NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT – NAM
Phần 1
Như chúng ta biết, lịch sử bộ môn văn học dân gian thế giới phát triển
mạnh mẽ chừng khoảng một thế kỷ gần đây đã gợi lên nhiều vấn đề lý thú,
làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận đến nay hầu như chưa vơi ý nghĩa, đóng lại
nhiều hướng tìm tòi đã quá lỗi thời, cũng như mở ra nhiều con đường thuận
lợi giúp các nhà cổ tích học nhiều nước xích lại gần nhau về phương pháp,
do đó đưa lại nhiều triển vọng trong nhận thức, khám phá ra nhiều điều mới
mẻ của thế giới cổ tích nước mình mà trở về trước tưởng chùng như luôn
luôn vẫn là điều bí ẩn.
Không kể một thời kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi trước đây, từ trường
phái thần thoại ngữ văn Ấn - Âu ra đời vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX
mà chủ xướng là hai anh em nhà cổ tích học nổi tiếng người Đức Grim[1],
qua trường phái Ấn-độ[2] rồi trường phái nhân chủng học[3], cho đến
trường phái địa lý học lịch sử xuất hiện ở Phần-lan (Finlande) vào đầu thế kỷ
này[4], thì vấn đề nghiên cứu các loại hình tự sự dân gian trong đó có cổ
tích, quả thực đã phá vỡ được hàng rào quốc gia chật hẹp để trở thành một
vấn đề có ý nghĩa và phạm vi quốc tế. Mặc dầu không thể không cảnh giác
trước bao nhiêu ý kiến lệch lạc của các trường phái này, trong đó có những
thiên kiến hẹp hòi, thậm chí có lúc có người đã sa đà vào chủ nghĩa chủng
tộc, người ta vẫn không kém ngạc nhiên trước vô số thành tựu cụ thể mà các
trường phái nói trên đã tổng hợp được. Nó cho phép gạn lọc để đi dẫn tới
một phương pháp thực sự đúng đắn, qua đó có thể nhìn nhận truyện tự sự
dân gian của mọi dân tộc như là một di sản tinh thần thống nhất, với những
đặc trưng thống nhất về tư tưởng cũng như loại hình.
Việc vạch ra một nguồn gốc chung của truyện cổ dân gian một số
nước Đông Tây, chẳng hạn nguồn gốc A-ri-an (Aryens)[5] trong trường phái
thần thoại học, hay nguồn gốc Ấn-độ trong trường phái Ấn-độ học, tuy rằng
chứa đựng không ít sai lầm về mặt quan điểm, và nếu cứ nhắm mắt tin theo
thì vô tình sẽ ảnh hưởng đến việc nhận thức đúng đắn tiến trình vận động
của loại hình tự sự dân gian trong quá khứ; nhưng ít ra về một mặt nào đó,
những nhận định cực đoan kiểu này cũng bao hàm trong nó một hạt nhân
hợp lý: mối quan hệ mật thiết và sự giao lưu thường xuyên trong đời sống
văn hóa, tinh thần của các dân tộc thời cổ đại và trung cổ là một hiện tượng
có thực, đã diễn ra theo những con đường trao đổi hàng hóa và truyền bá tôn
giáo phổ biến từ Âu sang Á, từ Á sang Âu. Và trong những mối quan hệ qua
lại không bao giờ thụ động và một chiều đó, thì ảnh hưởng tích cực của
những "bếp lửa" văn hóa nhân loại thời cổ, như Ấn-độ, Ai-cập (Égypte), Hy-
lạp (Grèce), Trung-hoa đối với các nền văn hóa khác là điều ít ai có thể
nghi ngờ.
