XOA BÓP ĐỂ GIẢM ĐAU THẮT LƯNG DO THOÁI HÓA CỘT SỐNG
(Kỳ 1)
ThS.BS. Quan Vân Hùng
Trưởng khoa Nội 2 - Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
1/ ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau thắt lưng (ĐTL) là một chứng bệnh thường xảy ra trong cuộc sống
hàng ngày. Ai cũng có thể bị ĐTL vài lần trong đời với cường độ từ đau thoáng
qua đến đau rất nặng phải nằm liệt giường: nam nữ già trẻ, lao động trí óc hoặc
chân tay đều có thể mắc bệnh này. Theo thống kê của Hội Chỉnh hình Mỹ
(Orthopedics Knowledge Update 1993): 60 - 80% dân Mỹ bị đau lưng ít nhất một
lần trong đời và mỗi năm toàn nước Mỹ tốn từ 20 đến 50 tỷ đô la cho việc chăm
sóc và điều trị, trong đó 85 đến 90% là các trường hợp đau lưng kéo dài, thiệt hại
100 triệu ngày công/năm. Việt Nam là xứ nông nghiệp, tỷ lệ nông dân bị đau lưng
rất cao. Công trình nghiên cứu ở xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
(1979) cho thấy số nông dân mắc bệnh đau khớp chiếm 15% dân số mà riêng tỷ lệ
đau lưng là 37,5%. Một công trình nghiên cứu về tình hình đau thắt lưng ở một số
đơn vị quân đội và công nhân thuộc địa phận Hải Hưng - Quãng Ninh từ tháng 4 -
12 năm 1995 cho thấy: tỷ lệ đau TL ở quân nhân là 24,18%, ở nhóm công nhân là
27,11%, trong số người đau TL có 98,85% giảm khả năng lao động, 23,56% ảnh
hưởng đến lao động, 23,18% ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, 19,06% ảnh
hưởng đến giấc ngủ và 24,32% cần có sự giúp đỡ của người khác trong sinh hoạt;
số người phải nghỉ việc hàng năm vì đau TL và 0,56 - 3%, thời gian nghỉ việc
tri\ung bình hằng năm cho mỗi người là 10,99 + 3,85 ngày.
Đau thắt lưng chỉ là triệu chứng của rất nhiều bệnh đa dạng, từ đơn giản
đến phức tạp mà thoái hóa cột sống (hư cột sống) là một nguyên nhân quan trọng.
Tỷ lệ bệnh tăng theo tuổi. Thoái hóa cột sống gặp ở mọi chủng tộc, dân tộc, mọi
miền khí hậu địa lý, kinh tế, nam nữ ngang nhau. Thống kê 1995 của thế giới cho
thấy 0,3 - 0,5% dân số bị khớp trong đó có 20% bị thoái hóa khớp. Ở Mỹ, 80%
người trên 55 tuổi có dấu hiệu X Quang là thoái hóa cột sống. Ở Pháp bệnh này
chiếm 28% các bệnh về xương khớp. Ở Việt Nam, đau xương khớp (chủ yếu là
thoái hóa) chiếm 20% số bệnh nhân, các vị trí thoái hóa theo thứ tự từ cao đến
thấp: cột sống thắt lưng 31%, cột sống cổ 14%, gối 13%, háng 8%, nhiều đoạn cột
sống 7%, ngón tay 6%, khớp khác 21%. Tại Viện Y Học Dân Tộc TP.HCM: năm
1997 có 2,5% tổng số bệnh nhân đến khám vì đau lưng do thoái hóa cột sống.
Thoái hóa cột sống thắt lưng là một bệnh mạn tính mang tính chất xã hội,
do tính phổ biến, diễn biến kéo dài với những đợt cấp có khi rất nặng, hậu quả dẫn
đến hạn chế lao động và sinh hoạt, do đó bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị
lâu dài, các phương pháp điều trị gồm có:
- Phương pháp điều trị nội khoa dùng thuốc.
- Phương pháp điều trị nội khoa không dùng thuốc (châm cứu các loại, cạo
gió giác hơi, chích lễ, vận động và xoa bóp).
- Phương pháp phẫu thuật chỉnh hình.
