Tải bản đầy đủ (.pdf) (29 trang)

Ebook Người việt kỳ diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (391.99 KB, 29 trang )

Người Việt Kỳ Diệu

Quyển thứ nhất trong tủ sách “Kiến thức mới” nguyên tác của A. Pazzi
Bản Việt-văn của Vũ Hạnh.
Nhà xuất bản Lạc Việt
Nam Cường phát hành

Mục lục

Chương 01 : Người Việt qua ánh mắt, nụ cười
Chương 02 : Nền tảng quý báu của tinh thần Việt: óc thực tế
Chương 03 : Đặc tính uyển chuyển và tinh tế trong tâm hồn Việt Nam
Chương 04 : Căn bản đạo đức của người Việt
Chương 05 : Ý chí kiên cường bất khuất của người Việt Nam

Người Việt qua ánh mắt, nụ cười

Tôi đã sống ở Việt-nam trên hai mươi năm và trong cái thời khoáng đó, tôi đã không
ngừng tìm hiểu con người Việt-nam đáng yêu cùng cái xứ sở Việt-nam đáng khâm phục
này. Tôi cũng hy vọng với cái tính cách là người ngoại quốc và với tình yêu chan chứa
trong lòng, những điều mà tôi ghi lại sau đây, về dân tộc đó, có giá trị của một sự thực
lớn mà bất kỳ ai không mang thành kiến sai lầm về quốc gia hay chủng tộc, không mang
định kiến lệch lạc về chính trị hay văn hóa, có dịp hòa mình vào trong sinh hoạt của dân
tộc này, đều phải chấp nhận.
Thoạt đầu, tôi không có ý ở lâu trên xứ sở này. Từ Ý-đại-lợi, quê hương của tôi, sang đến
Việt-nam là một con đường dài dặc, là sự đổi khác cả về phong tục, tập quán cũng như
sinh hoạt thời tiết. Tôi tưởng mình không thể nào chịu nổi khí hậu của miền nhiệt đới, ẩm
ướt và oi bức này. Tôi cũng ngại tinh thần văn hóa phương Đông sẽ khiến cho tôi ngỡ
ngàng không ít trong những sinh hoạt hàng ngày. Tôi nhớ một người bạn Pháp đã nói với
tôi về cái ánh nắng độc hại của miền đất này, ánh nắng không đốt cháy mạnh như ở châu
Phi nhưng làm chết người một cách nhanh chóng, và đã khuyên tôi phải nên giữ luôn


chiếc mũ trên đầu khi bước ra ngoài.
Quả thật, tôi đến Việt-nam với những ý tình dè dặt, vì đã từ lâu nhiều người ngoại quốc
cũng không nói tốt về xứ sở này qua những sách vở mà tôi đọc được từ nhiều năm trước.
Nhưng ngày đầu tiên mà tôi đến đây, trong cái ánh nắng đầu tiên mà tôi hứng lấy, tôi đã
được thấy những người Việt-nam bằng xương bằng thịt, và thật hoàn toàn khác xa với
những nhưng ảnh về con người đó mà tôi đã thấy qua các sách báo hàng ngày. Tôi cho
rằng người Việt-nam thật đẹp, và tôi có đủ lý lẽ về mặt thẩm mỹ, vật chất cũng như tinh
thần, để mà xác định như thế. Cũng có một số bạn hữu của tôi không chịu chia xẻ cái
quan niệm đó và họ đã mỉm cười nghi hoặc hay chỉ chấp nhận gượng gạo, chừng như cho
rằng ý kiến của tôi chỉ có giá trị về mặt xã giao cốt để lấy lòng những người bản xứ, hoặc
chỉ là một nhận xét chủ quan không tránh được phần nông nổi. Nhưng tôi đã từng giao
tiếp với nhiều dân tộc trên địa cầu này, tôi cũng đã từng có dịp so sánh để tìm hiểu họ nên
tôi tin rằng mình đã có sự thận trọng cần thiết để mà phát biểu sự thực. Cố nhiên mỗi một
dân tộc đều có một vẻ đẹp riêng mà không có dân tộc nào là thuần túy xấu hay thuần túy
đẹp. Thường thường, khi nói đẹp, xấu người ta hay đứng ở trên cương vị chủ quan, cục
bộ, để mà phá đoán nên dễ lệch lạc một cách quái đản. Nhưng hẳn ai cũng đồng ý là
người Trung-Hoa có vẻ đáng yêu của họcũng như người Nhật có một vẻ đáng mến riêng
mà chỉ những người sinh trưởng ở xứ Phù-tang mới có, và vẻ khả ái của họ lại không
giống với những vẻ khả ái của các dân Á-đông khác.
Dầu sao cũng phải nhận rằng đa số các người Á-đông không có cái vẻ linh hoạt của
người Việt-nam. Trong ánh mắt nhìn, cũng như trong cái miệng cười của họ có hàm chứa
một sinh lực khác thường và một vẻ quyến rũ riêng hết sức đặc biệt. Mắt họ nhìn mau
đồng thời phóng được tia nhìn rất sâu như có khả năng ghi nhận sự vật thực là nhanh bén,
và qua đôi mắt khá thông minh ấy chúng ta nghĩ đến một người thợ săn trầm tĩnh vừa
phóng mũi tên trúng đích đã thoáng biến dạng. Đa số người Việt đều có cặp mắt nhìn ấy,
dù trẻ hay già, dù nghèo hay giàu, họ đã được hưởng đồng đều cái phần gia sản về nhãn
lực này.
Kể ra người Việt không chịu chăm sóc cặp mắt của họ và những bệnh mắt thật là phổ
biến, nhưng không vì thế mà ta không thấy cái vẻ riêng biệt về ánh mắt nhìn của họ, ánh
mắt vừa nói lên sự rộng rãi, bao dung, vừa chứng tỏ được tinh thần bất khuất.

