Hội chứng liệt nửa người
(Kỳ 2)
3. Chẩn đoán.
3.1. Chẩn đoán triệu chứng liệt nửa người:
Căn cứ vào những quan sát và các triệu chứng được xác định qua thăm
khám.
3.2. Chẩn đoán định khu liệt nửa người:
Nói chung khi có tổn thương đường tháp một bên (từ vỏ não đến phình
tủy cổ) sẽ gây triệu chứng liệt nửa người trên lâm sàng. Tuy nhiên do đặc điểm
giải phẫu từng vị trí, mật độ các sợi của đường tháp ở mỗi vị trí rất khác nhau, hơn
nữa tại mỗi vị trí ngoài đường tháp còn có các cấu trúc thần kinh khác nên khi tổn
thương ở mỗi vị trí sẽ có những đặc điểm lâm sàng riêng. Sau đây ta xét các vị trí
chính khi tổn thương gây liệt nửa người như tổn thương vỏ não, bao trong, thân
não (gồm có cuống não, cầu não và hành não) và tủy cổ.
+ Liệt nửa người do tổn thương vỏ não:
- Liệt nửa người có tính chất khu trú rõ, có thể không đồng đều (tay liệt
nặng hơn chân hoặc chân nặng hơn tay.
- Các triệu chứng kèm theo:
. Thường có liệt dây VII trung ương cùng bên với liệt.
. Rối loạn cảm giác nửa người.
. Co giật.
. Có thể có bán manh đồng danh bên liệt.
. Tổn thương bán cầu trội có thêm rối loạn vận động ngôn ngữ, trầm cảm
và thất điều.
. Tổn thương bán cầu không trội còn có thêm triệu chứng rối loạn cảm
giác không gian, vô tình cảm (apathia).
+ Liệt nửa người do tổn thương bao trong:
- Liệt nửa người mức độ nặng nề (thường liệt độ IV, V), liệt chân, tay đồng
đều nhau.
- Các triệu chứng kèm theo:
. Liệt mặt: có thể có hoặc không.
. Có thể có giảm cảm giác rõ.
+ Liệt nửa người do tổn thương một bên của thân não:
Khi tổn thương một bên của thân não, trên lâm sàng sẽ thấy bệnh cảnh điển
hình đó là các hội chứng giao bên, cụ thể như sau:
- Bên đối diện với ổ tổn thương có rối loạn vận động nửa người trong đó
chân tay bị nặng nề như nhau (hoặc rối loạn cảm giác nửa người).
- Bên tổn thương có liệt dây thần kinh sọ não kiểu ngoại vi.
- Một số ví dụ hội chứng giao bên:
. Khi tổn thương một bên cuống não có hội chứng Weber (bên tổn
thương có liệt dây III, bên đối diện có liệt nửa người kiểu trung ương).
. Khi tổn thương một bên cầu não có hội chứng Millard – Gubler (bên
tổn thương có liệt dây VII ngoại vi, bên đối diện có liệt nửa người kiểu trung
ương).
. Khi tổn thương một bên hành não gây hội chứng Schmidt (bên tổn
thương liệt dây IX, X, XI kiểu ngoại vi, bên đối diện liệt nửa người kiểu trung
ương).
+ Liệt nửa người do tổn thương một bên tủy cổ gây hội chứng Brown –
Séquard:
- Bên tổn thương: liệt trung ương dưới mức tổn thương, mất cảm giác sâu
(cảm giác rung, cảm giác tư thế) dưới mức tổn thương, mất cảm giác một dải da
hẹp trên vùng liệt, trên dải da mất cảm giác là một dải da tăng cảm.
- Bên đối diện: mất cảm giác đau và nhiệt dưới mức tổn thương.
3.3. Chẩn đoán mức độ liệt:
Trong khẩu ngữ dân gian hai từ "bại" và "liệt" (tương đương hai từ paresis
và plegia trong Anh ngữ) thường được dùng để gọi tên triệu chứng giảm và mất
hoàn toàn sức cơ trong vận động chủ động của bệnh nhân. Trong lâm sàng chuyên
ngành Thần kinh học chỉ tồn tại một thuật ngữ đó là liệt, có điều tuỳ theo mức độ
liệt mà bệnh nhân còn có khả năng vận động ở mức độ nhất định hoặc mất hoàn
toàn vận động chủ động. Trên lâm sàng bảng phân loại mức độ liệt sau được sử
dụng rộng rãi:
+ Độ I (liệt nhẹ, bại): giảm sức cơ nhưng bệnh nhân vẫn còn vận động chủ
động được chân tay, bệnh nhân vẫn còn đi lại được.
+ Độ II (liệt vừa): bệnh nhân không đi lại được, không thực hiện hoàn
chỉnh động tác được, còn nâng được tay chân lên khỏi mặt giường.
+ Độ III (liệt nặng): bệnh nhân không nâng được tay lên khỏi mặt giường,
nhưng tỳ tay chân xuống giường còn co duỗi được.
+ Độ IV (liệt rất nặng): bệnh nhân không co duỗi được chi nữa, nhưng còn
thấy có biểu hiện co cơ khi bệnh nhân gắng sức.
+ Độ V: hoàn toàn không có biểu hiện co cơ khi bệnh nhân cố gắng vận
động chủ động.