BỆNH HỌC THỰC HÀNH
ẨM CHỨNG
Đại Cương
Ẩm chứng là loại tật bệnh lượng thủy dịch trong cơ thể tăng cao chủ
yếu ứ đọng ở một bộ phận nào đó không chuyển hóa được.
Chứng này có tên là ‘Tích Ẩm’ ghi trong sách Nội Kinh; Sách ‘Kim
Quĩ Yếu Lược’ gọi là ‘Đàm Ẩm’. Tuy nhiên, dựa vào vị trí thủy ẩm tích
chứa khác nhau, trong nghĩa rộng của bệnh danh Đàm ẩm, chia làm bốn loại:
Loại ẩm tà lưu đọng ở dưới sườn gọi là Huyền ẩm; Ẩm tà tràn ra tay chân
gọi là Dật ẩm; Ẩm tà phạm vào vùng ngực và Phế, gọi là Chi ẩm. Ngoài ra,
còn có các tên Vi ẩm, Lưu ẩm, Phục ẩm v.v cũng đều vẫn thuộc bốn loại
ẩm nói trên.
Trong lâm sàng, các loại Viêm Khí Quản Mạn Tính, Hen Suyễn, Tràn
Dịch Màng Phổi, Rối Loạn Tiêu Hóa, Tắc Ruột v.v thuộc Y học hiện đại,
ở giai đoạn nào đó, có thể đối chiếu với ẩm chứng để biện chứng luận trị.
Nguyên Nhân
Có thể do nội nhân và ngoại nhân.
Nội nhân do dương khí bất túc, tân dịch vận hóa vô lực gây nên.
Ngoại nhân do do cảm nhiễm hàn thấp lâu ngày hoặc tổn thương ăn
uống, khiến dương khí bị uất không vận hóa được gây nên.
Trong quá trình phát bệnh, hai loại này thường ảnh hưởng lẫn nhau.
1) Ngoại cảm hàn thấp: Khí hậu ẩm lạnh, hoặc lội nước dầm mưa,
thủy thấp từ bên ngoài thấm vào, phần dương bảo vệ bên ngoài bị thương
trước tiên, dần dần từ biểu vào lý, dương khí của nội tạng bị thấp tà làm
khốn đốn đến không được thoải mái khiến cho thủy thấp ứ đọng mà thành
bệnh. Sách ‘Tố Vấn’ viết: “Thấp tà thắng thì người ta bị ẩm tích lại mà
thành chứng tâm thống” đó là chỉ trường hợp này.
2) Bị tồn thương do ăn uống - như uống nước lạnh hoặc ăn nhiều thứ
sống lạnh, nóng và lạnh làm tổn thương nhau, dương khí ở trung tiêu bị uất
kết, Tỳ không vận hóa được đọng lại thành chứng ẩm, như sách Kim Quỹ
Yếu Lược viết: “Uống nước nhiều, ắt sẽ bị khó thở (suyễn), và ăn ít uống
nhiều, nước đọng lại ở dưới Tâm. Nói lên ăn uống không điều độ, hoặc
uống nước nhiều sẽ đọng lại thành chứng ẩm.
3) Dương khí suy yếu: Thủy dịch của cơ thể phải nhờ dương khí mới
biến hóa được. Người bị ốm lâu thể lực yếu hoặc vì tuổi cao khí yếu, dương
khí Tỳ Thận bất túc, thủy dịch khó chuyển hóa, bị ứ đọng lại thành chứng
ẩm.
Sự trao đổi thủy dịch bình thường là do quá trình khí hóa thống nhất
của ba tạng Tỳ Phế Thận hợp tác điều hòa với nhau. Trong đó Phế có tác
dụng làm cho thủy dịch lưu thông xuống dưới, Tỳ có công năng hấp thụ và
chuyển vận đi lên, Thận có công năng
phân biệt trong đục, chưng cất thủy dịch và làm nhiệm vụ mở đóng.
Dương khí của ba tạng này đầy đủ, phối hợp với nhau, mới có thể hoàn
thành sự hấp thụ, vận hành và bài tiết thủy dịch.
Trong ba tạng, dương khí ở tạng Thận và rất quan trọng. Trong trường
hợp bệnh lý, Phế Tỳ Thận ảnh hưởng lẫn nhau, như ngoại cảm hàn thấp, đầu
tiên phạm Phế rồi mới đến Tỳ, Thận tổn thương. Bị tổn thương vì ăn uống
thì Tỳ Vị bị hại, bệnh kéo dài sẽ lan tới Phế Thận. Chứng ẩm do dương hư là
phát từ bên trong, tuy chủ yếu là do Tỳ Thận, nhưng cũng có thể đi nghịch
lên ảnh hưởng đến Phế, vì vậy trên lâm sàng có những loại chứng khác nhau.
