CÁC DẠNG RỐI LOẠN TÂM THẦN
(Kỳ 4)
5. Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình:
- Cần nhận thức rằng các triệu chứng của bệnh nhân là có thật. Họ không
nói dối hoặc bịa ra.
- Hỏi bệnh nhân cái gì gây ra triệu chứng đó? Nỗi lo sợ của họ là gì?
- An ủi bệnh nhân một cách hợp lý (ví dụ: đau bụng không có nghĩa là bị
ung thư). Khuyên bệnh nhân không nên quá chú ý vào những lo lắng bệnh tật.
- Thảo luận về những stress tình cảm liên quan đến sự xuất hiện của triệu
chứng.
- Các phương pháp thư giãn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng liên quan
đến sự căng thẳng (đau đầu, đau cổ, hoặc đau lưng).
- Khuyến khích bệnh nhân tập luyện và tham gia các hoạt động mà họ
thích, không cần chờ đến khi các triệu chứng mất hết mới trở lại hoạt động ngày
thường.
- Đối với những bệnh nhân bị triệu chứng dai dẳng hơn cần khám bệnh đều
đặn.
6. Thuốc:
- Tránh xét nghiệm chẩn đoán không cần thiết hoặc kê một loại thuốc mới
mỗi khi có một triệu chứng mới xuất hiện.
- Thuốc chống trầm cảm (ví dụ: Amitriptyline 50 - 100 mg/ngày) có thể có
ích trong nhiều trường hợp (ví dụ: đau đầu, khó chịu ở vùng bụng, đau ngực không
điển hình).
7. Khám chuyên khoa:
- Tránh chuyển bệnh nhân đến các thầy thuốc chuyên khoa. Bệnh nhân
được quản lý tốt nhất ở trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- Bệnh nhân có thể khó chịu khi được chuyển sang thầy thuốc tâm thần và
có thể tìm sự tư vấn về y tế ở nơi khác.
V. RỐI LOẠN PHÂN LY
1. Các biểu hiện triệu chứng:
Bệnh nhân biểu hiện những tư thế hoặc những triệu chứng cơ thể có màu
sắc kịch tính như co giật, quên, mất cảm giác, rối loạn thị lực, liệt, rối loạn định
hướng, vong ngôn.
2. Các đặc trưng để chẩn đoán:
Các triệu chứng cơ thể có đặc điểm:
- Biểu hiện khác thường trong cách biểu lộ.
- Không phù hợp với bất cứ một bệnh nhân nào.
- Khởi phát thường đột ngột và liên quan tới các stress tâm lý hoặc những
hoàn cảnh khó khăn của từng cá nhân.
Trong những trường hợp cấp tính, các triệu chứng có thể:
- Rất kịch tính và khác thường trong biểu lộ.
- Thay đổi thường xuyên.
- Liên quan đến sự quan tâm của người khác.
Trong những trường hợp mạn tính, bệnh nhân có vẻ bình thản khi kể về
các triệu chứng trầm trọng.
3. Chẩn đoán phân biệt:
- Khám cẩn thận để phát hiện những bệnh thực tổn có thể gây ra các triệu
chứng đó.
- Cần có một bệnh sử chi tiết và khám thực thể (bao gồm cả khám thần
kinh) cẩn thận. Những triệu chứng sớm của các bệnh thần kinh (ví dụ: xơ cứng rải
rác) có thể giống các triệu chứng của rối loạn chuyển di.
- Nếu có các triệu chứng cơ thể khác không thể giải thích được, xem phần
Rối loạn dạng cơ thể.
- Nếu xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, xem phần Trầm cảm.
4. Hướng dẫn quản lý:
Thông tin cơ bản cho bệnh nhân và gia đình:
- Các triệu chứng cơ thể hoặc thần kinh thường không có nguyên nhân thực
thể rõ ràng. Các triệu chứng có thể do stress gây ra.
- Các triệu chứng thường khỏi nhanh (từ vài tiếng đến vài tuần) và không
để lại di chứng.
5. Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình:
- Khuyến khích bệnh nhân tìm hiểu về những stress hoặc những khó khăn
gần đây (mặc dù có thể không cần bệnh nhân tìm được sự liên hệ giữa stress và
các triệu chứng hiện tại).
- Giúp bệnh nhân củng cố các tiến triển tốt. Cố gắng không làm củng cố các
triệu chứng.
- Khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi một thời gian ngắn và cố làm giảm nhẹ
stress, sau đó trở lại các hoạt động thường ngày.
- Khuyên bệnh nhân không nên nghỉ ngơi quá lâu hoặc rút lui khỏi các hoạt
động thường ngày.
6. Thuốc:
- Tránh sử dụng thuốc giải lo âu hoặc thuốc an dịu.
- Trong các trường hợp bệnh kéo dài và có triệu chứng trầm cảm kèm theo,
các thuốc chống trầm cảm có thể có ích (ví dụ: Amitriptyline 25 - 50 mg mỗi tối
tăng dần đến 100 - 150 mg mỗi tối sau 10 ngày).
7. Khám chuyên khoa:
Cần xem xét việc tham khảo ý kiến chuyên khoa:
- Nếu các triệu chứng tồn tại hơn 6 tháng.
- Để phòng ngừa hoặc điều trị những biến chứng cơ thể của các triệu rối
loạn phân ly (ví dụ: co cứng cơ).