Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

VỀ MỘT NGHÌN LẺ MỘT MỤC ĐÍCH - Zarathustra đã nói như thế pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.74 KB, 7 trang )

Zarathustra đã nói như thế
VỀ MỘT NGHÌN LẺ MỘT MỤC ĐÍCH

Zarathustra đã nhìn thấy nhiều xứ sở và nhiều dân tộc; hắn khám phá
ra điều thiện và điều ác của nhiều dân tộc trong hoàn cảnh đó. Zarathustra
không tìm thấy quyền lực nào trên mặt đất to lớn hơn quyền lực của thiện và
ác.
“Chẳng dân tộc nào có thể sống mà lại không bắt đầu bằng việc phán
đoán các giá trị; thế mà, muốn tự bảo toàn, dân tộc đó không được phán
đoán giống như dân tộc láng giềng.
Nhiều việc được dân tộc này cho là tốt thì dân tộc khác lại cho là xấu
hổ, ty tiện, đáng khinh: đấy chính là điều ta đã khám phá ra được. Ta đã tìm
thấy nhiều sự việc ở nơi này bị gọi là xấu xa nhưng ở nơi kia, ngược lại,
được khoác cho tấm áo đỏ thẫm những vinh dự.
Chẳng bao giờ một dân tộc lân bang lại hiểu một dân tộc khác: tâm
hồn nó luôn luôn kinh ngạc về sự điên cuồng và dữ tợn của kẻ lân bang
mình.
Một bảng giá trị thiện hảo được treo lơ lửng trên mỗi dân tộc. Thế
nhưng, đấy là tấm bảng ghi lại những gì nó đã vượt bỏ, đấy là tiếng nói của
ý chí cường lực nơi dân tộc ấy.
Người ta gọi tất cả mọi chuyện có vẻ khó khăn là đáng ca ngợi; điều
gì vừa có vẻ tối cần thiết và khó khăn thì được gọi là điều thiện. Và bất cứ
điều gì giải thoát khỏi sự phiền muộn tối thượng, điều hiếm hoi và khó khăn,
thì họ gọi là linh thánh.
Điều gì làm cho một dân tộc ngự trị, chiến thắng, tỏa rạng quang
vinh, điều gì gây nên sự khủng khiếp, đố kỵ nơi dân tộc láng giềng thì đấy là
điều cao cả nhất và chiếm vị trí hàng đầu đối với dân tộc ấy, đấy là điều
được nêu ra làm thước đo và ý nghĩa cho vạn sự.
Thật ra, hỡi các anh em, một khi đã nhận rõ những nhu cầu, đất đai,
bầu trời và những lân bang của một dân tộc, các anh em cũng sẽ suy đoán ra
định luật chi phối những chiến thắng của dân tộc đó đối với chính mình, và


các anh em sẽ hiểu rõ lý do vì sao dân tộc ấy đã leo lên bậc thang đó để
vươn đến những hy vọng của mình.
“Trong tất cả mọi sự, mi phải luôn luôn là kẻ đứng ở hàng đầu và mi
phải vượt bỏ những kẻ khác: linh hồn ganh tị của mi sẽ không yêu mến ai
khác ngoài bằng hữu mi”, - đấy là châm ngôn ngày xưa từng làm run rẩy
tâm hồn người Hy Lạp và làm tâm hồn Hy Lạp leo vượt lên con đường cao
đại.
“Hãy nói sự thật và biết sử dụng cung tên cho thiện nghệ”, - điều này
vừa có vẻ quý giá vừa có vẻ khó khăn đối với dân tộc đã ban cho tôi cái tên
tôi đang mang, - cái tên đối với tôi vừa thân thiết vừa nặng nề quá đỗi[1].
“Hãy xưng tụng và tuân phục cha mẹ trong tận gốc rễ sâu thẳm của
tâm hồn anh”: tấm bảng ghi những chiến thắng đối với mình nói trên đây đã
được một dân tộc khác treo lơ lửng trên họ, nhờ đó, họ đã trở thành hùng
cường và bất tử.
“Hãy trung tín và vì tình yêu lòng trung tín, hãy đổ hết máu xương
cùng danh dự của mi cho những điều có khi xấu xa hay nguy hiểm”: nhờ
châm ngôn này một dân tộc khác đã biết tự vượt thắng mình, và trong khi tự
vượt như thế, dân tộc ấy đã trở nên giàu sang, mang nặng những hy vọng
bao la.
Thực ra, con người tự ban cho mình thiện và ác. Thực ra, con người
đã không nhặt lấy, đã không tìm thấy, đã không nghe thấy thiện và ác như
một giọng nói của trời cao.
Chính con người đã ban giá trị cho những sự vật để tự bảo tồn lấy
mình, - chính con người là kẻ sáng tạo ra ý nghĩa vạn vật, một ý nghĩa nhân
bản! Chính vì vậy họ tự gọi mình là “con người”, nghĩa là kẻ đo lường giá trị
vạn vật.[2]
Đo lường giá trị, tức là sáng tạo: vậy thì hãy nghe đây, các ngươi,
những kẻ sáng tạo! Chính sự đặt định giá trị của họ đã biến những sự vật
được định giá thành những kho tàng và những trân bảo.
Chính nhờ sự định giá, giá trị mới được cố định: không có sự định giá,