Biện Chứng
Trước tiên cần phân biệt ẩm tà ứ đọng ở vị trí nào mới có thể có biện
pháp điều trị.
Ẩm tà lưu ở Vị Trường thì vùng trung quản có tiếng nước óc ách,
uống nước vào thì mửa, hoặc trong ruột có tiếng sôi réo.
Ẩm tà đọng ở Phế thường có chứng ho suyễn, khạc đờm có nhiều bọt
trắng.
Ẩm tà ở dưới hông sườn thì hông sườn trướng đau, khi ho thì đau tăng.
Ẩm tà ứ đọng ở Bàng quang thì bụng dưới căng cứng hoặc chướng
đầy, tiểu tiện không thông
Đồng thời, còn căn cứ vào các đặc điểm của bệnh như dương hư âm
thịnh, hoặc bản hư tiêu thực, linh hoạt nắm vững hư hay thực, hoãn hay cấp,
khi biện chứng mới xác đáng.
Về phương diện điều trị, sách ‘Kim Quĩ Yếu Lược’ có nêu ra các
phương pháp: tuyên tán, lợi thủy, trục thủy và ôn hóa khác nhau, và đề ra
nguyên tắc "Bệnh đàm ẩm, nên dùng thuốc ấm để hòa". Đó là do ẩm là
dương tà, gặp lạnh thì tụ, được ấm thì lưu thông, dù dùng thuốc tuyên tán,
lợi thủy hay trục ẩm đều phải chú ý đến việc ôn hóa. Nếu nghiêng về dương
hư, phải lấy kiện Tỳ ôn Thận làm chủ yếu, để củng cố gốc.
Triệu Chứng
Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:
Ẩm Tà Hại Phế
Chứng: Ho suyễn, ngực đầy, thậm chí không nằm được, đờm nhiều,
gặp thời tiết lạnh thì bệnh tăng. Thoạt tiên có thể có biểu chứng: sốt, sợ lạnh,
cơ thể đau, dần dà vùng mặt bị phù thũng nhẹ, lưỡi nhạt, mạch Huyền Khẩn.
Biện Chứng: Do ẩm tà tích ở Phế, Phế khí không tuyên giáng, làm cho
ho và ngực đầy, không nằm được, đờm nhiều. Thủy theo khí đưa lên làm
cho phù thũng vùng mặt. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Huyền Khẩn là dấu hiệu
hàn ẩm thịnh ở trong.
Điều trị: Ôn phế, hóa ẩm, bình suyễn, chỉ khái.
Chủ yếu dùng Ôn Phế Hóa Ẩm Thang (tức Tiểu Thanh Long Thang)
gia giảm. Bài này vừa ôn Phế hóa ẩm, vừa biểu tán phong hàn, thích hợp với
chứng do Hàn ở bên ngoài dẫn đến nội ẩm.
Nếu ẩm tà lâu ngày uất lại hóa nhiệt, có thêm chứng dưới Tâm cứng
đầy, sắc mặt sạm, phiền khát mà uống nước không nhiều, rêu lưỡi vàng hoặc
trắng vàng lẫn lộn. Mạch Trầm Khẩn, nên cần phải hành thủy, tán kết, thanh
nhiệt, bổ hư, dùng Mộc Phòng Kỷ Thang gia giảm. Trong bài dùng cả hai vị
Phòng Kỷ và Quế chi vừa hành thủy vừa làm tan khí kết, có thể tiêu được bỉ
rắn ở dưới Tâm; Thạch cao để thanh uất nhiệt, Nhân sâm để bổ hư phù chính.
Sau khi uống thuốc, nếu dưới Tâm vẫn đầy, bỏ Thạch cao thêm Bạch
linh, Mang tiêu để thông thủy, tán kết.
Ẩm Ứ Đọng Ở Ngực Sườn.
Chứng: Ngực sườn chướng đau, khi ho thì đau tăng, xoay mình và hít
thở cũng đau, đôi khi hơi thở ngắn, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền.
