Tải bản đầy đủ (.pdf) (20 trang)

Vai Trò Các Nhóm Lợi Ích pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (182.49 KB, 20 trang )

Vai Trò Các
Nhóm Lợi Ích

R. Allen Hays
"Nhóm lợi ích là một tập đoàn có tổ chức của những người có cùng
chung một số mục đích và họ muốn gây ảnh hưởng vào chính sách công.
"
Jeffrey Berry, The Interest Group Society
Nhóm (tập đoàn) lợi ích là một cơ chế quan trọng qua đó dân chúng Hoa
kỳ đạo đạt các ý nghĩ, yêu cầu và quan điểm của họ tới các người đại
diện dân cử. Người ta thường thấy có một nhóm/tập đoàn lợi ích tập
trung vào các vấn đề họ quan tâm, dù vấn đề đó có thể rất là chuyên biệt.
Danh bạ các hội thiện nguyện tại Mỹ cho thấy có rất nhiều lý do khiến
cho các người dân họp nhau thành hội đoàn. Cuốn Bách khoa Tự điển
các Hội đoàn của công ty Gale Research, Inc., được mọi người coi là
danh sách đầy đủ nhất. Không phải hội đoàn nào cũng tích cực hoạt
động chính trị, nhưng có nhiều hội đoàn cũng tìm cách ảnh hưởng tới
chính sách trong lãnh vực công.
Cả cơ cấu tổ chức chính thức lẫn truyền thống không chính thức của
chính trị Hoa kỳ đều tạo điều kiện phát triển tốt cho những nhóm lợi ích.
Một đặc điểm của hệ thống Hoa kỳ khiến cho các nhóm lợi ích có nhiều
ảnh hưởng là các đảng chính trị tại Mỹ tương đối yếu. Sở dĩ như vậy một
phần là do sự phân chia quyền lực giữa ngành lập pháp và hành pháp.
Trong một chế độ đại nghị như tại nước Anh, trong đó việc nắm quyền
thủ tướng tùy thuộc vào hậu thuẫn của đa số trong Quốc hội, các đảng
chính trị có ảnh hưởng rất nhiều tới những người có quyền lập pháp và,
do đó, tới việc làm chính sách. Trái lại tại Hoa kỳ, bầu cử tổng thống và
bầu cử Quốc hội là hai sự kiện chính trị khác nhau, dù được tiến hành
cùng một lúc. Mỗi một ứng viên vào Quốc hội phải lập ra một liên minh
để thắng phiếu trong tiểu bang hay khu bầu cử của mình. Các liên minh
này về bản chất thì khác hẳn liên minh nhằm mang lại đa số phiếu mà


một ứng viên tổng thống có thể quy tụ được. Chứng cớ rõ ràng nhất của
tình trạng này là từ Thế chiến II đa số trong Quốc hội và đa số ủng hộ
tổng thống thường là hai đảng đối lập nhau. Kết quả là cả đảng viên
đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều không nhất thiết ủng hộ lập trường
của tổng thống của đảng mình hay đề cương tranh cử của đảng mình. Vì
lòng trung thành của đảng viên ra tranh cử với [đề cương của] đảng yếu,
thành ra nhóm lợi ích tạo được ảnh hưởng mạnh thêm cả trong lúc tranh
cử - vì sự hỗ trợ tài chánh của họ có thể có tính cách quyết định - lẫn sau
khi bầu cử vì nhóm ủng hộ ứng viên được đắc cử trở nên có quan hệ rất
mật thiết tới việc làm chính sách.
Một đặc điểm thứ hai của hệ thống khiến cho nhóm lợi ích phát triển là
thể chế liên bang trong đó quyền lực chính trị được phân tán cho tiểu
bang và các địa phương. Các tổ chức nhân dân thường phát xuất từ cấp
tiểu bang và địa phương, sau đó mới họp thành tổ chức toàn quốc. Do đó
hệ thống tản quyền khiến cho các nhóm lợi ích khác nhau phát triển. Hệ
thống này cũng làm yếu hệ thống đảng phái chính trị, vì tình trạng kinh
tế xã hội khác nhau của 50 tiểu bang khiến cho khó duy trì được kỷ luật
đảng.
Thêm vào đó một ngành tư pháp mạnh và độc lập trong hệ thống chính
quyền Hoa kỳ cũng giúp cho các nhóm lợi ích thêm thế mạnh. Các tòa
tại Mỹ thường phán quyết về các vấn đề mà tại các nền dân chủ khác lại
thuộc về thẩm quyền ngành lập pháp hay hệ thống hành chánh. Do đó
các nhóm lợi ích có thể dùng hình thức kiện cáo để đạt được những mục
tiêu chính trị mà họ không thực hiện được bằng con đường lập pháp. Thí
dụ như vào những năm đầu tiên của thập niên 1950, các thắng lợi trước
tòa của Hiệp hội Quốc gia cho sự Thăng tiến của dân Da Mầu (National
Association for the Advancement of Colored People, NAACP) đã tạo ra
các vết nứt rạn đầu tiên phá vỡ chính sách phân biệt chủng tộc tại Mỹ,
nhiều năm trước khi Quốc hội-lúc bấy giờ gồm nhiều người miền Nam-
sẵn sàng hành động.[1]

