Tình yêu tuổi học trò
Không ngày nào không có các bậc phụ huynh gọi đến trung
tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân về nỗi lo con yêu sớm, nhất
là con gái. Có lẽ đây là một hiện tượng xảy ra ngày càng
nhiều trong thời gian gần đây và nếu không có biện pháp
ngăn chặn kịp thời thì sẽ trở thành “hiểm họa” đối với thế
hệ trẻ.
Các nghiên cứu về tuổi vị thành niên cho thấy, tuổi dậy thì
của trẻ nhỏ ngày nay so với cách đây vài ba thập kỷ sớm
hơn từ 2 đến 3 năm. Đặc biệt với con gái, tuổi dậy thì sớm
hơn con trai trung bình một năm nữa, nhiều em có kinh
nguyệt ngay từ tuổi lên 10.
Hiện tượng này do hai nguyên nhân cơ bản là điều kiện
sinh hoạt và điều kiện xã hội. Một là do mức sống ngày nay
cao hơn ngày trước, các em được ăn uống đầy đủ nên sớm
phát triển về mặt sinh lý, hai là xã hội ngày nay có nhiều
điều kiện để các em sớm tiếp xúc với những thông tin về
yêu đương và tình dục qua các phương tiện nghe nhìn hiện
đại, nhất là thông tin từ mạng internet đang ngày càng phổ
cập. Nhiều người cho rằng một cháu gái lên 10 tuổi hiện
nay có thể hiểu biết bằng lứa tuổi 15, 16 trước đây về nhiều
mặt.
Mặt khác, do thời gian gần đây văn học, điện ảnh cũng khai
thác nhiều đề tài yêu đương đáp ứng nhu cầu của khán giả
thời bình. Bật ti-vi lên lúc nào cũng song hành cùng lúc
mấy kênh phim truyện trong và nước ngoài, trong đó có cả
phim yêu đương mùi mẫn.
Nhiều gia đình có phòng riêng cho con với một bộ máy vi
tính hoàn hảo, đủ cả webcam để chát với bạn có hình ảnh,
mặc con tha hồ lên mạng tìm đủ loại thông tin, download
các bài hát về yêu đương sướt mướt.
Khảo sát thực tế còn cho thấy khi con đến độ tuổi từ 10-15
thì cha mẹ thường đang ở độ tuổi từ 40-45 là tuổi đang
bươn chải hoặc say mê công danh, sự nghiệp… nên không
đủ thời giờ đôn đốc, kiểm soát việc học hành, sinh hoạt của
con.
Đặc biệt, với những gia đình “hạt nhân” chỉ có cha mẹ và
con cái chưa trưởng thành, không ở cùng với ông bà thì cha
mẹ đi làm cả ngày, giao phó cho con hoàn toàn tự giác học
tập. Khi điều tra về một số trường hợp các em nhỏ đã sớm
yêu đương lãng mạn, thậm chí sa đọa, trác táng, chúng tôi
nhận thấy phần lớn thuộc các gia đình tầng lớp trung lưu
trở lên.
Bên cạnh những em biết tận dụng điều kiện của mình để
học hành đến nơi đến chốn thì có không ít em lợi dụng cha
mẹ bận việc để chơi bời, yêu đương trở thành hư hỏng. Khi
nhà trường mời đến bàn biện pháp giáo dục thì cha mẹ mới
ngã ngửa người và quay sang quản lý con hà khắc gần như
“tù giam lỏng”.
Cá biệt, có phụ huynh đưa con đi học rồi ngồi quay ở cổng
trường đợi, đến khi tan học chẳng thấy con đâu, hóa ra con
trèo tường ra ngoài đi chơi từ lúc nào. Lúc ấy, cha mẹ mới
nhận ra con mình đã quá hư hỏng, lo lắng đến mất ăn mất
ngủ, bỏ cả công việc làm ăn, dùng đủ mọi biện pháp từ răn
đe đến chửi mắng, đánh đập, không hiệu quả mới gọi đến
tư vấn tâm lý và lúc ấy việc giáo dục khó hơn rất nhiều lần.