Tất nhiên, cặp mắt là cánh cửa ngõ đi vào tâm hồn và qua những cặp mắt nhìn Việt-nam,
ta có thể đọc thấy những gì là vốn liếng sâu xa của dân tộc ấy. Buổi đầu, sau những quan
sát, qua những tiếp xúc, tôi đã thấy họ không phải là một dân tộc tầm thường, và về sau
này, tôi được biết thêm rằng người Việt-nam là một dân tộc có nền văn minh độc đáo,
một loại dân tộc ưu đẳng, có những sắc thái riêng biệt không tìm thấy trong những dân
tộc khác trên đại cầu này.
Dù không có đủ phương tiện, khả năng để đi sâu hơn vào nền văn minh của dân tộc Việt,
tôi vẫn cố gắng để tìm hiểu nó trong những nét chính sau đây. Và tôi nghĩ rằng, chỉ qua
ánh mắt của dân tộc này, ta cũng thấy được người Việt có niềm tự tin ở cái tiềm năng văn
hóa của mình: nền văn hóa có chiều sâu và sức biến động lạ lùng ở trong lịch sử.
Nhưng đã nói đến ánh mắt là phải nói đến nụ cười, vì đó là hai hình thể linh hoạt hơn hết
trên một khuôn diện. Mắt và miệng thường cho ta thấy nhiều hơn về một con người vì nó
có thể nói lên giá trị trí thức, tinh thần đạo đức của một cá nhân, hơn cả những gì cá nhân
ấy muốn phô bày. Vầng trán nằm ở trên cao, lỗ mũi ở ngay giữa mặt, dù có lộ hiện thật là
rõ ràng cũng không chứng tỏ gì nhiều về một con người.
Có thể nói rằng nụ cười Việt-nam cũng như nụ cười của các dân tộc phương Đông đều có
một vẻ kỳ bí, chừng như sau vành môi ấy, vẫn có ẩn tàng một sự kiện gì buộc ta tìm hiểu
băn khoăn. Ở người Viêt-nam, dù đôi môi họ mím lại hay là nhếch lên, cái nhìn của họ
cũng được hòa điệu theo cùng, và trong nụ cười có vẻ hững hờ, hồn nhiên của họ, người
ta cũng thấy được một khả năng nhạy cảm khác thường và một khả năng thẩm định sự
vật rất là sắc sảo.
Nhiều khi người ta dễ có cảm tưởng những điều mà họ nói ra đã không phát biểu đầy đủ
bằng đôi mắt nhìn và nụ cười kia. Cũng có thể hiểu về sự kiện đó như sau: trí thức chưa
được phát triển kịp thời với cái vốn liếng lâu dài mà giống nòi họ đã xây dựng nên trong
một tiềm thức cộng đồng, và tiềm thức ấy là cái gia tài vô cùng to tát của một dân tộc, do
chính lịch sử của dân tộc ấy tạo nên, không thể một sớm một chiều làm cho thay đổi bản
chất. Tiềm thức cộng đồng của một dân tộc là cái thành quả của cuộc phát triển trường kỳ
làm bằng máu xương của dân tộc ấy,
làm bằng thịnh vượng và bằng suy vong, bằng những tủi nhục cũng như vinh quang, và
tất cả được phối hợp, được thâm nhập vào thành sức phản xạ sâu thẳm ở trong não tủy

của mỗi một người trong dân tộc ấy, khiến cho sinh hoạt hàng ngày, dù làm một động tác
nào, nói lên một ngôn từ nào cũng vẫn bị sự chi phối của tiềm thức ấy. Dĩ vãng vẫn được
hiện diện thường xuyên bằng thế cách này hay thế cách khác, và sự đoạn tuyệt quá khứ
một cách máy móc là điều khó lòng mà quan niệm được.
Tiềm thức cộng đồng của người Việt-nam có thể nhận định là thật sâu rộng, lớn lao, dấu
chứng của những dân tộc có nền văn minh độc đáo, lâu dài. Tất nhiên vẫn có những
người Viêt-nam hời hợt, quên đi bản sắc của dân tộc mình, ưa thích đua đòi, bắt chước
theo người nước ngoài một cách nguy hại đã làm cho họ mất đi duyên dáng tự nhiên của
mình. Sự đua đòi ấy thường dễ nhận thấy nơi các đô thị đông đúc trong những thời kỳ
ngoại bang có những ảnh hưởng sâu đậm đối với nền chính trị của xứ sở này. Đúng ra,
những đám thị dân của các quốc gia trên thế giới này nơi đâu lại chẳng tiêm nhiễm cái
thói xấu ấy? Nhưng trên căn bản thì dân tộc Việt rõ ràng là một dân tộc không có những
sự đua đòi rồ dại, mà chính niềm tin đối với truyền thống của họ vẫn được một tầng lớp
người bảo vệ hết lòng.
Người Việt cũng như hầu hết con người trên thế giới này chưa tìm thấy được nụ cười vui
vẻ hoàn toàn. Cả nhân loại này đang trên con đường tìm kiếm nụ cười- nụ cười hân hoan
không có chút dư vị nào cay đắng – như tìm một sự giải thoát, một lý tưởng sống. Tôi
không biết rằng người Việt khi họ nhếch môi, mỉm một nụ cười, họ có thấy chăng được
niềm an ủi nào không, nhưng tôi chắc rằng họ phải lo nghĩ nhiều hơn là được hưởng thụ
trong những nụ cười như vậy. khi cười, tinh thần hướng nội của họ đã được dung hòa với
sự hướng ngoại, nên họ tạo được một thể quân bình đặc biệt về mặt tâm lý. Theo quan
điểm của y học, quân bình tạo ra sự sống, và khi quân bình không còn giữ được là khởi
điểm của bệnh hoạn, là bắt đầu
của sự chết. Chúng ta có thể suy đoán từ nụ cười ấy của người Việt-nam để nhìn thấy
rằng họ đã luôn luôn tạo được quân bình ở trong sinh hoạt khiến họ biết cách tiếp thu
được nhiều quan điểm khác nhau, dung hòa được nhiều ý kiến dị đồng, thoát ra được
những cảnh ngộ khó khăn ở trong lịch sử. Có lẽ vì thế mà dân tộc họ dù có chiến thắng vẻ
vang vẫn không có những hoan lạc tột cùng, và dù gặp những chiến bại bi thảm vẫn
không có những bi thảm quá mức. Tìm hiểu lịch sử Việt-nam, tôi đã thấy rõ điều này
nhiều hơn. Nhiều lần sau khi đánh bại kẻ thù xâm lược, họ vẫn vui vẻ làm người triều