Sau hết, truyền thống tự do ngôn luận, báo chí và hội họp hầu như không
giới hạn của Hoa kỳ có nghĩa là hầu như bất cứ một quan điểm nào của
môt nhóm lợi ích, dù cấp tiến đến đâu chăng nữa, cũng được đưa ra công
khai. Lẽ dĩ nhiên là xu hướng tập trung trong giới truyền thông từ Thế
chiến II cũng khiến cho các nhóm hoạt động bên lề khó mà được người
ta chú ý tới những điều họ muốn bầy tỏ. Tuy nhiên xu hướng tập trung
này một phần đã bị hoá giải bởi sự kiện các nhóm đã trình bầy được
quan điểm của mình qua trang mạng. Nói chung truyền thống tự do ngôn
luận và tự do báo chí của Mỹ đã khuyến khích việc thành lập các nhóm
lợi ích bằng cách cho họ có nhiều cơ hội phổ biến các vấn đề xã hội và
bầy tỏ lập trường của họ đối với chính sách của lãnh vực công.
Thế giới của các nhóm lợi ích
Trước năm 1970, sách giáo khoa tại Mỹ về các nhóm lợi ích thường chỉ
nói tới ba loại nhóm lợi ích: doanh nghiệp, lao động và nông nghiệp. Từ
đó đến nay thế giới của các nhóm lợi ích đã trở nên phức tạp hơn. Các
nhóm nông nghiệp hầu như đã mất ảnh hưởng vì số trại chủ ngày càng
giảm tại Hoa kỳ. Hơn nữa, đã xuất hiện nhiều nhóm mới không thuộc
vào bất cứ loại nào trong ba loại trên.
Doanh nghiệp
Đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý là doanh nghiệp giữ một vai trò
trung tâm trong chính trị Hoa kỳ. Các đại công ty có uy tín là những
thành phần quan trọng trong nền kinh tế Hoa kỳ. Vì các đại biểu dân cử
thường được coi là các người phải chịu trách nhiệm về thành tích kinh tế
quốc gia nên họ thường sợ là các chính sách bất lợi cho doanh nghiệp sẽ
làm hại tới thành tích đó.
Tuy nhiên doanh nghiệp còn dùng những đòn bẩy ảnh hưởng trực tiếp
nữa. Các đại công ty liên quốc cũng dành rất nhiều tài nguyên để vận
động cho các mục tiêu chính trị. Họ thường là hội viên của các hiệp hội
kinh doanh, nói lên quan điểm của toàn ngành công nghiệp trong tiến
trình chính trị. Các công ty cũng ủng hộ cho các liên nhóm như Hiệp hội

