Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

đề và đáp án HSG văn lớp 12 tỉnh thanh hoá

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.22 KB, 5 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
ĐỀ DỰ BỊ
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
Năm học: 2009 – 2010
Môn thi: Ngữ văn
Lớp: 12 THPT
Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2010
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi có 01 trang, gồm 03 câu)
Câu 1. (6 điểm)
Đọc câu chuyện sau:
Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục
đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn
tuổi. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần
rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò
chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ! Con chỉ để ông ấy khóc.”
(Theo Phép mầu nhiệm của đời, NXB Trẻ, 2005)
Câu chuyện trên gợi anh (chị) suy nghĩ gì về sự quan tâm đối với con người trong
cuộc sống?
Câu 2. (6 điểm)
Sự cảm nhận và lí giải về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi


Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…
(Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12,
Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.120)
Câu 3. (8 điểm)
Nhận định về Văn học Việt Nam sau năm 1975, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo
dục, 2008, trang 19, viết: “Văn học (từ 1975 đến hết thế kỉ XX)… có tính chất hướng nội,
quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.”
Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc
thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. (đoạn trích Sách Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo
dục, 2008)
…………………………… HẾT………………………….
 Thí sinh không sử dụng tài liệu.
 Giám thị không giải thích gì thêm.
Số báo danh
…………
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
ĐỀ DỰ BỊ
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
Năm học: 2009 – 2010
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN VĂN
Lớp: 12 THPT
Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2010
Hướng dẫn chấm này có 03 trang, gồm 03 câu
I - LƯU Ý CHUNG
1. Bài làm có tổng: 20 điểm cho cả 3 câu. Kết quả cả bài được làm tròn theo nguyên tắc:
0,25 -> 0,5; 0,75 -> 1,0.
2. Mỗi câu đảm bảo là một văn bản bài văn, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

3. Ưu tiên những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. Giám khảo căn
cứ vào bài làm cụ thể của thí sinh để cho điểm hợp lí. Những thí sinh làm bài theo cách riêng
nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản thì vẫn cho điểm.
II - PHẦN CỤ THỂ
Câu 1 Tổng 6.0 điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
Đảm bảo một văn bản bài văn nghị luận xã hội có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, hành
văn trôi chảy, ít sai các lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt,… Ưu tiên những bài viết sáng tạo,
độc đáo, cá tính và chữ đẹp. (1.0 điểm)
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giới thiệu ngắn gọn câu chuyện và vấn đề đặt ra: sự quan tâm đối với con người
trong cuộc sống. (0.5 điểm)
2. Giải thích nội dung, bài học giáo dục trong câu chuyện (2.5 điểm)
- Cậu bé là người biết quan tâm tới người khác nhất bởi vì cậu đã dùng cả tấm lòng
đồng cảm chân thành để sẻ chia nỗi đau mất mát với ông cụ.
- Thế nào là sự quan tâm? (Là đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để thấu
hiểu họ. Và dựa trên sự thấu hiểu đó, cùng với những tình cảm chân thành tự tận đáy lòng,
hãy bộc lộ sự sẻ chia một cách tự nhiên nhất. Đó sẽ là sự sẻ chia có ý nghĩa và đáng trân
trọng nhất.)
- Thế nào là thực sự biết quan tâm tới người khác? (Là vươn rộng tầm mắt để xem
những người xung quanh mình sống ra sao: khó khăn, nỗi buồn, niềm vui…? Từ đó, hãy gần
gũi và sẻ chia cùng họ. Đó là sự quan tâm chân thành và quý giá nhất.)
- Cuộc sống nếu thiếu đi lòng quan tâm chân thành thì sẽ như thế nào? (Cuộc sống
sẽ trở nên vô vị, thiếu tình người. Xã hội loài người nếu thiếu đi niềm đồng cảm, sẻ chia sẽ
chỉ là phép cộng đơn thuần những con người sống vì bản thân )
3. Bàn luận mở rộng (1.5 điểm)
- Cuộc sống hiện đại càng cần tới sự quan tâm, sẻ chia chân thành.
- Phân biệt sự quan tâm xuất phát từ tình cảm và sự quan tâm giả dối có tính vụ lợi.
4. Liên hệ và rút ra bài học (0.5
điểm)

