sử dụng bất cứ tài liệu nào. Tuy nhiên, việc ra
các đề thi loại này không phải là đơn giản.
Hai là, do thời gian làm bài đối với một học phần
được giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn nên
việc làm bài và chấm bài cũng chỉ giới hạn ở việc
chấm ý nên dù là bài tự luận thì sinh viên cũng không
có khả năng rèn luyện kĩ năng viết.
Ba là, theo qui chế hiện hành thì để được dự thi hết
học phần sinh viên phải đạt điểm từ 5 trở lên cho trên
50% tổng số học trình của mỗi môn học2. Về điểm
này, trên thực tế thực hiện cũng có nhiều vấn đề cần
xem xét. Thông thường các bài kiểm tra học trình
được thực hiện không báo trước nên hầu như sinh
viên chưa có sự chuẩn bị kỹ, thời gian làm bài lại rất
ngắn nên điểm rất thấp. Vì vậy, việc kiểm tra học
trình trên thực tế mang ý nghĩa kiểm tra việc có mặt

của sinh viên trên lớp hơn là nhằm mục đích đánh giá
kết quả học tập của sinh viên, là phương tiện giúp
người thầy nắm bắt được thông tin để điều chỉnh việc
giảng dạy cho thích hợp và giúp người học học lấy
phương pháp làm bài.
Đối với hình thức thi vấn đáp: Hình thức này có ưu
điểm là có thể kiểm tra kiến thức của sinh viên tương
đối rộng, tạo cho sinh viên có khả năng phản xạ trước
các vấn đề, khắc phục được việc học tủ trong sinh
viên và kết quả học tập được công bố nhanh, xác định
tương đối chính xác kết quả học tập của sinh viên.
Tuy nhiên, hình thức này lại đòi hỏi thời gian tổ chức
thi dài, vì vậy đối với các khóa đông, giáo viên không
nhiều thì khó thực hiện, bên cạnh đó hình thức này
cũng có những hạn chế là không tạo cho sinh viên có
tư duy hệ thống vì thời gian trả lời các câu hỏi thi của
mỗi sinh viên ngắn nên các vấn đề trả lời chỉ là các ý,
tản mạn, và hạn chế khả năng lập luận của sinh viên
và việc đánh giá phụ thuộc vào ý thức chủ quan của
thầy.
Đối với thi trắc nghiệm khách quan: Thi trắc nghiệm
khách quan bước đầu đang được thử nghiệm ở một số
môn học (logic, ngoại ngữ và công pháp quốc tế).
Đây là phương pháp tiện lợi khi chấm thi và đánh giá
kết quả của người học một cách khách quan vì kết
quả chấm thi hoàn toàn không dựa vào ý chủ quan
của người chấm nên dù có nhiều người chấm khác
nhau vẫn cho kết quả giống nhau. Đối với kỳ thi
tuyển sinh, các môn có độ chính xác cao như ngoại
ngữ, logic, toán học thì việc thi trắc nghiệm có lẽ sẽ

đem lại nhiều ưu điểm bởi tính khách quan, nhanh
chóng và nội dung rộng, song việc áp dụng chúng để
thi kết thúc học phần đối với các môn khoa học xã
hội nhân văn, đặc biệt là luật học là vấn đề theo
chúng tôi cần phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng. Riêng
tôi cho rằng đối với các môn khoa học pháp lý thì thi
trắc nghiệm là không thích hợp vì không thể lấy
phương pháp toán học để đánh giá khoa học xã hội,
nhất là đối với khoa học pháp lý, một ngành khoa học
thực tiễn. Vì vậy, đối với các môn khoa học pháp lý,
phương pháp này chỉ nên áp dụng trong kiểm tra học
trình để kiểm tra các kiến thức đã được xác định
trong luật, các vấn đề thuần tuý lý luận.
Ngoài các hình thức đánh giá nêu trên, nhà trường
còn sử dụng các hình thức khác như viết tiểu luận
thực tập, tiểu luận môn học, khoá luận tốt nghiệp…
Các hình thức này có ưu điểm là tạo cho sinh viên
bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu khoa
học, rèn luyện kỹ năng viết, lập luận logic, vận dụng
thực tiễn…
2. Đánh giá kết quả học tập của năm học
Kết quả học tập của một năm học được tính bằng
điểm trung bình chung học tập. Điểm trung bình
chung học tập được xác định bởi các điểm thi học
phần, điểm tiểu luận, bài tập hoặc kết quả nghiên cứu
khoa học của sinh viên. Sinh viên có kết quả từ 5,0
trở lên và số học trình còn nợ không quá 25% tổng số
học trình của năm học sẽ được xét lên lớp, những
sinh viên có điểm trung bình chung từ 4,0 đến cận 5,0
phải tạm ngừng tiến độ học tập từ 1 đến 2 học kỳ để