Biện chứng: Ngực sườn là con đường thăng giáng của khí cơ, nếu ẩm
ứ đọng ở ngực sườn, cản trở lưu thông đường thở gây nên đau ngực và khó
xoay chuyển. Thủy ẩm dồn ngược lên Phế do đó ho và ngắn hơi, rêu lưỡi
trắng, mạch Huyền là triệu chứng thủy ẩm ứ đọng trong cơ thể.
Điều trị: Công trục thủy ẩm.
Dùng bài Thập Táo Thang gia giảm. Phương này trục ẩm hạ mạnh,
chỉ được dùng khi ẩm tà ủng thực mà chính khí chưa suy. Trong bài có Cam
toại, Nguyên hoa, Đại kích, trục thủy mạnh, liều lượng nên dùng vừa phải.
Nếu bệnh ở loại chính hư tà thực, có thể dùng Đình Lịch Đại Táo Tả Phế
Thang hợp với Tam Tử Thang gia giảm.
Ẩm Ứ đọng ở Trường Vị
Chứng: Hình thể gầy ốm, ăn uống kém, trong dạ dầy có tiếng nước óc
ách hoặc sôi, tiêu lỏng, sợ lạnh, nhất là vùng lưng, đôi khi chóng mặt, hoa
mắt, hồi hộp, ngắn hơi, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Hoạt.
- Biện chứng: Tỳ Vị kiện vận mất chức năng cho nên ăn uống sút kém,
thủy cốc không hóa ra chất tinh vi để nuôi dưỡng cơ thể cho nên gầy còm.
Thủy ẩm đọng ở trong dạ dày hoặc chảy xuống ruột, không chuyển hóa được,
uống vào dễ mửa hoặc bụng óc ách, sôi, tiêu lỏng. Thanh dương bị ẩm tà
ngăn trở không phát huy được, cho nên sợ lạnh, chóng mặt, hoa mắt. Thủy
ẩm tràn lên Tâm Phế, làm cho hồi hộp, ngắn hơi; Rêu lưỡi trắng, mạch
Huyền Hoạt là hiện tượng hàn ẩm ứ đọng.
Điều trị: Ôn dương, lợi thủy.
Dùng bài Linh Quế Truật Cam Thang để lợi ẩm và ôn Tỳ dương.
Trong bài có Phục linh vị đạm, có tác dụng thấm dẫn nước chảy xuống dưới;
Quế, Cam thảo để ôn dương hóa khí; Bạch truật kiện Tỳ trừ thấp. Nếu nôn
mửa, chóng mặt, thêm Bán hạ, Sinh khương đế hòa Vị, giáng nghịch. Dương
hư nặng, có thể dùng thêm Can khương, Nhục quế để lấy tân ôn trợ dương,
hiệu quả càng nhanh.
Bệnh tình khá nặng có triệu chứng vùng bụng chướng đầy, sôi bụng,
táo bón, miệng khô, lưỡi ráo, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng tro, mạch Trầm
Huyền, đó là ẩm tà đọng ở Trường Vị lâu ngày hóa nhiệt, điều trị theo phép
lợi thủy, trục ẩm, dùng bài Kỷ Tiêu
Lịch Hoàng Hoàn gồm những vị cay đắng, có tác dụng tuyên tiết để
tiêu thủy. Có đằng trước và đằng sau khiến thủy ẩm bài tiết theo đường đại,
tiểu tiện.
Ẩm Tà Ứ Đọng Ở Bàng Quang
Chứng: Bụng dưới chướng đầy, tiểu tiện không thông, chóng mặt, hoa
mắt, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Hoạt.
Biện chứng: Ẩm tà ứ đọng ở Bàng quang, khí hóa không lợi cho nên
bụng dưới chướng đầy mà tiểu ít. Nước tràn lên trên thì gây nên chóng mặt,
hoa mắt. Rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Hoạt đều là chứng hậu của thủy ẩm ứ
đọng.
Điều trị: Hóa khí, hành thủy.
Phương dược 1: Dùng bài Ngũ Linh Tán. Trong bài có Quế chi, Bạch
truật để ôn dương hóa khí; Phục linh, Trư linh, Trạch tả để đưa nước chảy
xuống, đồng thời có công hóa khí hành thủy.
Nếu bụng dưới co cứng cảm giác lạnh, suyễn, hơi thở ngắn, ớn lạnh,
chân tay lạnh, lưỡi bệu mà nhuận, mạch Trầm Tế là chứng hậu của Thận
dương hư suy, nên tăng cường sức ôn Thận, hóa ẩm. Dùng bài Ngũ Linh
Tán có thể thêm Phụ tử, Nhục quế. Nếu bệnh nhẹ có thể dùng bài Thận Khí
Hoàn điều trị tiếp tục.