cống nhu mì cũng như khi bị ràng buộc trong những xích xiềng nô lệ, họ vẫn bình thản
tìm một lối thoát. Tinh thần yêu chuộng hòa bình cũng như tinh thần kiên cường chiến
đấu của họ đã được hợp nhất trong sự bảo vệ lẽ sống cao cả của dân tộc. Vì thế, trải qua
bao nhiêu cuộc chiến đấu oai hùng, suốt trong lịch sử dài dặc, mà không thấy họ lưu lại
những anh hùng ca. Và đã từng trải biết mấy lầm than khổ nhục, mà dân tộc họ cũng
không lưu lại những áng văn chương kêu khóc não nùng. Tinh thần Việt-nam thực sự
không muốn nuôi dưỡng bi thảm và không chấp nhận tuyệt vọng, dù học phải sống bất cứ
trong cảnh ngộ nào.
Nụ cười của người Việt, ngoài cái ý nghĩa phát biểu một niềm tự tin sâu xa vào tiềm năng
của giống nòi, còn có ý nghĩa bày tỏ tinh thần khoan dung, độ lượng.
Nhiều người, kể cả những người Việt-nam, đã quá chú trọng đến mặt chống đối của nụ
cười ấy mà gần như quên hẳn đi ý nghĩa khoan dung của nó. Người Việt tha thứ dễ dàng
những sự lầm lỗi cũng như mọi điều khác biệt, bởi họ không phải là một dân tộc cố chấp.
Khoan dung, xét cho đến cùng, là một giá trị tinh thần dung hợp được những yêu cầu
thực tế của một ý thức luân lý sâu xa.
Cũng có những người Việt-nam mất gốc vì nhiễm quá sâu văn hóa nước ngoài nên không
thể nào hiểu được những giá trị riêng đáng nên tự hào của dân tộc họ. Khi đã mất sự cảm
thông với dân tộc rồi làm sao họ có thể nhìn thấy được những gì gọi là bản sắc sâu xa của
dân tộc được? Khi đã mang một lối nhìn lệch lạc, làm sao mà đánh giá đúng sự việc
chung quanh? Tôi nhớ có lần được đọc một bài tiểu luận của một trí thức Việt-nam đồng
thời là một dịch giả có nhiều tài năng là Nguyễn Văn Vĩnh nói về nụ cười của người
Việt-nam. Ông này đã nói về dân tộc mình một cách hết sức hời hợt nên không tránh khỏi
những điều lầm lỗi nặng nề.
Với một cái nhìn khinh bỉ, trịch thượng, ông Vĩnh cho rằng nụ cười của người Việt-nam
chứa đầy tà ý xấu xa, độc ác, mang đầy tính cách phá hoại, ngụ những ẩn tình thấp kém.
Rõ ràng ông Vĩnh đã đứng trên cái quan điểm hình thức, quen thuộc trong lối suy luận
Tây-phương để mà nhận định về các trạng thái sinh hoạt của đồng bào mình. Thái độ của
ông nào có khác gì quan điểm nông nổi, đầy lòng ngờ vực của một tên quan thuộc địa
nhìn dân bản xứ như lớp tôi đòi hèn hạ. Hình như ở trong trường học những bài tiểu luận
thuộc loại ông Vĩnh vẫn được đem ra truyền dạy cho các học sinh nhỏ tuổi và hình như

nhiều thầy dạy cũng không nghĩ rằng ông Vĩnh đã nói những điều lầm lạc, xúc phạm
nặng nề đến dân tộc mình. Nhiều người Việt-nam có một nhận định sáng suốt và có tinh
thần quốc gia đứng đắn cũng đã lên tiếng nhiều lần về một tầng lớp trí thức Việt-nam có
văn bằng lớn, có học thức nhiều, nhưng nguy hiểm thay, lại không có một căn bản dân
tộc. Đó là lớp người lấy làm hãnh diện vì nói được tiếng ngoại quốc, và coi một chuyến
xuất
dương, dù là đi vào rừng rú châu Phi, châu Mỹ, là một vinh dự lớn lao. Những trí thức ấy
đã quên vụ xới vườn nhà như là linh hồn đích thực của họ và họ đã giống anh chàng nào
đó ở trong vở kịch La-mã thời xưa, anh chàng mua được một cái mặt nạ rẻ tiền đã cố đeo
vào để khỏi chường khuôn mặt đẹp của mình giữa nơi đông đảo. Có lẽ chưa có một dân
tộc nào mà nhiều người trí thức trong khi phát biểu lại pha trộn lắm ngôn ngữ nước ngoài
như thế và thích dùng những đồ ngoài như thế. Nhưng điều may mắn là nếu ở trên mặt hồ
có những đám bèo không bám rễ sâu xa xuống lòng đáy thẳm thì đại đa số quần chúng
Việt-nam đã biết quý yêu dân tộc của mình và biết tự hào về nó.
Nói về nụ cười Việt-nam, chừng như tôi đã đi quá giới hạn cần thiết của vấn đề này. Hơn
nữa, dừng bước quá lâu ở cái bề ngoài, chúng ta không sao nói hết được những sự thực
sâu xa của cái bề trong. Dù sao, người Việt phải biết tự hào về khuôn diện mình. Tất
nhiên chúng ta không muốn nói đến khuôn diện của những lớp ngoài no đủ, béo mập, chỉ
biết nằm xa xỉ trong sự che chở của các tiện nghi. Ở bất kỳ đâu, lớp người như thế thường
rất giống nhau và họ không có gì để phải nói, ngoài sự tự mãn và lòng ích kỷ, ngoài sự
nhạt nhẽo và sự tầm thường. Trong những lớp người ích kỷ, chỉ có mỗi cái thái độ tự
mình chiêm ngưỡng lấy mình là được coi như một thứ giá trị cao nhất. Lại thêm chúng ta
không còn ở vào thời kỳ nheo mắt nhìn vào bề ngoài của các sự vật để mà định giá, vì
thời kỳ ấy thực sự đã thuộc về dĩ vãng rồi. Phải mất bao nhiêu nghìn năm gian khổ, nhân
loại ngày nay mới rời bỏ được mảnh đất thuần túy hình thức, để mà khởi sự đi vào lãnh
vực nội dung như là khởi điểm của mọi giá trị. Lẽ nào chúng ta ngày nay còn mang cái
nhìn lỗi thời để mà dán mắt vào phần hình thức trong sự tìm tòi cái đẹp? Bởi thế tưởng
nên hiểu rằng khi ta nói về vẻ đẹp ở trên khuôn mặt người Việt, là nói về cái vẻ đẹp đã do
cuộc đời gian khổ mà dân tộc họ làm nên, trong đó bừng sáng tinh thần quật cường lớn
lao của họ. Vẻ đẹp ở trong đôi mắt biết nhìn, biết đến giận dữ mà không biết đến bạo tàn,