Cũng như vậy, việc phân loại tỷ mỷ truyện cổ tích thành hàng trăm
hay hàng nghìn mô-típ phổ biến, và việc phân tích sự kết hợp các mô-típ ấy
thành vô số típ hay mẫu đề trong kho tàng cổ tích thế giới của trường phái
Phần-lan (Finlande), tuy tựu trung vẫn chưa thoát khỏi hình thức chủ nghĩa,
và ít nhiều có làm cho tính chất hữu cơ trong kết cấu truyện cổ dân gian bị
cắt rời thành từng mảnh, nhưng dù sao, đây vẫn là những phát hiện bước đầu
hết sức quan trọng mà nhờ đó khoa phân tích truyện cổ tích mới thoát khỏi
sự suy đoán tùy tiện để đi vào một thời kỳ mới với hy vọng tìm ra được cái
kết cấu đích thực bên trong, cái quy luật vận động chung nhất và cái lô-gích
của tư duy nghệ thuật dân gian.
Dĩ nhiên, bước tiến nào cũng kèm theo một bước lùi tương đối. Khi
người ta phát hiện ra cái "chung" của truyện cổ tích, thì một câu hỏi tự nhiên
cũng nảy sinh làm các nhà cổ tích học băn khoăn lúng túng: vậy thì truyện
cổ tích có còn hay không cái phần "riêng", tức là cái bản sắc dân tộc của mỗi
địa phương đã sáng tạo ra nó, hoặc tiếp nhận và lưu hành nó như di sản của
chính mình? Phải chăng đúng như ý kiến của Cô-xcanh (E.Cosquin), đại
diện trường phái Ấn-độ học, rằng đi tìm cái "nhãn hiệu" Ấn-độ trong kho
tàng truyện cổ dân gian các dân tộc mới là việc thực sự có ý nghĩa, còn như
ngược lại, đi tìm yếu tố độc đáo dân tộc ở những kho tàng phong phú đa
dạng đó chỉ là điều dối trá mà thôi? Hoặc là "không bao giờ có thể căn cứ
vào các truyện du nhập từ nước ngoài để tìm cá tính của các dân tộc đã thu
hút các truyện đó"[6] "vì trong các dị bản tuyệt nhiên không có yếu tố tưởng
tượng độc đáo của người kể truyện"[7], vân vân và vân vân
Quả là trong công tác nghiên cứu truyện cổ dân gian, việc phát hiện ra
cái "chung" của loại hình này vẫn chưa phải là đã tới đích cuối cùng của nhà
nghiên cứu. Rốt cuộc đấy cũng chỉ mới là một cái mốc và dầu là một cái
mốc rất đáng kể đi nữa, nếu như nhà nghiên cứu thỏa mãn và dừng lại ở đấy,
rồi tuyệt đối hóa nó, coi nó là yếu tố chi phối tất cả, chắc hẳn kết luận của họ
sẽ phạm phải không ít sai lầm.
Đành rằng trong những thời kỳ lịch sử xa xăm, trên con đường phấn
đấu gian nan của các dân tộc nhằm chống lại những lực lượng trở ngại trong
tự nhiên cũng như trong xã hội để tồn tại và phát triển, dân tộc nào mà chẳng
trải qua những bước tiến hóa lịch sử gần như nhau, với những tình cảm, tư
tưởng, quan niệm nhân sinh, đạo lý ứng xử có tính nhân loại; nhưng nếu
xét về hình thức biểu hiện của những nhân tố rất gần nhau ấy, thì rõ ràng
chúng lại hiện ra dưới những đường nét sắc màu hết sức phong phú và đa
dạng. Và đứng ở góc độ đó mà xét, có dân tộc nào lại giống hệt với dân tộc
nào?