Nếu như nỗi lo lớn nhất của cha mẹ với con trai là nghiện
hút thì với con gái là yêu đương buông thả ở tuổi học trò.
Có trường hợp hai em học sinh lớp 11 gọi điện đến tư vấn
tâm lý “kêu cứu” vì họ đang gặp tình yêu “ngang trái”, họ
rất yêu nhau nhưng bị bố mẹ ngăn cấm.
Song càng cấm thì đôi bạn trẻ càng yêu tha thiết, mặc cho
bố mẹ cô bé giam giữ, đánh đập đến mức trói con vào cái
thang nhôm. Nhưng khi thả ra, các em lại lén lút gặp nhau
và trong trạng thái yêu đương mê mẩn đó, họ đã ăn nằm với
nhau.
Tình yêu có những đặc điểm không giống những tình cảm
khác. Như dòng nước nếu để bình thường nó chảy trôi êm
ả, nhưng nếu be bờ, đắp đập lập tức nó dâng lên thành thác,
thành ghềnh.
Chuyện “giam lỏng con” ngày nay có lẽ không còn là cá
biệt, vì các bậc phụ huynh coi đó là biện pháp hữu hiệu để
ngăn chặn những tình yêu học trò không có cơ hội đi xa
hơn.
Nhưng trong nhiều trường hợp có tác dụng ngược lại, nó
làm tình yêu si mê trở nên cuồng dại hơn. Những em gái
15,16 tuổi bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của tình yêu nằm
trong trường hợp đó.
Nguyễn Thị Th. là một cô bé mới học lớp 10, khi bị cha mẹ
quyết tâm ngăn không cho yêu một anh chàng lớp 12 đã
nghĩ ra trăm phương nghìn kế để gặp bằng được người yêu.
Bị cấm không được sử dụng điện thoại, không được ra khỏi
nhà mà không có lý do chính đáng, Th. tranh thủ cả vài
phút đi đổ rác để gặp người yêu lúc nào cũng đứng chờ gần
nhà với áo vét trùm kín đầu, đeo kính râm và khẩu trang,
mũ sụp xuống tận mắt. Họ nói với nhau vài câu, giúi vào
tay nhau lá thư cuộn lại bé như đầu đũa rồi vội vã chia tay.
Nhiều em gái vị thành niên tìm mọi cách liên lạc với người
yêu bằng cách bịa ra chuyện đi học thêm. Có khi còn nhờ
bạn gái đến nhà rủ đi cổ vũ các bạn nam đá bóng cho lớp
chẳng hạn. Thiên hình vạn trạng, cha mẹ không làm sao
biết được thực hư. Có em lập “hòm thư mật” ở gốc cây đầu
phố để trao đổi thư từ với người yêu.
Những chuyện tương tự trước đây, nếu có, chỉ xảy ra với
thanh niên đã trưởng thành thì ngày nay xảy ra với cả các
em chưa đến tuổi 16. Có nhiều gia đình cha mẹ đi suốt
ngày giao nhà cho con gái cai quản. Họ không thể ngờ là
cha mẹ vừa đi thì con lấy điện thoại gọi người yêu đến “học
nhóm” trong căn phòng cửa đóng then cài, khi con đã có
thai đến tháng thứ ba mới đành phải thú tội với cha mẹ để
đi giải quyết hậu quả.
Từ những thực tế trên đây có thể lấy câu “phòng hỏa hơn
cứu hỏa” để áp dụng vào việc quản lý con là phòng con hư
hơn là để nó hư rồi mới tìm cách cứu chữa.