Quốc gia của các Công ty Chế xuất và Phòng Thương mại Hoa kỳ
(National Association of Manufacturers and the U.S. Chamber of
Commerce) là tiếng nói chung cho tất cả ngành doanh nghiệp. Sau hết
các công ty riêng lẻ cũng trực tiếp vận động với các nhà làm luật; họ lại
còn chuyển hàng triệu đô-la vào quỹ tranh cử của các ứng viên mà họ
ủng hộ.
Công đoàn
Đầu thế kỷ 20, công đoàn phát triển chậm, nhưng đến năm 1930 thì đã
chiếm được một vị thế quan trọng trong hệ thống chính trị Hoa kỳ. Đạo
luật Quan hệ Lao động Quốc gia (National Labor Relations Act) bảo vệ
việc thương lượng tập thể và khiến cho công đoàn lớn mạnh nhanh hơn.
Vào những năm 1950 công đoàn có số hội viên cao nhất, chiếm 35 phần
trăm của lực lượng lao động. Tuy nhiên từ các năm 1960 thi số hội viên
bắt đầu giảm cho tới mức hiện tại là 15 phần trăm của thành phần dân số
hoạt động. Thế lực chính trị của công đoàn cũng suy yếu đi theo với thế
lực kinh tế của họ. Lý do cho sự suy yếu này, khá phức tạp và không thể
giải thích chi tiết trong bài này, một phần do sự thay đổi bản chất kinh tế
toàn cầu và sự thay đổi trọng tâm của kinh tế Mỹ từ sản xuất kỹ nghệ
sang kinh tế phục vụ và tiêu dùng. Công đoàn, tuy thế, vẫn còn thế lực
đáng kể khi họ tập trung năng lực vào một cuộc tranh cử hay một chính
sách nào đó.
Hiệp hội Chuyên nghiệp
Một loại nhóm lợi ích quan trọng là hiệp hội chuyên nghiệp. Những
đoàn thể như Hiệp hội Y sĩ Hoa kỳ và Hiệp hội Luật sư Hoa kỳ tập trung
vào các quyền lợi, giá trị chung và tư thế nghề nghiệp của họ. Hiệp hội
các chuyên viên trong lãnh vực công, tuy không mạnh bằng nhưng rất có
tổ chức. Hầu như bất cứ ngành chuyên môn nào trong chính quyền tiểu
bang và địa phương cũng có đoàn thể quốc gia của họ. Chẳng hạn như
trong lãnh vực gia cư có những tổ chức như Hiệp hội toàn quốc các Viên
chức về Gia cư và Tái thiết (National Association of Housing and

Redevelopment Officials), Hội đồng Quốc gia các Cơ quan Gia cư của
Tiểu bang (National Council of State Housing Agencies), và Hội đồng
các Cơ quan Gia cư Công lập Lớn (Council of Large Public Housing
Authorities). Theo luật của tiểu bang và liên bang các tổ chức đó không
được hoạt động chính trị đảng phái. Tuy nhiên họ được điều trần trước
Quốc hội về các vấn đề liên hệ tới chương trình hoạt động của họ và họ
cũng gửi đại diện của đoàn thể đi nói chuyện với các đại diện dân cử cấp
tiểu bang và địa phương của họ. Vì các người thu nhập thấp ở thuê tại
các khu gia cư công lập rất ít khi họp lại thành các nhóm lợi ích có ảnh
hưởng ở cấp quốc gia nên các hiệp hội của các cơ quan cung cấp nhà
này là tiếng nói quan trọng cho thành phần dân số có thu nhập thấp trong
diễn trình chính trị tại Mỹ.
Các đoàn thể liên chính quyền
Một loại đoàn thể có liên hệ tới loại đoàn thể trên là các nhóm lợi ích đại
diện các đơn vị chính quyền tiểu bang và địa phương vận động cho lợi
ích của mình trên tầm mức quốc gia. Tuy các đoàn thể này không có vai
trò chính thức nào trong tổ chức liên bang của Mỹ - trong đó thẩm quyền
được phân chia cho từng cấp chính quyền toàn quốc, tiểu bang và địa
phương - họ cũng hoạt động như các nhóm lợi ích khác. Nghĩa là họ đạo
đạt quan điểm của họ tới các đại biểu Quốc hội, tới chính quyền và bênh
vực cho lập trường của họ trước giới truyền thông. Hiệp hội các Thống
đốc (National Governors' Association, NGA) và Hội nghị Toàn quốc của
các Viện Lập pháp Tiểu bang (National Conference of State
Legislatures) là các thí dụ điển hình. Vì các thống đốc tiểu bang có
nhiệm vụ trực tiếp quản lý trách nhiệm chính trị trong việc thi hành các
chương trình an sinh xã hội do chính quyền liên bang giao cho, nên
NGA đặc biệt có ảnh hưởng giúp các đại biểu Quốc hội soạn thảo luật
về an sinh xã hội. Các lợi ích tổng quát về định chế của các hạt
(counties)[2] được đại diện bởi Hiệp hội Quốc gia các Hạt (National
Association of Counties), lợi ích của các thành phố thì được đại diện

