Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

NGƯỜI ĂN XIN TỰ NGUYỆN - Zarathustra đã nói như thế pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.03 KB, 10 trang )

Zarathustra đã nói như thế
NGƯỜI ĂN XIN TỰ NGUYỆN

Khi Zarathustra đã rời Kẻ xấu xí nhất loài người, hắn lạnh run và cảm
thấy mình đơn chiếc, bởi vì có nhiều tư tưởng giá buốt cô đơn thổi qua tinh
thần hắn, đến độ cả tứ chi hắn cũng run lên vì lạnh. Nhưng trong khi tiếp tục
leo lên càng lúc càng xa, trèo non vượt suối cùng khắp, khi thì đi dài theo
những cánh đồng cỏ êm mượt xanh rờn, khi thì vượt qua những khe hố
hoang dại đầy đá sỏi mà xưa kia một dòng thác hùng hổ đã chảy ào qua,
Zarathustra đột nhiên thấy được sưởi ấm lại và tinh thần hắn bắt đầu phấn
chấn.
“Chuyện gì đã xảy đến cho ta như thế? - Zarathustra tự hỏi, có một cái
gì ấm nóng sống động làm ta tươi tỉnh lại, chắc nó phải đang ở gần ta.
Ta đã bớt đơn chiếc hơn: ta tiên cảm thấy những người bạn đồng
hành, những người anh em xa lạ đang lảng vảng rình dò chung quanh ta, hơi
thở nồng ấm của họ làm tâm hồn ta xúc động”.
Nhưng khi Zarathustra đưa mắt nhìn quanh tìm những an ủi cho nỗi
cô đơn của mình, hắn nhìn thấy một đàn bò cái tụ tập trên một khu đồi cao:
chính sự gần gũi cùng mùi vị của đàn bò đó đã sưởi ấm lòng hắn. Thế
nhưng, những con bò ấy dường như đang chăm chú lắng nghe một kẻ nào
ngỏ lời với chúng và chẳng hề đề phòng người khách lạ mới tới. Song khi đã
đến gần đàn bò cái, hắn nghe rõ có một giọng nói của con người cất lên giữa
đàn bò; và rành rành trước mắt, tất cả mọi con bò đều quay đầu về kẻ đang
chuyện trò cùng chúng.
Lúc bấy giờ, Zarathustra vội vã leo lên núi để giải tán đám súc vật, vì
hắn sợ rằng trên đó đang xảy ra một tai ương gì đó mà lòng xót thương của
đám bò khó cứu chuộc lại được chăng. Song Zarathustra đã lầm. Bởi vì hắn
thấy một người đàn ông ngồi bệt trên mặt đất dường như đang muốn thuyết
phục những con bò đừng nên sợ hãi y; một con người thanh bình, một nhà
thuyết giáo dịu hiền của rừng núi, mà ngay cả đôi mắt cũng thuyết giảng
lòng tốt. “Ngươi tìm gì ở đây thế?” Zarathustra hỏi to, giọng kinh ngạc.


Người kia trả lời:
“Điều mà ta tìm kiếm ở đây à? Hỡi kẻ phá đám! Cũng là một điều như
nhà ngươi, nghĩa là ta tìm kiếm hạnh phúc trên trần gian.
Chính vì thế ta muốn học sự khôn ngoan trí huệ từ đám bò cái này.
Bởi vì ngươi nên biết, đã nửa buổi sáng nay ta nói với chúng và chúng sắp
giảng dạy lại cho ta. Tại sao ngươi lại phá đám bọn chúng?
Nếu không quay trở lại và không trở thành những con bò cái, thời
chúng ta chẳng thể vào được nước thiên đàng. Bởi vì có một đức tính chúng
ta phải học hỏi từ loài bò: sự nhai đi nhai lại.
Và nói thật, dẫu con người có chiếm hữu được toàn thể địa cầu chăng
nữa, nhưng nếu hắn không học được điều duy nhất này là “nhai đi nhai lại”,
thì tất cả mọi cái khác sẽ phụng sự cho hắn về chuyện gì? Vì hắn sẽ chẳng tự
giải thoát khỏi nỗi ảo não vĩ đại của mình:
- giải thoát khỏi nỗi ảo não vĩ đại hôm nay của loài người mang tên là
sự kinh tởm. Và hôm nay, ai là kẻ không có sự kinh tởm đầy lòng, đầy
miệng và đầy hai con mắt? Cả ngươi nữa! Cả ngươi nữa! Nhưng ngươi thử
nhìn đám bò cái này xem!”
Con người thuyết giáo miền rừng núi đã nói như thế, rồi y quay mặt
lại về phía Zarathustra, - bởi vì từ đầu đến giờ đôi mắt y vẫn trìu mến thương
yêu nhìn mãi về đám bò cái. Đột nhiên y biến sắc. Y thốt kêu lên kinh hãi và
đột ngột đứng bật dậy khỏi mặt đất:
“Kẻ mà ta đang trò chuyện là ai thế? Kẻ đó chính là con người không
chán chường kinh tởm, chính là Zarathustra bằng xương bằng thịt, kẻ đã
vượt thắng được sự kinh tởm vĩ đại, chính là con mắt, chính là cái miệng,
chính là quả tim của Zarathustra đây mà!”
Khi thốt lên như thế rồi, y cúi hôn đôi bàn tay của người mà y đang
ngỏ lời, đôi mắt tràn đầy lệ trong, y xử sự như thể có một quà tặng vô giá
hay một món trân châu bất ngờ từ trên trời rơi xuống cho y. Trong khi ấy,
đám bò cái nhìn ngắm quang cảnh ấy với lòng kinh ngạc.
Zarathustra vừa trả lời vừa né tránh những ve vuốt của người kia:

