Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam không
ngừng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng đó, hiện tượng chuyển giá trong
khối các doanh nghiệp FDI đang là vấn đề gây đau đầu đối với các nhà quản lý. Năm
2009 có đến 60% doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh báo cáo thua lỗ,
con số này năm 2008 và 2007 lần lượt là 70% và 61%. Mặc dù báo cáo thua lỗ trong
nhiều năm liền nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn không ngừng lớn mạnh về quy mô sản
xuất lẫn thị phần và doanh thu. Có thể nói, hiện tượng chuyển giá đã không còn là vấn đề
mới mẻ ở Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có những
giải pháp quản lý hữu hiệu.
Góp phần vào những nỗ lực chống chuyển giá ở Việt Nam, bài viết được thực hiện
nhằm làm rõ hai vấn đề chính: những hình thức chuyển giá phổ biến ở Việt Nam và
những hạn chế trong vấn đề chống chuyển giá ở nước ta.
Chuyển giá là hành vi định giá chuyển giao không dựa trên giá cả thị trường giữa các
công ty có liên kết với nhau trong cùng một tập đoàn, nhằm chuyển lợi nhuận từ công ty
này sang công ty khác, làm giảm số thuế cả tập đoàn phải nộp, từ đó nâng cao lợi nhuận
của cả tập đoàn. Hoạt động chuyển giá thường được thực hiện thông qua các giao dịch
quốc tế do chính sách thuế giữa các quốc gia có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, các công
ty có liên kết trong cùng một quốc gia cũng có thể sử dụng thủ thuật này nhờ vào sự khác
biệt về chính sách thuế giữa các vùng trong một quốc gia.
Các công ty đa quốc gia có thể thực hiện chuyển giá bằng nhiều hình thức khác nhau:
chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản vốn góp; chuyển giá thông qua
hình thức điều tiết giá mua bán hàng hóa; chuyển giá thông qua hình thức nâng cao chi
phí kinh doanh; và chuyển giá thông qua hình thức nâng cao chi phí hành chính và chi phí
quản lý.
Chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản vốn góp là việc nhà đầu tư
nước ngoài góp vốn vào liên doanh với công ty Việt Nam bằng máy móc, thiết bị (tài sản
hữu hình) hoặc công nghệ và thương hiệu (tài sản vô hình), nhưng họ lại nâng cao giá trị
tài sản của họ so với thực tế. Do phía Việt Nam chưa có đủ trình độ và năng lực để thẩm
định giá của các loại thiết bị này nên thường bị các đối tác nâng giá phần vốn góp của họ
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
1
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
cao hơn so với giá trị thực của tài sản. Một nguyên nhân nữa là do phía Việt Nam thường
không chuẩn bị tốt khâu soạn thảo hợp đồng và đàm phán về giá trị vốn góp trong liên
doanh. Các công ty Việt Nam thường ký vào hợp đồng đã được phía nước ngoài soạn sẵn.
Một ví dụ cụ thể cho hình thức chuyển giá này là trường hợp Công ty Ve Wong Đài Bắc
và Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh cùng hợp tác thành lập Xí nghiệp Liên
doanh Saigon Ve Wong chuyên sản xuất bột ngọt (năm 1990). Phần vốn góp của công ty
Ve Wong bằng máy móc thiết bị được định giá là 4.972.073 USD. Nhưng sau khi được
Công Ty Thẩm Định Giá Quốc Tế thẩm định lại thì giá trị thực của thiết bị chỉ có
4.612.640 USD, tương ứng mức chênh lệch là 359.433 USD. Việc định giá cao các thiết
bị máy móc này đã giúp cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển một phần lợi nhuận về phía
công ty mẹ ngay sau khi góp vốn và gây nhiều thiệt hại cho phía doanh nghiệp Việt Nam,
Chính phủ và cả người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tỉ lệ vốn góp bị
nhỏ lại. Lúc này, các công ty nước ngoài sẽ nắm giữ quyền điều hành liên doanh. Trong
nhiều trường hợp, họ cố tình điều hành việc kinh doanh dẫn đến thua lỗ, buộc các doanh
nghiệp Việt Nam phải bán cổ phần cho họ. Khi đó liên doanh sẽ trở thành công ty 100%
vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp này sẽ được làm rõ hơn trong phần tiếp theo của bài
viết. Đối với Chính phủ Việt Nam, do chi phí khấu hao máy móc hàng năm cao hơn so
với thực tế làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, Chính phủ bị bị thất thu một khoản thuế
thu nhập doanh nghiệp. Còn đối với người tiêu dùng Việt Nam, do chi phí khấu hao lớn
dẫn đến giá thành sản phẩm cao khiến người tiêu dùng phải chi trả giá cao hơn giá thực
tế. Bên cạnh đó, hình thức chuyển giá này còn gây ra sự mất cân đối trong cán cân thanh
toán quốc gia, vì nước ta phải nhập một lượng máy móc, thiết bị cao hơn giá trị thực tế
của chúng.