vẻ đẹp ở trong đôi mắt biết mím chặt lại, biết đến hận thù mà không từ chối khoan dung.
Tiếng nói Việt-nam là ngôn ngữ riêng của âm nhạc vì có nhiều dấu, nhiều giọng, không
phải là tiếng nói của tàn ác và hỗn loạn. Ở nơi vừng trán, ở trong đôi mắt, đôi môi, ở trên
màu da và trong tiếng, vết hằn lịch sự và của người Việt-nam thật là rõ rệt, đậm đà.
Chúng ta không ai lại muốn đòi hỏi một vẻ trắng trẻo, hồng hào ở một lớp người thuộc
dân da vàng. Hơn nữa, người dân của một xứ nắng, của những bờ biển bao la, của những
núi rừng trùng điệp và của đầm lầy mênh mông làm sao có được màu da của kẻ nằm
trong bóng mát, ngồi giữa yên lành?

Nền tảng quý báu của tinh thần Việt: óc thực tế

Đi vào giá trị nội dung của người Việt-nam, điều mà ta phải lưu ý trước nhất ở trong
truyền thống sinh động phong phú của họ, là óc thực tế. Có thể tìm thấy tinh thần thực tế
biểu hiện trong mọi sinh hoạt. Tôi đã nghĩ đến chiếc áo dài đen thích hợp với những sinh
hoạt ruộng vườn và cái không khí cổ kính của một xã hội vua quan sống bằng nông
nghiệp. Cái áo dài ấy thật là giản dị một cách bi thảm, có thể dùng để che đậy từ một
miếng thịt giữa làng cho đến những bộ đồ lót rách nát, đồng thời chịu đựng một cách gan
lì suốt cả bốn mùa mưa nắng. Bây giờ hẳn không có mấy người Việt còn tha thiết với
chiếc áo dài ấy vì trong điều kiện sinh hoạt đổi thay nó đã trở thành mốn đồ cổ lỗ, dù nó
đã có vai trò lịch sử lâu dài ở trong sinh hoạt của dân tộc này.
Nói chung, trong cách ăn mặc, tinh thần thực tế của người Việt-nam biểu lộ thật là rõ rệt.
Không những chẳng thích phô trương bằng loại áo quần rực rỡ như các đám người thiểu
số còn sống rải rác trong những núi rừng mà người Việt-nam cũng không có những kiểu
lối ăn mặc nặng nề, phiền phức của những dân tộc tự coi như có trình độ văn minh.
Không kể đến sự dễ dãi đối với con trẻ mà những màu sắc bao giờ cũng được thích ứng
một cách dễ dàng, người Việt hầu như là một dân tộc không thích những gì sặc sỡ, những
gì biểu lộ rõ rệt đến mức ồn ào. Để cho thích hợp với những điều kiện sinh hoạt đầy
những khó khăn, họ đã chọn lựa một cách ăn mặc tương xứng, trong đó hòa hợp được cái
tính cách điều độ, nghiêm chỉnh và những giá trị tinh thần cố hữu. Có thể nói rằng, trong
lối phục sức hàng ngày người Việt cũng đã thể hiện được cái lịch sử lâu dài đầy những

chiến đấu gian lao cũng như oanh liệt của dân tộc mình.
Từ khi tiếp xúc với nền văn minh Tây-phương, người Việt cũng đã chấp nhận lề lối trang
phục mới mẻ của những dân tộc xứ lạnh ở cách xa họ không biết bao nhiêu dặm đường,
nhưng sự đổi mới này được đặt trên căn bản hoàn toàn thực tế. Chỉ những lớp trẻ sống
trên những đô thị lớn là còn đua đòi theo những lề lối trang phục mới lạ, nhiều khi phóng
túng lố lăng, nhưng đấy chỉ là một số rất nhỏ và số loại này vẫn bị người lớn coi như một
lũ mất gốc. Do những lẽ đó, ít khi chúng ta nhìn thấy một người phụ nữ Việt-nam mặc
một chiếc quần lòe loẹt khi ra ngoài đường. Bất cứ những thiếu nữ nào đã lớn, nếu đi ra
đường với bộ y phục cùng màu, ngoại trừ màu đen, màu trắng, đều bị số đông phán đoán
bằng những cặp mắt ngờ vực. Ăn mặc ra ngoài thể cách thanh đạm, khiêm tốn bình
thường đều được người Việt coi đó là sự suy đồi nhân cách. Có lẽ trong các dân tộc,
người Việt được xem như một lớp người có một quan niệm nghiêm khắc về sự ăn mặc,
và bởi vì họ tôn trọng truyền thống trang phục nghiêm chỉnh của mình nên không cho
phép mọi sự dễ dãi ở trong quần áo như khá nhiều dân tộc khác, nhất là các xứ Âu Mỹ.
Nhiều người thường nói Việt-nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa văn hóa Trung-quốc, nhưng
ảnh hưởng ấy nhất định không sao tìm thấy ở nơi chiếc quần của người phụ nữ. Bởi
người đàn bà Trung-hoa có thể mặc những quần xanh, quần đỏ đi lại tự nhiên ngoài
đường hoặc dùng những thứ trang phục đồng màu, với những hoa hòe rực rỡ để mà hiện
diện ở giữa đám đông, một cách thoải mái, tự nhiên. Điều đó nhất định không thể tìm
thấy ở trong sinh hoạt của phụ nữ Việt.
Chúng ta còn tìm thấy sự nghiêm chỉnh của người Việt-nam thể hiện nhiều cách trong
quần áo họ. Dầu ở xứ nóng mà người đàn bà Việt-nam không có kiểu áo hở cổ của người
phụ nữ xứ lạnh Tây-phương, cũng không có những áo quần hở tay, hở chân như người
Trung-hoa vốn cũng là dân xứ lạnh. Từ những quần áo suy luận ra đến những thể cách
sinh hoạt khác nữa, chúng ta còn tìm thấy được tinh thần thực tế - đồng thời cũng là căn
bản đạo đức – của người Việt-nam thể hiện trên nhiều mức độ khác nhau.
Nhiều nhà văn hóa Việt-nam đã trình bày rằng lời thơ của họ theien về nhịp chẵn, thật là
khác với nhịp lẻ lửng lơ của người Trung-hoa, và các mái chùa, mái đình, lăng tẩm miếu
mạo của họ dầu có vay mượn kiến trúc Trung-hoa chăng nữa, cũng không hề có những
nét uống cong theo cái thể cách nghệ thuật của người Hán-tộc. Qua những biểu hiện như