Chứng Dật Ẩm ghi trong sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ thì chứng trạng
chủ yếu là đau nhức nặng nề toàn thân. Thậm chí chân tay phù thũng, căn cứ
vào đó, có thể xếp Dật ẩm thuộc phạm vi thủy thũng. Sách ‘Y Tông Kim
Giám’ cũng ghi: "Dật ẩm tức ngày nay gọi là phong thủy, bì thủy", đó là lý
do không giới thiệu Dật ẩm trong ẩm chứng ở đây nhưng lại có ảnh hưởng
đến nhau.
Tóm lại, ẩm chứng thuộc loại dương hư âm thịnh, ‘bản’ hư mà "tiêu'
thực. ‘Bản’ thuộc Tỳ Thận dương hư không vận hóa được chất tinh vi, ‘Tiêu'
là thủy ẩm ứ đọng. Còn kiện Tỳ ôn Thận là phép chính trị, đợi khi thủy ẩm
tạm ổn, rêu lưỡi hóa dần, mạch chuyển Hư Nhược, vẫn cần phải ôn bổ Tỳ
Thận, phù chính đã làm bền gốc để củng cố về sau: Đồng thời chú ý phòng
ngừa ngoại tà xâm phạm, hạn chế rượu, thuốc và thức có mỡ, kết quả điều trị
càng được nâng cao.
Y ÁN ĐÀM ẨM
(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn
Thư)
I) Bệnh nhân: Chu x x, nam giới, 50 tuổi.
Từ ngoại cảm phong hàn dẫn đến ẩm chứng, Phế khí không tuyên
thông, lại sinh ra ho và thở gấp, ngực khó chịu, ớn lạnh, rêu lưỡi mỏng nhớt,
mạch Hoạt. Chữa theo bệnh Đàm ẩm trong sách ‘Kim Quỹ Yếu Lược’ là
điều hòa bằng thuốc ấm. Dùng bài Quế Chi Gia Hậu Phác Hạnh Nhân Thang
(Quế chi 6g, Cam thảo 2g, Hậu phác 6g, Hạnh nhân 12g, Phục linh 12g, Tô
tử 20g, Bạch truật 12g, Viễn chí (chích) 4g, Lai phục tử 8g, Toàn phúc hoa
12g, Trần bì 4g, Bán hạ 8g, Nga quản thạch 12g (nung).
Khám lần 2: Uống 2 đơn thang trên, các chứng đều giảm.
Khám lần 3: Dùng đơn cũ, bỏ Tuyền phúc hoa thêm Bạch truật 20g,
Bổ cốt chi (sao) 20g.
2) Bệnh nhân: Du X, nam, 56 tuổi.
Khám lần đầu: Phong hàn bó chặt ở ngoài, đờm ẩm tụ ở trong, Phế bị
vít lấp mất sự túc giáng, phát cơn ho thở suyễn suốt ngày đêm không nằm
được, cơ thể lạnh, sợ lạnh, kém ăn, muốn nôn, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Phù
Huyền Hoạt.
Dùng Tiểu Thanh Long Thang gia giảm để sơ giải ngoại tà, ôn hóa
đàm ẩm: Ma hoàng (chích) 1,6g, Quế chi 3,2g, Phục linh 12g, Khương bán
hạ 8g, Can khương 1,6g, Ngũ vị tử 1,6g, Tô tử 8g, Hạnh nhân 12g, Nga quản
thạch 12g, Thục phụ phiến 4g. Kết hợp với Háo Suyễn Tử Kim Đan 2 viên
(nuốt).
Khám lần 2: Uống 2 đơn thang trên, ho suyễn thở ban ngày giảm rõ
rệt, ban đêm bệnh vẫn y nguyên, tiếp tục uống đơn trước.
Khám lần 3: Ho suyễn thở ban đêm cũng giảm nhẹ, hết muốn nôn.
Nhưng quá trình bị đàm ẩm quá lâu, không thể chuyển hóa hết ngay; Tỳ là
nguồn sinh ra đờm - Phế là nơi chứa đờm, cần lý Tỳ, túc Phế, ôn hóa đàm
ẩm.
Dùng đơn cũ, thêm Bạch truật 20g, Bổ cốt chi (sao) 20g.
-Nhận xét: Hai bệnh án trên đều do ẩm tà ràng buộc ở Phế, nhưng
bệnh có nặng, nhẹ, nên dùng thuốc cũng khác nhau.