- Sự quan tâm của bản thân đối với người khác và sự quan tâm nào của người khác đã
để lại cho anh (chị) nhiều kỉ niệm và xúc cảm nhất.
- Quá trình tự hoàn thiện bản thân mình, mỗi người cần có sự quan tâm chân thành
đến người khác.
Câu 2 Tổng 6.0 điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
Đảm bảo một văn bản bài văn nghị luận văn học có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, hành
văn trôi chảy, ít sai các lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt,… Ưu tiên những bài viết có cảm
xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. (1.0 điểm)
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giới thiệu khái quát về Nguyễn Khoa Điềm, bài Đất Nước và đoạn thơ (vị trí trong
mạch ý toàn bài, sự cảm nhận và lí giải về Đất Nước của tác giả). (0.5 điểm)
2. Sự cảm nhận và lí giải về Đất Nước trong đoạn thơ (4.0 điểm)
* Khám phá Đất Nước trên ba bình diện chiều dài của thời gian lịch sử; bề rộng của
không gian địa lí; tầng sâu của những truyền thống văn hoá: (3.0
điểm)
- Phát huy sức mạnh biểu đạt của từ chỉ địa danh, kết hợp từ chỉ địa danh với số từ
“những”.
+ 12 dòng thơ mà có 8 dòng xuất hiện từ chỉ địa danh, tất cả dòng thơ có ít nhất từ 1
đến 4 từ chỉ địa danh. Các từ chỉ địa danh được sắp xếp trải dài từ địa đầu Tổ quốc đến nơi
chót cùng của đất nước, trải rộng từ đồng bằng lên miền núi ra biển. Đây là cách khám phá
rất riêng, thú vị, thậm chí rất chính xác của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước ở phương diện
địa lí, giúp người đọc hình dung được chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của đất
nước, sống dậy trong tâm trí và kí ức những truyền thống văn hoá lịch sử đầy tự hào của dân
tộc.
+ Sự kết hợp những từ chỉ địa danh với số từ “những” - chỉ số nhiều không xác định –
trong hình thức điệp từ kết hợp với liệt kê giúp cho tác giả biểu hiện một cách đầy đủ, đúng
đắn và sâu sắc nhận thức của tác giả: những người dân bình thường bé nhỏ khi sống, họ chỉ
là những cá nhân riêng lẻ, có cảnh ngộ, số phận riêng, nhưng khi chết, họ đã nhập vào những
người vợ, những người dân để làm thành những địa danh, để làm nên đất nước.

- Vận dụng sáng tạo, linh hoạt vốn chất liệu văn hoá, văn học dân gian:
+ Hệ thống từ chỉ địa danh xuất hiện đan dày cho thấy một đất nước vô cùng giàu có,
phong phú truyền thống văn hoá.
+ Nhiều tình tiết, chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc: ao đầm, gót ngựa Thánh Gióng, chín
mươi chín con voi,…khơi gợi và nhắc nhở ta về những trang thần thoại, cổ tích.
+ Chất liệu dân gian hoà nhập tự nhiên với lối tư duy nghệ thuật và cách diễn đạt hiện
đại khiến đoạn thơ mang sắc thái thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa truyền thống lại
vừa hiện đại.
* Nhận xét: (1.0 điểm)
- Sự cảm nhận và lí giải về Đất Nước qua đoạn thơ đã đem đến cho người đọc một bài
học về “sự trông nhìn và thưởng thức” đầy ý nghĩa: đừng chỉ nhìn ngọn núi, dòng sông như
một vật thể thiên nhiên vô tri, đọc tên địa danh như những ngôn từ vô cảm, vô hồn bởi đó là
sự hoá thân biết bao nhiêu buồn vui, là sự kết tinh biết bao vẻ đẹp tinh thần của các thế hệ
con người Việt Nam.
- So sánh, liên hệ với những bài thơ cùng đề tài để thấy điểm chung, nét riêng trong
cách thể hiện về Đất Nước của tác giả.
3. Đánh giá (0.5 điểm)
- Đoạn thơ đã sử dụng đắc địa từ chỉ địa danh, chất liệu văn hoá văn học dân gian
cùng với cách lập luận chặt chẽ từ cụ thể đến khái quát để khẳng định sự hình thành phát
triển của Đất Nước là nhờ sự hoá thân của bốn nghìn người không ai nhớ mặt đặt tên.
- Liên hệ trách nhiệm đối với đất nước.
Câu 3 Tổng 8.0 điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
Đảm bảo một văn bản bài văn nghị luận văn học có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, hành
văn trôi chảy, ít sai các lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt,… Ưu tiên những bài viết có cảm
xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. (1.0 điểm)
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giới thiệu chung (0.5
điểm)
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

