Phẫu thuật bắc cầu chủ vành - CABG
(Kỳ 2)
ĐIỀU TRỊ BỆNH MẠCH VÀNH
Các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để điều trị cơn đau thắt ngực bằng
cách giảm nhu cầu oxy của cơ tim để phù hợp với sự cung cấp máu bị giảm. Ba
nhóm thuốc thường được dùng là Nitrate [Nitroglycerin (Nitro-Bid)], chẹn beta
[propranolol (Inderal) và atenolol (Tenormin)] và chẹn calcium [nicardipine
(Cardene) và nifedipine (Procardia, Adalat)].
Đau thắt ngực không ổn định cũng có thể được điều trị bằng aspirin và
thuốc tán huyết heparin tiêm tĩnh mạch. Aspirin giúp ngăn các tiểu cầu kết tụ lại
với nhau, còn heparin giúp ngăn máu đông lại trên bề mặt mảng xơ vữa ở những
động mạch bị hẹp nặng.
Nếu bệnh nhân tiếp tục bị đau ngực mặc dù đã dùng thuốc tối đa, hoặc nếu
cơ tim vẫn bị thiếu máu đáng kể khi đang gắng sức, thường bệnh nhân sẽ được chỉ
định chụp mạch vành. Những dữ liệu thu nhận được qua chụp mạch vành sẽ giúp
bác sĩ quyết định xem bệnh nhân có cần phải được can thiệp mạch vành qua da
(percutaneous coronary intervention) hay tạo hình trong lòng mạch qua da
(percutaneous transluminal angioplasty - PTCA) hay không, đây là phương pháp
dùng một quả bóng nhỏ để nong lòng mạch máu ra. Sau khi tạo hình mạch máu
(PTCA) thường bệnh nhân sẽ được đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu chủ vành
(coronary artery bypass graft surgery - CABG) để tăng lượng máu trong mạch
vành.
Tạo hình mạch máu có thể cho những kết quả rất tuyệt vời ở những bệnh
nhân đã được lựa chọn cẩn thận. Dưới sự hướng dẫn của X quang, một dây bằng
kim loại sẽ được luồn từ háng vào mạch vành. Một catheter nhỏ có bóng ở đầu sẽ
được luồn bọc qua dây kim loại để đi đến vùng bị hẹp. Sau đó quả bóng sẽ được
bơm lên để nong động mạch rộng ra, và sau đó thông thường, các bác sĩ sẽ đặt một
stent bằng kim loại vào.
Phẫu thuật bắc cầu chủ vành (CABG) thường được thực hiện để điều trị đau
ngực ở những bệnh nhân điều trị thuốc thất bại và không phù hợp để tiến hành
phẫu thuật tạo hình mạch máu. Phẫu thuật CABG lý tưởng đối với những bệnh
nhân bị hẹp nhiều chỗ ở nhiều nhánh động mạch vành khác nhau, thường gặp ở
những người bị đái tháo đường. Phẫu thuật CABG được chứng minh là có thể cải
thiện khả năng sống còn ở những bệnh nhân bị hẹp đáng kể ở động mạch vành trái
và ở những bệnh nhân bị hẹp đáng kể ở nhiều động mạch, đặc biệt là ở những
bệnh nhân bị giảm chức năng bơm của tim.
CÁCH TIẾN HÀNH PHẪU THUẬT BẮC CẦU CHỦ VÀNH
Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường ở giữa ngực và cắt xương ức để nhìn
xuyên vào lồng ngực. Tim được làm lạnh với nước đá có muối và dung dịch bảo
vệ sẽ được tiêm vào các động mạch tim. Tiến trình này giúp giảm thiểu tổn thương
do giảm tưới máu trong quá trình phẫu thuật.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, cần phải đặt cầu nối tim phổi. Những ống
nhựa sẽ được đặt vào tâm nhĩ phải để đưa máu tĩnh mạch ra khỏi cơ thể xuyên qua
một tấm nhựa (màng oxy) bên trong máy tim phổi. Máu sau khi đã được cung cấp
đầy đủ oxy sẽ quay trở về tim. Động mạch chủ sẽ được kẹp lại trong quá trình
phẫu thuật để giữ khu vực không được tưới máu và cho phép cầu nối được gắn vào
nó.