Phân tách lợi hại của từng phương pháp, như dùng thuốc Y học hiện đại
giảm đau mạnh nhanh nhưng phải tốn kém, không phải lúc nào cũng có sẵn trong
nhà, phải đi mua mất thời gian, có thể gây tác dụng phụ đôi khi rất nặng (viêm loét
tá tràng, rối loạn tiêu hóa, hội chứng Cushing, xuất huyết tiêu hóa, dị ứng…),
phương pháp phẫu thuật đòi hỏi phải có phương tiện. Do đó, sử dụng các phương
pháp Y Học cổ truyền nhằm hỗ trợ cho nhau để tùy từng giai đoạn và phương tiện
mà thầy thuốc lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Theo kinh nghiệm dân gian:
khi đau thì dùng phương pháp xoa - bóp - day bấm huyệt hay uống các loại cây cỏ
có sẵn trong vườn nhà. Hoặc theo lý luận kinh điển, tùy thuộc vào biểu hiện đau
lưng do rối loạn chức năng nào của cơ thể mà sử dụng bài thuốc cổ phương hoặc
cấu tạo phương huyệt điều trị. Đã có 1 số công trình nghiên cứu như: ứng dụng
một phương huyệt, một bài thuốc …nhằm giảm đau lưng trong thoái hóa cột sống
nhưng chưa nhiều.
Như thống kê đã nêu trên, tuổi nào cũng có thể mắc bệnh này đặc biệt là
khi có thêm những yếu tố nguy cơ như: béo phì, lao động sai tư thế, quá trình tích
tuổi, v.v… nhưng tỷ lệ trên 55 tuổi mắc bệnh chiếm đến hơn 80%; và chúng ta
cũng biết rằng bệnh lý thoái hóa khớp có biểu hiện 2 giai đoạn: ổn định và không
ổn định, cả 2 giai đoạn này đều xuất hiện ĐAU, nhưng chính ở giai đoạn không ổn
định gây đau nhiều làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.
Do đó để góp phần giải quyết chứng ĐAU THẮT LƯNG do thoái hóa cột
sống, đồng thời chứng minh các phương pháp y học cổ truyền mà dân gian thường
sử dụng như: XOA BÓP - DAY BẤM HUYỆT có thể giải quyết đau thắt lưng
một cách hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người có tuổi. Với
nghiên cứu này, chúng tôi mạnh dạn đặt vấn đề can thiệp vào cộng đồng có nguy
cơ ĐAU THẮT LƯNG TRONG THOÁI HÓA CỘT SỐNG do quá trình tích tuổi.
2. MỤC TIÊU ĐỀ TÀI:
1/ Ứng dụng các phương pháp dân gian: XOA BÓP - DAY BẤM HUYỆT
theo một phác đồ đề nghị (tổng hợp từ nhiều kinh nghiệm Đông - Tây).
2/ Nêu được tỷ lệ giảm đau của phương pháp áp dụng nghiên cứu.
3/ Đóng góp thêm số liệu tham khảo về chứng đau thắt lưng.
4/ Đề xuất xã hội hóa phương pháp này: hướng dẫn phương pháp này cho
các đối tượng ngoài ngành y tế (để chăm sóc ban đầu, thực hiện bởi thân nhân
bệnh nhân).
3. PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
3.1. Chọn phương pháp nghiên cứu: phương pháp nghiên cứu bệnh chứng.
3.2. Chọn mẫu nghiên cứu:
- Bệnh nhân đến khám tại phòng khám Viện Y Dược Học Dân Tộc
TP.HCM được chẩn đoán là đau thắt lưng do THCS tuổi từ 40 trở lên cả nam lẫn
nữ.
3.3. Phương tiện:
3.3.1. Bảng câu hỏi 1: mục đích để chọn mẫu nghiên cứu, dành cho tất cả
người già có đau TL.
3.3.2. Khám lâm sàng xác định bị đau thắt lưng do THCS (tiêu chuẩn chọn
bệnh).
3.3.3. Cận lâm sàng:
# X.Quang: có 3 dấu hiệu cơ bản:
• Giảm khoang đốt sống (hẹp khe khớp)
• Đặc xương dưới sụn (xơ hóa dưới tấm sụn)
• Gai xương:
# Huyết học: để xác định giai đoạn xung huyết, viêm, gồm có BC, VS.
3.4. Loại trừ: Đau TL do những nguyên nhân không phải thoái hóa cột
sống.
