HỌC VIÊN: MAI THỊ NGỌC ANH
LỚP: CAO HỌC CÔNG TÁC XÃ HỘI
BÀI GIỮA KỲ CÔNG TÁC XÃ HỘI
NHÓM
THUYẾT ĐỘNG NĂNG TÂM LÝ CỦA FREUD VÀ VIỆC VẬN
DỤNG THUYẾT NÀY VÀO CÔNG TÁC XÃ HỘI NHÓM VỚI ĐỐI
TƯỢNG TRẺ EM LÀM TRÁI PHÁP LUẬT.
MỞ ĐẦU
Sigmund Freud được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh
vực nghiên cứu về phân tâm học, được xem là một trong bốn nhân vật (cùng
với Chales Darwin, Albert Einstei, Kart Max) có ảnh hưởng lớn nhất đến
lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20.
Nếu Nietzsche là cha đẻ của "giải cấu luận" (deconstructionism) vốn đã mở
màn một phương cách suy tưởng mới cho giai đoạn hậu hiện đại (post-
modernity) ở cuối Thế kỷ 19, thì Freud, cùng với Marx và Darwin, đã mở ra
một cánh cửa ý thức mới về con người, đánh đổ cái truyền thống giả định về
giá trị nhân bản vốn là nền tảng của thời đại Khai sáng của Âu châu. Cái gia
sản trí thức lớn của Freud là cống hiến một phạm trù tư tưởng, một tiền đề lý
thuyết, một hệ thống phương pháp luận mới nhằm giúp con người Tây
phương tái định nghĩa và định vị lại chính mình trên căn bản ý thức. Cũng
như Marx trên tiền đề kinh tế và giai cấp, Freud, với tiền đề vô thức (the
unconscious), muốn đem ra ánh sáng cái cơ sở năng lực nội tại con người -
và từ đó, năng tố quyết định cho lịch sử, văn minh - vốn còn nằm trong bóng
tối mà tư tưởng Tây phương mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 19 vẫn còn chưa
công nhận. Nếu Marx đã thay đổi được lịch sử nhân loại trong suốt thế kỷ
qua; thì cũng trong thời gian này, Freud đã thay đổi được con người Tây
phương trên chiều hướng tự biết về chính mình.
Freud muốn đánh đổ cái huyền thoại bản thể luận về con người vốn mang
đầy màu sắc thánh linh của Âu châu bằng một huyền thoại mới. Ðó là huyền
thoại vô thức - the myth of the unconscious. Trên cơ sở mới của biện minh
khoa học thực nghiệm, cái huyền thoại về vô thức sử dụng toàn bộ hệ thống
khái niệm và phương pháp luận của khoa học để mang cho mình một chính
thống tính cho thời đại. Và từ đó, Freud khai sinh ra một "khoa học" mới:
phân tâm học (psychoanalysis). Phân tâm học và phân tâm học trị liệu
(psychotherapy) là một nỗ lực đem ánh sáng ý thức vào góc tối của ẩn ức vô
thức nhằm khai thông những nguồn mạch của ý chí và động cơ, nhằm điều
chỉnh và giải hóa những hiện tượng tâm thần tiêu cực cho con người. Chính
vì thế, bài tiểu luận sẽ đi sâu tìm hiểu những vấn đề liên quan đến: “Thuyết
động năng tâm lý của Freud và việc vận dụng thuyết này vào công tác xã hội
nhóm với đối tượng trẻ em làm trái pháp luật”.
NỘI DUNG
1. Vài nét về tác giả
Sigmund Freud là cha đẻ của phân tâm cổ điển, ông (1856 – 1939), ở
Freiburg, một thị xã nhỏ ở Moravia, hiện nay là phần thuộc cộng hoà
Czech. Bố ông là một người Do thái buôn vải nhưng không có nhiều vốn,
chỉ sau 1860, khi gia đình rời về Viên, kinh tế gia đình mới khá giả hơn.
