Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Ý nghĩa của việc tổ chức các trò chơi dân gian ..

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (38.69 KB, 2 trang )

Sau những giờ học căng thẳng trên lớp, trò chơi dân gian (TCDG) trong trường học sẽ là
những “món ăn” bồi bổ tinh thần sảng khoái cho học sinh.
TCDG là một sinh hoạt văn hóa do nhân dân sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất
và được lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong cộng đồng
Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc đưa
TCDG vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực.Nó không chỉ góp phần rèn luyện
sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ
năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa,
không ra vào những games trực tuyến bạo lực vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội.
Đặc điểm chung của TCDG được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa
nhập. Dù bất cứ nơi đâu, trong gia đình, tại trường học hay trên đường làng đều có thể tổ
chức được các TCDG phù hợp. Nếu sân nhà nho nhỏ thì các em chơi ô ăn quan, chơi cờ,
đánh chuyền, chặt cây dừa chừa cây mận, bắt ve… Nếu diện tích rộng hơn thì có thể chơi
rồng rắn lên mây, đá cầu, trốn tìm, bịt mắt bắt dê… Ở những bãi cỏ lớn thì có thể tổ chức
các trò cướp cờ, đánh đu, đá gà, chồng bông sen, cờ chém…
Xét về chức năng giáo dục, TCDG có thể chia thành bốn nhóm: Loại trò chơi vận động
như tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lò cò, bịt mắt bắt dê… giúp tăng cường sức khỏe,
thể chất cho học sinh; loại trò chơi học tập, điển hình là chơi ô ăn quan giúp phát triển trí
tuệ của trẻ em, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán; loại trò chơi sáng tạo là những trò chơi
mà học sinh có thể tự làm nên những đồ vật bằng vật liệu trong thiên nhiên như làm
chong chóng bằng lá dừa, nặn con trâu bằng đất sét, xếp lá dừa thành con châu chấu…
Những trò chơi này giúp trẻ khéo tay, phát huy sáng kiến, năng khiếu thẩm mỹ cần thiết
cho hiện tại và cả tương lai sau này. Cuối cùng, loại trò chơi mô phỏng là những trò chơi
mà trẻ bắt chước cách sinh hoạt của người lớn như làm nhà, nấu ăn, mua bán… Trong khi
chơi, trẻ thi nhau xem ai làm đúng, làm đẹp, làm nhanh hơn và thật sự hóa thân, nhập vai.
Nhờ đó, trẻ học được cách ứng xử của người lớn để chuẩn bị làm người sau này…
Vấn đề đặt ralà các trường học cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự
hứng thú cho các em khi đến với các TCDG. Do có khoảng cách về lịch sử nên nhiều
TCDG tuy được khôi phục song các em sẽ chưa thể thật sự hiểu hết ý nghĩa của chúng.
Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà giáo dục, của các thầy cô không chỉ sưu tầm, vận dụng
TCDG vào trường học, mà quan trọng hơn là phải biết cách tổ chức sao cho các em thật


sự hứng thú và tích cực hưởng ứng.
Mặt khác, việc tổ chức TCDG trong trường học phải phù hợp với thời gian, chỗ chơi
cũng như số người tham gia. Để trò chơi thật sự hấp dẫn các em, người quản trò nên quan
tâm đến yếu tố thi đua giữa các nhóm với nhau và động viên kịp thời trong khi các em
vui chơi.
Với ý nghĩa to lớn của việc đưa TCDG vào trường học, vai trò của lãnh đạo nhà trường,
các đoàn thể là hết sức quan trọng. Phải biết lựa chọn, phối hợp hướng dẫn việc tổ chức
đưa các trò chơi, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vào trong nhà trường cho phù
hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và lứa tuổi học sinh phổ thông. Các chi
đoàn,Tổng phụ trách đội, phụ trách chi đội (giáo viên chủ nhiệm), Ban chỉ huy liên – chi
độicác trường tổ chức và hướng dẫn cho học sinh các TCDG vào giờ ra chơi, trong sinh
hoạt Đoàn, Đội, hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường, tại các khu di tích, danh
lam thắng cảnh. Qua đó, góp phần biến những giờ sinh hoạt thành những buổi giải trí
đúng nghĩa sau những ngày học tập căng thẳng.
TCDG được tổ chức hợp lý sẽ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nhu cầu vận động của học sinh
trong nhà trường, có ý nghĩa lớn trong việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay.

×