Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Zarathustra đã nói như thế - Phụ lục pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.55 KB, 6 trang )

Zarathustra đã nói như thế
Phụ lục

“Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche là một tác phẩm nổi tiếng
khó dịch, vì những ẩn ý, những biểu tượng, những hình ảnh hết sức cụ thể để
chỉ những chân lý trừu tượng, vì những lối chơi chữ mang hai, ba nghĩa khác
biệt nhau, vì tư tưởng triết học được diễn tả hết sức cô đọng và nhẹ nhàng
mây khói như thi ca, vì những lối ghép chữ mới lạ tân kỳ của Nietzsche.
Nietzsche không muốn làm bạn đường với những độc giả vội vàng, và bởi
đó, nông cạn hời hợt.
Vì thế, trong khi biên dịch, ngoài nguyên bản Đức ngữ Also sprach
Zarathustra trong bộ Friedrich Nietzsche, Werke in drei Bãnden, cuốn II, do
Karl Schlecta san nhuận (Carl Hanser Verlag, Mũnchen, 1960), chúng tôi
còn sử dụng kinh nghiệm dịch thuật Zarathustra trong các bản dịch Anh ngữ
và Pháp ngữ hiện hành:
1) Thus Spoke Zarathustra, bản dịch của Walter Kaufmann, trong The
Portable Nietzsche; bản in lần thứ 21 (1967) của n.x.b The Viking Press -
New York, từ những trang 103-439.
2) Thus Spoke Zarathustra, bản dịch với lời giới thiệu của R. J.
Hollingdale; bản in lần thứ 4 (1967) của n.x.b Penguin Books.
3) Thus Spoke Zarathustra, bản dịch của Marianne Cowan, bản in lần
thứ 5 (1968) của n.x.b Henry Regnery Company: Chicago.
4) Ainsi parlait Zarathustra, bản dịch với lời tựa của Genevière
Bianquis, trong tùng thư song ngữ Đức-Pháp, n.x.b Aubier.
5) Ainsi parlait Zarathustra, bản dịch của Henry Albert, n.x.b
Mercure de France (1967).
6) Ainsi parlait Zarathustra, bản dịch của Maurice Betz, tựa của
Henri Thomas, n.x.b Gallimard (1965).
Nói chung, có thể nhận định về các bản dịch ấy trên hai phương diện:
văn từ, tức là phương tiện chuyên chở của ngôn ngữ dịch và nội dung ẩn mật
mà phương tiện ấy đưa dẫn đến.


Về mặt văn từ, các bản dịch Pháp thường để lộ nhiều sơ hốt so với các
bản Anh ngữ. Chẳng hạn, nơi trang 312-313, bản dịch của Bianquis, ta thấy
câu “so tief der Mensch in das Leben sieht, so tief sieht er auch in das
Leiden” được chuyển thành “quand l’homme plonge son regard dans la vie,
c’est dans la pitié qu’il le plonge” (khi con người nhìn sâu vào đời sống thì
con người càng nhìn sâu vào lòng thương xót), trong khi thực ra câu đó có
nghĩa “càng nhìn sâu vào đời sống, con người càng nhìn sâu thẳm vào trong
thống khổ”. Lý do chắc là vì Bianquis đọc lầm chữ Leiden (sự đau khổ,
thống khổ) trong nguyên bản thành chữ Mitleiden là “lòng thương xót”. Bản
của Betz (trang 182): “l’homme voit au fond de la souffrance aussi
profondément qu’au fond de la vie” cũng không lột tả được nguyên ý, trừ
bản của Albert (trang 146): “l’homme voit au fond de la souffrance, aussi
profondément qu’il voit au fond de la vie”.
Một thí dụ nữa, trong bài Sầu ca, câu nguyên văn tiếng Đức là: “er
selber dũnkt mich õfter gleich einer schõnen Heiligen-Larve” đã được Albert
(trang 274) lẫn Betz (trang 339) dịch là: “il me semble le plus souvent
semblable à une belle larve de saint” (và thường khi ta thấy hắn có vẻ giống
với một con sâu xinh đẹp của bậc thánh nhân) thay vì phải dịch là “ à un
beau masque de saint” (giống như chiếc mặt nạ xinh đẹp của bậc thánh
nhân) để chuyển xuống đoạn dưới (xin đọc lại trang 606 bản Việt ngữ), dẫu
rằng trong Đức ngữ, chữ Larve mang cùng lúc hai ý nghĩa “mặt nạ” và “con
sâu”.
Thêm vào đó là một số những lỗi kỹ thuật không được đính chính, nên
có thể làm sai lạc tinh thần nguyên tác. Chẳng hạn “âme” in lộn thành “âne”,
“esprit de lourdeur” in thành “esprit de douleur”, vân vân.
So sánh những cách dịch và những khuyết điểm trong từng bản dịch
sẽ là một công việc kéo dài, vượt quá khuôn khổ bài Chú thích này, vì nhân
đó, chúng tôi cũng phải đưa ra quan điểm dịch thuật của riêng mình. Nếu
nhớ rằng đa số trong sáu dịch giả dẫn thượng đều là những dịch giả tài ba
chuyên môn về Nietzsche, thì ta sẽ dễ dàng thông qua vấn đề văn từ để bước

