Zarathustra đã nói như thế
MIỄN DỊCH
Nhưng chỉ ít lâu sau khi thoát khỏi viên Pháp sư, Zarathustra lại thấy
có một người ngồi trên vệ đường hắn đang đi, một người cao lớn, đen tuyền,
khuôn mặt gầy nhom, xanh mét. Dáng vẻ bề ngoài của người này làm
Zarathustra khó chịu kinh khủng. Zarathustra tự nhủ lòng:
“Khổ thân cho ta! Ta đang nhìn thấy sự buồn rầu ảo não trá hình mang
mặt nạ. Khuôn mặt này dường như xuất xứ từ đám linh mục: bọn chúng
muốn gì trong vương quốc của ta?
Ối dào! Vừa mới thoát được tên pháp sư kia thì lại có ngay một tên
thầy pháp khác đặt bước đi qua trên con đường của ta,
- một tên thầy pháp nào đó, với đôi tay xảo diệu, một kẻ ảo não làm
phép lạ nhờ vào ơn phước Thượng đế, một kẻ khinh thị nhẹ nhàng thế giới:
giá gì quỷ dữ đến mang hắn đi!
Nhưng quỷ dữ không bao giờ có mặt đúng chỗ khi ta cần đến; quỷ dữ
luôn luôn đến quá chậm, cái đồ loắt choắt mắc dịch, cái đồ què chân liệt
cẳng đó!”
Zarathustra lầm bầm chửi rủa như thế, mà lòng rất nôn nóng, và
Zarathustra nghĩ đến chuyện phải làm thế nào để đi qua trước mặt con người
đen tuyền đó mà mắt vẫn không nhìn y. Nhưng sự thể lại diễn tiến một cách
khác. Bởi vì cũng lúc đó, kẻ đang ngồi trước mặt chợt nhận ra sự hiện diện
của hắn. Giống như vừa gặp được một hạnh phúc bất ngờ, y tất ta tất tưởi
nhảy cẫng lên chạy bổ về phía Zarathustra.
Y lên tiếng: “Dẫu ngài là ai đi nữa, xin hãy giúp đỡ cho một kẻ lạc
đường đang kiếm tìm, một lão già có thể gặp phải bất hạnh ở chốn này!
Thế giới này xa cách, lạ lùng vô tận đối với ta, ta đã nghe những con
dã thú gầm thét tru tréo; và ngay chính kẻ có thể cho ta nơi trú ngụ, kẻ đó lại
đã biến mất.
Ta đi tìm kẻ kính tín cuối cùng, bậc thánh, một ẩn sĩ sống cô đơn
hoang tịch trong rừng, nên hãy còn chưa nghe nói đến điều mà ngày nay tất
cả mọi người đều nghe biết”.
Zarathustra lên tiếng hỏi: “Điều mà ngày nay mọi người đều biết, đó
là điều gì thế? Có lẽ đấy là chuyện đấng Thượng đế mà trước kia mọi người
tin tưởng, nay đã chết rồi?”
Ông lão buồn bã trả lời: “Ngài nói đúng. Và ta chính là kẻ đã phục
dịch cho đấng Thượng đế thuở xưa ấy đến tận giây phút cuối cùng.
Nhưng giờ đây, ta đang được miễn dịch. Ta không có chủ song lại
chẳng tự do; vì vậy, ta chẳng bao giờ vui tươi được nữa, trừ những lúc sống
trong hoài niệm.
Chính vì thế, ta mới leo lên những ngọn núi này để cử hành thêm lần
nữa một đại lễ, cho thích hợp với địa vị một cựu Giáo hoàng và một linh
mục của giáo hội (vì ngài nên biết, ta là vị Giáo hoàng cuối cùng) - một cuộc
lễ tràn đầy những hoài niệm kính tín và sự tôn thờ Thượng đế.
Nhưng giờ đây, ngay cả chính y, con người kính tín nhất trong loài
người, bậc thánh sống trong khu rừng, kẻ không ngừng cảm tạ Thượng đế
bằng cách hát ca và than thở lầm bầm, y cũng đã chết.
Ta không gặp y khi tìm thấy cái chòi tranh y dùng làm nơi ẩn cư -
nhưng ta thấy có hai con chó sói đứng đó tru rống lên vì y đã chết, bởi lẽ tất
cả thú vật trong rừng đều thương mến y. Lúc bấy giờ, ta cắm đầu bỏ chạy.
Ta đã hoài công đặt chân đến những khu rừng và những ngọn núi này
chăng? Lúc bấy giờ, ta bèn quyết định đi tìm một người khác, một kẻ kính
tín nhất trong tất cả những kẻ không tín ngưỡng Thượng đế, - ta đi tìm
Zarathustra!”
Lão già nói như thế và đưa mắt sắc lạnh nhìn kẻ đối diện. Nhưng
Zarathustra đã đưa tay nắm lấy tay viên cựu giáo hoàng, ngắm nghía lão hồi
lâu với lòng ngưỡng mộ. Rồi Zarathustra lên tiếng:
“Chao ôi! Bàn tay ngài mới thon đẹp làm sao, thưa đại nhân! Đây là
bàn tay của một người luôn ban ơn phước. Nhưng hiện giờ, bàn tay ấy đang
cầm tay kẻ mà ngài đang tìm kiếm, bàn tay ấy đang nắm giữ chính ta,
Zarathustra.
