BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH
(Central serous chorioretinopathy)
(Kỳ 3)
3. Bệnh sinh.
* Tổn thương hàng rào máu võng mạc ngoài:
- Màng đáy của biểu mô sắc tố không còn dính vào lớp collagen của màng
Bruch ở bên dưới, do biểu mô sắc tố không còn bình thường hoặc do lớp mao
mạch hắc mạc bị tổn thương.
- Bong biểu mô sắc tố võng mạc khu trú làm cho chất dịch thoát vào
khoang dưới võng mạc, và bong thanh dịch vùng hoàng điểm xảy ra. Bệnh nhân bị
bong thanh dịch lớn nếu lỗ rò nhiều.
- Nhiều đợt bệnh tái phát, có thể gây mất bù trừ biểu mô sắc tố võng mạc
(bệnh lý biểu mô sắc tố võng mạc toả lan). Bệnh có khuynh hướng bong hoàng
điểm tái phát và mất thị lực vĩnh viễn.
* Những yếu tố thuận lợi hoặc làm nặng thêm bệnh:
- Nhân cách nhóm A: Các nghiên cứu đã cho thấy đa số bệnh nhân bị bệnh
hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có biểu hiện dễ xáo trộn tâm lý, không ổn định
tinh thần, dễ bị stress cũng như tính tự phát và dễ bị điều khiển cao.
- Vai trò có hại của corticoide: Nhiều tác giả đã chỉ ra rằng các nguyên
nhân làm tăng steroid nội sinh ( Stress cảm xúc, thai kỳ, nhân cách type A, hội
chứng Cushing) hoặc ngoại sinh (điều trị bằng corticoide, cấy ghép cơ quan…) là
những yếu tố thuận lợi hoặc làm nặng thêm bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh
dịch cortison quá mức có thể làm tổn thương hàng rào máu – võng mạc ngoài; gây
nên sự dễ vỡ của mao mạch và tăng tính thấm, tăng áp lực mạch máu ở mao mạch
hắc mạc dẫn đến rò rỉ dịch vào khoang dưới võng mạc.
4. Chẩn đoán phân biệt.
* Viêm hắc võng mạc trung tâm:
Soi đáy mắt sẽ thấy những ổ viêm hắc mạc màu vàng trắng thành từng đám,
từng đốm. Võng mạc tương ứng với vùng viêm phù nề nhiều, toả lan, không thành
quầng. Có rối loạn sắc tố, đục dịch kính kèm theo.
* Thoái hoá Stargard:
Là thoái hoá biển mô sắc tố vùng hoàng điểm, bệnh có tính di truyền, tổn
thương cả 2 mắt và đối xứng, thường xuất hiện ở tuổi thiếu nhi. Thị lực giảm dần,
thị lực màu giảm với màu đỏ và xanh rồi đến màu vàng. Ám điểm trung tâm xuất
hiện sớm, có khi chưa thấy tổn thương đáy mắt.
Đáy mắt: Vùng hoàng điểm phù nề nhẹ, có những chấm xám, vàng, nâu tụ
thành đám bờ không rõ như đám bụi trên nền óng ánh vàng như kim nhũ, kích
thước từ 1/2 đến 3 đường kính gai thị, hình tròn hoặc bầu dục.
* Thoái hoá hoàng điểm tuổi già:
Bệnh nhân trên 50 tuổi, có Drusen, tổn hại biểu mô sắc tố, có thể có màng
tân mạch hắc mạc, thường cả hai mắt.
5. Điều trị.
5.1. Điều trị nội khoa.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
mà đang điều trị steroid, nên cân nhắc giảm liều hoặc ngừng steroid.
Acetazolamide (fonurit) 0,25g ngày 2 – 3 viên trong 5 – 7 ngày. Thuốc có
tác dụng làm tăng sự vận chuyển ion và dịch qua biểu mô sắc tố, do đó rút ngắn
thời gian tiêu dịch dưới võng mạc.
* Thuốc ưu trương:
Glucose 30% x 20ml tiêm tĩnh mạch chậm hàng ngày hoặc Mannitol 20% x
50ml tiêm tĩnh mạch.
Các thuốc tăng cường tuần hoàn:
* Thuốc giãn mạch: Dùng một trong số các thuốc sau:
- Tolazolin (Divascol): 0,01 x 1 ống tiêm hậu nhãn cầu ngày 1 ống trong 5
– 10 ngày.
- Vastarel (trimetazidin) 20mg uống ngày 2 – 3 viên.
- Vitamin PP 0,05g ngày 3 – 4 viên uống sau bữa ăn.
- Chế phẩm chiết từ cây Bạch quả: Tanakan ngày 2 viên, Giloba ngày 1
viên uống,
- Duxil ngày 2 viên uống.
Đợt điều trị 15 – 20 ngày.
5.2. Quang đông laser.
* Chỉ định:
Bong thanh dịch võng mạc có kèm theo một trong các yếu tố:
- Bệnh nhân có những điểm rò rỉ xác định rõ, trên 500 micromet từ vùng vô
mạch fovea.
- Tái phát nhiều lần với giảm thị lực nhiều hoặc nhìn biến hình.
- Biến đổi vi cấu trúc hoàng điểm như phù dạng nang.
- Bong võng mạc xuất tiết hoặc mất bù trừ biểu mô sắc tố.
- Có tổn hại thị lực vĩnh viễn do những đợt bệnh trước đây ở mắt bên kia.
* Chống chỉ định:
- Điểm rò huỳnh quang cách trung tâm hoàng điểm ≤ 400 mm, ở sát hay ở
trong vùng vô mạch.
- Điểm rò huỳnh quang ở ngay sát đĩa thị.
- Đục các môi trường trong suốt (giác mạc, thể thủy tinh, dịch kính).