Một hình thức chuyển giá khác cũng khá phổ biến ở Việt Nam đó là chuyển giá thông
qua việc điều tiết giá mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mua nguyên
vật liệu đầu vào với giá cao và bán sản phẩm cho công ty mẹ ở nước ngoài với giá thấp.
Trường hợp liên doanh Coca Cola Chương Dương là một minh họa điển hình cho phương
thức chuyển giá này. Công ty liên doanh Coca Cola Chương Dương là liên doanh giữa
Công ty Nước giải khát Chương Dương và Công ty Coca Cola Indochina PTE. LTD (Hoa
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
2
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
Kỳ). Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty Coca Cola Chương Dương cho thấy công ty
này có đến 40% chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất được nhập khẩu trực tiếp từ
công ty mẹ. Bên cạnh đó, tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu chiếm tới hơn 80% tổng chi phí
sản xuất của công ty. Nếu đem tỷ lệ này so với tỷ lệ chi phí của các công ty sản xuất trong
cùng ngành hàng thì tỷ lệ này quá cao. Điều này được thấy rõ qua việc so sánh tỷ lệ
nguyên vật liệu tính trên giá vốn hàng bán của công ty Coca Cola Chương Dương và hai
công ty con của Coca Cola hoạt động tại Úc và Canada trong việc nhập khẩu nguyên liệu,
hương liệu từ công ty Coca Cola mẹ.
Bảng 1. Chi phí nguyên vật liệu tính trên giá vốn hàng bán của 3 công ty:
Coca cola Enterprises, Coca cola Amati và Coca cola Chương Dương
Đơn vị tính: %
Năm Coca cola Enterprises Coca cola Amati Coca cola Chương Dương
1997 35.23% 31.68% 81.00%
1998 36.94% 34.84% 86.87%
Nguồn: Cục thuế TP. Hồ Chí Minh
Bảng 1 cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu tính trên giá vốn hàng bán của công ty Coca
Cola Enterpises và Coca Cola Amati chiếm tỷ lệ thấp hơn 40%. Trong khi đó, tỷ lệ
nguyên vật liệu tính trên giá vốn hàng bán tại Coca Cola Chương Dương trong hai năm
1997 và 1998 luôn lớn hơn 80%. Sự khác biệt quá lớn này chứng tỏ công ty Coca Cola
Chương Dương đã thực hiện chuyển giá thông qua việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu
vào từ công ty mẹ với giá cao. Với hình thức này, công ty đã làm giảm được lợi nhuận
kinh doanh, từ đó làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Mặc khác, do công
ty chỉ nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ, kết quả là nguồn nguyên vật liệu ở Việt Nam
không được tận dụng. Điều này sẽ gây cản trở cho sự phát triển của ngành sản xuất
nguyên vật liệu ở Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty còn thực hiện chuyển giá thông qua việc nâng cao chi phí hoạt
động kinh doanh, điển hình là chi phí quảng cáo. Các công ty ở Việt Nam thường thuê
dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc từ các công ty con của cùng tập đoàn và trả phí
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
3
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
rất cao. Trường hợp công ty P&G Việt Nam là một minh họa thực tế cho hình thức
chuyển giá này. Công ty P&G Việt Nam là liên doanh giữa công ty Proter & Gamble Far
East (Hoa Kỳ) và công ty Phương Đông (Việt Nam), được thành lập năm 1994 với vốn
đầu tư tính đến năm 1996 là 367 triệu USD. Trong đó, công ty Phương Đông góp 30% số
vốn và công ty Proter & Gamble Far East góp 70% số vốn. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt
động (từ năm 1995 đến năm 1996), công ty P&G Việt Nam đã lỗ đến 311 tỷ đồng. Có
nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của công ty, trong đó có việc tăng cường
quảng cáo và nâng cao chi phí quảng cáo. Trong giai đoạn 1995-1996 (giai đoạn P&G
mới vào Việt Nam), công ty đã khéo léo tận dụng chiến lược quảng cáo, vừa để quảng bá
hình ảnh công ty, vừa nhằm mục đích khiến liên doanh thua lỗ để đẩy đối tác Việt Nam ra
khỏi liên doanh. Để thực hiện chiến lược này, P&G đã chi cho quảng cáo một số tiền
khổng lồ lên đến 65,8 tỷ đồng. Tổng các chi phí quảng cáo này chiếm đến 35% doanh thu
thuần của công ty. Để tiếp tục kinh doanh trước tình thế thua lỗ, công ty Proter & Gamble
Far East đề ra phương án tăng vốn góp thêm 60 triệu USD. Công ty Phương Đông do
không đủ khả năng tài chính nên đành bán toàn bộ cổ phần cho đối tác. Kết quả là công ty
P&G Việt Nam trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Như vậy, thông qua việc chuyển
giá, công ty Proter & Gamble Far East còn thực hiện được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, chuyển giá bằng hình thức quảng cáo còn tạo ra một môi trường kinh doanh
không bình đẳng. Trong khi công ty P&G có đủ tiềm lực tài chính để quảng cáo rầm rộ
(do công ty lỗ ảo, lời thật) thì các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ khả năng để quảng
cáo như vậy. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi lợi thế cạnh tranh ngay ở thị
trường trong nước.