Hơn thế nữa, làm gì lại có một dân tộc "thượng đẳng" nào đấy, được
thượng đế ban cho một chức năng cao quý là chuyên sáng tác ra vô vàn
truyện kể kỳ thú để ban phát cho cả loài người cùng thưởng thức, trong khi
đó thì các dân tộc khác, trí tuệ, tài năng cũng chẳng phải là kém cỏi, mà lại
cứ phải đóng vai người "thính giả", hay người "kể chuyện" trung thành? Nói
cách khác, tưởng tượng và mơ ước, suy nghĩ và sáng tạo vốn là những khả
năng hầu như vô tận của trí óc con người nhằm dựng nên một thế giới bằng
ngôn ngữ và bằng âm thanh để tô điểm cho cái thế giới mà mình đang sống,
để bổ sung những chỗ khiếm khuyết của con người bằng ước mơ, phải đâu
là độc quyền riêng của một vài dân tộc! Và ngay cho dù có một dân tộc nào
đó là có nhiều khả năng hơn những dân tộc khác trong lĩnh vực sáng tạo
nghệ thuật thì trong quá trình sinh hoạt, tiếp xúc và giao lưu với các dân tộc
khác, phải đâu họ chỉ làm người "chủ động ban phát" mà không hề tiếp nhận
những ảnh hưởng ngược trở lại? Cũng vậy, đối với dân tộc "tiếp nhận" cũng
phải đâu trong khi chuyển hóa những vốn liếng của nước ngoài vào điều
kiện lịch sử - xã hội của nước mình, dân tộc đó cứ một mực thụ động "sao y
bản chính", mà không hề cải tạo, gạn lọc, nghĩa là không dám nghĩ đến cái
công việc sáng tạo lại một lần thứ hai?
Cho nên, để có một nhận thức đầy đủ về truyện cổ dân gian, thì sau
khi đã phát hiện ra cái "chung", lại rất cần trở lại với cái "riêng". Đó là hai
phương diện khác nhau cùng làm nên giá trị của loại hình cổ tích, là hai yếu
tố nảy sinh từ những nguồn gốc khác nhau, trong quá trình hình thành, vận
động, lưu chuyển của thể loại tự sự đó trong phạm vi một nước cũng như
rộng ra cả một vùng bao gồm nhiều nước, nhiều dân tộc.
Và tuy nguồn gốc có khác, tuy vai trò cũng không đồng nhất, nhưng
hai yếu tố này lại gắn với nhau trong loại hình cổ tích như một chỉnh thể và
thường được biểu hiện thành mối quan hệ thẩm mỹ giữa nội dung và hình
thức, giữa cốt truyện và mô-típ, giữa chủ đề tư tưởng và sự cụ thể hóa chủ đề
ấy bằng nhân vật, bằng sự tiến triển của câu chuyện. Xác định cho được giá
trị thẩm mỹ của mối quan hệ biện chứng nói trên trong các loại hình truyện
tự sự dân gian, đó chính là yêu cầu lý tưởng đối với phương pháp nhận thức
và đánh giá của khoa cổ tích học hiện nay.
Mấy chục năm qua, do tích lũy được nhiều tài liệu mới, nhiều quan sát
mới liên quan đến bản thân phôn-clo (folklore) nói chung, cổ tích nói riêng,
do kế thừa đúng đắn thành tựu của ngành phôn-clo học, của khoảng một thế
kỷ rưỡi phát triển, nên các nhà cổ tích học nhiều nước trên thế giới đã đạt
được những thành tựu lớn lao chưa từng thấy. Qua sự tiếp cận với những cốt
truyện cổ tích cũng như những thần thoại (hoặc huyền thoại) anh hùng ca
(hoặc sử thi) v.v của nhiều dân tộc, bằng phương pháp so sánh, đối chiếu,
các công trình nghiên cứu hiện đại đã hướng vào việc giải thích tính quy luật
của sự ra đời truyện cổ tích - chủ yếu là tiểu loại cổ tích thần kỳ, các huyền
thoại, các sử thi - và đề xuất được nhiều luận điểm có giá trị nhằm lý giải
một cách toàn diện và xác đáng hơn hẳn trước, chân tướng cũng như nguồn
gốc, quá trình di chuyển của những truyện cổ tích. Sự giống nhau của các
cốt truyện - một đặc điểm của bản thân đối tượng - trong nhiều trường hợp
có thể xem như là quốc tế về mặt loại hình, nhưng lại là dân tộc về mặt lịch
