Cân bằng để vượt qua thời điểm
biến động
Nội dung cơ bản của chiến lược phát triển của doanh nghiệp là
hoạch định đường đi để đến được cái đích đã vạch ra và việc
hoạch định này phải giải quyết ba vấn đề cốt lõi: lĩnh vực, phương
pháp và phương tiện.
Doanh nghiệp phải trả lời rõ ràng các câu hỏi: Doanh nghiệp làm
nghề gì và trong lĩnh vực nào? Để thành công trong lĩnh vực đó,
doanh nghiệp cần có những năng lực cốt lõi và tay nghề gì? Để
có được và phát huy tối đa hiệu quả của những năng lực cốt lõi
và tay nghề đó, doanh nghiệp phải tổ chức và phân bố nguồn lực
như thế nào?
Trong môi trường kinh doanh biến động, doanh nghiệp có thể
phải xem xét lại câu trả lời của mình cho những câu hỏi trên. Khi
được hỏi tại sao phải chuyển đổi chính sách trước đây của mình,
nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã trả lời: “Khi
thực tế thay đổi thì tôi cũng phải thay đổi tư duy của mình”. Cách
suy nghĩ này của Keynes cũng chính là cách suy nghĩ mà lãnh
đạo các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cần có.
Theo khảo sát nhanh của Vietnam Report về điều chỉnh của
doanh nghiệp để thích ứng với môi trường kinh tế năm 2009,
phát triển sản phẩm/dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu mới của
khách hàng trong giai đoạn suy thoái là sự lựa chọn của 50% đại
diện doanh nghiệp tham gia Diễn đàn VNR500.
21% cho biết đang tìm kiếm cơ hội trong thời khủng hoảng bằng
cách tham gia vào các thị trường mà đối thủ đang yếu dần, tuyển
dụng người tài, tìm kiếm các cơ hội mua bán và sát nhập. Điều
này phần nào phản ánh sự nhanh chóng nắm bắt thời cơ của các
doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy
thoái. Chỉ có 7% đại diện doanh nghiệp cho rằng không cần có sự
thay đổi trong thời điểm này.
Có thể thấy ngay cả những chiến lược thành công nhất cũng
không kéo dài mãi mãi. Doanh nghiệp cần có phản ứng tích cực
trước những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc phải thay đổi hoặc điều
chỉnh lại chiến lược hiện tại, ví dụ như bối cảnh kinh tế suy thoái,
sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới và công nghệ mới…
Bên cạnh đó, phân tích tài chính, phân tích thị trường và sử dụng
mô hình có thể giúp doanh nghiệp xác định mức độ hiệu quả của
chiến lược và việc thực hiện chiến lược. Các tỉ suất về khả năng
sinh lợi – đặc biệt là tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản, tỉ lệ lợi nhuận
từ vốn đi thuê… là các chỉ số có giá trị để đánh giá tính hiệu quả
của chiến lược và việc thực hiện chiến lược.
Điều cần lưu ý là các tỉ suất về khả năng sinh lợi truyền thống
thường chỉ đánh giá quá khứ chứ không trực tiếp đánh giá những
yếu tố đảm bảo khả năng sinh lợi về lâu dài như sự thỏa mãn của
khách hàng và thương hiệu của doanh nghiệp.
Khi phân tích thị trường, doanh nghiệp nên kiểm tra hiệu suất
hoạt động của mình theo khía cạnh thu hút khách hàng, khả năng
sinh lợi từ khách hàng, giữ chân khách hàng, thành công của sản
phẩm/dịch vụ mới và thị phần.
Bảng điểm cân bằng là phương pháp hiệu quả để xem xét chiến
lược, hiệu suất hoạt động của công ty bởi nó đánh giá doanh
nghiệp trên cả bốn phương diện: tài chính, khách hàng, nội bộ,
đổi mới và học hỏi.
Để xác định, giữ vững hay thay đổi chiến lược của doanh nghiệp
trong môi trường kinh doanh biến động, việc quan trọng cần làm
là định vị năng lực lõi hiện có và phát huy các thế mạnh chuyên
môn hữu hình và vô hình của doanh nghiệp.
Nhìn chung trong giai đoạn kinh tế suy thoái, doanh nghiệp nên
tập trung vào việc tái cấu trúc, giảm thiểu chi phí, tăng thêm thị
phần và lợi nhuận để tạo nền móng chuẩn bị cho thời kỳ hồi phục
của nền kinh tế.
Nếu đầu tư cho tầm nhìn chiến lược một cách đúng mức, đồng
thời xem xét lại các chu trình hoạt động, loại bỏ những hoạt động
thiếu hiệu quả thì khi kinh tế bắt đầu đi lên, doanh nghiệp sẽ có
một nền móng vững chắc để tiếp tục vươn lên những tầm cao
mới với những chiến lược mới.