ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH DỊCH THỂ
(Kỳ 1)
Miễn dịch dịch thể do các kháng thể thực hiện là một trong hai nhánh của
đáp ứng miễn dịch thích ứng có chức năng trung hoà và loại bỏ các vi sinh vật
ngoại bào và các độc tố của vi sinh vật. Miễn dịch dịch thể có vai trò quan trọng
hơn miễn dịch qua trung gian tế bào trong đề kháng chống lại các vi sinh vật có vỏ
giầu thành phần polysacchraride và lipid cũng như các độc tố có bản chất là
polysacchraride và lipid. Lý do là vì các tế bào B có thể đáp ứng và sản xuất kháng
thể đặc hiệu với nhiều loại phân tử khác nhau còn các tế bào T thì lại chỉ có thể
nhận diện và đáp ứng với các kháng nguyên có bản chất là protein. Các kháng thể
được tạo ra bởi các tế bào lympho B và tế bào con cháu của chúng. Các tế bào
lympho B “trinh nữ” nhận diện kháng nguyên nhưng không chế tiết kháng thể. Sự
hoạt hoá các tế bào lympho B này sẽ dẫn đến biệt hoá chúng thành các tế bào thực
hiện chế tiết kháng thể. Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu diễn biến và cơ
chế các quá trình hoạt hoá tế bào lympho B, quá trình sản xuất và các chức năng
của kháng thể nhằm trả lời các câu hỏi sau:
· Các tế bào lympho B chỉ có các kháng thể có vai trò là thụ thể trên
bề mặt được hoạt hoá và biệt hoá như thế nào thành các tế bào chế tiết kháng thể?
· Quá trình hoạt hoá tế bào lympho B được điều hoà như thế nào để
tạo ra các loại kháng thể hiệu lực nhất chống lại các loại các vi sinh vật khác
nhau?
· Các kháng thể thực hiện những chức năng gì để bảo vệ cơ thể
chống vi sinh vật?
Các pha và các loại đáp ứng miễn dịch dịch thể
Các tế bào lympho B “trinh nữ” bộc lộ hai lớp kháng thể trên bề mặt của
chúng là IgM và IgD. Các kháng thể này đóng vai trò là các thụ thể dành cho
kháng nguyên. Khi một tế bào B “trinh nữ” được hoạt hoá bởi kháng nguyên và
các tín hiệu khác nó sẽ tăng sinh tạo ra một clone các tế bào đặc hiệu kháng
nguyên và biệt thành các tế bào plasma chế tiết kháng thể (hình 10.1). Các kháng
thể do tế bào plasma chế tiết có cùng tính đặc hiệu kháng nguyên giống như các
kháng thể là thụ thể trên màng tế bào B “trinh nữ” ban đầu đã nhận diện kháng
nguyên ấy. Trong quá trình biệt hoá, một số tế bào plasma chuyển sang sản xuất
các kháng thể có chuỗi nặng thuộc các lớp khác nhau để tham gia vào các chức
năng thực hiện khác nhau nhằm chống lại một cách hiệu quả nhất các loại vi sinh
vật khác nhau. Quá trình này được gọi là chuyển lớp chuỗi nặng (heavy chain
class switching). Nếu tiếp xúc lặp đi lặp lại với cùng một kháng nguyên sẽ dẫn đến
việc tạo ra các kháng thể có ái lực cao hơn với kháng nguyên ấy. Quá trình này
được gọi là thuần thục ái lực (affinity maturation) giúp tạo ra các kháng thể có
khả năng bám và trung hoà các vi sinh vật và độc tố hiệu quả hơn.
Dựa theo yêu cầu cần có sự giúp đỡ của tế bào T hay không, người ta chia
đáp ứng tạo kháng thể chống lại các kháng nguyên khác nhau thành hai loại là đáp
ứng tạo kháng thể phụ thuộc tế bào T (T-dependent antibody response) và đáp
ứng tạo kháng thể không phụ thuộc tế bào T (T-independent antibody
response).
Các tế bào lympho B nhận diện rồi sau đó được hoạt hoá bởi nhiều loại
kháng nguyên khác nhau bao gồm các protein, polysaccharide, lipid và các hoá
chất có kích thước nhỏ.
Các kháng nguyên được xử lý bởi các tế bào trình diện kháng nguyên và
sau đó được nhận diện bởi các tế bào lympho T hỗ trợ là những tế bào có vai trò
quan trọng trong việc hoạt hoá tế bào B và là tác nhân gây chuyển lớp chuỗi nặng
và thuần thục ái lực rất mạnh. (Tên gọi tế bào T hỗ trợ xuất phát từ những quan sát
cho thấy một số tế bào T kích thích hoặc hỗ trợ các tế bào lympho B sản xuất
kháng thể).
Nếu không có sự hỗ trợ của tế bào T thì các kháng nguyên protein chỉ có
thể kích thích tạo ra các đáp ứng tạo kháng thể rất yếu hoặc không thể tạo ra được
kháng thể. Vì thế các kháng nguyên protein ấy và các đáp ứng tạo kháng thể chống
lại các protein ấy được gọi là “phụ thuộc tế bào T” (còn được gọi là “phụ thuộc
tuyến ức” vì tuyến ức là nguồn cung cấp các tế bào T cho cơ thể).
Các polysaccharide, lipid và các kháng nguyên khác không có bản chất là
protein kích thích tạo kháng thể mà không cần có sự hỗ trợ của tế bào T, vì thế các
kháng nguyên không phải protein này và các đáp ứng sinh kháng thể chống lại
chúng được gọi là “không phụ thuộc tế bào T” (hay không phụ thuộc tuyến ức).
Các kháng thể được tạo ra trong các đáp ứng không phụ tuộc tế bào T thường rất ít
có hiện tượng chuyển lớp chuỗi nặng và thuần thục ái lực.
Người ta đã hiểu rất rõ vai trò của các tế bào T hỗ trợ trong quá trình sản
xuất kháng thể và chương này chủ yếu sẽ dành để trình bầy về các đáp ứng tạo
kháng thể chống lại các kháng nguyên protein phụ thuộc tế bào T. Tuy nhiên các
đáp ứng với kháng nguyên không phụ thuộc tế bào T sẽ được trình bầy sơ lược.
Hình 10.1: Các pha của đáp ứng miễn dịch dịch thể