VẾT THƯƠNG NGỰC
(Kỳ 1)
I. Định nghĩa :
Vết thương ngực là các tổn thương lồng ngực trong đó có mất sự liên
tục của da thành ngực.
II. Phân loại:
1. Theo tác nhân gây vết thương:
+ Vết thương ngực do hoả khí: do đạn thẳng,mảnh pháo
+ Vết thương ngực không do hoả khí: do vật nhọn đâm
2. Theo mức độ nông,sâu và các tạng bị tổn thương:
+ Vết thương thành ngực: Không làm thủng lá thành màng phổi.
+ Vết thương thấu ngực: Làm thủng lá thành màng phổi.Trong đó có:
- Vết thương phổi -màng phổi .
- Vết thương tim -màng tim.
- Vết thương các tạng khác trong trung thất.
- Vết thương ngực-bụng.
3. Theo tình trạng tràn khí của khoang màng phổi:
+Vết thương tràn khí màng phổi kín (vết thương ngực kín ).
+Vết thương tràn khí màng phổi hở (vết thương ngực hở ).
+Vết thương tràn khí màng phổi van (vết thương ngực van).
III. Giải phẫu bệnh lý:
1. Đường ống vết thương:
+ Trong vết thương thành ngực lá thành màng phổi không bị tổn thương.
Nhưng trong vết thương thấu ngực, đường ống vết thương xuyên qua toàn bộ phần
mềm thành ngực, thủng lá thành và vào khoang màng phổi.
+ Trong vết thương ngực kín: đường ống vết thương được các lớp tổ
chức phần mềm và máu cục bịt lại không để khí trời tiếp tục thông vào khoang
màng phổi nữa.
+ Trong vết thương ngực hở: đường ống vết thương không được bịt
lại và khí trời tiếp tục ra vào khoang màng phổi một cách tự do.
+ Trong vết thương ngực van: lỗ vết thương hoạt động như một cái
van chỉ cho khí đi một chiều vào khoang màng phổi mà không ra được. Có thể gặp
van ngoài (van là vết thương ở thành ngực) hay van trong (van là vết tổn thương ở
nhu mô phổi hay phế quản).
+ Trong vết thương ngực-bụng: đường vết thương xuyên qua phổi,
màng phổi, cơ hoành và vào ổ bụng. Ngoài các tổn thương phổi-màng phổi còn có
thể có các tổn thương cơ quan trong ổ bụng, các tạng trong ổ bụng có thể thoát vị
qua vết thương cơ hoành lên khoang màng phổi.
2. Khoang màng phổi:
+ Tràn khí màng phổi: khí vào khoang màng phổi có thể từ vết thương ở
nhu mô phổi hoặc qua vết thương thành ngực. Lúc này, phổi sẽ bị ép và co lại về
phía rốn phổi. Có thể chia làm 3 mức độ:
- Nhẹ : khí trong khoang màng phổi chỉ chiếm 1/3 ngoài của phế trường
- Vừa : khí trong khoang màng phổi chỉ chiếm tới 1/3 giữa của phế trường.
- Nặng : khí trong khoang màng phổi chiếm tới 1/3 trong của phế trường và
phổi bị ép vào sát rốn phổi.
+ Tràn máu màng phổi: máu tràn vào khoang màng phổi có thể từ vết
thương ở động mạch liên sườn,động mạch vú trong hay từ vết thương nhu mô
phổi và các tạng khác trong lồng ngực. Có thể chia làm 3 mức độ (theo P.A
Kuprianop):
- Nhẹ : máu chỉ ở trong phạm vi góc sườn hoành, số lượng khoảng 200ml.
- Vừa : mức dịch máu lên tới rốn phổi hoặc dưới mỏm dưới xương bả vai.
Số lượng khoảng 700-1000ml .
- Nặng : mức dịch vượt quá mỏm dưới xương bả vai .Số lượng thường trên
1000 ml.
3. Nhu mô phổi:
+ Đứt, Rách nhu mô phổi : vết đứt rách nhu mô phổi thường được thu nhỏ
lại do phổi bị ép lại vì tràn máu hay tràn khí màng phổi. Nhưng có trường hợp vết
tổn thương không tự bịt lại và tiếp tục dò khí vào khoang màng phổi gây tràn khí
màng phổi van trong.
+ Chẩy máu trong phổi: tạo nên khối máu tụ trong nhu mô phổi, có khi máu
chảy vào đường thở làm tắc đường thở (gặp trong vết thương làm đứt các mạch
máu sâu trong nhu mô phổi).
+ Phổi bị ép: khi có tràn máu hoặc tràn khí khoang màng phổi.
+ Xẹp phổi: do tắc nghẽn khí quản vì ứ trệ các chất xuất tiết, máu hoặc
xẹp phổi do phản xạ.
4.Tổn thương các cơ quan khác trong lồng ngực .
+ Tim và màng tim: có thể gặp vết thương màng tim, vết thương xuyên
thành tim, xuyên vách tim Máu chảy ra gây tràn máu màng ngoài tim.
+ Các mạch máu lớn: có thể bị thủng, đứt các động mạch phổi, tĩnh
mạch phổi, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ
+ Cơ hoành: bị thủng trong vết thương ngực-bụng. Các tạng trong ổ bụng
(dạ dày, ruột, mạc nối lớn, lách ) có thể thoát vị qua lỗ vết thương lên lồng ngực.