3.5. Biện pháp can thiệp:
3.5.1. Lô nghiên cứu:
3.5.1.1. Xoa bóp - day bấm huyệt trên bệnh nhân đau TL do THCS đã chọn.
Qui trình xoa bóp - day bấm huyệt bằng bàn tay không dùng máy hay
phương tiện gì khác. Qui trình gồm các bước theo tự tự sau: Xoa - Vuốt - Vỗ -
Day - Ấn - Bấm - Vận động.
3.6. Tiêu chuẩn Theo dõi:
Hiệu quả lâm sàng được ghi nhận tức thời sau xoa bóp và sau các lần điều
trị: Lần 1 (L1), lần 2 (L2), L3, L4, L5, L6 hoặc lần cuối (cách nhau 2 ngày). Tiếp
tục theo dõi sau 1-2-3 tháng và đánh giá đợt tái phát.
Các chỉ tiêu theo dõi:
+ Sinh hiệu: mạch, huyết áp.
+ Triệu chứng giảm đau
+ Giảm hạn chế vận động thắt lưng (Khoảng cách đầu ngón tay - mặt đất
khi cúi lưng, chỉ số Schober).
+ Cận lâm sàng: Công thức bạch cầu, VSS trước và sau khi điều trị 15
ngày.
+ Các ghi nhận chủ quan: khỏe, ăn ngủ tốt.
+ Bảng theo dõi số 2 (phần phụ lục)
3.7. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả
Theo 4 nội dung: Giảm đau - Giảm giới hạn vận động - Thay đổi huyết học
- Ghi nhận chủ quan (cảm xúc hành vi thái độ ứng xử đối với đau, ăn ngủ).
3.7.1. Đánh giá hiệu quả giảm đau: đánh giá theo thang điểm có so sánh với
khởi điểm đau, được qui ước như sau:
* Đối với đau tự nhiên (đau tự phát) có 4 mức (đau trước khi xoa bóp được
tính theo thang nhìn là 10/10, sử dụng thước đo thang nhìn
• 0 điểm: không đau
• 1 điểm: Đau ít (bệnh nhân khai qua điều trị giảm 7-8/10)
• 2 điểm: Đau vừa (giảm 3 - 6/10)
• 3 điểm: Đau nhiều (giảm đau ít hay không giảm).
* Đối với đau gây ra được đánh giá bằng chỉ số Ritchie theo thang điểm
• 0 điểm: không đau
• 1 điểm: Bệnh nhân chỉ than đau.
• 2 điểm: Đau kèm theo phản ứng (nhăn mặt, suýt xoa).
• 3 điểm: Đau kèm theo nhăn mặt, giật tránh.
Để việc đánh giá giảm phần chủ quan, bệnh nhân được giải thích cặn kẽ để
tự đánh giá và trả lời câu hỏi (có sử dụng thước đo).
3.7.2. Đánh giá hiệu quả làm giảm giới hạn vận động TL:
Được đánh giá theo thang điểm có so sánh với khởi điểm được qui ước:
* Giảm khoảng cách bàn tay - đất khi cúi lưng:
* Chỉ số Schober: Tăng sau khi xoa bóp.
3.7.3. Đánh giá hiệu quả giảm viêm: BC và VS giảm
3.7.4. Đánh giá qua ghi nhận chủ quan bằng phương pháp phỏng vấn: Ăn
ngủ khả quan hơn, khỏe hơn và bản trả lời câu hỏi về hiệu quả thuốc trước và sau
khi can thiệp.
3.7.5. Đánh giá về hiệu quả điều trị:
• Hạng A (tốt): Giảm đau rõ rệt (có ý nghĩa thống kê), các chỉ số đo đạc
thay đổi rõ (có ý nghĩa thống kê), ghi nhận chủ quan tiến bộ rõ.
• Hạng B (khá): Giảm đau rõ (có ý nghĩa thống kê). Chỉ số đo đạc không
thay đổi rõ. Ghi nhận chủ quan tiến bộ khá.
• Hạng C (trung bình): Giảm đau ít, chỉ số không thay đổi, ghi nhận chủ
quan có tiến bộ.
• Hạng D (kém): Không kết quả.
3.8. Phương pháp thống kê dùng trong nghiên cứu:
Dùng chương trình phần mềm Epi Info để lưu trữ số liệu và thực hiện toán
thống kê.