thế, người Việt xác nhận rằng cái bản tính của dân tộc mình không thích phiêu lưu, không
ưa mơ mộng, và luôn luôn tìm thấy cái điểm tựa cần thiết để tự bảo vệ lấy mình hầu được
tồn tại, phát triển. Dù trong điều kiện khó khăn đến thế nào nữa, người Việt vẫn có một
cái trực giác, một thứ lương tri đã biến thành những phản ứng vô cùng kỳ diệu giúp họ
thích hợp được với hoàn cảnh để mà giành quyền chủ động.
Lần đầu nghe câu ngạn ngữ Việt-nam: “Khôn ăn cái, dại húp nước”, người ta có thể ngờ
vực nghĩ đây chỉ là câu nói của kẻ tham lam những muốn lừa gạt người khác để giành lấy
phần béo bổ cho mình, bởi cái phần cái còn gì béo bổ đâu?
Nhưng người Tây-phương quen ăn món xúp, nên không thể nào hiểu được tinh thần Việt-
nam qua những ngạn ngữ nêu trên. Sau này, nghiên cứu văn học bình dân của họ, tôi lại
gặp câu: “Ăn lấy đặc, mặc lấy bền” và tôi mới hiểu trong cách ăn uống thường xuyên của
họ, tinh thần thực tế đã được chứng tỏ rõ rệt.
Đa số người Việt, trong những từng lớp đông đảo làm nền tảng của dân tộc, bao giờ cũng
ưa thích những cái gì vững chắc, có thể giúp họ chịu đựng bề bỉ cuộc sống, và vì lẽ đó họ
vẫn thích sự no bụng hơn là dùng đồ lỏng lẻo, dù rằng béo bổ, ngọt ngào. Tiếng cái trong
câu ngạn ngữ trên đây dùng để chỉ định thể đặc của các món ăn để phân biệt với phần
nước, là một tiếng dùng thật có ý nghĩa. Ở trong nguồn gốc, tiếng cái có nghĩa là mẹ,
đồng thời lại có nghĩa rộng để chỉ cái gì căn bản, lớn lao, tiêu biểu. Nói về người mẹ,
người Việt có câu: “Con dại, cái mang” và những cái gì lớn nhất, to nhất, quý nhất đã
được dùng với tiếng cái, như con đường cái, con sông cái, ngón tay cái. Ở trong món ăn,
tiếng cái đã được dành để chỉ định cho phần thực phẩm quan trọng hơn hết, vì thế chỉ có
người khôn mới ăn cái vậy.
Nhân nói đến sự ăn uống, chúng ta có thể suy diễn tinh thần thực tế của người Việt-nam
một cách rộng rãi hơn nhiều qua mỗi tiếng ăn. Người Việt hay
dùng tiếng động tự ăn ghép với những động từ khác, chẳng hạn ăn ở, ăn nói, ăn mặc, vân
vân Đứng trên tinh thần phân tích máy móc, có lẽ người ta cảm thấy ngộ nghĩnh khi
thấy tiếng ăn đã được sử dụng một cách lạ lùng như thế. Nhưng ai cũng biết tiếng ăn,
trong trường hợp này chỉ còn là một ý nghĩa tượng trưng, một cái nền tảng thiết thực
trong mọi công việc. Người ta không thể ở được nếu không có được cái gì để ăn, tức là
cái gì để sống. Người ta không thể nói được nếu không có những điều kiện thiết thực bảo

đảm cho sinh hoạt mình. Và sự may mặc cũng vậy, phải là cái gì đến sau sự sống. Khi lấy
tiếng ăn để làm nền tảng cho những sinh hoạt như thế, không phải là người Việt-nam tỏ
ra quá trọng miếng ăn, miếng uống, nhưng chỉ có nghĩa là họ luôn luôn băn khoăn trước
hết đến một nền tảng thực tế.
Có lẽ ít có dân tộc nào trên thế giới có một quan niệm thiết thực biểu lộ rõ ràng như thế ở
trong ngôn ngữ thường ngày. Và trong sinh hoạt nhiều đời, người ta quá quen với cái
tiếng ấy đến nỗi gần như không ai để tâm đến sự kiện ấy, bởi nó đã thành một thứ phản
ứng tự nhiên như hơi thở vậy.
Tinh thần thực tế đã khiến người Việt không tha thiết nhiều đến những công trình kiến
trúc chỉ có cái phần phô trương, kiểu cách bên ngoài. Đa số kiến trúc của người Việt-nam
đều rất thô sơ và giản dị. Người ta sẽ không tìm thấy cái gì thực sự quy mô trong đền
chùa họ, và kể cả sự vững bền cũng không có nữa. Có lẽ điều thiết thực nhất vẫn là lấy sự
thờ phụng trong lòng làm chính, hơn là đặt lòng tin tưởng vào trong gạch đá vốn không
thể nào chịu đựng trước sức phá hoại của dòng thời gian vô thủy vô chung. Người Việt
biết dành sinh lực cũng như vật lực của mình cho những xây dựng gần gũi hoặc khẩn
trương khác hơn là phí phạm năng lượng dân tộc trong những công trình xây cất công
phu. Khi nói như thế, không phải chúng ta phủ nhận khả năng kiến trúc tinh diệu của dân
tộc này. Lịch sử Việt-nam vẫn còn nhắc nhở về một kỳ công kiến trúc của tổ tiên họ là
thành Cổ-loa đã được dựng lên ở một miền đất luôn luôn khuấy động vì những địa chấn
bất thường.
Thành Thăng-long, chùa Một Cột, đều là di tích của một khả năng kiến trúc độc đáo,
tuyệt vời. Lịch sử còn nhắc nhở lại tòa Cửu-trùng-đài được một nghệ sĩ tài hoa là Vũ Như
Tô xây cất từ đời Hậu Lê đã bị dân chúng nổi loạn đập phá tan thành, và điều đó càng
chứng minh rằng trên cơ sở của óc thực tế, người Việt không muốn chấp nhận những gì
vĩ đại, quy mô khi chính sự lớn lao ấy đi ngược lại những nhu cầu chính đáng của đời
sống họ. Nếu có những điều kiện tốt, mà một trong những điều kiện tốt ấy là nền hòa
bình dài lâu, thì người Việt-nam có đủ khả năng sáng tạo để mà phát biểu tài nghệ kiến
trúc tuyệt vời của họ.
Ở trong đời sống Việt-nam hẳn vẫn có những con người lãng mạn, viển vông, nhưng trên
bản chất của dân tộc Việt, những trạng thái đó thật là xa lạ với