thẳng tới vấn đề thứ hai có tính cách căn để hơn mà ta đã nêu ra: văn từ sử
dụng đưa dẫn tới nội dung tư tưởng nào?
Đối diện với câu hỏi này, ta sẽ lập tức thấy rằng tất cả mọi bản dịch
đều là bất toàn, bao lâu còn chưa trả lời được câu hỏi căn bản “Zarathustra
là ai?”
Đặt vào một bầu khí triết học mới, ngôn ngữ dịch Zarathustra liền
thay đổi bình diện và người ta hầu như bắt buộc phải dịch trở lại Zarathustra
một lần nữa. Chẳng hạn, đặt vào trong kiến giải của Heidegger về Nietzsche,
thì một chữ đơn giản là Der Genesende (Kẻ bình phục, trang 441 bản Việt
ngữ) cũng đã đặt thành bao nhiêu vấn đề. Nếu dịch theo nghĩa thông thường
như các bản Anh và Pháp là “The Convalescent” hay “Le Convalescent”, thì
ta đã vô tình đánh rơi mất ý nghĩa triết học của Zarathustra dưới khía cạnh là
một “kẻ bình phục”. Theo sự phân tích của Heidegger, der Genesende, cùng
ngữ tộc với động từ genesen, do ngữ căn Hy Lạp neomai, nostos, mà ý nghĩa
là “quay trở về nơi cư trú”. Vậy, der Genesende, là kẻ đang lên đường bình
an quay trở lại quê hương, quy hồi về với vận mệnh và tinh thể của mình.
Đó là ý nghĩa Nietzsche muốn nêu lên khi gọi Zarathustra là der Genesende.
Bản Việt ngữ có thể dùng chữ “kẻ bình phục” hay “kẻ hồi phục”, trong ý
nghĩa thông thường là “kẻ vừa qua cơn bệnh nặng” và ý nghĩa triết học là
“kẻ đang phục hồi hay quy hồi về với tinh thể của mình”. Ở đây, Việt ngữ đã
có cơ hội may mắn song hành với Đức ngữ mật thiết, hơn là các ngôn ngữ
khác, để khai mở những ẩn ngữ còn được che giấu trong Zarathustra.
Nhưng còn những lần nào, Việt ngữ lại che khuất thêm những ẩn ngữ
ấy đi?
Đó có lẽ là lý do tại sao mãi đến bây giờ, mặc dầu đã có hàng chục
bản dịch Zarathustra, tác phẩm này vẫn được dịch đi dịch lại mãi, như một
cám dỗ và thách thức luôn luôn mới mẻ: “Tác phẩm dành cho tất cả và
không dành cho một ai”.

Nhằm giới hạn bớt chiều dài và tính cách khúc mắc của tác phẩm,

phần Chú thích sau đây hoàn toàn dựa theo R. J. Hollingdale trong bản dịch
đã dẫn. Người dịch nhân đây cũng xin ngỏ lời cảm tạ Giáo sư Ngô Trọng
Anh đã cho phép sử dụng bản dịch bài thơ Sầu Ca (trang 607-611) đã đăng
trên tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, như một đóng góp đầy thơ
mộng cho ngày sinh nhật sắp đến của Nietzsche.

×