được bởi Liên đoàn Quốc gia các Thành phố (National League of Cities)
và Hội nghị các Thị trưởng Hoa kỳ (U.S. Conference of Mayors).
Các nhóm lợi ích công cộng
Loại nhóm lợi ích phát triển nhanh nhất từ năm 1970 đến nay là "nhóm
lợi ích công cộng". Nhà nghiên cứu chính trị Jeffrey Berry định nghĩa
nhóm lợi ích công cộng là nhóm ủng hộ những mục tiêu không trực tiếp
có lợi vật chất cho thành viên của nhóm nhưng nhóm cổ võ cho những
giá trị liên hệ tới toàn thể xã hội. Những nhóm lợi ích công cộng đầu tiên
xuất phát từ những phong trào đòi quyền công dân, quyền phụ nữ và bảo
vệ môi sinh trong những năm 1960. Những người ủng hộ cho các cuộc
tranh đấu này qua thời gian đã tiến hóa từ cách phát biểu quan điểm của
mình bằng biểu tình phản đối chuyển sang chương trình hành động có tổ
chức trong hệ thống chính trị. Về sau các nhóm lợi ích công cộng hoạt
động về những vấn đề mới như quyền của những người khuyết tật, ngăn
ngừa việc ngược đãi trẻ em hay ngăn ngừa bạo lực trong gia đình, và
quyền của những người đồng tính luyến ái. Những nhóm này là những
đoàn thể tranh đấu đòi các chương trình có lợi cho người nghèo. Trong
số các đoàn thể tiên tiến thuộc loại này có những đoàn thể như Liên
minh Gia cư của giới có thu nhập thấp (National Low Income Housing
Coalition), Quỹ bảo vệ trẻ em (Children's Defense Fund), và Công dân
(Public Citizen) dưới sự lãnh đạo của Ralph Nader, người tranh đấu cho
quyền lợi của người tiêu thụ.
Các nhóm lợi ích công cộng thường không có nhiều nguồn tài trợ như
các nhóm doanh nghiệp. Tuy các vấn đề họ tranh đấu thường được đa số
công chúng tán trợ (căn cứ theo các cuộc thăm dò dân ý), nhưng chỉ một
số rất ít các nhóm này có nhiều hội viên trong quảng đại quần chúng.
Một trong những lý do là vì các mục tiêu của họ không cụ thể nên công
chúng thấy không cần phải chính thức gia nhập, hay ít ra là không cần
phải tích cực tham gia, mà vẫn được hưởng lợi ích. Tuy nhiên những
nhóm này đã dùng kỹ năng và các nỗ lực thâu thập thông tin của mình

để nêu ra các vấn đề mà các nhóm khác không nêu ra. Lúc đầu đa số các
nhóm lợi ích thường có khuynh hướng thiên tả. Tuy nhiên những năm
gần đây các nhóm bảo thủ cũng đã lập những nhóm riêng của mình,
phần lớn là để đối phó với các chuyển biến mà họ cho là quá cấp tiến
trong chính sách công vào những năm 1960 và 1970. Đi hàng đầu trong
những nhóm lợi ích công cộng thuộc loại này là các đoàn thể như Hiệp
hội Toàn quốc những Người Đóng thuế (National Taxpayer's Union) và
Hội của những Phụ nữ có những Quan tâm (Concerned Women for
America). Các tổ chức tham mưu (think tank) bảo thủ như Quỹ Di sản
(Heritage Foundation) cũng có thể hoạt động như những nhóm lợi ích vì
các công trình nghiên cứu của họ thường hỗ trợ cho quan điểm bảo thủ
của họ. Đối với phe tự do thì có lẽ Viện Đô thị (Urban Institute) cũng có
vai trò tương đương.
Các nhóm lợi ích trong nước này cũng giống như các tổ chức phi chính
phủ (Non-Governmental Organizations, NGOs) đã xuất hiện trên địa bàn
quốc tế từ những năm 1980. Thực vậy, một số đoàn thể Mỹ có quan hệ
mật thiết với các NGO quốc tế. Đối với các đoàn thể quốc tế cũng như
quốc nội, hậu thuẫn của các đoàn thể này là các công dân quan tâm đến
các vấn đề xã hội nói chung chứ không phải tới các lợi ích kinh tế trực
tiếp.
Các giới hạn về sự hữu hiệu của các nhóm lợi ích
Qua các nhận định sơ lược trên, ta thấy trên chính trường Hoa kỳ có rất
nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng có nhiều tài liệu nghiên cứu cho
thấy sự hữu hiệu trong việc phổ biến quan điểm của các nhóm này cũng
khác nhau rất nhiều. Sự khác biệt đó xuất phát từ cách các nhóm đó huy
động các nguồn tài nguyên chính trị chính của mình như số hội viên,
mức độ hoạt động tích cực và lâu bền, tiền và thông tin.
Số lượng và sự gắn bó giữa các hội viên
Hợp lý ra thì ta có thể cho rằng các nhóm lợi ích có hậu thuẫn lớn trong
dân chúng chắc phải có ảnh hưởng nhiều hơn. Các đại biểu dân cử tranh

