Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.62 KB, 5 trang )

Sáng tạo của Hồ Chí Minh về
cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam
PGS.TS Bùi Đình Phong
(TCTG)- Chiến tranh đã lùi xa 35 năm (1975-2010), nhưng sáng tạo lý luận và phương
pháp Hồ Chí Minh vẫn là bài học không bao giờ cũ. Đất nước và thế giới có nhiều đổi
thay so với thời Hồ Chí Minh, nhưng công cuộc đổi mới muốn thắng lợi vẫn phải xuất
phát từ thực tiễn Việt Nam, tiến hành dưới ánh sáng cách mạng, khoa học và nhân
văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sải bước cùng thế giới và thời
đại, hướng tới vì mục tiêu của Việt Nam và phù hợp mục tiêu thời đại
Năm 1911, trước cảnh nước mất độc lập, dân nô lệ lầm than, Hồ Chí Minh quyết chí ra đi tìm
đường giải phóng dân tộc. Với lòng yêu nước và thương dân sâu sắc, Hồ Chí Minh có quyết
định sáng tạo đầu tiên là không “Đông du” theo con đường và lời mời của các bậc cha chú
mà “Tây du” theo sự mách bảo của trí tuệ, một tư duy khoa học kết hợp với khát vọng, hoài
bão giải phóng đồng bào. Từ đó trở đi, quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là bằng mọi cách
để có thể thực hiện được mục đích của mình. Người làm việc như một công nhân thực sự;
viết đơn xin học Trường Thuộc địa với ý định đã có từ lúc trạc 13 tuổi là “muốn làm quen với
văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái
rồi trở về giúp ích cho đồng bào”, giúp họ hưởng thụ được những lợi ích của học thức. Ý
định này bộc lộ một tầm nhìn xa, trông rộng, sáng tạo và bản lĩnh của Hồ Chí Minh trong việc
khám phá, khai thác văn minh nhân loại. khoa học công nghệ của thế giới tư bản, của những
nước có kẻ đi xâm lược đồng bào mình để phục vụ cho đồng bào mình.
Đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh coi đó là cái cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam,
là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, trăn trở lớn
nhất của Hồ Chí Minh là vấn đề thuộc địa lại không có sẵn trong học thuyết của các ông, có
chăng chỉ là những quan điểm vạch thời đại, đại loại như cách mạng thuộc địa rất quan
trọng; cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải
phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa; vận mệnh của giai cấp vô sản ở các
nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa.
Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đem lại cho Hồ Chí Minh lời
giải đáp là Quốc tế thứ ba đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức.
Sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với vấn đề thuộc địa là sáng tạo có tính đột phá để thực


hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu như Lênin mới nêu ra những khía cạnh có tính
nguyên lý thì Hồ Chí Minh đã đi sâu khám phá bản chất của chủ nghĩa thực dân, mổ xẻ thực
trạng thuộc địa.
Về bản chất của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa tư bản là một con
đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai
cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt
cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp
vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”(1). Lênin nói về tầm
quan trọng của thuộc địa ở tầm khái quát, còn Hồ Chí Minh đi sâu khai thác cấu trúc chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hóa ở thuộc địa. Bằng sự quan sát tinh tường nhiều thuộc địa của các
đế quốc khác nhau, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà
máy; cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền
tảng của lực lượng phản cách mạng. Tóm lại, “nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản
chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc”. Trên diễn đàn Đại hội của
Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh lưu ý Quốc tế Cộng sản không chỉ là tương lai của thuộc địa
mà còn là nguy cơ của thuộc địa và nhắc nhở rằng không được khinh thường thuộc địa.
Người mạnh dạn tuyên bố: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các
đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng
gì?”(2).
Tố cáo tội ác thực dân, bênh vực các dân tộc thuộc địa, kêu gọi đoàn kết và quyết tâm đấu
tranh giải phóng thuộc địa là sáng tạo và cống hiến mở đầu của Hồ Chí Minh trong tiến trình
cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Vấn đề dân tộc Hồ Chí Minh quan tâm không phải là dân tộc nói chung, dân tộc ở các nước
tư bản mà là dân tộc thuộc địa. Quan trọng nhất của vấn đề dân tộc thuộc địa là quyền của
các dân tộc. Trăn trở lớn nhất của Hồ Chí Minh là quyền độc lập của các dân tộc với ý nghĩa
là quyền “trời cho”, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quyền đó thể hiện trên tất cả các lĩnh
vực, không chỉ là chính trị, kinh tế, văn hóa mà cả chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một
nền độc lập dân tộc thật sự, hoàn toàn, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, thoát ly hẳn
quan hệ thực dân với Pháp nhưng lại quan hệ hợp tác hữu nghị, sẵn sàng làm bạn với tất cả
các dân tộc. Độc lập dân tộc phải đi tới hạnh phúc, tự do, tức là phải gắn liền với chủ nghĩa