Cha mẹ không nên nối mạng internet cho con mà không
quản lý chặt chẽ, để một mình con trong phòng riêng muốn
xem gì thì xem, xem bao nhiêu tùy thích. Bởi vì trên mạng
không thiếu gì những website độc hại với những phim ảnh
đồi trụy, những chuyện tình kích thích trí tò mò, khám phá
của thanh thiếu niên. Các em còn copy những truyện này
vào USB đem đến lớp trao đổi với nhau nên không cần lên
mạng vẫn xem được.
Cha mẹ cần trò chuyện với con một cách thân mật, từ đó
hướng dẫn con cái có tình cảm đúng đắn trong quan hệ nam
nữ. Có nhà khoa học cho rằng, đừng lo nói với con chuyện
ấy là “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi, nếu vẽ được cho
hươu chạy đúng hướng còn hơn để nó chạy lung tung.
Một ông bố cho con mượn máy ảnh đem đi dự sinh nhật
bạn. Khi con trả, tình cờ mẹ phát hiện cô con gái mới 13
tuổi chụp đến 10 kiểu ảnh của một “anh chàng” cũng trạc
tuổi ấy có đôi mắt đen lay láy và nụ cười rất tinh nghịch.
Mẹ đùa hỏi con: ““Người yêu” hay sao mà con chụp
“chàng” này nhiều thế?”. Cô con gái xấu hổ đỏ mặt chạy
mất. Hai vợ chồng nhìn theo con tủm tỉm cười.
Ông bố bồi hồi nhớ lại khi mình bắt đầu “yêu” cũng chỉ 14
tuổi và “người yêu” của ông mới có 13. Nhưng chỉ nửa
năm sau lên lớp trên ông lại “yêu” cô khác. Ông thích nhất
là mỗi khi đến trường vì xe cô ta không có khóa nên cứ
phải đợi “người ấy” đến khóa cùng hai cái vào nhau, đến
lúc về lại mở khóa ra, để được đạp xe song song đi cùng
đường một đoạn.
Cho nên cha mẹ thấy con gái mình phát triển bình thường
chẳng có điều gì phải lo lắng lắm. Tuy nhiên những lúc hai
mẹ con cùng làm bếp, mẹ thường hỏi về các bạn của con
một cách thân tình và vì thế cô con gái chẳng giấu mẹ điều
gì, có khi tự nhiên còn khoe là bạn Quốc Anh tặng con
quyển sổ ghi điện thoại bé tí tẹo rất xinh.
Nhưng trong thực tế hình như không mấy người lớn nhớ lại
được những tình cảm yêu đương e ấp của mình khi ở lứa
tuổi vị thành niên. Tôi biết hai cụ già bây giờ gặp nhau hồi
tưởng lại hóa ra họ bắt đầu “yêu” nhau khi cụ ông mới 13
tuổi còn cụ bà 12. Hồi ức của họ cũng đầy ắp kỷ niệm tình
yêu học trò với những vỏ bao diêm đựng đầy ô mai gừng
đem đến cho nhau vụng trộm.
Thế nhưng không ít phụ huynh thấy con có những tình cảm
“già tình bạn, non tình yêu” như thế lại lấy làm sửng sốt,
bàng hoàng và thực hiện ngay những biện pháp can thiệp
có phần thô bạo. Có người nói thẳng vào mặt bạn của con
những lời quá phũ phàng khiến chúng bị tổn thương sinh ra
thù hận.
Khi con cái đã coi cha mẹ là những người “không có tim”,
họ không hiểu gì mình thì chúng không bao giờ bộc bạch
những điều thầm kín, do đó khi sự việc xảy ra thì đã quá
muộn, ngăn chặn cực kỳ khó khăn.
Nhà tâm lý E.Maslow nói: “Nhu cầu bản năng có tính quy
luật, ta không thể ngăn chặn mà chỉ uốn dòng chảy theo
một hướng khác êm đềm hơn”. Có những trường hợp tuổi
thiếu niên vấp ngã đầu đời mà cả phần đời còn lại chỉ dùng
để sửa chữa sai lầm do tuổi trẻ gây ra cũng không chữa
được.