Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

TÌM HIỂU VỀ BỆNH SỎI MẬT pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (699.88 KB, 9 trang )

TÌM HIỂU VỀ BỆNH SỎI MẬT
Ths. BS Trần Vĩnh Khanh
KHÁI NIỆM VỀ HỆ THỐNG ĐƯỜNG MẬT
Dịch mật được sản xuất ra ở gan và được dẫn xuống ruột bằng hệ thống
đường mật. Hệ đường mật gồm có đường mật chính và túi mật. Đường mật chính
gồm nhiều nhánh nhỏ nằm trong gan đổ vào một ống ở ngoài gan gọi là ống mật
chủ để dẫn xuống ruột. Túi mật là một túi chứa bên cạnh ống mật chủ, nối thông
với ống mật chủ bởi một ống nhỏ. Túi mật có nhiệm vụ dự trữ dịch mật để tống
xuất từng đợt qua ống mật chủ xuống ruột khi có thức ăn vào đường tiêu hoá (giúp
tiêu hoá thức ăn). Sỏi mật có thể ở túi mật hoặc đường mật chính trong gan đến
ngoài gan. Sỏi túi mật khác với sỏi đường mật chính về bệnh lý cũng như cách
điều trị.

SỎI TÚI MẬT
1- Sỏi được hình thành như thế nào?
Thành phần chính cấu tạo sỏi túi mật là cholesterol. Cholesterol muốn hoà
tan trong dịch mật phải nhờ có một lượng chất lecithin và acid mật nhất định. Nếu
xảy ra hiện tượng gọi là “bảo hoà cholesterol” có nghĩa là nồng độ cholesterol tăng
mà nồng độ lecithin và acid mật thấp không đủ đáp ứng để hoà tan cholesterol thì
cholesterol sẽ kết tụ lại tạo nên sỏi. Ngoài ra còn các yếu tố như sự tạo nhân, sự ứ
đọng ở túi mật và cô đặc mật, vai trò của can-xi, vai trò của prostaglandin, … tạo
ra những điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình tạo sỏi.
2- Đối tượng nào có nguy cơ bị sỏi túi mật?
Mọi người đều có thể mắc bệnh sỏi túi mật nhưng đối tượng có nguy cơ
mắc bệnh nhiều hơn là phụ nữ, trên 40 tuổi, béo phì, sinh đẻ nhiều, dùng nhiều
thuốc tránh thai, …
3- Triệu chứng:
Sỏi túi mật có thể gây nên các tình trạng như sau:
1- Có triệu chứng mơ hồ: Khó tiêu, đầy bụng sau ăn, cảm giác tưng tức
vùng trên rốn bên phải.
2- Có những đợt đau dữ dội rồi tự giảm, nhưng cũng có khi dẫn tới biến


chứng viêm cấp với sốt cao, nhiễm trùng nặng và hoại tử túi mật. Nếu không điều
trị kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
3- Sau nhiều lần đau sẽ chuyển sang viêm túi mật mãn tính. Túi mật mất
chức năng trở thành một túi chứa sỏi và viêm nhiễm.
Hơn 50% trường hợp bị sỏi túi mật nhưng không hề có triệu chứng lâm
sàng nào. Đôi khi, người mang sỏi có thể sống bình thường suốt đời. Nhiều
chuyên gia về tiêu hoá cho rằng không cần điều trị đối với sỏi không triệu chứng.
Chỉ phẫu thuật khi nào sỏi trở nên có triệu chứng.
4- Phát hiện sỏi túi mật bằng cách nào?
Siêu âm là phương tiện rất chính xác nhưng dễ thực hiện trong chẩn đoán
sỏi túi mật. Siêu âm không gây cảm giác khó chịu và không gây hại gì đối với cơ
thể.
Chụp X-quang thông thường hiếm khi thấy được sỏi vì đa số sỏi túi mật
không có tính cản quang.
5- Sỏi túi mật có thể gây biến chứng gì?
Biến chứng thường gặp nhất là viêm túi mật cấp từ mức độ nhẹ đến nặng và
có thể đưa đến tình trạng nhiễm trùng nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Các biến chứng khác như sỏi rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật-viêm
đường mật, viêm tụy cấp.
Ung thư túi mật có thể xảy ra trên bệnh nhân sỏi túi mật với tỉ lệ thấp
khoảng 1-2%
6- Điều trị
Điều trị sỏi túi mật có nhiều cách, nói chung được xếp vào 2 nhóm chính
như sau :
1- Lấy đi sỏi, túi mật còn nguyên
- gồm các phương pháp: Dùng thuốc tan sỏi, tán sỏi trong cơ thể, tán sỏi
ngoài cơ thể, mổ lấy sỏi
Các phương pháp trên chỉ làm mất đi sỏi mà nguyên nhân chính tạo sỏi là
túi mật vẫn còn đó nên có khả năng tái phát sỏi cao. Do đó các phương pháp này
rất ít được chọn.