“Hỡi con người xa lạ khả ái, ngươi đừng nói về ta mà trước hết hãy
nói cho ta nghe về ngươi; ngươi há chẳng phải là Kẻ ăn xin tự nguyện, kẻ
mà ngày xưa đã vứt tung khỏi bản thân mình một tài sản vĩ đại,
- kẻ đã hổ thẹn về tài sản của mình và hổ thẹn về những người giàu
sang, nên đã đến trú ẩn nơi những người bần cùng nhất để ban cho họ sự
phong phú cùng tấm lòng của mình? Nhưng họ chẳng hề đón nhận y”.
Người ăn xin tự nguyện lên tiếng:
“Họ chẳng hề đón nhận tôi, ngài biết rõ điều đó. Chính vì vậy, sau
cùng, tôi đã đến với những con thú và đến với đàn bò cái này”.
Zarathustra ngắt lời:
“Đấy chính là điều ngươi đã học được. Ban cho một cách khéo léo
quả thật khó khăn vô ngần, so với chuyện nhận lấy một cách khéo léo; và
ban cho một cách khéo léo là cả một nghệ thuật, đấy chính là kết quả tối
thượng của thiện tính tài giỏi”.
Người ăn xin tự nguyện đáp:
“Nhất là trong thời đại chúng ta hiện nay, khi tất cả những gì thấp kém
đều được nâng cao, đều thẹn thùng và kiêu hãnh theo lối của mình: lề lối của
đám tiện dân.
Bởi vì, như ngài dư biết, đã đến lúc khởi đầu cuộc nổi loạn vĩ đại của
đám tiện dân và nô lệ, cuộc dấy loạn tàn hại, chậm chạp lớn dần, lớn dần lên
mãi;
Thời đại hôm nay, những kẻ ti tiện nổi loạn chống lại tất cả những gì
bé nhỏ và chống lại tất cả của bố thí khiêm tốn; vậy thì những kẻ quá giàu
sang phong phú nên cảnh giác đề phòng;
Những kẻ mà, tựa như một chiếc chai lọ phình bụng chậm rãi nhỏ giọt
qua một chiếc cổ chai quá chật hẹp: chúng rất dễ làm vỡ cổ chai.
Sự ham muốn đầy dâm dật, lòng thèm khát đắng cay, mối hiềm thù
gay gắt, lòng kiêu hãnh hạ lưu: tất cả những điều đó đã nhảy xổ vào mặt tôi.
Bảo rằng người nghèo khổ là những người hạnh phúc, là bảo một điều
không thật. Tuy nhiên, nước thiên đàng ở nơi những con bò cái”.