hạt nhân của cuộc hiện sinh sẽ trống rỗng. Hãy nghe đây, hỡi những con
người sáng tạo!
Thay đổi các giá trị, tức là thay đổi những con người sáng tạo. Bất
luận kẻ nào muốn sáng tạo đều phải luôn luôn phá hủy.
Những kẻ sáng tạo trước tiên là những dân tộc và sau đó là những cá
thể. Thực ra, chính cá thể là sáng tạo sau cùng và mới mẻ nhất trong các
sáng tạo.
Nhiều dân tộc ngày xưa treo lơ lửng bên trên họ một tấm bảng ghi
điều thiện. Tình yêu muốn thống trị và tình yêu muốn tuân phục đã cùng
nhau khai sinh ra những bảng giá trị như thế.
Khoái lạc của đám đông thì cổ xưa hơn khoái lạc của cá thể. Và chừng
nào ý thức tốt đẹp còn mang cái tên đoàn lũ, chỉ có ý thức xấu tệ mới thốt
lên: Tôi.
Thật ra, cái tôi giảo quyệt, cái tôi không tình yêu, cái tôi chỉ tìm kiếm
lợi ích trong lợi lộc của số đông - cái tôi đó không phải là nguồn gốc của
đoàn lũ, nhưng là dấu tích suy đồi của đoàn lũ.
Luôn luôn chỉ những tình nhân cùng những kẻ sáng tạo mới sáng tạo
nên thiện và ác. Ngọn lửa tình yêu và ngọn lửa phẫn nộ chói lòa trong tất cả
mọi đức hạnh.
Zarathustra đã nhìn thấy nhiều xứ sở và nhiều dân tộc. Hắn không tìm
thấy trên mặt đất quyền lực nào lớn hơn những công trình của những kẻ yêu
thương: “thiện” và “ác” là tên của những công trình đó.
Quả thật, quyền lực của những lời khen ngợi và sỉ nhục này giống như
một con ác quỷ. Hỡi các anh em, hãy nói cho ta biết, ai sẽ chế phục được
con ác quỷ ấy? Hãy nói cho ta biết ai sẽ xiềng đầu con vật ngàn cổ ấy?
Từ trước đến giờ đã có cả ngàn mục tiêu, vì đã có cả ngàn dân tộc.
Chỉ còn thiếu cái mục tiêu độc nhất. Loài người hãy còn chưa có mục tiêu.
Nhưng mà, hỡi các anh em, hãy nói cho ta biết, nếu loài người thiếu
mục tiêu thì đấy có phải chỉ vì hãy còn chưa có loài người?”


Zarathustra đã nói như thế.

Chú thích:
[1] “Hãy nói sự thật và biết sử dụng cung tên cho thiện nghệ”… ám
chỉ dân Ba Tư. “Hãy xưng tụng và tuân phục cha mẹ…” ám chỉ dân Do
Thái; “hãy trung tín và vì tình yêu lòng trung tín…” ám chỉ dân Đức.
[2] “con người” nghĩa là kẻ đo lường giá trị vạn vật: “Mensch”, das ist
der Schãtzende. Nietzsche ép chữ theo ngữ nguyên bằng cách bắt ta hiểu
rằng: con người (Mensch, xuất xứ từ chữ mannisco, súc-tiểu-từ của chữ
Mann) là kẻ đo lường (mensuratio, chữ Latinh).

×