truyền thống họ. Tính cách quân bình là cái đặc tính tạo nên sức mạnh của giống nòi Việt.
Người dân Chiêm-thành sống trên những vùng đất đai cằn cỗi bao nhiêu lại xây dựng
nhiều đền tháp công phu ngày nay vẫn còn chịu đựng tang thương để mà bám lấy những
sườn đồi núi miền Trung, là lời giải thích gián tiếp vì sao người Việt đã là những kẻ chiến
thắng trong lịch sử. Nhà cửa của người Việt-nam hầu hết đều quá đơn giản để có một sự
quân bình với các điều kiện thực tế của sinh hoạt họ, ngoại trừ ở trong đôi vùng Bình-
định còn thấy nhiều ngôi nhà tranh kiến trúc cầu kỳ, vững chắc, ảnh hưởng sót lại của nền
kiến trúc Chiêm-thành. Như thể, nghệ thuật dù có đạt đến tân kỳ công phu đến mức đô
nào chăng nữa, mà không phù hợp với thực tế sinh hoạt của một dân tộc thì chỉ làm cho
tiềm năng của dân tộc ấy bị suy kiệt đi một cách phi lý và biến thành mối cản trở lớn lao
cho sự tồn tại của dân tộc ấy.
Tôi có nhắc đến tinh thần thực tế của người Việt-nam qua nhịn chẵn của thi ca, như thơ
bốn tiếng, thơ sáu tám, và cả điệu thơ sau này gọi là thơ mới cũng có thể điệu tiêu biểu ở
trong tám tiếng. Nhịp chẵn cho ta ý niệm về sự có đôi, có cặp, về một ý nghĩa vuông tròn,
về một tâm trạng không thích phiêu lưu, về một bản chất chung thủy, đôn hâu, vốn là nền
tảng của tâm hồn Việt. Ngoài nhịp chẵn này, điểm đặc biệt còn tìm thấy ở một nơi khác,
đó là cách gieo vần ở lưng câu, trong điệu lục bát, thể thơ hết sức phổ biến và rất tiêu
biểu của người Việt-nam. (Cũng có đôi người trí thức Việt-nam cho rằng thơ lục bát này
đã được tìm thấy dấu vết trong đôi kinh sách Trung-hoa ngày xưa, hoặc cũng là một điệu
thơ phổ biến trong các dân tộc láng giềng như Chàm, như Thái. Nhưng điều đáng tiếc là
những chứng minh của họ thực là rời rạc, mơ hồ, không có căn bản khoa học cũng như
căn bản lịch sử. Đồng thời họ không chứng minh một cách cụ thể được sự tương quan
cũng như ảnh hưởng của các dân tộc nói trên với dân tộc Việt về mặt văn hóa. Họ cũng
không nhìn thấy được tính cách phổ biến, tiêu biểu của thể thơ ấy ở trong đời sống hàng
ngày của dân tộc Việt. Do đó, dù có tìm thấy thể điệu lục bát trong vài dân tộc láng giềng
của dân tộc Việt, thì lục bát cũng vẫn là điệu thơ thuần túy của người Việt-nam, tiêu biểu
cho nền thi ca Việt-nam). Trong điệu thơ ấy, tinh thần thực tế Việt-nam còn được thể
hiện ở lối yêu vận, tức là gieo vần ở lưng chừng câu: tiếng cuối cùng của câu lục được
vần với tiếng thứ sáu của câu bát, cho thấy một sự bám víu thật là vững chắc, một cho
nghỉ ngơi cho được yên lòng rồi mới dám bước xa thêm. Trên con đường dài gồm tám