xã hội. Bởi vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho các dân tộc dân chủ, ấm no, tự do,
hạnh phúc thật sự. Nhận thức vấn đề dân tộc thuộc địa mở đường cho Hồ Chí Minh thực
hiện cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng vào giải phóng các dân
tộc thuộc địa.
Thời Mác, vấn đề thuộc địa hầu như chưa xuất hiện. Khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai
đoạn đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã mở ra thời đại mới cho các dân tộc thuộc địa. Sau khi
Lênin từ trần, sứ mệnh lịch sử thế giới đặt lên vai những người kế tục ông trong việc tổ chức
các dân tộc thuộc địa vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng. Một trong số ít các học trò
xuất sắc của Lênin là Hồ Chí Minh.
Để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin,
Hồ Chí Minh phải xây dựng một hệ thống luận điểm, trước hết để thành lập một đảng chân
chính chính cách mạng ở Việt Nam. Hệ thống luận điểm đó được chi phối bởi nhận thức
phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc nhưng không phải theo con đường phong kiến, tư
sản mà theo con đường cách mạng vô sản. Sáng tạo của Hồ Chí Minh ở đây là không phải
làm cách mạng vô sản kiểu Nga mà đi theo con đường cách mạng vô sản kiểu Cách mạng
Tháng Mười Nga năm 1917. Cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô
sản có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là “một trong những cái cánh của cách mạng vô
sản”, không xa rời cách mạng vô sản, ngược lại có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản
ở “chính quốc” song không bị động, phụ thuộc cách mạng vô sản ở “chính quốc”, mà có khả
năng chủ động giành thắng lợi trước bằng cách đem sức ta, trí ta mà tự giải phóng cho ta.
Sự thắng lợi đó tác động tích cực trở lại cách mạng vô sản ở “chính quốc”, giúp giai cấp vô
sản ở các nước đi xâm lược điều kiện giải phóng.
Cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản tức là độc lập dân tộc đi
tới chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là tiền đề đi tới chủ nghĩa xã hội.
Không giành được độc lập dân tộc sẽ không có gì hết. Độc lập dân tộc thể hiện ở chỗ giành
và giữ chính quyền dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng nếu
nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Chủ nghĩa xã hội là hạnh phúc, tự do. Vì vậy phải xây dựng chủ nghĩa xã hội như là sự phát
triển tất yếu của độc lập dân tộc, để bảo vệ độc lập dân tộc và tạo ra một chất mới, một
bước phát triển mới với một trình độ cao hơn của toàn bộ tiến trình cách mạng. Đây chính là

sự phát triển sáng tạo luận điểm của Lênin về hai giai đoạn cách mạng- cách mạng dân tộc
dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, giữa hai giai đoạn đó không có một bức tường
thành nào ngăn cách.
Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải do Đảng của giai cấp công nhân, của nhân
dân lao động và của cả dân tộc lãnh đạo. Đó là một Đảng đạo đức và văn minh, được võ
trang bằng lý luận Mác-Lênin; có cách lãnh đạo khoa học, thuận lòng dân; có đội ngũ cán
bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực trí tuệ dồi dào, biết giải quyết mọi
vấn đề xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, kịp bước tiến của thời đại, bản lĩnh chính trị vững
vàng. Đảng đó phải xây dựng được một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, vững chắc, lâu
dài, chân thành, đoàn kết trong đó lực lượng của cả dân tộc, mọi con dân nước Việt, con
Lạc cháu Hồng. Đảng đó còn biết tập hợp các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới
đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, vì mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ
là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nghiên cứu kỹ hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam
có thể nhận ra cả một lộ trình giải phóng và phát triển, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa dân
tộc và giai cấp, tức độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lõi cốt của vấn đề dân tộc là độc lập
dân tộc; lõi cốt của vấn đề giai cấp là chủ nghĩa xã hội. Song trong điều kiện Việt Nam, Hồ
Chí Minh tài tình giải quyết biện chứng mối quan hệ đó. Giải quyết vấn đề dân tộc trong đó
có cả quyền lợi giai cấp, vì không giải phóng được dân tộc thì quyền lợi giai cấp, bộ phận
đến vạn năm cũng không đòi lại được. Giải quyết quyền lợi giai cấp thì cả dân tộc đều ấm
no, hạnh phúc, vì chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng,
làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Như vậy,
ĐỘC LẬP- TỰ DO- HẠNH PHÚC là triết lý Hồ Chí Minh về phát triển xã hội Việt Nam, một
cống hiến lớn của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam, làm phát triển học thuyết Mác-
Lênin về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Sáng tạo lý luận là cần nhưng chưa đủ. Lý luận như cái tên, thực tiễn như cái đích, tên
không bắn, hoặc bắn không trúng đích thì cũng vô nghĩa.
Sáng tạo của Hồ Chí Minh không chỉ là người xây dựng cơ sở lý luận cho sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập dân tộc Việt Nam mà còn là người tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách
mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Lý luận của Người vốn đã sáng tạo nhưng lại ngày càng