Mạch máu thường được dùng làm cầu nối nhất là tĩnh mạch hiển ở chân.
Cầu nối sẽ được ghép bằng cách khâu mạch máu dùng để ghép vào động mạch
vành ở phía sau chỗ hẹp hoặc tắc nghẽn. Đầu còn lại của tĩnh mạch dùng để ghép
sẽ được nối với động mạch chủ.
Các động mạch thành ngực, đặc biệt là động mạch vú trong trái, bắt đầu
được sử dụng làm cầu nối nhiều hơn. Động mạch này được tách ra từ thành ngực
và thường nối với động mạch xuống trước trái và/hoặc một trong những nhánh lớn
của nó phía sau chỗ hẹp. Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng động mạch vú trong là
nó có khuynh hướng thông lâu hơn cầu nối bằng tĩnh mạch.
Sau phẫu thuật CABG 10 năm, chỉ có 66% trường hợp bắc cầu bằng tĩnh
mạch vẫn còn thông so với 90% trường hợp bắc cầu bằng động mạch vú trong.
Tuy nhiên, cầu nối động mạch có chiều dài giới hạn và chỉ có thể được dùng để
bắc cầu ở khu vực gần điểm khởi đầu (đầu gần) của mạch vành. Nếu dùng cầu nối
bằng động mạch vú trong có thể kéo dài thời gian phẫu thuật do phải dùng thêm
thời gian để tách chúng ra khỏi thành ngực. Do đó, nối bằng động mạch vú trên có
thể không được sử dụng trong phẫu thuật cấp cứu do khi đó thời gian là yếu tố
sống còn để phục hồi lại dòng máu qua mạch vành.
Phẫu thuật bắc cầu chủ vành có thể kéo dài 4 giờ. Động mạch chủ được kẹp
lại trong khoảng 60 phút và cơ thể được hỗ trợ bằng cầu nối tim phổi trong vòng
90 phút. Việc sử dụng cầu nối 3, nối 4 hay nối 5 hiện nay đã trở thành thường quy.
Vào giai đoạn cuối cuộc phẫu thuật, xương ức sẽ được buộc lại với nhau
bằng dây thép trơn, sau đó vết rạch ở ngực sẽ được khâu đóng lại. Các ống nhựa
(ống ngực) sẽ được đặt tại chỗ để giúp dẫn lưu máu còn đọng lại ở khu vực xung
quanh tim (trung thất). Khoảng 5% bệnh nhân cần phải mổ lại trong vòng 24 giờ
đầu sau phẫu thuật do tiếp tục bị chảy máu. Thông thường các ống nhựa sẽ được
lấy đi khỏi cơ thể một ngày sau phẫu thuật. Ống thở thường được lấy ra một thời
gian ngắn sau phẫu thuật.
Bệnh nhân thường được đưa ra khỏi giường và chuyển đến phòng săn sóc
đặc biệt một ngày sau phẫu thuật. Trên 25% bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim trong
vòng 3, 4 ngày đầu sau phẫu thuật bắc cầu chủ vành. Những rối loạn nhịp thường
là rung nhĩ tạm thời và thường có liên quan đến chấn thương tim trong phẫu thuật.
Hầu hết các loạn nhịp đáp ứng tốt với những thuốc điều trị chuẩn và có thể
dứt trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật. Thời gian nằm viện trung bình đối với
những bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu chủ vành đã được giảm xuống từ một
tuần cho đến khoảng từ 3 đến 4 ngày ở hầu hết bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân trẻ
thậm chí còn có thể về nhà 2 ngày sau phẫu thuật.
Một tiến bộ mới đối với nhiều bệnh nhân là khả năng có thể phẫu thuật bắc
cầu chủ vành mà không cần bắc cầu tim phổi và tim vẫn còn đang đập. Điều này
giảm thiểu đáng kể hiện tượng giảm trí nhớ và những biến chứng khác có thể gặp
sau phẫu thuật bắc cầu chủ vành.