Trường hợp nhẹ là ẩm tà chưa thịnh, ho suyễn không nặng lắm, bệnh
nhẹ mà dễ chữa. Trường hợp nặng là hàn ẩm khá thịnh, ho suyễn không nằm
được, bệnh nặng mà khó khỏi, cho nên dùng thuốc ôn Phế hóa ẩm liều cao
để bình suyễn, chữa ho. Đó là điều cần phân biệt so sánh.
3) Bệnh nhân: Mạnh X, nam, 63 tuổi.
Khám lần đầu: Ho suyễn đã hơn 10 năm, gặp ngoại cảm bệnh tăng,
ngực khó chịu, kém ăn, rêu lưỡi vàng sạm, mạch Huyền Hoạt. Bệnh nhân
nghiện rượu, tửu thấp sinh đàm tụ ẩm, thấm vào Phế gây nên ho; Phế bị
bệnh liên lụy đến Thận, Thận khí mất chức năng thu nạp gây nên suyễn. Rõ
ràng là xuất hiện trên thực dưới hư. Điều trị cần mở lối thượng tiêu, để tuyên
Phế khí, kiện vận Tỳ Vị kiêm cả nạp Thận khí. Dùng Ma hoàng (chích) 4g,
Hạnh nhân 12g, Tang bạch bì 20g, Tô tử 12g, Bối mẫu 12g, Quất hồng 4g,
Hải phù thạch 16g, Phục linh 12g, Bổ cốt chỉ (sao) 20g, Hồ đào nhục 2 quả.
Khám lần 2: Sau khi uống 3 thang, ho suyễn đều giảm. Tiếp tục uống
đơn cũ.
Khám lần 3: Ho suyễn đã giảm, ăn thấy ngon, Phế khí đã giáng xuống,
Vị có dấu hiệu tỉnh táo, tà khí mới tuy đã rút lui, nhưng ẩm tà chứa chấp lâu
ngày khó biến hóa, hơn nữa lại cao tuổi, sự nhiếp nạp của Thận cũng kém,
cho nên rất dễ thăng lên, nên dùng phương pháp kiện Tỳ hóa đàm, túc Phế,
nạp Thận. Dùng Nam sa sâm 12g, Tô tử 12g, Hạnh nhân 12g, Phục linh 12g,
Viễn chí 6g, Toàn phúc hoa 12g, Quất hồng 4g, Hải phù thạch 16g, Bổ cốt
chi 20g, Hồ đào nhục 2 quả.
4) Bệnh nhân: Trương X, nữ, 21 tuổi. Đau ngực và ho suyễn đã hơn
10 năm, về chiều phát sốt, khạc ra đờm dính. Sau khi vào viện, nhiệt độ 38 –
390C, X quang kết luận là ‘Tràn dịch màng Phổi’, đã hai lần rút nước nhưng
bệnh không giảm rõ rệt. Chuyển sang điều trị Đông y. Người bệnh ho suyễn
lan tỏa ngực sườn, mạch Hoạt Thực.
Chẩn đoán: Nước tích đọng ở ngực sườn thuộc chứng Huyền ẩm.
Phép trị: Trục thủy theo phép hạ mạnh, cho uống Thập Táo Thang.
Sau khi uống một thang, tiêu ra nước khoảng 2 ống nhỏ, ho suyễn giảm dần,
thể ôn giảm, ăn uống tăng. Cách ba ngày sau lại cho uống thêm một thang
nữa, lại tiêu ra nước rất nhiều, các chứng trạng tiêu hết.
Nhận xét: Hai bệnh án trên, bị ho suyễn hơn 10 năm, bệnh dai dẳng
không dứt. Bệnh án họ Mạnh do tà lưu ở Phế gây nên chứng Chi ẩm, trên
thực dưới hư, đàm ẩm hóa nhiệt, cho nên dùng phép tuyên Phế, nạp Thận
(khác với bệnh án họ Chu và Du). Bệnh án sau cùng do chứng ẩm đọng ở
ngực sườn, thuộc thực chứng, cho nên dùng phương pháp trục thủy, xổ
mạnh. Sau khi triệu chứng cơ bản đã hết, vẫn nên tiếp tục điều trị theo cách
phù chính, hóa ẩm như dùng các bài ‘Linh Quế Truật Cam Thang’, ‘Nhị
Trần Thang’ thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ để củng cố kết quả, phòng ngừa
tái phát.