sử - xã hội, bởi vì truyện dân gian của một dân tộc vốn gắn bó với hệ thống
những quan hệ sinh hoạt xã hội cũng như với trình độ nhất định trong sự
phát triển của một hình thái kinh tế và văn hóa nào đấy, và với những biểu
tượng của nhân dân nảy sinh hợp với quy luật của hệ thống ấy. Một tác
phẩm phôn-clo (folklore) - theo Prôp (V.Ia. Propp)[8] - "ra đời hoặc biến đổi
là hoàn toàn hợp với quy luật và độc lập với ý muốn của con người ở tất cả
những nơi hình thành những điều kiện tương ứng cho điều đó trong sự phát
triển lịch sử. Hiện tượng về sự giống nhau có tính chất toàn thế giới đối với
chúng tôi không phải là vấn đề. Đối với chúng tôi, hiện tượng vắng mặt của
một sự giống nhau như vậy mới là điều dường như không thế giải thích
được. Sự giống nhau nói lên tính quy luật, cụ thể là sự giống nhau của các
tác phẩm phôn-clo (folklore) chẳng qua chỉ là trường hợp một bộ phận của
tính quy luật có tính chất lịch sự xuất phát từ những hình thức như nhau của
sự sản xuất văn hóa vật chất dẫn tới những thể chế xã hội như nhau hay
giống nhau, và trong lĩnh vực ý thức hệ, dẫn tới sự giống nhau của những
hình thức và những phạm trù của tư duy, của những biểu tượng tôn giáo, của
đời sống nghi lễ, của ngôn ngữ và của phôn-clo (folklore)"[9].
Cho nên cốt truyện của truyện cổ tích cũng như những hình tượng của
truyện tự sự nói chúng thường được tạo nên bằng con đường lý giải lại, hoán
cải lại một cách thẩm mỹ dựa theo những yếu tố truyền thống trong sinh
hoạt của dân tộc. Điều đó chắc chắn sẽ bác bỏ hoặc điều chỉnh lại những lý
thuyết phiến diện lệch lạc của các trường phái trước đây mà ở phần trên đã
đề cập.
Theo chúng tôi, truyện cổ tích cũng như mọi sản phẩm văn hóa khác,
nhất là những sản phẩm không tên tác giả, nghĩa là những sản phẩm có xu
thế hoàn chỉnh giá trị trên quá trình lưu chuyển, sau khi xuất hiện tại một
vùng nào đấy sẽ dễ dàng được nhiều người khác gọt giũa, hoàn chỉnh trở
thành tài sản chung của cả xã hội (cái bất biến), và từ đó nó sẵn sàng vượt
biên giới xứ sở để gia nhập vào tài sản tinh thần một dân tộc khác dù xa hay
gần. Cho nên hiện tượng lặp đi lặp lại, hiện tượng dị bản (cái bất biến kết
hợp với cái khả biến) trong cổ tích nói chung là việc bình thường. Có điều là
vấn đề không phải là ở chỗ cứ đổ cho thuyết di chuyển, hay giải thích bằng
sự vay mượn một cách vô tội vạ, tức là nhìn nhận hiện tượng bất chấp quy
luật. Trong điều kiện có thể cũng cần phải biết một tác phẩm cổ tích, cốt
truyện nảy sinh từ đâu, vào lúc nào? Và bằng con đường nào, ở đâu và lúc
nào nó đã chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác?
Một truyện kể có hình thức đầu tiên là gì và sự thay đổi kế tiếp là gì? Vì
sao? v.v Tất cả những vấn đề trên cũng tức là việc tiến hành giải thích
bằng cách đi tìm cội nguồn trong lịch sử, và chỉ có thể đạt được không phải
chỉ bằng cách so sánh đơn thuần mà bằng cách nghiên cứu rộng rãi theo
phương pháp lịch sử - loại hình, một phương pháp trong thời gian gần đây
đã cho phép các học giả khám phá ra được nhiều điều lý thú.
Mặc dù tài liệu về truyện cổ tích quốc tế hiện nay của chúng ta thiếu
thốn nghiêm trọng, chúng tôi cũng mạo muội nhìn sâu một chút vào cái
"chung" và cái "riêng" trong kho tàng truyện cổ tích Việt-nam, đúng hơn là
thử đi tìm nguồn gốc ngoại lai cũng như nguồn gốc bản địa của một số
truyện cổ tích của chúng ta.