đấu cho các chính sách được đa số tán thành trong các cuộc thăm dò ý
kiến vì họ muốn lôi kéo thêm các cử tri trong số các người này vào liên
minh giúp họ thắng cử. Tuy nhiên có nhiều yếu tố khiến cho vấn đề này
thêm phức tạp.
Quả thực là có hàng triệu người thuộc vào các nhóm lợi ích và có một số
đoàn thể như hội Sierra Club bảo vệ môi sinh và AFL/CIO[3], tổ chức
công đoàn, là các đoàn thể rất lớn. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì ta thấy
rằng đa số các đoàn thể có tính cách quẩn chúng thực ra số hội viên ghi
danh chỉ là một tỷ số rất nhỏ của những người tiềm ẩn ủng hộ cho họ
nhưng không ghi danh là hội viên. Chẳng hạn, các cuộc thăm dò ý kiến
cho thấy đa số dân Mỹ tán thành phải có luật về môi trường chặt chẽ
hơn. Những người tán thành này tạo thành một khối hàng triệu người
đứng sau các nhóm lợi ích về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đoàn thể
bảo vệ môi trường lớn nhất cũng chỉ có dưới một triệu hội viên. Con số
tương đối khá nhỏ này rất hợp với nguyên tắc tổng quát là số công dân
tham gia các nhóm lợi ích chỉ là một phần rất nhỏ của dân số Hoa kỳ.
Nhà kinh tế đã quá cố Mancur Olson đưa ra một cách giải thích hợp lý
nhất cho hiện tượng này. Ông lập luận rằng đứng về phương diện kinh tế
thì việc một nhóm lợi ích đạt được thành tích là một "điều lợi ích
chung." Nghĩa là thành công của nhóm là điều lợi ích cho tất cả những
người tán thành lập trường của nhóm, dù các người đó có thực sự tham
gia nhóm hay không. Do đó nếu loài cá voi được cứu khỏi bị diệt chủng
thì người ta cũng cảm thấy hài lòng dù người ta có đóng lệ phí gia nhập
cho nhóm "cứu cá voi" hay không. Lẽ dĩ nhiên cũng đúng là nếu không
ai đóng góp gì thì nhóm sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, đối với những
đoàn thể lớn thì sự đóng góp của mỗi hội viên mới gia nhập cũng chỉ có
tính cách thêm thắt thôi. Do đó, dù nhóm có hàng ngàn người tham gia
nhưng cũng có rất nhiều người khác không tham gia hay không hoàn
toàn tham gia. Những người này trở thành những "người hưởng theo,"
nghĩa là được hưởng lợi ích trong khi các người khác tích cực tham gia

hay đóng góp.
Một vấn đề quan trọng nữa đối với các nhóm có tính cách quần chúng là
làm sao khiến sự hậu thuẫn của các hội viên của mình trở thành các lá
phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ cho mục đích của nhóm. Bỏ phiếu là
một hành động khá phức tạp bị chi phối bởi nhiều động cơ và ảnh hưởng
khác nhau như cá tính của ứng viên, sự trung thành với đảng và một số
các vấn đề khác. Các tài liệu nghiên cứu về bỏ phiếu cho thấy nhiều cử
tri không biết hết về các quan điểm về chính sách của ứng viên mà họ bỏ
phiếu ủng hộ. Do đó, các nhóm thường khó mà chứng minh được rằng
các phiếu [bỏ cho ứng cử viên] của các người hậu thuẫn cho nhóm chính
yếu là do các vấn đề do nhóm nêu ra. Nhóm nào có thể khiến cho các
ứng viên tin là nhóm có khả năng huy động phiếu thì sẽ được các ứng
viên nể vì. Chẳng hạn như Hiệp hội Quốc gia của các người dùng súng
(National Rifle Association, NRA), chống luật kiểm soát dùng súng, đã
thuyết phục các ứng viên vào quốc hội là các hội viên của họ sẽ không
bỏ phiếu cho ứng viên chỉ vì vấn đề này. Vì vậy NRA đã có ảnh hưởng
lớn không tương xứng với số hội viên của hội, mặc dầu phần lớn dân
Mỹ đều ủng hộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
Vì huy động một số hội viên quần chúng lớn là điều khó nên ta cũng
không ngạc nhiên khi thấy các nhóm nhỏ hơn, chặt chẽ hơn và tranh đấu
mạnh hơn thường có ảnh hưởng nhiều hơn so với số lượng hội viên nhỏ
của họ. Thứ nhất là nhóm càng nhỏ thì sự đóng góp của mỗi hội viên lại
có giá trị quan trọng hơn, do đó số người "hưởng theo" cũng ít đi. Thứ
hai là, trước khi có trang mạng, liên lạc giữa các nhóm nhỏ dễ hơn và do
đó dễ huy động hơn. Nếu các lợi điểm này của nhóm nhỏ lại được tăng
cường bởi sự gắn bó giữa quyền lợi của nhóm với kết quả của việc thay
đổi chính sách thì ngay cả một nhóm nhỏ có thể rất mạnh.
Tiền
Những năm gần đây tiền đã trở thành quan trọng hơn trong chính trị Hoa
kỳ vì chi phí tranh cử leo thang. Các luật hiện tại giới hạn tiền đóng góp

