Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Quy trình ra quyết định pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.73 KB, 6 trang )

Quy trình ra quyết định
Trong vai trò quản lý, gần như hàng ngày bạn phải ra quyết
định. Có một số quyết định khá đơn giản nhưng cũng có
những quyết định phức tạp đòi hỏi nhiều sự cân nhắc, lựa
chọn. Bạn hãy xem hai ví dụ sau đây:


Phòng tài chính chuẩn bị chuyển sang địa điểm mới và Samantha
- trưởng phòng - cần chọn một người đại diện cho phòng tài
chính tham gia vào nhóm bố trí mặt bằng của toàn công ty. Đối
với Samantha, đây là một quyết định giao phó đơn giản. Ai trong
số các cấp dưới của cô sẽ đại diện cho phòng tài chính? Đó phải
là người có tính quyết đoán, có kỹ năng làm việc theo nhóm và
phải nắm vững nhu cầu không gian của phòng tài chính. Vì hiểu
rõ khả năng của từng nhân viên nên Samantha đã không khó
khăn gì khi chọn George và anh ta cũng sốt sắng nhận trách
nhiệm mới. Đúng là George sẽ có ít thời gian hơn để thực hiện
công việc thường ngày của mình, nhưng cả anh lẫn Samantha
đều thấy rằng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Không phải quyết định nào cũng dễ dàng như ví dụ trên. Một số
quyết định cần phải có sự trao đổi và chịu sự tác động của nhiều
yếu tố khác nhau như tốn kém, rủi ro và cả thất bại. Chúng ta
cùng xem tình huống phức tạp dưới đây:

Công ty Precision Interiors chuyên thiết kế và sản xuất ghế ngồi
và nội thất xe cho các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Để cạnh tranh, công ty phải liên tục cải tiến thiết kế và các vật liệu
của mình nhằm nâng cao tính an toàn và tiện nghi cho hành
khách với mức chi phí và độ bền phù hợp. Trên tinh thần đó, một
kỹ sư trong nhóm đã làm việc với Công ty FiberFuture - một nhà


cung ứng nhỏ đã phát triển thành công một vật liệu mới tên là
Zebutek, có tính năng chống cháy, giảm xóc và cách âm tốt hơn
tất cả các vật liệu khác đang có trên thị trường. Anh lập luận:
"Nếu sử dụng vật liệu Zebutek để gia cố mui xe và lớp lót cửa,
sản phẩm của chúng ta sẽ có lợi thế thật sự. Tuy Zebutek có giá
thành đắt hơn loại vật liệu mà chúng ta đang dùng nhưng chắc
chắn khách hàng sẽ công nhận giá trị của nó".

Tuy nhiên, quyết định chấp nhận sử dụng loại vật liệu mới này lại
không đơn giản. Sẽ phải đánh đổi nhiều thứ và có không ít rủi ro.
Ngoài khía cạnh lợi ích, người kỹ sư cũng đưa ra một danh sách
gồm nhiều vấn đề phải xem xét:

+ FiberFuture là một công ty nhỏ và tương đối mới trên thị
trường. Liệu công ty có khả năng cung cấp số lượng vật liệu
mà chúng ta yêu cầu không? Chúng ta có thể hy vọng họ sẽ
cung cấp đúng lịch trình không? Và quan trọng nhất là chất
lượng có ổn định không?

+ Điều gì sẽ xảy ra nếu FiberFuture phá sản? Chúng ta sẽ
phải vất vả tìm nhà cung ứng khác.

+ Các quy trình sản xuất hiện tại của chúng ta có phù hợp
với Zebutek, hay phải trang bị thêm những thiết bị khác?

+ Khách hàng của chúng ta - các hãng ô tô - đang phải rất
vất vả để giữ chi phí không tăng. Liệu họ có đồng ý khi
chúng ta tính giá cao hơn cho loại vật liệu mới này không?
Hay chúng ta chấp nhận khoản chi phí phụ trội đó nhằm xác
lập và giữ thị phần?


+ Nhà cung cấp các vật liệu nội thất hiện tại của chúng ta là
một đối tác đáng tin cậy và đã hợp tác trong nhiều năm qua.
Mối quan hệ này sẽ ra sao nếu 20 đến 30% thương vụ sẽ
được chuyển sang cho FiberFuture?

+ Liệu có nhà cung ứng nào khác cũng đang phát triển một
loại vật liệu tương tự, hay thậm chí còn tốt hơn Zebutek?

Trong ví dụ thứ hai này, các kỹ sư của Precision Interiors phải đối
mặt với sự lựa chọn vấn đề khó khăn và phức tạp. Có khả năng
bạn sẽ phải đối mặt với những phức tạp và khó khăn tương tự.
Vậy bạn sẽ tiếp cận những quyết định này như thế nào?

Các quyết định kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn khi chúng
không chắc chắn, có nhiều phương án thực hiện khác nhau, có
tính chất phức tạp hay có thể làm nảy sinh những vấn đề cá
nhân. Những yếu tố này sẽ khiến chúng ta do dự: "Làm sao tôi có
thể ra quyết định chính xác khi tôi không có đầy đủ thông tin và
cũng không dám chắc chắn về kết quả?". Một số nhà quản lý
chấp nhận không đưa ra bất kỳ quyết định mạo hiểm nào để
tránh tối đa thiệt hại và sai sót.

Những phương án thay thế có thể cũng gặp rắc rối không kém vì
mỗi phương án đều có những điểm không chắc chắn và những
kết quả không thể dự đoán. Tính phức tạp của vấn đề cũng làm
cho việc ra quyết định trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, việc mua lại
một công ty sẽ liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý, kế toán và
thẩm định phức tạp. Hay quá trình chuyển tiếp trong công ty có
khả năng gây ra tình trạng nhân viên bị giảm biên chế hàng loạt.

Bạn không thể ước tính trước các khoản tiết kiệm chi phí từ việc
giảm biên chế này cũng như việc mua lại sẽ tác động đến giá cổ
phiếu, có lẽ theo chiều hướng xấu, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Vậy bạn sẽ xử lý những vấn đề phức tạp này ra sao?

Những quyết định liên quan đến các vấn đề cá nhân vốn rất
khó đánh giá nhưng lại thường ảnh hưởng đến sự thành
công hay thất bại của những hành động được triển khai.

×