Vị thành niên và ám ảnh
tiền bạc
Tiền bạc luôn quan trọng đối
với mỗi gia đình. Tuy nhiên,
chính cách cư xử không tâm lý,
tế nhị của một số ông bố, bà mẹ
đã vô tình tạo áp lực và những
suy nghĩ tiêu cực về tiền cho con
trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành
niên.
“Mẹ về!”, Hạnh tíu tít ra mở cổng.
Đáp lại là khuôn mặt mẹ lạnh
lùng, đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại:
“Cơm nước gì chưa?” kèm theo những lời càu nhàu bực
dọc như thường ngày: “Làm ăn thua lỗ thế này đến cháo
chả có mà húp”.
Nghỉ hè rảnh rỗi lướt nét, đọc được mẩu tin khai giảng lớp
Judo của một trung tâm võ thuật, Hạnh định bụng xin mẹ
cho đi học. Nhưng, thấy mẹ thế này, ngập ngừng mãi, em
lại thôi…
Năm tới lên lớp 11 nhưng Hạnh không có nét hồn nhiên,
vui tươi của lứa tuổi học trò. Bố mẹ chia tay khi hai chị em
còn nhỏ. Sau bố đi biền biệt, mình mẹ gánh toàn bộ kinh tế
gia đình. Giờ, chị gái đang du học bên Nhật, mẹ lại bận bịu
kinh doanh, buôn bán nên Hạnh luôn cô đơn, khép mình…
Trong mắt mẹ, tiền luôn là trên hết. Mỗi lần xin tiền mẹ là
một lần Hạnh hoảng sợ thực sự. Bởi, trước khi đưa tiền cho
em, mẹ sẽ phải tra hỏi, căn vặn, nhiếc móc, thậm chí nổi
đóa vô cớ: “Mày chỉ giỏi ăn bám, vô dụng, bất tài giống hệt
bố mày ngày xưa. Nòi nào giống ấy”. Đâm ra, em càng
ngày càng ghét tiền quá mức. Em muốn mình lớn thật
nhanh, kiếm thật nhiều tiền để mẹ không phải nghĩ quá
nhiều về nó.
Sáng nay, đợi mẹ đi làm xong, Hạnh khóa cửa, leo lên xe
buýt đến trung tâm võ thuật. Em biết không có tiền chẳng
ai cho học. Mải suy nghĩ, Hạnh chợt thấy chị đứng bên
cạnh mình trên xe cài điện thoại hớ hênh trong túi quần bò.
Một ý nghĩ táo bạo trong đầu vút qua, em vờ va chạm và cố
ý móc trộm điện thoại của chị. Nhưng, kế hoạch không
thành. Em bị phát hiện và đưa đến đồn công an…
Cũng vì muốn “tự lập” sớm mà Thành, một học sinh lớp 12
ngang nhiên kề dao vào cổ một em nhỏ cướp xe đạp giữa
ban ngày. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Thành ham mê
điện tử.
Bố mẹ Thành đi làm từ sáng đến tối mịt, không có thời gian
chăm lo đến con. Chuyện vỡ lở khi bà chủ quán đầu phố gõ
cửa đòi tiền vì số nợ đã ngót nghét gần triệu bạc. Quá tức
tối, bực bội, bố Thành thẳng thừng: “Mày chơi được thì tự
kiếm tiền mà trả nợ”. Tưởng bố chỉ nói cho vui vì giờ
Thành ăn còn chưa lo nổi nói chi đến trả nợ trả nần nhưng
đó lại là sự thật. Xót ruột vì không muốn trả tiền, vả lại
cũng muốn răn đe cho con một bài học nhớ đời, bố mẹ
Thành cứ mặc kệ, việc ai nấy lo.
Bố mẹ không quan tâm, chủ quán thúc ép trả nợ, vay mượn
bạn bè không được, túng quá Thành làm liều. Bố mẹ Thành
lại một lần ngã ngửa khi công an phường tìm đến tận nhà…
Nhiều gia đình không thực sự khó khăn nhưng các bậc phụ
huynh thường ngụy trang bằng cách hay than vãn, kêu ca
nghèo khổ để con cái có ý chí phấn đấu, vươn lên. Hoặc
nhiều khi vì mải mê kiếm tiền mà không ít ông bố bà mẹ
keo kiệt với chính con mình cho dù đó là những chi tiêu
hoàn toàn hợp lý.
Trong giai đoạn vị thành niên, trẻ thường rất nhạy cảm, dễ
tự ti, ương ngạnh, cố chấp. Trẻ muốn được khẳng định
mình. Tuy nhiên, vì suy nghĩ chưa thấu đáo lại nông nổi,
nhất thời nên trẻ rất dễ tìm đến con đường phạm pháp, cốt
sao kiếm được tiền. Các bậc phụ huynh vì thế cần làm
gương cho con, giúp con biết yêu, quý trọng và biết cách
tiêu tiền chứ không phải gây sức ép, tổn thương cho con cái
chỉ vì đồng tiền.