tranh cử có những kẽ hở còn các đại biểu dân cử của cả hai đảng lại
ngần ngại không muốn ủng hộ sửa đổi hệ thống hiện hành vì sợ có thể
tạo ra lợi thế cho đối thủ. Các nhóm lợi ích có nhiều ảnh hưởng nhất
trong các cuộc tranh cử toàn quốc thường tự nguyện đóng góp cho các
ứng viên tới hàng trăm ngàn đô-la.
Thêm vào đó, cũng cần có nhiều nguồn tài chánh để duy trì sự hiện diện
của mình tại [thủ đô] Washington trong thời gian không có bầu cử. Một
đoàn thể cần có nhân viên chuyên môn để ảnh hưởng tới các dự thảo luật
liên hệ tới quyền lợi của họ. Ngoài ra lại còn cần có nhân viên để phục
vụ và liên lạc với các hội viên. Đoàn thể nào không luôn luôn có mặt ở
Washington không thể nào vận động ngầm về các chi tiết của dự luật.
Thành tích này là dấu hiệu chứng tỏ sự thành công của một nhóm lợi
ích.
Tiền cũng liên quan mật thiết tới những yếu tố như số lượng và sự gắn
bó của hội viên. Để đối phó với vấn đề các người hưởng theo thì các
đoàn thể phải thu hút được các người gọi là "kinh doanh chính sách" -
tức là các người muốn được hưởng lợi về vật chất, nghề nghiệp hay ý
thức hệ qua việc tổ chức một đoàn thể thành công. Muốn làm như vậy
thì hội viên tiềm ẩn của đoàn thể phải có tài nguyên dư để làm cơ sở tổ
chức có nhiều hứa hẹn. Nhu cầu cần có tiền dư này tạo ra mức tối thiểu
về nguồn thu mà nếu ở dưới mức tối thiểu đó thì những nhóm tiềm ẩn
khó có thể lập lên được. Vì lý do này, tương đối có rất ít nhóm trực tiếp
đại diện cho người nghèo.
Tuy nhiên, trên mức tối thiểu này thì vai trò của tài nguyên trở nên phức
tạp hơn. Theo sự suy luận bình thường ta có thể nói rằng một đoàn thể
có một triệu hội viên, mỗi người đóng $5 thì cũng có thể quyên được 5
triệu đô-la như một đoàn thể có 10 ngàn hội viên mà mỗi người đóng
$500. Nhưng chỉ khi nào ta kể đến vấn đề người "hưởng theo," thêm vào
đó là chi phí nhiều cần cho một đoàn thể có nhiều hội viên thì lúc bấy
giờ mới thấy rõ các bất lợi của một đoàn thể lớn.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới sự huy động tài nguyên của một đoàn thể
là hội viên của đoàn thể đó gồm các cá nhân hay các tổ chức khác.
Nhiều nhóm lợi ích có thế lực thực ra là một tập hợp của nhiều tổ chức.
Các tổ chức này bao gồm hội các ngành nghề, hội chuyên nghiệp và hội
đại diện cho các cơ quan công và tổ chức không vụ lợi cung cấp các dịch
vụ. Một đoàn thể gồm nhiều đoàn thể khác không cần phải liên lạc với
nhiều thành viên nhưng vẫn có thể nhận là mình đại diện cho hàng ngàn
người liên hệ với các thành viên đó. Hơn nữa các thành viên cũng có thể
sử dụng những tài nguyên sẵn có của tổ chức, thay vì là bỏ tiền riêng của
mình, để hỗ trợ cho đoàn thể.
Thông tin
Ngoài sự tham gia của hội viên và tiền thì thông tin là nguồn tài nguyên
mạnh mẽ nhất mà nhóm có được. Thông tin được trao đổi bằng nhiều
cách. Trước hết, thông tin được chuyển từ các nhóm lợi ích tới những
người làm quyết định. Các nhóm có kiến thức chuyên môn mà người
làm luật không có. Ngược lại các nhóm rất muốn cho các nhà làm luật
biết về những vấn đề mà nhóm quan tâm. Thực ra các thông tin họ cung
cấp thường có khuynh hướng thiên lệch thuận lợi cho lợi ích của họ. Các
nhà làm luật rất ý thức được sự thiên lệch đó nhưng có thể vẫn thấy là
thông tin có ích lợi. Một trong những ưu thế có sự hiện diện thường
xuyên tại Washington là có cơ hội cung cấp thông tin cho các nhà làm
luật vào những điểm then chốt của diễn trình làm luật.
Điểm thứ hai là thông tin từ ngành lập pháp và hành pháp tới các nhóm
lợi ích. Nhân viên của các nhóm lợi ích theo dõi các điều dự thảo trong
luật và do đó biết lúc nào là lúc thuận lợi nhất để ảnh hưởng vào diễn
trình làm luật. Các quan hệ không chính thức với nhân viên của Quốc
hội cũng tạo cơ hội để được ra trình bầy trong các buổi điều trần và huy
động các hội viên của nhóm vào lúc dự thảo luật sắp được đưa ra biểu
quyết. Qua quá trình này các nhóm biết cơ quan nào, người nào có ảnh
hưởng nhất và chiến lược nào tốt nhất để khiến họ hưởng ứng. Đôi khi