2- Cắt bỏ túi mật :
Cắt bỏ túi mật không gây thiệt hại gì trầm trọng cho cơ thể, không ảnh
hưởng đến gan và đường mật chính vì túi mật là “đường mật phụ”. Một số trường
hợp sau cắt túi mật, bệnh nhân vẫn còn đau hoặc có các triệu chứng khó chịu về
tiêu hoá đa phần là do các bệnh của dạ dày, tá tràng, đại tràng kèm theo mà thầy
thuốc chưa phát hiện được trước khi phẫu thuật.
Cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị sỏi túi mật triệt để nhất, không có tái
phát, được chọn lựa nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay hầu hết các trường hợp cắt
túi mật đều có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng. Phẫu thuật nhẹ nhàng,
người bệnh ít đau, mau bình phục, chỉ cần nằm viện 2-3 ngày, chỉ có 3 vết sẹo nhỏ
5-10 ly trên thành bụng. Chi phí điều trị không cao.
Như vậy điều trị tốt nhất đối với sỏi túi mật là phẫu thuật cắt túi mật nội
soi.
SỎI ĐƯỜNG MẬT CHÍNH
1- Sỏi được hình thành như thế nào?
Sỏi đường mật chính là sỏi ở các ống mật ngoài gan và/hoặc trong gan.
Thành phần chính cấu tạo sỏi là calcium bilirubinat. Cơ chế hình thành sỏi chưa
được xác định chắc chắn. Nhiều yếu tố được đưa ra như: Nhiễm trùng mật, cắt hồi
tràng, bệnh tán huyết, xơ gan, nuôi dưỡng bằng đường tiêm truyền kéo dài … Hiện
tại, vai trò của nhiễm trùng được quan tâm nhiều nhất. Vi trùng xâm nhập vào
đường mật bằng nhiều cách. Ở Việt Nam người ta nghĩ rằng giun đũa chui lên
đường mật là thủ phạm chính đưa vi trùng lên theo. Các vi trùng này làm thủy
phân bilirubin kết hợp- tan trong nước thành bilirubin tự do không tan và kết với
canxi trong mật tạo thành calcium bilirubinate là thành phần chính kết tụ thành
sỏi. Ngoài ra, sự ứ trệ mật được nghĩ là một yếu tố quan trọng trong quá trình tạo
sỏi.
2- Đối tượng nào có nguy cơ bị sỏi đường mật chính?
Mọi người đều có thể mắc bệnh sỏi đường mật chính nhưng đối tượng có
nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn là người có hoàn cảnh kinh tế thấp, thói quen ăn
uống kém vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, có bệnh tán huyết, bất thường bẩm sinh cấu

trúc đường mật.
3- Triệu chứng
Sỏi đường mật hiếm khi “chung sống hoà bình” với bệnh nhân trong một
thời gian dài như sỏi túi mật. Bệnh nhân có thể có những bệnh cảnh sau:
1- Triệu chứng không điển hình: Khó tiêu đầy bụng, đau mơ hồ hoặc có
những cơn đau quặn gan, thỉnh thoảng có thể có những đợt sốt ớn lạnh, những đợt
vàng da rồi tự khỏi. Khám chỉ thấy ấn đau nhẹ vùng thượng vị và hạ sườn (P) hoặc
không có dấu hiệu bất thường gì. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm.
2- Triệu chứng điển hình: Trường hợp sỏi gây nhiễm trùng đường mật sẽ có
triệu chứng đau nhiều ở bờ sườn phải, sốt cao lạnh run, vàng da vàng mắt. Tình
trạng nhiễm trùng có khi rất nặng dẫn đến tử vong.
4- Phát hiện sỏi đường mật bằng cách nào?
Siêu âm là phương tiện được sử dụng đầu tiên nhưng độ chính xác thấp hơn
trường hợp sỏi túi mật. Các trường hợp khó có thể cần đến các phương tiện phức
tạp hơn như chụp đường mật cản quang, chụp cắt lớp điện toán hoặc cộng hưởng
từ…
5- Sỏi đường mật có thể gây biến chứng gì?
Biến chứng thường gặp nhất là viêm đường mật cấp thễ nhiễm độc với tỉ lệ
tử vong cao.
Các biến chứng khác như hẹp đường mật, viêm tụy, áp xe gan, chảy máu
đường mật, xơ gan ứ mật
Ung thư đường mật có thể xảy ra trên bệnh nhân sỏi đường mật với tỉ lệ
khoảng 2-5%.
6- Điều trị
Tất cả trường hợp sỏi đường mật chính dù có hay không có triệu chứng đều
có chỉ định điều trị lấy sỏi và phục hồi sự lưu thông của đường mật. Tùy đặc điểm
sỏi, tình trạng người bệnh mà có thể sử dụng các phương pháp lấy sỏi khác nhau
cho thích hợp: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở, lấy sỏi qua nội soi đường miệng,
lấy sỏi qua nội soi xuyên qua da,… Khác với túi mật, đường mật không thể cắt bỏ
được mà chỉ có thể lấy sạch sỏi nên sau đó vẫn có khả năng tái phát sỏi mặc dù

người ta đã cố gắng có những biện pháp giảm tái phát như cắt phần gan nhiều sỏi,
nối mật-ruột, …
PHÒNG NGỪA SỎI MẬT
Không có biện pháp chắc chắn phòng ngừa mắc bệnh sỏi mật. Các biện
pháp phòng ngừa gồm:
- Giảm cân
- Không sinh đẻ nhiều
- Ăn uống hợp điều độ hợp vệ sinh, khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng ít chất
béo
- Xổ giun định kỳ
- Khi có sỏi mật nên đến khám và tư vấn ở cơ sở chuyên khoa phẫu thuật
gan mật. Nếu có triệu chứng đau bụng nên đến bệnh viện sớm để phát hiện và xử
trí kịp thời biến chứng. Đối với người có điều kiện làm việc dài ngày ở xa các cơ
sở y tế phẫu thuật, nếu có sỏi túi mật thì nên phẫu thuật cắt túi mật phòng ngừa.
- Đối với sỏi trong gan, khả năng tái phát cao. Hiện nay người ta chưa thể
chủ động ngặn chặn sỏi tái phát nhưng có những phẫu thuật tạo đường hầm can
thiệp lâu dài để khi sỏi tái phát có thể dễ dàng theo đường hầm này lấy sỏi.


×