Vì truyền thống gia đình là không trọng tín ngưỡng nên ngay từ thời trẻ,
Freud đã là một người vô thần nhiệt thành. Chỉ khi ở Đức dấy lên phong
trào chống Do Thái, vào năm 1962 ông mới tuyên bố: “Ngôn ngữ, văn
hoá, giáo dục của tôi đều là Đức, tôi luôn coi mình là người Đức, chỉ có
điều bây giờ ở Đức có phong trào bài Do Thái, tôi mới tự nhận mình là
người Do Thái mà thôi”. Ông học giỏi ngay từ nhỏ, rồi khi học đại học
(Đại học Tổng hợp Viên 1873, đầu tiên học luật, sau học y), ông vẫn luôn
là sinh viên giỏi. Từ môn Y, ông đi sâu vào tâm linh, rồi sau mở được
phòng mạch riêng về ngành này. Năm 1886, ông lập gia đình. Trong quá
trình làm việc ở phòng mạch của mình, ông cố gắng tìm hiểu bệnh nhân,
đặc biệt là các bệnh nhân cũ với các giấc mơ của họ. Ông nghiên cứu ý
nghĩa của nó, dùng phân tâm học để giải thích giấc mơ và hiểu bệnh thần
kinh phân lập. Năm 1900, ông công bố một trong các tác phẩm đầu tay
của mình: “Sự giải thích các giấc mơ” và lấy đó làm khuôn mẫu để giải
thích giấc mơ theo góc độ phân tâm học, rồi điều trị các chứng bệnh phân
liệt. Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, ông đã phát hiện rằng: những
ham muốn và lo hãi tình dục có thể ảnh hưởng đến bệnh tình của bệnh
nhân; thậm chí ông còn lập giả thiết rằng, việc lạm dụng tính dục trẻ em
gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng ông phải từ bỏ giả thiết này, đây
cũng là thất bại của ông, nhưng ông cố gắng tìm ra cái mới. Ông lấy
những người tiên phong là Montaigne, Rousseau, Goethe… nhưng Freud
là người đi xa nhất trong việc kiểm nghiệm chính bản thân mình, vì ông
làm việc một cách rất có hệ thống. Kết quả cho sự phân tích này cũng
chính là những thất bại của bản thân ông: Các giấc mơ, các bước tư duy
mập mờ nhất của ông. Tác phẩm đầu tay này cũng là một trong những
cuốn quan trọng nhất, dù khi đó ông đã là một nhà thần kinh học nổi
tiếng.
S. Freud là một trong những nhà khoa học đã sáng tạo nhiều hơn hết
trong thời đại của chúng ta. Nhờ ông mà ngày nay chúng ta đã có được
những ý nghĩ và giải thích rất khác nhau về chính bản thân mình. Một
nhà phê bình đã nhận xét: “Đối với người đời , do sự phổ biến học thuyết
phân tâm, Freud đã nổi lên như một kẻ phá bĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử
tư tưởng nhân loại. Ông đã biến đổi sự giễu cợt và những niềm vui nhẹ
nhàng của con người thành những hiện tượng dồn nén bí hiểm và sầu
thảm, đã tìm thấy sự hằn thù trong nguồn gốc yêu thương, ác ý ngay
trong lòng sự âu yếm, loạn luân trong tình yêu thương giữa cha mẹ và
con cái, tội lỗi trong thái độ đại lượng và trạng thái của sự căm uất bị
‘dồn nén’ của mọi người cha như là một thứ được lưu truyền của nhân
loại”.
2. Vài nét về phân tâm học
Phân tâm học cổ điển nhấn mạnh nhiều đến các ham muốn, tính
dục… quan tâm đến việc khám phá những động lực (dynamics), các khuynh
hướng cơ bản, nguồn động cơ khởi đầu của hành vi con người. Điều liên
quan đến những lực ở bên trong cá nhân tách biệt phân tâm học một cách rõ
ràng ra khỏi những thuyết về hành vi, những thuyết này quan tâm đến yếu tố
môi trường gọt giũa hành vi đó, khác với các nhà tâm lý nhận thức ở chỗ các
nhà tâm lý nhận thức tập trung chủ yếu vào các quá trình nhận thức và lý
giải.