“Tại sao nước thiên đàng lại không ở nơi những người giàu sang
chứ?” Zarathustra hỏi như thế để thử lòng y trong lúc hắn cản mấy con bò
cái không cho chúng thân mật cạ mũi đánh hơi kẻ đối thoại yên bình ấy.
Người ăn xin tự nguyện trả lời:
“Tại sao ngài lại thử thách tôi? Ngài biết rõ điều đó hơn tôi mà,
Zarathustra, vậy thì cái gì đã đẩy tôi về với những con người bần cùng nhất?
Chẳng phải đấy là sự kinh tởm những con người giàu có nhất trong chúng ta
hay sao?
- kinh tởm những tên tù khổ sai cho sự giàu có, những người với con
mắt lạnh lùng, quả tim xâu xé bởi những ý tưởng trục lợi, biết buông lưới
thủ lợi từ trong mỗi đống rác,
- kinh tởm đám tiện dân mà mùi hôi thối của chúng bốc lên làm
thương tổn tận trời xanh,
- kinh tởm cái đám hạ lưu được sơn son thiếp vàng trá ngụy mà tổ tiên
chúng với những ngón tay cong quắp đã là những kẻ cho vay nặng lãi hoặc
những kẻ nhặt giẻ rách, kinh tởm cái bọn dễ tính với phụ nữ, dâm dật và
chóng quên: - bởi vì bọn chúng chẳng khác với gái giang hồ là mấy.
Đám tiện dân ở bên trên, đám tiện dân ở bên dưới! Ngày nay, nào có
hệ gì nữa “những người nghèo và những người nghèo”! Tôi đã học quên đi
sự phân biệt nói trên và tôi đã chạy trốn xa tít mù, càng lúc càng tít mù xa,
mãi đến khi tôi đến với mấy con bò cái này”.
Người giáo đồ yên bình nói như thế, y thở mạnh và chảy mồ hôi vì
quá cảm xúc đối với những lời lẽ đã thốt ra: đến nỗi, đám bò cái lại ngạc
nhiên thêm lần nữa.
Nhưng trong khi y thốt ra những lời trên, Zarathustra vẫn luôn mỉm
cười nhìn thẳng vào mặt y và lặng lẽ lắc đầu.
“Hỡi người thuyết giáo của núi rừng, ngươi đang tự bức bách ngươi
thái quá khi dùng những chữ khắc bạc đến thế. Miệng và mắt ngươi không
hợp cho những điều khắc bạc như thế đâu.
Cả đến dạ dày ngươi cũng vậy, theo chỗ ta thấy: vì nó kỵ với tất cả

những gì là phẫn nộ, hận thù và cặn bã thối tha. Dạ dày ngươi cần đến những
thực phẩm êm dịu hơn: ngươi chẳng phải là một tay đồ tể.
Ta thấy, đúng hơn, ngươi thuộc dòng ăn cỏ cây trai tịnh. Có lẽ ngươi
đang nhai những hạt thóc. Dẫu sao, ngươi không hợp với những niềm vui
của loài ăn thịt sống, ngươi chỉ ưa thích mật ngọt của ong rừng”.
Người ăn xin tự nguyện trả lời, lòng đã vơi sầu muộn:
“Ngài đoán nhận tôi thật đúng. Tôi ưa thích mật ngọt và tôi cũng nhai
những hạt thóc, bởi tôi tìm kiếm những gì ngon ngọt, làm cho hơi thở thuần
khiết;
Và cũng là những gì đòi hỏi nhiều thời gian, dùng làm của tiêu khiển
lẫn món ăn ngon trọn ngày cho những kẻ biếng lười nhác nhớm.
Nói đúng ra, đám bò cái này vượt thắng tất cả mọi đối thủ trong nghệ
thuật đó: chúng đã phát minh ra việc nhai đi nhai lại và nằm dài sưởi nắng
mặt trời. Vì thế chúng kiêng cữ được tất cả những tư tưởng nghiêm trang
làm phồng lớn quả tim”.
- “Được rồi! Zarathustra bảo. Ngươi cũng sẽ gặp hai con vật của ta,
con ó và con rắn, hiện nay chúng chẳng có kẻ nào tương đương trên mặt đất.
Này, kia là con đường dẫn đến hang đá: ngươi hãy làm khách trọ của
ta đêm nay. Và ngươi hãy trò chuyện với hai con thú của ta về nỗi hạnh phúc
tuyệt vời của loài thú vật,
- cho đến khi chính ta quay trở về hang. Bởi vì giờ đây một tiếng kêu
thống khổ đang hối hả kêu cầu ta rời xa ngươi. Ngươi cũng sẽ tìm thấy nơi
hang đá của ta chất mật mới, chất mật ngọt ngào của những bộng ong, óng
vàng, dịu lạnh: ngươi hãy uống lấy mật ấy!
Giờ đây, hãy mau giã biệt đám bò cái của ngươi, hỡi con người quái
dị khả ái, dẫu việc đó có đắt giá đến đâu đi nữa với ngươi. Vì chính đàn bò
cái này là những người bạn tốt nhất và những vị thầy của ngươi!”
“Trừ một con duy nhất mà tôi hãy còn ưa thích hơn tất cả, Người ăn
xin tự nguyện trả lời. Hỡi Zarathustra, chính ngài cũng là người tốt và ngài
còn có giá trị hơn là một con bò cái!”

Zarathustra giận dữ hét lớn:
“Bước, bước mau! Đồ nịnh hót xấu xa! Tại sao ngươi lại muốn làm hư
hoại ta bằng những lời tán tụng như thế và bằng mật ngọt của những lời nịnh
hót này?
“Bước, bước mau xa khỏi ta!” Zarathustra hét lớn một lần nữa và giơ
cao chiếc gậy quất vào người ăn xin hiền dịu; người ăn xin vội co giò chạy
mất.

×