CÁC PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN
ĐẾN ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU
Do tính chất phức tạp và tầm quan trọng của việc định giá cổ
phiếu, rất nhiều kỹ thuật định giá khác nhau đã được áp dụng để
thực hiện công việc này. Các kỹ thuật này có thể thuộc một trong
hai nhóm tiếp cận cơ bản: (1) các kỹ thuật định giá theo dòng tiền
chiết khấu (Discounted Cash Flow Valuation Techniques), theo
đó giá trị của một cổ phiếu được ước tính dựa trên giá trị hiện tại
của một trong số các dòng tiền nào đó, bao gồm dòng cổ tức
(dividends), dòng tiền hoạt động (operating cash flow), và dòng
tiền thuần đối vốn chủ sở hữu (free cash flow to equity); và (2)
các kỹ thuật định giá tương đối (Relative Valuation Techniques),
theo đó giá trị của một cổ phiếu được ước tính dựa trên giá trị
hiện tại của nó so với một trong các biến kinh tế nào đó
(economic variables) được xem là có ý nghĩa đối với quá trình
định giá, chẳng hạn như thu nhập, dòng tiền, giá trị sổ sách, hay
doanh số.
TẠI SAO VÀ KHI NÀO SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ
DÒNG TIẾN CHIẾT KHẤU.
Các kỹ thuật định giá theo dòng tiền chiết khấu là những lựa chọn
hiển nhiên vì các kỹ thuật này chính là một ví dụ điển hình về
cách mà chúng ta định nghĩa về giá trị - đó là, giá trị hiện tại của
các dòng tiền dự kiến. Sự khác biệt lớn nhất giữa các phương
pháp dòng tiền chiết khấu nằm ở cách mà chúng ta xác định
dòng tiền – đó là, dòng tiền nào được sử dụng.
Dòng tiền rõ ràng và dễ hiểu nhất chính là dòng cổ tức, vì những
dòng tiền này chạy thẳng vào túi của nhà đầu tư, chính vì vậy,
chúng ta cũng dễ đồng ý rằng nên dùng chi phí vốn CSH (cost of
equity) làm tỷ suất chiết khấu. Tuy nhiên, kỹ thuật định giá chiết
khấu dòng cổ tức khó áp dụng đối với những công ty không chi
trả cổ tức trong suốt giai đoạn tăng trưởng cao, hay những công
ty hiện chi trả cổ tức rất hạn chế do có được những dự án đầu tư
hứa hẹn đem lại suất lợi nhuận cao. Trong khi đó, kỹ thuật định
giá này rất hữu ích khi tiến hành định giá cổ phiếu của một công
ty đã phát triển ổn định, bền vững và chi trả cổ tức đều đặn.
Cách phân loại dòng tiền thứ hai là dòng tiền hoạt động thuần
(operating free cash flow), thông thường được mô tả là dòng tiền
sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp (giá vốn hàng bán, chi phí bán
hàng, chi phí quản lý, chi phí chung) và sau khi trừ đi dòng tiền
cần thiết để bổ sung nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu đầu tư tài
sản cố định cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển trong tương
lai của doanh nghiệp, nhưng trước bất kỳ khoản chi trả nào cho
những nhà cung cấp vốn. Vì chúng ta đang nói về các dòng tiền
dành cho tất cả những nhà cung cấp vốn, tỷ suất chiết khấu được
sử dụng là chi phí vốn bình quân (weighted average cost of
capital – WACC) của doanh nghiệp. Đây là một mô hình định giá
hữu ích khi so sánh các công ty khác nhau có các cấu trúc vốn đa
dạng vì chúng ta xác định giá trị của toàn bộ công ty và rồi trừ đi
giá trị các khoản nợ để đi đến giá trị phần vốn CSH của công ty.
Dòng tiền thứ ba là dòng tiền thuần đối với chủ sở hữu (free cash
flow to equity), cách xác định dòng tiền này cũng tương tư như
dòng tiền hoạt động thuần (operating free cash flow) được mô tả
ở trên, nhưng chỉ khác là dòng tiền sau khi đã chi trả hết cho các
chủ nợ. Điều này có nghĩa là đây là dòng tiền còn lại cho tất cả cổ
đông phổ thông. Chính vì vậy, tỷ suất chiết khấu sẽ là chi phí vốn
CSH (cost of equity).
Một khó khăn đối với các mô hình định giá theo dòng tiền chiết
khấu là chúng rất lệ thuộc vào hai dữ liệu đầu vào quan trọng: (1)
tỷ lệ tăng trưởng của các dòng tiền (cả tỷ lệ tăng trưởng và thời
gian tăng trưởng) và (2) ước tính tỷ suất chiết khấu. Như chúng
ta sẽ thấy trong một số trường hợp, một sự thay đổi nhỏ đối với
một trong hai hay cả hai giá trị trên có thể ảnh hưởng rất lớn đối
với giá trị cổ phiếu được tính sử dụng các mô hình này. Như đã
đề cập ở trên, mọi người có thể hiểu và sử dụng các mô hình
tương tự nhau, nhưng các giá trị đầu vào mới chính là yếu tố
quan trọng.
TẠI SAO VÀ KHI NÀO SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ
TƯƠNG ĐỐI.
Như đã nói trên, một trong những vấn đề tiềm ẩn của các mô
hình định giá theo dòng tiền chiết khấu là có thể đưa đến một giá
trị nội tại (intrinsic value) của một cổ phiếu quá cao hay quá thấp
so với giá thị trường hiện hành do chúng ta điều chỉnh các biến
đầu vào. Một lợi thế của các phương pháp định giá tương đối là
chúng cung cấp thông tin về việc thị trường hiện tại đang định giá
một cổ phiếu như thế nào ở những cấp độ khác nhau – tổng thị
trường, các ngành khác nhau, giữa các cổ phiếu trong cùng một
ngành.
Mặt tích cực là phương pháp định giá tương đối đem lại cho
chúng ta thông tin về việc thị trường hiện đang định giá các cổ
phiếu như thế nào. Mặt trái của những phương pháp này là
chúng chỉ cung cấp thông tin về việc định giá hiện tại, mà không
đem lại sự định hướng về việc liệu giá hiện tại của các cổ phiếu
có phù hợp hay không – có nghĩa là, giá cổ phiếu tại bất kỳ một
thời điểm nào cũng có thể quá cao hoặc quá thấp.
Chính vì vậy, để áp dụng các kỹ thuật định giá tương đối một
cách phù hợp, chúng ta cần cân nhắc hai điều kiện sau:
1. Có một nhóm các công ty tương đồng có thể so sánh với nhau
– có nghĩa là, nhiều công ty trong cùng một ngành, có quy mô
tương đương, và có độ rủi ro (hy vọng là) tương đương.
2. Tổng thị trường và ngành mà công ty đang hoạt động không
rơi vào hai thái cực của giá, nghĩa là không phải là đang được
định giá quá cao và hoặc quá thấp.