sáng tạo hơn là nhờ đi vào thực tiễn, được làm phong phú bởi thực tiễn. Chính thực tiễn
lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống các cuộc chiến tranh
xâm lược, đã làm phong phú thêm lý luận của Người về cách mạng và chiến tranh giải
phóng. Hơn nữa với Hồ Chí Minh, tư tưởng, phương pháp, phong cách, tổ chức thực tiễn
hòa quyện với nhau, cái này làm nổi bật cái kia và ngược lại. Ở Hồ Chí Minh, không có một
quan điểm lý luận nào nằm trên giấy mà bao giờ cũng soi sáng thực tiễn, được kiểm nghiệm
bằng thực tiễn và chính thực tiễn đó một lần nữa lại làm phong phú lý luận của Người. Thực
tiễn nói tới ở đây hết sức phong phú và đa dạng, Việt Nam và thế giới, chiến tranh và xây
dựng Đó là cả một khoa học, đòi hỏi trí sáng tạo, bản lĩnh, sự khôn ngoan của người lãnh
đạo. Với Hồ Chí Minh, lãnh đạo đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc là cả một nghệ thuật.
Nếu sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh được thể hiện dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-
Lênin thì thực tiễn lãnh đạo, tổ chức sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn toàn mang sắc thái
Hồ Chí Minh, sắc thái Việt Nam.
Người tổ chức ra một đảng mácxít lêninnít rất Việt Nam, không chỉ kết nạp công nhân mà
toàn dân tộc; không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân mà vì cả dân tộc; không chỉ có
trong trái tim của những người cộng sản và giai cấp công nhân mà “gần gũi tận trong mỗi
đồng bào ta”. Hồ Chí Minh dày công rèn luyện xây dựng Đảng ta thành một Đảng cầm quyền
trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức là văn minh”. Đảng của Hồ Chí Minh lãnh đạo đúng đắn,
là nhân tố hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam tới thắng lợi.
Người đã lãnh đạo toàn dân thực hiện quyết tâm “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn
cũng phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc”. Khi nền độc lập dân tộc bị uy hiếp và kẻ thù
buộc ta cầm súng thì Người phát động chiến tranh nhân dân đúng lúc, đó là cuộc kháng
chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính với quyết tâm “thà hy sinh
tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Quá trình tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí
Minh thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Người tổ chức vừa kháng chiến vừa kiến
quốc với tinh thần “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ
lấy nước”. Kháng chiến đi đôi với kiến quốc, đấu tranh đi đôi với xây dựng, cùng một lúc
thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là nét độc đáo của cách mạng Việt Nam mang dấu ấn Hồ
Chí Minh. Người xác định kháng chiến trường kỳ gian khổ, phức tạp, khó khăn, nhưng nhất

định thắng lợi.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, với phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn
biến”, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại; chú trọng thời - thế - lực; thiên thời- địa lợi- nhân hòa, vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo
trong việc sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân. Người kết hợp nhuần
nhuyễn “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” trong kháng chiến chống kẻ thù to. Bởi vì với
Việt Nam, Hồ Chí Minh là người hiểu rõ hơn ai hết bao giờ cũng phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít
địch nhiều nhưng phải là mạnh thắng, yếu thua. Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh
tổng hợp cả quá khứ, hiện tại và tương lai; cả vật chất và tinh thần; cả trong nước và ngoài
nước; cả cách mạng và tiến bộ; sức mạnh của cả dân tộc, của các giai tầng, các tổ chức,
của từng cá nhân Đó là cả một sức mạnh văn hóa kết hợp các tố chất lý và tình, tổng quát
và đơn lẻ, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, dùng cả súng, cuốc, thuổng, gậy gộc, cả văn
thơ với một niềm tin khoa học, cách mạng và nhân văn là cái thiện thắng cái ác, chính
nghĩa thắng phi nghĩa, văn minh thắng bạo tàn. Thực tiễn đã chứng minh hùng hồn, sau 45
năm (1930-1975), đất nước sạch bóng quân xâm lược, Tổ quốc thống nhất, non sông thu về
một mối.
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm (1975-2010), nhưng sáng tạo lý luận và phương pháp Hồ Chí
Minh vẫn là bài học không bao giờ cũ. Đất nước và thế giới có nhiều đổi thay so với thời Hồ
Chí Minh, nhưng công cuộc đổi mới muốn thắng lợi vẫn phải xuất phát từ thực tiễn Việt
Nam, tiến hành dưới ánh sáng cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, sải bước cùng thế giới và thời đại, hướng tới vì mục tiêu của Việt
Nam và phù hợp mục tiêu thời đại./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.298.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.471.

×