Ta là Zarathustra, kẻ bất tín, người đã ném ra câu hỏi: “Ai là người bất
tín hơn ta để ta vui hưởng lời giáo huấn của y?”
Zarathustra nói như thế, và cái nhìn hắn thâm nhập vào trong những ý
tưởng cùng những hậu ý của viên cựu giáo hoàng. Sau cùng, vị giáo hoàng
lên tiếng:
“Kẻ đã yêu thương và sở hữu Thượng đế nhiều nhất, cũng là kẻ đã
đánh mất Thượng đế trọn vẹn nhất:
Hãy nhìn xem, ta cho rằng giữa hai chúng ta, giờ đây ta mới chính là
kẻ bất tín nhất. Nhưng ai lại muốn đem lòng hoan hỉ vì chuyện đó!”
Sau một khoảng im lặng thật sâu, với dáng trầm ngâm tư lự,
Zarathustra lên tiếng hỏi:
“Ngươi đã phục dịch Thượng đế đến giây phút cuối cùng? Ngươi biết
rõ Thượng đế chết như thế nào chứ? Có phải quả thật như người ta kể rằng
chính lòng thương xót đã làm Thượng đế nghẹt thở,
rằng khi nhìn thấy con người bị đóng đinh, Thượng đế đã không chịu
đựng nổi,
rằng tình yêu dành cho con người lại biến thành hỏa ngục và sau cùng
là cái chết của Thượng đế?”
Viên cựu Giáo hoàng không trả lời, mà lại đưa mắt ngó quanh ra chỗ
khác, với một vẻ dữ tợn pha lẫn đớn đau ảo não trên gương mặt.
Sau một lúc suy nghĩ chín chắn, Zarathustra lại tiếp lời, mắt hắn vẫn
nhìn thẳng vào tròng trắng măt của lão già:
“Thôi, ngươi cứ để ông ấy đi đi. Ngươi cứ để Thượng đế đi đi, vì
Thượng đế đã thua mất. Và dẫu rằng chỉ nói toàn điều tốt về cái chết của
Thượng đế là điều làm ngươi được vinh dự, ngươi cũng như ta đều biết rõ
Thượng đế là ai, cũng như biết rằng Thượng đế đi theo những con đường kỳ
dị”.
“Nói thật giữa ba con mắt với nhau,[1] - viên cựu Giáo hoàng bảo với
vẻ tươi tỉnh trở lại (vì ông ta đui mất một mắt) - đối với những chuyện về
Thượng đế, ta là người rành rẽ hơn cả Zarathustra và ta có quyền như thế.
Tình yêu của ta đã phục dịch cho Thượng đế suốt những năm trường,
ở nơi nào ý chí của ta cũng đều dõi theo ý chí Thượng đế. Nhưng, một người
nô bộc giỏi phải biết rõ hết - nhất là những chuyện mà chủ y tự giấu giếm cả
với chính bản thân mình.
Đó là một Thượng đế bí ẩn, đầy những huyền nhiệm. Thực ra, chính
con trai của Ngài cũng chỉ đến với Ngài bằng những con đường cong quẹo
quanh co. Ở cánh cửa của đức tin vào đứa con trai, có sự ngoại tình.
Kẻ nào ca tụng Ngài như một Thượng đế của Tình yêu là kẻ có một ý
tưởng thấp kém về chính tình yêu. Vị Thượng đế đó chẳng muốn mình cũng
là một quan tòa ban bố thưởng phạt đấy sao? Nhưng kẻ nào yêu thương, thì
sẽ yêu thương vượt quá hình phạt cùng sự đền bù tưởng thưởng.
Khi vị Thượng đế phương Đông đó còn trẻ, Ngài cứng rắn và khao
khát trả thù, và Ngài đã dựng lên một hỏa ngục để giải trí các sủng thần của
mình.
Nhưng sau cùng, Thượng đế đã trở thành già nua, nhu nhược, dịu
dàng và trắc ẩn, giống với một nội tổ hơn là một người cha, và Thượng đế
càng giống hơn nữa với một lão bà lụ khụ run run không vững.
Thượng đế đến ngồi ở góc lò sưởi, khuôn mặt nhăn nheo, lo lắng vì
đôi chân yếu ớt của mình, mỏi mệt chán chường thế giới, chán nản không
còn ước muốn gì nữa. Sau cùng, vào một hôm, Thượng đế chết ngạt vì lòng
thương xót quá lớn của Ngài”.
Zarathustra ngắt lời:
“Ông cựu Giáo hoàng, chính ông đã tận mắt nhìn thấy những điều đó
chứ? Rất có thể là chuyện đó đã diễn ra như thế, - như thế và cũng có thể là
khác. Khi các đấng thần linh chết, bao giờ họ cũng chết theo nhiều cách.