Bên cạnh các hình thức chuyển giá trên, các công ty còn thực hiện chuyển giá thông
qua việc nâng cao chi phí hành chính và chi phí quản lý. Mới đây, ngày 25/8/2010, cục
thuế tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định truy thu và xử phạt thuế hơn 350 tỷ đồng đối với
công ty Bat-Vinataba (liên doanh giữa Tập đoàn thuốc lá British American Tobacco l với
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam). Qua điều tra, Cục thuế tỉnh Đồng Nai đã phát hiện từ
tháng 1/2006, Công ty Bat-Vinataba có ký hợp đồng thuê công ty Bat Marketing-
Singapore (công ty con của Tập đoàn thuốc lá British American Tobacco l) cung cấp một
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
4
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
số dịch vụ như quản lý và giám sát các công thức thuốc lá, gia liệu, quản lý chất lượng và
tính ổn định của nguồn nguyên liệu thuốc lá,… với mức phí là 0,25 USD/kg thuốc lá sợi
trong 2 năm đầu và 0,5 USD cho các năm tiếp theo. Do đó, công ty đã cộng khoản chi phí
này vào giá thành sản phẩm, làm giảm lợi nhuận chịu thuế qua các năm hơn 217 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bat–Vinataba đã không cung cấp được các chứng từ chứng minh Bat
Marketing-Singapore đã thực hiện các dịch vụ này. Vì vậy, Cục thuế Đồng Nai kết luận
Bat-Vinataba đã thực hiện hành vi chuyển giá khống.
Ngoài ra, các công ty còn có thể nâng cao chi phí hành chính và chi phí quản lý bằng
cách thuê chuyên gia quản lý đến từ công ty mẹ với mức lương rất cao hoặc đưa nhân
viên đi đào tạo ở công ty mẹ với chi phí cao. Trở lại với trường hợp công ty liên doanh
P&G Việt Nam, trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã thuê 16 chuyên gia là người
nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Kết quả là công ty phải chi một khoản tiền lương
khổng lồ lên đến 3,4 triệu USD (trong khi luận chứng kinh tế ban đầu chỉ là 1 triệu
USD). Điều này đã góp phần làm cho liên doanh bị thua lỗ đúng như mục đích của công
ty Proter & Gamble Far East.
Chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nó còn là vấn nạn của hầu hết các nền
kinh tế trên thế giới, bởi mục đích của kinh doanh là lợi nhuận, và các công ty luôn tìm
mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, nếu xét về mặt chủ quan, chính
những hạn chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến
cho thực trạng chuyển giá ở nước ta ngày càng trở nên trầm trọng. Thật vậy, cho đến nay,
các vấn đề liên quan đến chuyển giá chủ yếu được quy định trong 2 văn bản: Thông tư số
117/2005/TT-BTC (ban hành ngày 19/12/2005) và Thông tư số 66/2010/TT-BTC (ban
hành ngày 22/4/2010). Thế nhưng, các văn bản này mới chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các khái
niệm, cách thức áp dụng các phương pháp xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các
bên có quan hệ liên kết. Nội dung các văn bản chưa quy định cụ thể những cơ sở nào
chứng minh một doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, và khi bị phát hiện chuyển giá thì
các doanh nghiệp sẽ bị xử lí như thế nào. Chẳng hạn, thông tư 66/2010/TT-BTC quy định:
khi doanh nghiệp cố tình kê khai sai các nghiệp vụ có liên quan đến các giao dịch liên kết
hay độc lập trong hoạt động kinh doanh, họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với cơ
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
5
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
quan thuế. Tuy nhiên, văn bản lại không nêu rõ việc chịu trách nhiệm đó là như thế nào,
mức độ xử lí ra sao. Vì lẽ đó, dù cơ quan chức năng có phát hiện hành vi chuyển giá của
các doanh nghiệp, họ cũng không có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt thích đáng. Điển hình là
trường hợp của công ty thuốc lá Bat-Vinataba. Dù Thanh tra Cục thuế Đồng Nai xác định
công ty đã thực hiện chuyển giá từ năm 2005 đến năm 2008 nhưng họ lại đề nghị quy
hành vi này vào trường hợp “khai sai” dẫn tới giảm thuế.
