Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

VỀ NHỮNG THI SĨ - Zarathustra đã nói như thế doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.78 KB, 7 trang )

Zarathustra đã nói như thế
VỀ NHỮNG THI SĨ

“Từ khi hiểu biết rõ ràng hơn về thân xác, thì tinh thần đối với ta chỉ
là tinh thần trong một giới hạn nào đó; và tất cả những gì “thường tồn”, “bất
hoại” đều chỉ là ẩn dụ biểu tượng.”[1] Zarathustra bảo với một trong những
môn đệ của hắn.
Người môn đệ trả lời: - Trước đây, con đã nghe thầy nói như thế; và
thầy cũng nói thêm: “Nhưng mà các thi sĩ đã nói dối quá nhiều”. Vậy tại sao
thầy lại bảo rằng các thi sĩ nói dối quá nhiều?
“Tại sao? Zarathustra đáp. Mi hỏi tại sao à? Ta không phải thuộc dòng
những kẻ mà người ta có quyền chất vấn về cái “tại sao” của họ.
Kinh nghiệm ta đã sống là thuộc về ngày hôm qua sao? Từ lâu rồi, ta
đã thử thách lý lẽ của những ý kiến của ta.
Ta há chẳng bắt buộc phải làm một chiếc thùng ký ức để có thể giữ lại
những lý lẽ cùng ta?
Ta phải vất vả khổ nhọc lắm để giữ gìn những ý kiến của ta; và nhiều
con chim đã vỗ cánh xa bay.
Ta cũng gặp trong chuồng bồ câu ta một con thú không thuộc chuồng
ta, một con thú xa lạ; con thú run rẩy khi ta chạm tay vào thân nó.
Vậy thì, ngày nọ, Zarathustra đã bảo mi thế nào? Hắn bảo rằng các thi
sĩ nói dối quá nhiều? - Nhưng còn Zarathustra, chính hắn cũng là một thi sĩ.
Mi tin rằng hắn đã nói lên sự thật về chuyện ấy? Tại sao mi lại tin như
thế?”
Người môn đệ trả lời: “Con tin vào Zarathustra”. Song Zarathustra lắc
đầu mỉm cười. Hắn bảo:
“Đức tin không làm ta được lạc phúc, nhất là đức tin vào chính ta.
Nhưng giả thử có một kẻ nào đó bảo một cách đứng đắn rằng các thi
sĩ nói dối quá nhiều, thì kẻ đó có lý: chúng ta nói dối quá nhiều.
Chúng ta cũng biết quá ít và chúng ta là những học sinh tồi; vì vậy
chúng ta bắt buộc phải nói dối.


Kẻ nào trong số các thi sĩ như chúng ta, lại không pha giả rượu mình?
Nhiều sự pha trộn nhiễm độc đã được thực hiện trong các hầm rượu của
chúng ta, biết bao sự việc không thể diễn tả thành lời đã được thành tựu
trong các hầm đó!
Bởi vì biết quá ít, nên chúng ta hết lòng yêu thương trìu mến những kẻ
nghèo hồn, nhất là khi những kẻ đó lại là phụ nữ!
Chúng ta còn thèm thuồng cả những gì được các bà già kể cho nhau
nghe khi chiều xuống. Đấy là cái chúng ta gọi là Người Đàn bà Muôn thuở
trong tâm hồn chúng ta.
Và làm như thể có một con đường bí mật riêng biệt dẫn đến tri thức,
một con đường cấm đối với kẻ học được một vài điều gì đó, chúng ta tin vào
dân chúng, tin vào điều mà chúng ta gọi là “sự khôn ngoan” bình dân của
họ.
Thế mà, tất cả mọi thi sĩ đều tin rằng kẻ nào nằm dài trên cỏ xanh hay
trên một triền đồi hoang vắng cô liêu vểnh tai nghe ngóng, thì sẽ lĩnh hội
được một vài điều giao ngộ kỳ bí nào đó giữa trời và đất.
Khi thấy cõi lòng tuôn trào những cảm xúc dịu dàng, các thi sĩ luôn
tin rằng đấy chính là thiên nhiên đang yêu mê si đắm họ:
Thiên nhiên kiều diễm lén lút lướt đến thì thầm vào tai họ những bí
mật cùng những lời tâng bốc vuốt ve trìu mến; rồi các thi sĩ huênh hoang
khoác lác về những điều đó trước mặt tất cả loài người!
Hỡi ôi! Có quá nhiều điều giao ngộ giữa trời và đất mà các thi sĩ là
những kẻ độc nhất đã phải mơ màng đến!
Nhất là những điều bên trên bầu trời: bởi vì tất cả những thần linh đều
là những biểu trưng và những lời dối quanh dối quất của thi sĩ.
Thực ra, chúng ta luôn bị lôi kéo lên cao - nhất là lên đến những miền
mây bay: đấy chính là chỗ chúng ta đặt những đứa con hoang tạp sắc của
chúng ta và chúng ta gọi đó là các Thần linh và các Siêu nhân.
Bởi vì tất cả những Thần linh cùng Siêu nhân đó đủ nhẹ nhàng để ngự
trên những chiếc ghế như thế!