Ý nghĩa và giá trị của học thuyết này có ảnh hưởng lớn đên lịch sử phát triển
của tâm lý học. Chính Freud cho rằng sự ra đời của phân tâm học đã tạo ra
cú sốc thứ ba cho lịch sử phát triển của loài người sau phát hiện của
Copernius và học thuyết của Charler Darwin. Học thuyết phân tâm Freud đã
nổi tiếng đối với nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực: tâm lý, ý thức học, giáo dục,
văn học nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức… Sau 40 năm ngày mất của ông, tạp
chí New week đánh giá rằng tư tưởng của Freud đã đi sâu vào ý thức chúng
ta đến nỗi khó mà tưởng tượng thế kỷ 20 lại thiếu ông. Ông là một số ít tác
giả làm thay đổi cái nhìn của chúng ta về bản thân mình.
Trong phân tâm học, nội dung quan trọng có tính thực tiễn rất cao đó là
thuyết động năng tâm lý.
3. Nội dung thuyết động năng tâm lý
Theo Freud, thức là trạng thái tỉnh táo khi con người nhận biết được
và có được phản ứng đối với những kích thích của môi trường. Bên cạnh
thức, ông còn chỉ ra vai trò quan trọng của vô thức. Mặc dù trước Freud, đã
có nhiều người nhắc đến từ vô thức nhưng ông là người phân tích tỉ mỉ và
chính xác nhất. Phân tâm học của S.Freud đã xác định đối tượng của nghiên
cứu của mình là “vô thức” nó là “tảng băng chìm” là “miền sâu” để giải
thích các hiện tượng tâm lý con người.
Trước hết Freud đã đưa ra quan điểm về vô thức như sau: Vô thức
là một thuật ngữ của phân tâm học chỉ phần vô thức của tâm hồn nơi ẩn chứa
những cảm nghĩ bị quên lãng, những ý tưởng bị chôn chặt trong vô thức
không thể gợi lại hay nhớ lại do ý muốn của cá nhân chúng có thể ảnh
hưởng đến hành vi của cá nhân ấy.
Theo ông thì trong vô thức có 2 phần là phần tiền thức và phần vô thức.
Trí tuệ là khái niệm chứa trong, khái niệm rộng lớn hơn về nhân cách bao
gồm hành vi tinh thần, hành vi vận động và hành vi nói năng. Có sự nối kết
giữa ý thức – vô thức của tâm hồn và 3 bộ phận trong cấu trúc nhân cách:
bản năng, bản ngã và siêu ngã hoạt động trong cả ý thức và vô thức. Cái gọi
là lương tâm là bộ phận ý thức của siêu ngã. Hầu hết các chức năng bản ngã
hoạt động trong vùng ý thức. Vùng tiền thức là kho chứa ký ức, nó chứa
đựng những ý tưởng cảm nghĩ và hình ảnh của những biến cố đã qua và
chúng có thể được đưa đến vùng ý thức bởi nỗ lực ý chí của con người. Vô
thức là chỗ chứa những kinh nghiệm, những cảm xúc, những khao khát
mạnh mẽ bị dồn nén ra khỏi thức. Mặc dù con người không nhận biết được
những cảm xúc này và không thể nhớ lại cảm xúc theo ý muốn nhưng chúng
vẫn hiện diện trong vô thức và ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như ứng của
con người qua cơ chế tự vệ. Khi một người đang ngủ, ý thức không hoạt
động, nhưng vô thức hoạt động, giấc mơ là biểu lộ 1 chút ít nội dung của vô
thức. Có người đi đứng hay nói năng trong khi ngủ là họ làm việc đó dưới
ảnh hưởng của vô thức. Do đó, theo Freud thì mộng là sự thực hiện thầm lén
những ước vọng bị dồn nén và là con đường lớn dẫn vào vô thức. Phần thú
tính bẩm sinh của con người luôn có những khát vọng không thể thực hiện
được một cách an toàn trong đời sống thực, vì vậy chúng bị phần lương tâm
và cái tôi dồn vào vô thức. Mặc dù bị dồn nén những khát vọng đó không
hoàn toàn bị biến mất chúng hiện ra dưới hình thức của giấc mộng.