- Giới thiệu về nhân vật “người đàn bà”: ít học, xấu xí, lam lũ mà sâu sắc và thấu hiểu
lẽ đời, cam chịu nhẫn nhục mà thương con và giàu đức hi sinh. Qua đó cho thấy văn học
Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX “…có tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn
tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.”
2. Giải thích nhận định (0.5 điểm)
- Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX: “… có tính chất hướng nội,
quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.”:
văn học đi sâu khai thác đời sống nội tâm, tâm trạng mang tính cá nhân của con người trong
cuộc sống đời thường với những phức tạp.
3. Nhân vật “người đàn bà” (5.5
điểm)
a. Một người đàn bà xấu xí, lam lũ:
- Không có tên, mang sức khái quát cho những người phụ nữ làng chài.
- Ngoại hình: xấu xí, chịu nhiều thiệt thòi về nhan sắc (thân hình cao lớn, thô kệch,
mặt đầy những nốt rỗ chằng chịt)
- Trang phục, dáng vẻ: hiện hữu của sự nghèo khổ, lam lũ, vất vả, nhọc nhằn (khuôn
mặt mệt mỏi, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng).
b. Một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục
- Ánh mắt khi sắp bị chồng đánh: chịu đựng, chấp nhận (cặp mắt nhìn xuống chân).
- Thái độ khi bị chồng đánh: không hề phản ứng, hoàn toàn câm lặng trước trận đòn
tàn nhẫn của chồng…
- Lời nói khẩn thiết van xin quý toà sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá để không phải bỏ
người chồng vũ phu ấy.
c. Một người mẹ thương con và giàu đức hi sinh
- Hành động gửi con lên ông ngoại vì muốn gìn giữ và bảo vệ con.
- Đau đớn, xót xa khi làm tổn thương con.
d. Lời giãi bày ở toà án huyện
- Đưa ra những lí do để chị không phải bỏ người chồng vũ phu (ở thuyền phải sống
cho con, cần người đàn ông đi biển, có những lúc vui,…)
e. Một người phụ nữ sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời

- Cái nhìn đầy thấu hiểu độ lượng với người chồng.
- Biết chắt chiu, trân trọng, nâng niu những hạnh phúc bình dị.
4. Đánh giá (0.5 điểm)
- Nguyễn Minh Châu bằng tài năng và sự quan tâm thương yêu sâu sắc đến con người
đã thành công khi xây dựng hình tượng người đàn bà làng chài. Qua đó khẳng định sự đổi
mới của văn học Việt Nam sau năm 1975.
- Nhân vật đã luôn để lại cho người đọc những trăn trở và day dứt về số phận bất
hạnh, những xúc động và ngưỡng mộ về những vẻ đẹp ẩn giấu. Người đàn bà ấy mang
những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
…………………………… HẾT………………………….

×