Ờ! Ta quá đỗi chán ngán tất cả những gì bất toàn mà lại cố sức muốn
mình là biến cố quan trọng! Ồ! Ta chán ngán quá đỗi những thi sĩ!”

Khi nghe Zarathustra nói thế, người môn đệ nổi giận, nhưng vẫn im
lặng. Zarathustra cũng im lặng; đôi mắt hắn quay nhìn vào nội tâm như đang
nhìn vào vùng xa thẳm khơi vơi. Sau cùng, Zarathustra thở dài và lấy hơi lại.
Hắn bảo:
“Ta là kẻ thuộc về ngày hôm nay và ngày xưa, nhưng có một cái gì đó
trong ta thuộc về ngày mai, thuộc về ngày hôm sau nữa, một cái gì đó thuộc
về tương lai.
Ta chán ngán tất cả thi sĩ, các thi sĩ cũ lẫn mới. Ta thấy tất cả bọn
chúng đều hời hợt thiển bạc và tất cả bọn chúng đều là những biển cả bị khô
cạn nước.
Tư tưởng chúng đã không thâm nhập đủ sâu: chính vì tình cảm chúng
không xuống đến tận những hố miền sâu thẳm.
Một ít khoái lạc cùng một ít buồn chán: đấy vẫn còn là điều tốt đẹp
nhất trong những suy niệm của bọn chúng.
Ta thấy tiếng đàn thụ cầm của bọn chúng thoáng hiện phù ảo như
những hơi thở thì thào và sự chạy trốn của những bóng ma; từ trước đến giờ
bọn chúng đã biết được gì từ sự nồng nàn gay gắt đắm say của các thanh
điệu!
Bọn chúng cũng chẳng đủ sạch sẽ đối với ta: chúng quấy đục mọi thứ
nước để làm cho mình có vẻ sâu thẳm.
Bọn chúng thích xem mình như những kẻ trung gian môi giới, nhưng
đối với ta, bao giờ bọn chúng cũng chỉ là người của những phương sách
trung dung và của những biện pháp nửa vời, những kẻ pha trộn thỏa hiệp
nhơ bẩn.
Than ôi! Ta đã ném lưới xuống biển chúng để bắt cá ngon, nhưng bao
giờ ta cũng chỉ kéo lên được đầu của một vị thần linh xưa cũ.
Như thế, biển cả đã cho kẻ đói lòng một tảng đá rắn. Và bọn chúng

dường như cũng được sinh từ biển cả.
Cố nhiên, người ta tìm thấy những hạt ngọc trai nơi chúng: đó lại là
điều làm cho chúng càng giống những con sò vỏ cứng; và thay vì tâm hồn, ta
đã tìm thấy nơi chúng một ít nước bọt mằn mặn.
Chúng đã học được của biển cả tính huênh hoang khoác lác; biển cả
há chẳng phải là con công vênh váo nhất trong loài công?
Ngay cả trước mặt một con trâu xấu xí nhất, biển cũng xòe đuôi ra
múa; biển không ngừng miệt mài dàn trải lụa là bạc quý từ chiếc quạt bằng
ren của mình.
Con trâu nhìn biển giận dữ, linh hồn nó giống như cát biển, càng
giống hơn với bụi rậm, nhưng giống nhất là với đầm lầy.
Vẻ đẹp, biển cả và sự lộng lẫy của con công nào có quan hệ gì với nó!
Đấy là ẩn dụ biểu tượng ta xin trao tặng các thi sĩ.
Thực vậy, tinh thần của các thi sĩ là con công vênh váo nhất trong loài
công và là một biển cả huênh hoang khoác lác!
Tinh thần của thi sĩ muốn có những khán giả: dẫu đấy chỉ là những
con trâu!
Thế nhưng, ta đã chán ngán tinh thần ấy rồi: và ta nhìn thấy sẽ đến lúc
tinh thần ấy tự chán ngán chính mình.
Ta đã nhìn thấy những thi sĩ hóa thân và đưa mắt nhìn vào chính bản
thân mình.
Ta đã nhìn thấy những kẻ khổ hạnh của tinh thần tiến đến: bọn chúng
xuất sinh từ trong đám thi sĩ”.

×