Như vậy, thuyết động năng tâm lý của Freud đã nhấn mạnh đến yếu tố vô
thức của con người. Qua đó có thể hiểu rằng những kinh nghiệm sống trong
quá khứ của con người là nhân tố quyết định sâu sắc đến hành vi của họ sau
này.
4. Vận dụng thuyết động năng tâm lý vào công tác xã hội nhóm với
nhóm đối tượng trẻ em làm trái pháp luật.
4.1 Vài nét nhóm đối tượng trẻ em làm trái pháp luật
“Trẻ em làm trái pháp luật được hiểu là trẻ em đã thực hiện một
cách cố ý hoặc vô ý những hành vi trái pháp luật mà tuỳ theo mức
độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi có thể bị xử lý theo pháp
luật hành chính hoặc luật hình sự.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam người chưa
thành niên bao gồm cả trẻ em dưới 16 tuổi và những người từ 16
đến 18 tuổi. Khái niệm chưa thàmh niên dùng để chỉ những người
chưa đến tuổi trưởng thành về mặt tâm lý xã hội để thực hiện một
số quyền và nghĩa vụ nhất định theo pháp luật. Còn trẻ em là thuật
ngữ dùng để chỉ những người chưa thành niên dưới 16 tuổi và chỉ
có ý nghĩa về mặt pháp lý khi sử dụng để chỉ mối quan hệ pháp
luật do luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em điều chỉnh”.
[2;12]
4.2 Vận dụng thuyết động năng tâm lý vào công tác xã hội nhóm với
nhóm đối tượng trẻ em làm trái pháp luật.
• Ưu điểm
Nhân viên xã hội cho rằng thân chủ thường lặp lại những hành động và
cảm xúc thời niên thiếu với một người quan trọng với cuộc đời mình. Do
đó, có thể nguyên nhân dẫ đến viêc gây ra các hành vi phạm pháp của các
em bắt nguồn từ việc ảnh hưởng từ chính những hành động và cảm xúc
với một người quen thuộc trong cuộc đời mình. Ví dụ như việc trẻ có
hành vi đánh người gây thương tích có nguyên nhân sâu xa từ việc từ nhỏ
em đã phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình: những lúc bất hòa bố
thường đánh mẹ và các con. Do đó, từ nhỏ trong em đã hình thành thói
quen giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
Bởi vậy khi vận dụng thuyết tâm lý động năng vào trong công tác xã hội
nhóm, Freud chú ý đến tâm lý nhóm và bản ngã.
Có thể thấy, tất cả trẻ em ở tuổi chưa thành niên đều có những đặc
điểm về phát triển thể chất, tâm sinh lý giống nhau. Nhưng ở những
trẻ làm trái pháp luật thường có nhu cầu không bình thường và được
chúng thực hiện bằng những cách thức kì quặc trái ngược với những
chuẩn mực xã hội. Mọi trẻ em đều có đặc điểm muốn tự khẳng định
mình. Riêng đối với trẻ làm trái pháp luật lại có tâm lý chung là
muốn khẳng định mình bằng cách thóat ly khỏi sự ràng buộc của gia
đình, nhà trường. Trẻ không muốn có người can thiệp vào các hoạt
động của mình mà thể hiện trước tiên là không nghe lời, xung đột với
người xung quanh, thường có lập truờng sống ích kỉ, hay bắt chước
một cách mù quáng Trẻ muốn chơi trội gây ấn tượng muốn được
mọi người chú ý đến. Trẻ thực hiện những hành vi sai lệch để thoả
mãn những nhu cầu của mình và luôn cảnh giác tự vệ. Vì vậy trẻ luôn
nói dối giấu giếm khuyết điểm tự biện hộ cho hành vi của mình. Ở
mức độ cao phản ứng đối với xã hội trở thành thói quen bao trùm lên
mọi hành vi của trẻ. Và đặc biệt mọi sự khuyên bảo giáo dục đều bị
trẻ hiểu xuyên tạc bóp méo và phản ứng là cãi lại gây gổ hành hung
chống đối pháp luật. Nắm được tâm lý chung này, các nhân viên xã
hội tiến hành cho các thành viên trong nhóm tái hiện lại những xung
đột không được giải quyết từ những năm đầu đời, thông qua các hoạt
động nhóm làm tái tạo lại những tình huống đó. Có thể người trưởng
nhóm được ví như một người uy quyền trong gia đình – là lý tưởng
của bản ngã và các thành viên nhóm hình thành phản ứng chuyển tới
người trưởng nhóm dựa vào những trải nghiệm của họ.