Nhưng chẳng can hệ gì! Dẫu sự thể đã diễn ra như thế hay khác đi -
thì Thượng đế cũng không còn nữa! Thượng đế đã làm đôi mắt và hai tai ta
ghê tởm, ta chẳng hề muốn trách cứ Thượng đế điều gì tệ hại.
Ta yêu kẻ nào có cái nhìn trong sáng và ăn nói thẳng thắn. Nhưng còn
Thượng đế thì - như ông đã biết rõ đấy, ông cựu linh mục, - Thượng đế có
một cái gì giống với lề lối các ông, lề lối của các linh mục: Thượng đế là kẻ
lờ mờ không minh bạch.
Thượng đế có tinh thần rối loạn mơ hồ. Chẳng phải Thượng đế thù
ghét chúng ta, với hơi thở hổn hển giận dữ, về chuyện chúng ta hiểu bậy
Thượng đế đó sao? Nhưng tại sao Thượng đế lại không ăn nói một cách
minh bạch hơn chứ?
Và nếu lỗi đó là do hai lỗ tai ta, thì tại sao Thượng đế lại ban chi cho
chúng ta hai lỗ tai nghe chẳng rõ điều ông ấy nói? Giả sử có cáu ghét bám
vào lỗ tai ta thì thử hỏi, ai đã đặt cáu ghét vào đó?
Thượng đế như một kẻ làm đồ gốm chưa học xong nghề; có quá nhiều
việc Thượng đế làm hỏng. Nhưng vì làm hỏng mà đâm ra trả thù những đồ
gốm và những tạo vật do chính tay mình nặn ra, thì đấy quả là một tội lỗi đi
nghịch lại óc thẩm mỹ.
Cũng có một óc thẩm mỹ trong lĩnh vực của lòng thương xót; óc thẩm
mỹ này cuối cùng đã bảo: “Hãy cất khỏi chúng ta vị Thượng đế ấy đi. Chẳng
thà không có Thượng đế, chẳng thà quyết định vận mạng theo trí óc mình,
chẳng thà điên dại, chẳng thà tự mình là chính Thượng đế, còn hơn!”
“Ta đang nghe những lời gì đây? - Viên cựu Giáo hoàng ngắt ngang
và vểnh tai lắng nghe. Hỡi Zarathustra, ngài còn tín mộ nhiều hơn là ngài đã
tưởng, với một lòng vô tín đắm say như thế. Ta không biết vị Thượng đế nào
ở trong ngài đã hoán cải ngài theo con đường bất tín như thế.
Chẳng phải chính lòng thương xót của ngài đã ngăn không cho ngài
tin vào một đấng Thượng đế? Và sự chính thực vĩ đại quá mức của ngài, rốt
lại, sẽ kéo ngài vượt qua bên kia cõi bờ thiện ác?
Vậy thì ngài hãy nhìn xem cái gì đã được dành riêng cho ngài? Ngài
có hai con mắt, một bàn tay và một cái miệng, được dành để chúc phúc đến
tận thiên thu. Người ta không chúc phúc chỉ với bàn tay mà thôi.
Ở gần bên ngài, dẫu rằng ngài muốn là người bất tín nhất, ta vẫn ngửi
thấy một mùi hương bí ẩn của khói nhang cùng những lời chúc phúc: ta cảm
thấy điều ấy lẫn trong đớn đau và khoái lạc tuyệt vời.
Hỡi Zarathustra, hãy cho ta làm tân khách của ngài, chỉ trong một đêm
thôi! Sẽ chẳng còn nơi nào trên mặt đất ta thấy tốt lành hơn là ở bên cạnh
ngài!”
“Amen! Cầu cho được vậy, - Zarathustra đáp với sự kinh ngạc tột độ.
Trên kia là con đường, đằng kia là hang đá của Zarathustra.
Thực ra, ta rất thích tự mình dẫn ngươi về hang, vì ta yêu mến tất cả
những người kính tín. Nhưng giờ đây, có một tiếng kêu thống khổ đang hối
hả kêu gọi ta lìa xa ngươi.
Trong lãnh địa của ta, phải đừng có tai ương bất hạnh nào xảy đến cho
bất luận là ai: hang đá của ta là một hải cảng tốt. Và ta rất thích đem đặt tất
cả những kẻ buồn rầu ảo não lên trên đất liền và trên những đôi chân cứng
cáp.
Nhưng ai sẽ gỡ nỗi ưu uất ra khỏi vai ngươi đây? Ta quá yếu đuối
không làm nổi chuyện đó… Thực ra, chúng ta có thể chờ cho hết kiếp, mãi
đến khi có kẻ nào đó hồi sinh lại Thượng đế của ngươi.
Bởi vì vị Thượng đế xa xưa đó không còn sống nữa: Thượng đế đã
thực sự chết rồi”.
Zarathustra đã nói như thế.
[1] “Nói thật giữa ba con mắt với nhau”: unter drei Augen
gesprochen, mô phỏng diễn ngữ thông dụng unter vier Augen gesprochen:
nói thật với nhau (nghĩa đen: nói với nhau dưới bốn con mắt nhìn), vì viên
cựu giáo hoàng chột mắt.