Mặt khác, trình độ và kinh nghiệm quản lí của cán bộ nước ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, hoạt động của các công ty đa quốc gia lại vượt khỏi phạm vi của một đất
nước. Chính sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa nước ta và các nước khác, mà đặc
biệt là các vấn đề liên quan đến kế toán, kiểm toán, quản lí hồ sơ, dữ liệu,… đã gây ra rất
nhiều khó khăn cho những người làm công tác chống chuyển giá. Thực tế là từ năm 2005
đến 2008, Bat-Vinataba đã có hành vi chuyển giá nhưng sổ sách kế toán và báo cáo tài
chính của công ty vẫn được kiểm toán duyệt hàng năm. Một vấn đề nữa là cơ quan nhà
nước vẫn còn nhiều nhượng bộ đối với các trường hợp vi phạm, tạo cho các doanh nghiệp
tâm lý thờ ơ, chủ quan trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo Cục Thuế Đồng Nai,
đến tháng 9/2010, Bat-Vinataba chưa nộp một khoản nào trong tổng số tiền phạt hơn 350
tỉ đồng. Lý do là Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận được văn bản của công ty, trình bày
những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xin Tỉnh hoãn thời gian nộp phạt.
Có thể nói, hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam đã đến mức báo động, đòi hỏi các cơ
quan chức năng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa và cần có những giải pháp thiết thực
để kiểm soát hiện tượng này. Trước hết, Chính phủ cần phải nghiên cứu xây dựng luật
chống chuyển giá, qui định mức phạt bằng những con số cụ thể. Chẳng hạn, khi cơ quan
thuế phát hiện có sự chênh lệch bất hợp lý giữa giá doanh nghiệp kê khai và giá thị
trường, cơ quan thuế có thể phạt tiền từ 30% đến 50% số thuế thực tế phải nộp tùy theo
mức độ chênh lệch. Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hải quan và cán bộ thuế: tạo điều kiện cho họ được sang các
nước có kinh nghiệm về chống chuyển giá để học tập; tổ chức những buổi hội thảo về
chuyển giá có mời những chuyên gia nước ngoài đến tham dự,… Về phía doanh nghiệp
Việt Nam, khi muốn liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp cần tham gia soạn thảo
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
6
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cần thuê các tổ chức
thẩm định quốc tế thẩm định giá trị vốn góp của đối tác, tránh tình trạng công ty nước
ngoài nâng khống giá trị tài sản của họ.
Nói tóm lại, chuyển giá đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, làm thất
thu lớn cho ngân sách nhà nước và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Những trường hợp chuyển giá được phân tích ở trên chỉ là một phần nhỏ trong vô số
những trường hợp chuyển giá chưa được chứng minh. Kiểm soát chuyển giá là một nhiệm
vụ đầy khó khăn. Tuy nhiên, nhiệm vụ trên sẽ được hoàn thành nếu vấn đề chuyển giá
được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức.
GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
7
Phân tích hoạt động chuyển giá trong môi trường đầu tư ở Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Thiên Phú (2009). Luận văn thạc sĩ kinh tế “Chuyển giá của các công ty đa
quốc gia trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế”, Đại học kinh tế Thành phố Hồ
Chí Minh.
2. Võ Thanh Thu ,Ngô Thị Ngọc Huyền, (2008). Kỹ thuật đầu tư trực tiếp nước
ngoài, Nxb. Thống kê.
3. Công ty cổ phần công nghệ trực tuyến IP,
/>4. Báo điện tử Đại biểu nhân dân, />TabId=66&CatID=3&ContentID=103315
5. Công ty cổ phần tư vấn đào tạo nghề thực hành Kimi,
/>cac-giao-dich-lien-ket.html
6. Báo diễn đàn doanh nghiệp điện tử,
/>gia.htm
7. Hội tư vấn thuế Việt Nam,
/>8. Công ty truyền thông tài chính StoxPlus,
/>9. Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị media,
/>GVHD: Đinh Thị Lệ Trinh SVTH: Nhóm 7
8