Phương pháp này với mục đích thông qua tương tác nhóm phản ánh cấu
trúc cá tính và cơ chế tự vệ mà các thành viên đã trải qua ở giai đoạn đầu
đời. Người trưởng nhóm giữ vai trò trung lập, khách quan bằng cách không
nói gì về bản thân, không phê phán mà chỉ giúp nhóm viên đi ngược lại
lịch sử của mình và nói ra tất cả những điều xảy ra trong quá khứ, những
kỷ niệm tiêu cực, những nguyên cớ sâu xa dẫn đến hành vi mà các em đã
từng phạm pháp… Phương pháp này Freud gọi là phương pháp nói hết.
Trong quá trình điều trị lâu dài này, thông qua tương tác nhóm. người
trưởng nhóm diễn dịch những mâu thuẫn không được giải quyết thỏa đáng
và bị dồn vào vô thức, những cơ chế tự vệ, những né tránh và dần dần giúp
nhóm viên hiểu được những uản khúc tâm lý bản thân một cách sâu sắc.
Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi một khi đã hiểu được bản chất của vấn đề,
nhóm viên sẽ có nhiều kinh nghiệm trong quá khứ, đây là nhân tố quyết
định sâu sắc đến việc hình thành hành vi tích cực sau này được xã hội chấp
nhận của các em. Qua quá trình làm việc lâu dài và hết sức gần gũi, nhóm
viên tin tưởng tuyệt đối và thổ lộ tất cả cho người trưởng nhóm, dần dần
coi người trưởng nhóm như đối tượng của tất cả những tình cảm thương
cũng như ghét bị dồn nén trong quá khứ. Quá trình này được gọi là chuyển
dịch gồm chuyển dịch tích cực là những tình cảm yêu thương ái mộ người
nhóm trưởng và chuyển dịch tiêu cực là những tình cảm hận thù, ghét bỏ…
Thực ra chuyển dịch cả tích cực lần tiêu cực đều là mục đích của phân tâm
vì nó tạo cơ hội cho nhóm viên làm lại cuộc đời tức là được sống lại những
mâu thuẫn cũ và được đối tượng của mâu thuẫn tức là người trưởng nhóm
qua chuyển dịch dẫn dắt đến một giải pháp phù hợp nhất có thể được cho
mâu thuẫn đó vì vậy triệu chứng tâm lý sẽ tiêu tan.
• Nhược điểm:
Qúa trình làm việc lâu dài và rất gần gũi của phương pháp phân tâm khi
vận dụng thuyết động năng tâm lý vào giải quyết vấn đề của nhóm viên
cũng có thể làm cho người trưởng nhóm sống lại những ẩn ức bị dồn nén
của chính bản thân, phát sinh những tình cảm thương ghét với nhóm viên
và dùng những mối liên hệ đời thường giữa trưởng nhóm và nhóm viên
để giải quyết những ẩn ức bị dồn nén trong quá khứ của chính mình. Đây
là hiện tượng phản chuyển dịch và nhân viên xã hội nên đề nghị trưởng
nhóm nếu thấy dấu hiệu trên cần bầu ngay một người khác thay vị trí
nhóm trưởng (có thể là nhân viên xã hội làm trưởng nhóm vì đây là
nhóm trẻ em), còn bản thân nhóm trưởng cần đi tham vấn để được điều
trị kịp thời.