chữ ấy, tiếng vần ở lưng chừng câu có cái ý nghĩ như một trạm nghỉ, một chỗ đổi thay
sức ngựa, kiếm thêm cỏ nước, chuẩn bị hành trang trở lại để mà nối tiếp con đường. Như
vậy thể lục bát này có thể kéo dài cho đến bát tận, và tùy thuộc ở khả năng tác giả mà nó
có thể ngắn đi hay lại dài ra
cho đến vô cùng. Đoạn trường tân thanh là một tuyệt tác được kể như là tác phẩm bất bủ
trong nền văn học Việt-nam, được viết bằng thể thơ ấy, và được kéo dài trên ba nghìn câu
mà không hề gây một nhàm chán nào cho người thưởng thức. thật cũng tương tự như dân
tộc Việt đã từng đi mãi không ngừng từ Bắc vào Nam, và suốt lịch sử kéo dài trên mấy
nghìn năm, dân tộc ấy đã ruổi hết con đường dài dặc ở trước mắt mình, cho đến khi đặt
chân đến biển cả, chót mũi Cà-mau, họ mới chịu dừng chân lại.
Nghỉ ngơi không phải là để chùn bước, thực tế không phải là để từ chối tất cả lý tưởng
cao xa, đó là đặc điểm của tinh thần Việt, và đó là cái giá trị qus nhất của một tinh thần
thực tế tích cực. Óc thực tế ấy còn được thể hiện trong nhiều thể cách sinh hoạt, và qua lề
lối kiến trúc những ngôi nhà cổ vừa thấp lại vừa nhiều cột, người ta thấy óc thực tế biểu
hiện một cách đậm đà. Hia mái nhà lớn như cái thân người cúi xuống trên mặt đất liền để
mà bám vào một cách quyết liệt bằng những ngón tay là dãy cột chống nặng nề. Những
ngôi nhà xưa kiểu ấy dần dần đã được thay thế bằng những kiểu lối xây cất theo người
Tây-phương, cao hơn và thoáng khí hơn, nhưng hầu như người Việt-nam chỉ tìm thấy sự
ấm cúng và sự yên ổn thực sự trong những ngôi nhà cổ kính của mình. Bên những hàng
cột vững chắc, trong cái bóng mát tỏa dày, người Việt tìm lại ở nơi lòng mình tấc lòng
sùng kính đối với những gì đã thuộc về những giá trị dĩ vãng, và trong không khí yên
lành như thể họ sẽ gặp lại bao nhiêu kỷ niệm như những cánh dơi chập chờn ở trên đầu
mình, dẫn dắt họ về lịch sử xa xưa.

Đặc tính uyển chuyển và tinh tế trong tâm hồn Việt
Nam

Người ta có thể nghĩ rằng chính óc thực tế đã làm nổi bật thêm hai đặc tính ở trong tâm
hồn người Việt, sự uyển chuyển và sự tinh tế. Ngôn ngữ Việt-nam được coi như thứ ngôn
ngữ đặc biệt có nhiều âm thanh như những cung bậc phong phú.

Tiếng nói Việt-nam được dựa trên hai thanh gốc, là bằng và trắc, nhưng mỗi thanh lại có
nhiều giọng điệu cao hay thấp, hoặc ngắn hay dài. Khi người Việt nói, được kể như họ
đang hát, đường gân phát thanh của họ hẳn được kiến trúc một cách tinh vi. Người ta sẽ
không ngạc nhiên khi biết các điệu hát hò phổ biến ở trong quần chúng Việt-nam đã vận
dụng được tất cả những âm thanh ấy một cáh rõ ràng, còn những bản nhạc, điệu hát chịu
ảnh hưởng của Tây-phương đều không có được cái khả năng ấy. Chỉ có nghe được người
dân mỗi miền, dù Bắc, dù Trung hay Nam, trình bày những điệu dân ca quen thuộc của
họ, chúng ta mới cảm nhận được sâu xa sự phong phú ấy về mặt âm thanh và cái ý vị
đậm đà của giọng nói ấy ra sao.
Tính cách phong phú trong âm thanh này đã được tìm thấy qua nhiều miền đất của quê
hương Việt. Tùy mỗi địa phương, dấu bằng hay dấu trắc lại được biến đổi, và sự pha trộn
khá nhiều cung bậc khác nhau ở các miền này làm cho giọng nói luôn luôn thay đổi với
những màu sắc hấp dẫn riêng biệt. Nếu có thể cho các âm thanh ấy một thứ màu sắc thích
hợp, người ta có thể hình dung một bản địa đồ Việt-nam về mặt ngôn ngữ thật là đẹp đẽ
chừng nào.
Tính cách uyển chuyển khá phong phú ấy nảy sinh một tính cách khác là sự tinh tế. Chỉ
nhìn vào mỗi câu hát, ở trong thể điệu lục bát, người ta có thể thấy rằng khó lòng tìm
được ở trong thi ca thế giới một sự phân biệt nào tinh vi hơn. Trong câu thơ này, tuy tiếng
thứ sáu và tiếng thứ tám cùng là thanh bình, nhưng phải khác loại, nghĩa là một tiếng nếu
thuộc vào thanh đoản bình (không có dấu) thì tiếng kia phải thuộc về trường bình (có dấu
huyền), hoặc ngược lại thế, thì câu thơ mới thành âm điệu được. Tôi chưa tìm thấy có lối
thơ nào mà trong một câu dung nạp đến hai tiếng vần ở hia vị thể khác nhau với những
âm thanh khác nhau tinh tế như vậy. Ta có thể nêu ở đây một câu của nhà thi hào bậc
nhất của dân tộc Việt - thi hào được coi như là thành quả tinh anh của mấy nghìn năm
văn học cổ điển – để mà trình bày cho cụ thể hơn điều nhận xét trên. Nguyễn Du đã viết:
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Sự tinh tế ấy tìm thấy ở trong thi ca đã nói lên sự tinh tế ở trong ngôn ngữ và trong tâm
hồn Việt-nam. Ngoài cái giá trị âm nhạc như là nền tảng của ngôn ngữ ấy, tiếng Việt còn
là ngôn ngữ của các hình thể và các màu sắc cũng như của những cảm xúc. Những vần,
những âm trong tiếng Việt-nam đều có khả năng gợi tả rất là cụ thể, vì xuyên qua đó