trả nợ các học phần còn nợ. Những sinh viên có kết
quả dưới 4,0 bị buộc thôi học3. Đối với diện ưu tiên 1
khu vực 1 giảm 0,6 điểm, ưu tiên 2 khu vực 1 và ưu
tiên 1 khu vực 2 giảm 0,4 điểm, ưu tiên 2 khu vực 2
giảm 0,2 điểm để xét lên lớp, tạm dừng tiến độ học
tập hoặc bị buộc thôi học4. Như vậy, đối với những
sinh viên thuộc các diện ưu tiên nêu trên sẽ có điều
kiện xét lên lớp thấp hơn so với các sinh viên khác.
Về điểm này của qui chế, chúng tôi cho là cần phải
xem xét lại. Theo chúng tôi không thể áp dụng chế độ
ưu tiên trong việc xét lên lớp, tạm dừng tiến độ học
tập bởi vì qui định về điều kiện lên lớp, tạm dừng tiến
độ học tập hoặc bị buộc thôi học đối với một sinh
viên được đưa ra xuất phát từ khả năng để một sinh
viên bình thường có thể theo học tiếp tục, như vậy
các sinh viên dù ở đâu và thuộc đối tượng nào cũng
phải tuân thủ. Không thể coi một sinh viên đạt kết
quả 4,4 thuộc diện ưu tiên với một sinh viên đạt kết
quả 5,0 là những người có cùng một trình độ. Việc ưu
tiên theo chúng tôi chỉ nên giới hạn ở việc quan tâm
các điều kiện học tập và cho phép họ kéo dài thời hạn
học tập ở trường hơn so với các sinh viên không
thuộc diện ưu tiên.
Trong năm học này, nhà trường đã triển khai thực
hiện thí điểm đánh giá kết quả việc rèn luyện phẩm
chất chính trị, lối sống của sinh viên theo công văn số
8193/CTCT và 8194/CTCT ngày 1/9/2000 của Bộ
Giáo dục và đào tạo về việc chỉ đạo và hướng dẫn
thực hiện thí điểm đánh giá kết quả việc rèn luyện
phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của sinh viên

học sinh. Theo đó điểm trung bình chung của một
sinh viên được tính bằng điểm trung bình chung học
tập và trung bình chung rèn luyện. Mức điểm trung
bình chung rèn luyện cao nhất cho một sinh viên
được hưởng là 1,2 và bị trừ là 0,6 điểm. Về vấn đề
này chúng tôi cho là cũng cần có sự cân nhắc. Chúng
tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
3. Đánh giá kết quảchung toàn khóa học
Điểm trung bình chung được tính bằng điểm trung
bình chung học tập và điểm rèn luyện. Kết quả học
tập toàn khoá học sẽ được chia thành 7 mức: xuất sắc
(từ 9 đến 10), giỏi (từ 8 đến cận 9), khá (từ 7 đến cận
8), trung bình khá (từ 6 đến cận 7), trung bình (từ 5
đến cận 6), yếu (từ 4 đến cận 5) và kém (dưới 4)5.
Việc phân loại học sinh như trên áp dụng đối với tất
cả các ngành học theo chúng tôi là chưa phù hợp,
chưa quan tâm đến tính đặc thù của từng ngành học.
Thực tế áp dụng các qui chế của Bộ trong những năm
gần đây cho thấy tỷ lệ sinh viên đạt loại khá toàn
khoá học còn thấp (chiếm khoảng 10% trên tổng số
sinh viên tốt nghiệp). Kết quả đạt loại giỏi rất hiếm
hoi, có khóa có và có khóa không, và nếu có thì cả
một khóa sinh viên tốt nghiệp mới có 1 sinh viên và
sinh viên đạt loại xuất sắc không có. Kết quả này phụ
thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, ở đây
chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một yếu tố là tính đặc
thù của khoa học xã hội nói chung và luật học nói
riêng. Đối với khoa học xã hội thì việc một sinh viên
đạt được điểm giỏi là rất khó khăn, bởi lẽ đó là môn
khoa học như đã nói ở trên là việc xác định đúng sai

phụ thuộc vào sự lập luận của người làm bài rất nhiều
và để có sự thống nhất một cách tuyệt đối là không
dễ. Thực tế đã kiểm chứng: Ví dụ trong những năm
học phổ thông, điểm của các môn xã hội thường
không cao. Để đạt được điểm 10 của các môn khoa
học xã hội là điều rất hiếm khi xảy ra. Một ví dụ khác
là điểm thi tuyển sinh của trường trong nhiều năm
qua bao giờ điểm thủ khoa của khối C cũng thấp hơn
khối A ít nhất là 3 điểm. Thông thường thí sinh khối
C đạt khoảng 24 hoặc 24,5 đã là thủ khoa trong khi
đó khối A thủ khoa có kết quả là 27 đến 30 điểm. Vì
vậy, theo chúng tôi Bộ cần có qui định đối với loại
khá trở lên cho ngành luật thấp hơn 0,5 điểm. Cụ thể:
Khởi điểm của loại khá là 6,5; Loại giỏi là 7,5.
Trên cơ sở của những trình bày trên, chúng tôi có một
số đề xuất sau đây:
- Việc áp dụng các hình thức thi, kiểm tra cần được
thực hiện một cách sáng tạo phù hợp với mục tiêu
của từng môn học. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa
các hình thức thi, kiểm tra, không nên chỉ áp dụng
cứng nhắc một loại hình nào.
- Đề thi nên theo hướng cho sinh viên được sử dụng
tài liệu.
- Điều kiện phân loại sinh viên từ loại khá trở lên
không nên áp dụng một cách cứng nhắc và chỉ có một
chuẩn như hiện nay mà cần tính đến tính đặc thù của
khoa học pháp lý. ·
1 Qui chế về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công
nhận tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng hệ chính qui
ban hành kèm theo Quyết định số 04/1999 QĐ-BGD

& ĐT ngày 11/2/1999 của Bộ giáo dục và đào tạo,
Khoản 2, điều 10.
2 Xem trên, Điều 8, khoản 1(b).
3 Xem trên, Điều 4.
4 Xem trên, Điều 5, khoản 2 (a).
5 Xem trên, Điều 11.

×