Như vậy, trên cơ sở xác định nhóm trẻ em làm trái pháp luật là nhóm
trẻ yếu thế cần được sự trợ giúp, tác giả đề tài đã sử dụng phương
pháp công tác xã hội nhóm dựa trên nền tảng lý luận là thuyết tâm lý
động năng của Freud để tác nghiệp với nhóm trẻ này góp phần ngăn
ngừa hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế thực trạng tái phạm giúp các
em có sự phat triển toàn diện như bao trẻ khác.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, S. Freud là một trong những nhà khoa học đã sáng tạo nhiều
hơn hết trong thời đại của chúng ta. Nhờ ông mà ngày nay chúng ta đã có
được những ý nghĩ và giải thích rất khác nhau về chính bản thân mình. Một
nhà phê bình đã nhận xét: “Đối với người đời , do sự phổ biến học thuyết
phân tâm, Freud đã nổi lên như một kẻ phá bĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử tư
tưởng nhân loại. Ông đã biến đổi sự giễu cợt và những niềm vui nhẹ nhàng
của con người thành những hiện tượng dồn nén bí hiểm và sầu thảm, đã tìm
thấy sự hằn thù trong nguồn gốc yêu thương, ác ý ngay trong lòng sự âu
yếm, loạn luân trong tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tội lỗi trong
thái độ đại lượng và trạng thái của sự căm uất bị ‘dồn nén’ của mọi người
cha như là một thứ được lưu truyền của nhân loại”[4;56]. Cho đến ngày nay
mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người
ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với
các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một
nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.
Với ý nghĩa khẳng định những cống hiến vĩ đại của của Freud và những ứng
dụng sâu rộng của phân tâm học nói chung, thuyết động năng tâm lý nói
riêng tới ngành công tác xã hội, bài tiểu luận đi sâu tìm hiểu và việc vận
dụng thuyết tâm lý động năng của Freud vào nhóm trẻ em làm trái pháp luật
chúng ta có thể nhìn thấy được những điểm mạnh và cả những hạn chế của
phương pháp phân tâm khi làm việc với nhóm. Rõ ràng có thể thấy, nhóm là
một phần không thể thiếu để xã hội có thể tồn tại được. Qua nhóm mỗi cá
nhân cảm nhận được sự liên kết với nhau và học được những cách làm việc
tập thể. Việc áp dụng những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu khi
áp dụng thuyết tâm lý động năng trong công tác xã hội sẽ giúp hoạt động
theo các nhóm trong công tác xã hội được xem là phương pháp kích thích
những thay đổi tích cực cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội, nhằm nâng cao
sức mạnh của cá nhân và khả năng kiểm soát, ứng phó giải quyết vấn đề
trong cuộc sống của mỗi người, nâng cao khả năng tiếp cận tạo sự thay đổi
tích cực cho những nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội hay nhóm bị thiệt thòi yếu
thế…
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lê Chí An (2006), Tài liệu hướng dẫn học tập công tác xã hội nhập
môn, Đại học mở bán công thành phố Hồ Chí Minh.
[2]. Trần Đức Châm (2002), Thanh thiếu niên làm trái pháp luật thực trạng
và giải pháp, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Duy Nhiên (2009), Công tác xã hội nhóm, Trường Đại học sư
phạm Hà Nội.
[4]. Trần Thị Cẩm, Sổ tay chẩn đoán tâm lý, NXB. Đại học quốc gia, Thành
phố Hồ Chí Minh
[5].Trường cao đẳng lao động xã hội (2001), Công tác xã hội, NXB. Lao
động xã hội, Hà Nội.