thuyết minh về con Trâu
Trâu là một loài động vật thuộc họ móng guốc (trâu bò). Chúng sống hoang dã ở Pakistan, Ấn
Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Thái Lan và Việt Nam, ngoài ra trâu cũng sống hoang dã ở phía
bắc Úc. Trâu rừng vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên ở Đông Nam Á, nhưng số lượng trâu hoang
dã không còn nhiều, và người ta lo ngại rằng trâu rừng hoang dã thuần chủng không còn tồn tại
nữa. Tại Việt Nam vẫn có trâu rừng, nhưng số lượng còn rất ít, chúng phân bố dọc dãy Trường
Sơn, trong đó có khu vực miền tây Thanh Hóa giáp với Lào. Nhiều đàn trâu đã được thuần
dưỡng và lai. Trâu có 2 loại: loại màu da xanh đen (trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu
trắng).
Trâu lúc trưởng thành nặng khoảng từ 250 đến 500 kg. Loài trâu rừng hoang dã lớn hơn thế rất
nhiều, con cái có thể nặng 800 kg, con đực lên tới 1,2 tấn, và cao tới khoảng 1,8 m. Trâu rừng
châu Á có cặp sừng dài nhất trong số các loài thú có sừng trên thế giới. Mới đây, tại Việt Nam,
một bộ sừng trâu rừng lớn chưa từng thấy đã được phát hiện, ước đoán to hơn trâu rừng hiện
nay rất nhiều
Trâu được thuần dưỡng là một gia súc rất quan trọng trong đời sống người dân một số vùng ở
châu Á. Chúng cho sức kéo, thịt và sữa. Ấn Độ là nước nuôi nhiều trâu nhất trên thế giới. Ở
nước này người ta sử dụng sữa và thịt của trâu thay cho bò.
Con trâu trong văn hóa Việt
Vai trò của con trâu
* Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu:
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay
Để nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông thì có câu:
Ruộng sâu, trâu nái
Con trâu còn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn: chăn trâu thì gần gũi, vui đùa với
trâu, tắm trâu, phơi áo trên lưng trâu, thả diều
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cái cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
* Con trâu cũng có mặt trong lễ hội đình đám Việt Nam như tục chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải
Phòng), tục đâm trâu ở Tây Nguyên.
* Trong văn học cổ Việt Nam có truyện thơ Lục súc tranh công'
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, câu tục ngữ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam đã có
từ xa xưa nhưng bây giờ hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau được xem là hình ảnh biểu
hiện của một nền nông nghiệp lạc hậu của Việt Nam.
Dù nói gì thì nói, con trâu vẫn là người bạn thân thương của nông dân Việt Nam tự bao đời nay
với những câu ca “trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”. Vậy mà giờ đây, có nơi
người ta đang tìm cách bảo tồn con trâu, sợ rồi một ngày nào đó, trẻ em, học sinh Việt Nam chỉ
còn biết con trâu trong sách giáo khoa.
Đọc trên báo, thấy tỉnh Đồng Tháp trước đây có hàng chục ngàn con trâu, nay chỉ còn vài trăm
con, thậm chí ngành chăn nuôi thú y của tỉnh đang kêu gọi tìm cách bảo tồn đàn trâu. Ở An
Giang cạnh đó và nhiều tỉnh lúa khác của vựa lúa miền Tây, rồi hàng loạt tỉnh ở miền Trung,
miền Bắc cũng tương tự.
Đàn trâu giảm nhanh cũng đúng thôi. Hai chục năm trước, nền nông nghiệp trong nước với sức
kéo cày trên đồng ruộng chủ yếu là trâu, bò. Nay nông nghiệp phát triển, nông dân có tiền mua
sắm máy cày kéo thay trâu, rồi đồng cỏ chăn thả mênh mông ở nông thôn nay được trồng luá,
trồng bắp thì lấy đâu có chỗ cho trâu bò gặm cỏ. Với nhiều người dân ở nông thôn, bây giờ nuôi
trâu, lấy sức kéo là phụ, mà nuôi bán thịt là chính, ngược lại hoàn toàn với trước kia.
Những ai đã từng chăn trâu, chăn bò, thế nào cũng hiểu được sự khác biệt giữa hai loài vật
nhai lại này. Bò, có ưu điểm ngoài cày kéo, cung cấp thịt còn có thể nuôi nhốt mà không cần
chăn thả nhưng điểm yếu lại là sức kéo không mạnh, không dẻo dai như trâu.
Trâu, có ưu điểm là dẻo dai, có thể cày bừa ở ruộng sâu (nên mới có câu: “ruộng sâu trâu
nái”), ruộng nhiều bùn, lún mà bò không thể cày được nhưng nhược điểm thì trâu khó nuôi nhốt
như bò, cần phải chăn thả. Ngoài ra, thịt bò được người tiêu dùng khoái hơn thịt trâu và đây
cũng là lý do khiến đàn trâu giảm nhanh, trong khi nuôi bò giết thịt trong nước phát triển mạnh.
Ngành nông nghiệp bây giờ cũng đang lúng túng trước việc đàn trâu giảm quá nhanh, vừa biểu
hiện cuả cơ giới hóa đồng ruộng đang ngày một tăng nhưng cũng lo lắng bởi ở Việt Nam, còn
lâu máy móc có thể hoàn toàn thay thế con trâu.
Trước kia, vì sức kéo trên đồng dựa vào trâu bò, ngành nông nghiệp đã chi không ít tiền cho
việc nhập khẩu trâu giống to, khỏe từ nước ngoài để nâng cấp đàn trâu trong nước. Thậm chí có
người chăn trâu giỏi được phong tặng Anh hùng Lao động. Hơn chục năm qua, các trung tâm
nghiên cứu trâu, các dự án lai tạo, phát triển đàn trâu biến mất trong các báo cáo hàng năm
cuả ngành nông nghiệp.
Đất nông nghiệp của ta vốn phân tán, manh mún, địa hình lại không bằng phẳng. Như ở miền
Tây, đất đai cò bay thẳng cánh thì việc cày bừa bằng máy có vẻ dễ dàng nhưng ở miền Trung,
miền Bắc thì khác, thửa đất 2.000-3.000 mét vuông rất hiếm cho máy móc dụng võ. Máy móc
chắc chắn sẽ chẳng có hiệu quả cày kéo bằng con trâu nếu thửa ruộng chỉ có vài trăm mét
vuông, hay ruộng trũng, luôn ngập nước. Máy móc cũng chẳng thể phát huy tác dụng bằng con
trâu nếu đó là đầt đồi địa hình không bằng phẳng.
Cơ giới hóa, hiện đại hóa với ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đơn giản là loại bỏ con
trâu ra khỏi đời sống người nông dân, nơi nó từng gắn bó nhưng cũng là hình ảnh để báo chí
bảo rằng nông nghiệp lạc hậu.
Với đà suy giảm đàn trâu như hiện nay, cũng không có gì lạ nếu một ngày nào đó, Chính phủ
hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải chi tiền để triển khai các dự án phát triển đàn
trâu. Nó cũng tương tự như cây lúa, cũng chẳng có gì khó hiểu nếu một ngày nào đó, Việt Nam
trở thành nước nhập khẩu gạo nếu cứ mỗi năm, gần 100.000 héc ta đất nông nghiệp được
chuyển thành đất ở, thành khu công nghiệp.
Không phải cái gì được xem là lạc hậu thì phải từ bỏ nó trong quá trình phát triển. Con trâu là
hình ảnh sinh động nhất để nói lên điều này.