các nhóm này lại còn có thể [vận động] sửa lại chi tiết văn bản trong dự
luật của Quốc hội làm thay đổi cả ảnh hưởng của luật.
Sau hết các nhóm lợi ích trao đổi thông tin với các hội viên và các người
khác. Nhóm có thể tiến hành một cuộc điều tra hay thuê làm một cuộc
nghiên cứu để vấn đề gây ấn tượng mạnh hơn. Nếu họ lôi kéo được sự
chú ý của giới truyền thông thì các nhà làm luật bị áp lực bắt buộc phải
đáp ứng. Các nhóm cũng yêu cầu hội viên cung cấp thông tin và thông
báo cho hội viên về các quyết định sắp được đưa ra. Phần nhiều khi luật
đang được dự thảo, chỉ có một số ít công dân tiếp xúc với đại diện dân
cử của họ. Do đó, nếu nhóm có thể phát động hội viên gửi một lúc tới
200 cái thư [cho các dân biểu] thì ảnh hưởng sẽ mạnh chẳng khác gì một
cơn bão thư [thỉnh nguyện].
Sự phát triển nhanh của mạng lưới trong 5 năm vừa qua đã làm giảm chi
phí liên lạc cho một số lớn dân chúng. Đa số các nhóm lợi ích đều có
trang mạng và họ đều dùng điện thư để liên lạc với các hội viên và các
hội viên cũng dùng điện thư để liên lạc với những người có quyền quyết
định. Tuy nhiên các phương tiện này còn mới nên các nhóm hãy còn
trong giai đoạn học cách sử dụng chúng thật hữu hiệu. Do đó còn quá
sớm để có thể xác định là các phương tiện đó ảnh hưởng nhiều hay ít
trong việc giúp các nhóm lợi ích gây ảnh hưởng.
Một thí dụ mới đây về ảnh hưởng đó là việc dùng một số trang mạng của
phe bảo thủ để phổ biến các thông tin bất lợi về nguyên tổng thống Bill
Clinton, trong số đó có những thông tin chính xác nhưng cũng có những
điều bịa đặt và bóp méo trắng trợn. Sự kiện đó có lẽ cũng giúp đẩy mạnh
áp lực đưa Clinton ra đàn hạch mặc dầu đa số dân Mỹ vẫn không muốn
như vậy. Trừ phi có những thế lực kinh tế quan trọng tìm ra được một
cách gì để giới hạn việc xử dụng mạng và khiến cho việc xử dụng tốn
kém hơn thì phương tiện này có triển vọng sẽ dân chủ hóa việc đối thoại
chính trị. Mặt khác, cũng có thể là mạng sẽ khiến cho nhân dân phân hóa
ra thành những nhóm nhỏ liên lạc với nhau bằng phương tiện điện tử

