Bướu tuyến giáp đơn thuần
(Simple goiter)
(Kỳ 1)
TS. Hoàng Trung Vinh (Bệnh học nội khoa HVQY)
1. Đại cương.
1.1. Danh pháp:
+ Bướu tuyến giáp đơn thuần gọi tắt là bướu tuyến giáp có chức năng
bình thường hay bướu tuyến giáp lành tính, đôi khi quen gọi một cách ngắn gọn
là bướu cổ.
+ Bướu tuyến giáp đơn thuần dùng để chỉ sự tăng khối lượng của tuyến
giáp bất kể do nguyên nhân gì.
+ Tuyến giáp to lan toả, mặc dù đôi khi một thùy có thể to hơn so với
thùy kia. Bướu tuyến giáp lan toả được gọi tắt là bướu tuyến giáp.
+ Bướu tuyến giáp có nhân (một hay nhiều nhân) sẽ được gọi là bướu tuyến
giáp thể nhân
+ Bướu tuyến giáp có thể bẩm sinh hoặc mắc phải.
+ Bướu tuyến giáp đơn thuần bao gồm: bướu cổ địa phương hoặc
bướu cổ tản phát:
- Bướu cổ địa phương (endemic goiter) để chỉ những trường hợp tuyến giáp
to lan toả hay khu trú khi ở một địa dư nhất định có > 10% dân số hoặc > 5% học
sinh tiểu học bị mắc bệnh.
- Bướu cổ tản phát (sporadic goiter) xuất hiện ở những người ngoài
vùng bướu cổ địa phương, hậu quả của các yếu tố không mang tính chất quần
thể.
1.2. Dịch tễ học:
Hiện nay tỉ lệ số dân bị bướu cổ ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân
khác nhau.
Thiếu hụt iod là nguyên nhân quan trọng ở những vùng có bệnh bướu
tuyến giáp địa phương. Sự thiếu hụt iod ngoài việc gây bướu tuyến giáp còn dẫn
tới nhiều biến chứng nặng nề khác mà gần đây gọi là những rối loạn do thiếu iod
(iodine deficiency disorders-IDD).
Ước tính hiện nay có gần một tỉ người trên thế giới (tương ứng với
20% dân số nói chung) có nguy cơ rối loạn do thiếu iod, trong số này có
khoảng 200-300 triệu người bị bướu giáp do thiếu hụt iod.
Tại Việt Nam có 9-10 triệu người có nguy cơ bị rối loạn do thiếu hụt iod
trong đó bướu cổ địa phương chiếm 16,2-55,2%.
Trong số những người bị rối loạn do thiếu iod và trong số dân sống ở
vùng có rối loạn do thiếu hụt iod có khoảng 1-8% bị đần độn.
1.3. Nguyên nhân bướu tuyến giáp đơn thuần:
+ Thiếu hụt iod trong đất và nước: là nguyên nhân quan trọng ở vùng
bướu cổ địa phương. Sự thiếu hụt này gây lên tình trạng gọi là rối loạn do
thiếu iod. Người dân sống trong vùng bướu cổ địa phương thường có nồng độ
iod niệu < 10,0 µg/dl.
+ Rối loạn trong quá trình sinh tổng hợp hormon tuyến giáp:
Do tổng hợp hormon không đầy đủ, hoặc thải trừ quá mức do một số
bệnh gây lên như trong hội chứng thận hư. Nếu nhu cầu về hormon tuyến giáp
tăng lên gây ra thiếu hụt tương
đối.
+ Các yếu tố miễn dịch: người ta đã xác định được trong cơ thể một số
người có kháng thể kích thích tuyến giáp làm tăng khối lượng song không làm
thay đổi khả năng sinh tổng hợp hormon tuyến giáp (Thyroid Growth
immunoglobulin- TGI hay Thyroid Growth Antibody- TGAb).
+ Do dùng một số loại thức ăn và thuốc:
Trong các rau củ thuộc họ cải (Brassica) như củ cải, bắp cải có
chứa goitrin hay progoitrin có khả năng ức chế sự gắn kết iod vào tyrosin, do
đó ngăn cản sự tạo ra các tiền chất của T3, T4; trong vỏ sắn (khoai mỳ) có
chứa độc tố gốc thioxyanat (CNS) có thể gây bướu cổ. Một số loại thuốc:
muối của líthium, kháng giáp tổng hợp, aminodarone, benzodiarone, thuốc
cản quang gây rối loạn chuyển hoá iod.
1.4. Cơ chế sinh bệnh học:
Sự giảm sút iod vô cơ dẫn đến sự suy giảm tổng hợp hormon tuyến giáp,
gây phản ứng tăng tổng hợp TSH. Khi đó tác dụng tăng khối lượng đối với
tuyến giáp của TSH vượt trội hơn so với tác dụng tăng tổng hợp hormon tuyến
giáp. Chính vì vậy mà bệnh nhân có bướu tuyến giáp to song chức năng tuyến
giáp vẫn bình thường. Tuy vậy nếu bệnh nặng, nồng độ TSH tiết ra nhiều vượt
quá khả năng bù trừ của cơ thể, bệnh nhân sẽ vừa có bướu tuyến giáp to vừa có
thể suy giáp. Tương tự nếu tuyến giáp to do sự có mặt của các kháng thể chỉ có
tác dụng kích thích sự tăng trưởng nhu mô tuyến giáp chứ không kích thích sự
tăng tổng hợp hormon T3, T4, do vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường
trong khi bướu tuyến giáp vẫn to.
Tóm lại ở bệnh nhân bướu tuyến giáp đơn thuần có nồng độ TSH tăng,
còn nồng độ T3, T4 vẫn bình thường hoặc chỉ giảm khi đã có suy tuyến giáp.