nhưng lại tự giam mình trong những thế giới quan ngày càng kỳ quặc.
Tiến tới việc thành lập các nhóm lợi ích công hữu hiệu hơn
Vì các lý do này mà người ta thích lập những nhóm nhỏ hơn, chặt chẽ
hơn và có nguồn tài chánh tốt hơn thay vì là các nhóm đại diện cho một
số lớn quần chúng. Các lợi ích riêng biệt thường cũng có thế hơn là các
lợi ích chung chung mà người ta có thể gọi là lợi ích của dân chúng. Tuy
nhiên, sự xuất hiện nhanh và nhiều của các nhóm lợi ích công trong
những năm gần đây khiến cho hệ thống các nhóm lợi ích nói chung đại
diện cho các ý kiến khác biệt của người dân Hoa kỳ. Các nhóm lợi ích
công thường cũng đánh bại được các nhóm đối lập có tài chính dồi dào
hơn. Nhưng nói cho cùng thì các đại diện dân cử đều biết rằng phải có
tiền thì mới thắng phiếu. Nhiều khi các nhóm lợi ích quần chúng không
đủ cho người ta tin cậy là sẽ vận động được phiếu của hội viên, ngược
lại các hội doanh nghiệp và các công ty lớn thì luôn đáng tin cậy là họ sẽ
bỏ ra tiền để cho ứng viên chi phí cho việc vận động trên truyền hình.
Một yếu tố quan trọng nhưng lại thiếu trong các nhóm lợi ích công là
các nhóm này không thực sự là các tổ chức chính trị có tính cách quần
chúng. Thường thì các nhóm này chỉ có một số nhân viên ít ỏi. Đứng
đằng sau nhóm có hàng ngàn hội viên nhưng quan hệ của hội viên với
nhóm chỉ giới hạn trong việc đôi khi đóng góp tài chánh cho hội. Cơ cấu
này khác hẳn với các tổ chức chính trị có tính cách quần chúng trước kia
trong đó các phong trào toàn quốc được xây dựng từ những tổ chức địa
phương nhỏ gồm những hội viên thường xuyên gặp nhau. Ngoại trừ một
số nhỏ các hội viên tích cực hoạt động, các hội viên của các nhóm ngày
nay ít khi gặp nhau.
Mới đây các nhà quan sát xã hội Hoa kỳ càng ngày càng trở nên bận tâm
vể sự tham gia ngày càng ít đi của dân chúng vào cộng đồng. Sự suy
giảm này thể hiện ngay cả trong các tổ chức chính trị cũng như không
chính trị. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích: truyền hình làm cho
người ta ít ra ngoài; có người phải làm hai việc hay có gia đình chỉ có

một gia trưởng thành ra người lớn ít có thì giờ rảnh rỗi; thêm vào đó
người ta hoài nghi các chiến dịch trong đó hệ thống truyền thông giữ vai
trò chủ chốt nhắm vào các cá nhân hay các vụ tai tiếng thay vì là tập
trung vào các vấn đề có ý nghĩa.
Dù vì lý do nào chăng nữa, nếu một nhóm lợi ích có thể huy động hữu
hiệu dân chúng qua các chi hội quần chúng địa phương thì nhóm đó sẽ
có một thế chính trị rất mạnh. Nhóm sẽ có một cơ sở hội viên vững chắc
để liên lạc một cách ít tốn kém qua các nguồn truyền tin đã có sẵn. Bằng
cách phối hợp cả vận động trên bình diện toàn quốc lẫn tiếp xúc trực tiếp
với ứng viên và các viên chức ở địa phương, nhóm có thể lập luận một
cách rất thuyết phục là hội viên của nhóm sẽ bỏ phiếu căn cứ trên các
vấn đề nhóm đưa ra. Như vậy nhóm sẽ thực sự là một phong trào quần
chúng chứ không phải là một nhóm nhỏ những người ưu tú được người
ta bỏ tiền ra để tranh đấu.
Tuy nhiên lập được một nhóm như vậy cũng có những trở ngại rất lớn
lao. Lúc đầu cần phải có nhiều tiền để hỗ trợ cho các cuộc vận động tổ
chức nhóm tại địa phương. Nhóm cũng phải chế ngự được cái xu hướng
tách rời vấn đề địa phương với vấn đề quốc gia trong xã hội Hoa kỳ. Sau
hết, lại phải làm sao lôi kéo mọi người ra khỏi cái xu hướng chỉ chú
trọng vào các vấn đề do các hệ thống truyền thông toàn quốc nêu ra mà
sao lãng việc trực diện tiếp xúc với người ở cùng địa phương với mình.
Một dấu ấn chứng tỏ một xã hội thực sự dân chủ là xã hội phải khiến
cho người dân tạo ra và huy động những phương thức hoạt động chính
trị khác khi họ cho rằng các thế lực kinh tế hay nhân viên chính quyền
đã vi phạm quyền lợi của họ. Theo nghĩa đó các nhóm lợi ích có tổ chức
giữ một vai trò rất quan trọng. Các nhóm này giúp dân chúng huy động
hữu hiệu hơn các nguồn tài nguyên của mình như: bỏ phiếu, tự do ngôn
luận, tự do hội họp và áp dụng quá trình luật pháp.


×