người ta có thể hình dung sự vật hết sức dễ dàng. Chẳng hạn vần i gợi lên các vật bé nhỏ
(li ti) và nếu biến giọng, nó lại gợi tả một trạng thái khác (lí nhí) hay một động tác (rỉ tai,
nhỉ giọt). Cứ thế chúng ta có thể xét đến vần ô qua tiếng lô nhô, lốn nhố, lỗ chỗ, v.v và
vần khác tiếp tục. Riêng về điểm này người ta có thể phát hiện được khá nhiều điểm lý
thú, nhưng tưởng nên dành sự khai triển ấy cho những trí thức Việt-nam chuyên về khảo
cứu ngôn ngữ của dân tộc họ. Điều thật đáng tiếc là tôi chưa đọc được một quyển văn
phạm nào về tiếng Việt-nam phân tích được hết đặc tính của ngôn ngữ này. Nhiều nhà trí
thức Việt-nam vẫn chưa thoát khỏi lối nhìn Tây-phương, qua những ảnh hưởng sâu đậm
về bệnh hình thức ở trong văn hóa, nên họ khó lòng khám phá được hết những nét độc
đáo của dân tộc mình về mặt ngôn ngữ. Tưởng nên thêm một câu nhận xét sau đây: tiếng
nói Việt-nam, khác hơn tiếng nói nào trên thế giới, đòi hỏi người nghe một sự chú ý toàn
diện, bởi không chỉ nghe thuần bằng lý trí mà còn phải nghe bằng cả cảm xúc và tưởng
tượng nữa. Tiếng nói Việt-nam, ngoài cái nhiệm vụ thông thường của nó là vận chuyển
các ý tưởng, còn là ngôn ngữ phong phú âm điệu, phong phú khả năng tượng hình, tượng
thanh. Chúng ta hy vọng những nhà ngữ học chuyên môn sẽ khai triển nó một cách triệt
để và khoa học hơn. Ở đây, trong cái phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi phải hạn
chế những sự khai triển đáng lẽ phải được đào sâu về mặt chuyên môn. Nếu được nói
thêm về ngôn ngữ ấy, tôi xin mạn phép bày tỏ một lời nhận xết về sự uyển chuyển đặc
biệt của ngôn ngữ Việt về mặt văn phạm và sự biến hóa âm từ. Đây là một loại văn phạm
thuộc loại phan tích, tuy rất sáng sủa nhưng lại có nhiều tính cách tương đối, vì dù không
có biến dạng nhưng nhiệm vụ của ngữ loại luôn luôn thay đổi theo từng câu một. Một
tiếng có thể vừa là túc từ vừa là chủ từ, có khi vừa là danh từ hay là động từ. Người ta chỉ
có thể hiểu hoàn toàn tiếng Việt qua những câu nói, phải chăng đó cũng là cái dấu hiệu
của một tinh thần cộng đồng vốn là đặc tính cố hữu của người Việt-nam.
Tuy không phiền phức như tiếng La-tinh, nhưng ngôn ngữ Việt vẫn có khả năng biến đổi
dồi dào bằng những tiếng đệm thêm vào sau các tiếng chính (chẳng hạn đất đai, nước nôi)
hoặc cách chuyển vận phía sau như học được đổi thành hiếc, nói thành niếc, một cách hết
sức dễ dãi, để biểu thị sự chỉ trích hay một thái độ phê phán nào đó. Tiếng Việt có thể
được xem như một ngôn ngữ của những xúc cảm, thiên nhiều về mặt đối kháng.
Tính cách phân tích và sự uyển chuyển của ngôn ngữ này dễ khiến hco nó cụ thể và tinh

tế hơn. Nhiều người Việt-nam thử đem so sánh động từ porter có một ý nghĩa tổng quát ở
trong Pháp-ngữ, với một loạt dài tiếng Việt có một nội dung tương tự, nhưng lại thích
ứng trong từng trường hợp khác nhau, chẳng hạn: bế, bồng, ẵm, mang, nách, xách,
khiêng, v.v mỗi tiếng như thế bao gồm một số cử điệu và những trạng thái khác biệt.
Tuy nhiên, người Việt quả có nhiều tiếng để dịch một tiếng porter, nhưng lại không có
tiếng nào tổng quát, tiện dụng như là tiếng ấy. Những cái ví dụ này có thể tìm thấy dồi
dào ở trong ngôn ngữ Việt-nam, chẳng hạn về một nụ cười, người Việt có nhiều từ ngữ
khác nhau để mà giới thiệu cái cười với những trạng thái tâm lý riêng biệt: cười mỉm,
cười ruồi, cười trừ, cười gằn, cười nịnh, cười rửa bát, v.v Phải nhận đặc tính phân tích
trong ngôn ngữ này có sự liên hệ rất mật thiết đến óc thực tế của người Việt-nam, vì có
gắn chặt vào trong sinh hoạt lời nói mới đạt đến sự tỉ mỉ, cụ thể như thế. Những tiếng
xưng hô trong cách đối xử thường ngày của người Việt-nam cũng khiến chúng ta bối rối
chừng nào. Một nhà trí thức Việt-nam từng viết rằng người Anh có tiếng You,
người Pháp có tiếng Vous, thì người Việt-nam phải tùy từng đối tượng một, từng loại
hạng người, theo từng thứ bậc ở trong gia đình và từng vị trí ở ngoài xã hội mà gọi khác
nhau, hoặc là bằng Anh, bằng ông, bằng Ngài, bằng Chị, bằng Bà, hay là Bác, Dì, Cô,
Thím, v.v Mỗi sự lầm lẫn trong cách xưng hô như thế có thể gây nên khá nhiều hậu quả
lơn slao ở trong tình nghĩa gia đình, ảnh hưởng nhiều đến nhân cách, trình độ học vấn
cũng như đạo đức cá nhân. Không thể giải thích điều này một cách sơ sài và vội kết luận
là tại sinh hoạt xã hội Việt-nam đặt trên cơ sở nông nghiệp và thiếu sự khoa học để có
trình độ tổng quát đối với sự vật. Có lẽ phải lấy khiếu năng thực tế, tính cách tinh tế ở
trong tâm hồn Việt-nam, làm cái cơ sở để mà giải thích thì mơi shy vọng đến gần sự thực.
Không chỉ ở trong ngôn ngữ hay trong giao tiếp tính cách uyển chuyển của người Việt-
nam mới được lộ hiện mà chính sự lộ hiện ấy đã được nâng lên thành một chính sách rất
là linh động ở trong lịch sử. Vốn bị áp lực thường xuyên của các thế lực bên ngoài, người
Việt bao giờ cũng can đảm chống lại những kẻ thù xâm lược, nhưng sau khi đã đánh bại
kẻ thù, họ luôn nhớ mình là một dân tộc nhỏ bé cần phải tự tồn, nên lại sẵn sàng tìm
những vật quý làm đồ triều cống. Nếu ta hiểu rằng đó là thái độ của những con người
giàu lòng tjw trọng cũng như ý chí bất khuất; đó là thái độ của những con người đã từng
chiến thắng oanh liệt, thì ta sẽ thấy những quà triều cống như thế thật đáng suy nghĩ, nhất

là đối với bao nhiêu dân tộc Tây-phương hầu như thiếu hẳn một cái đạo sống uyển
chuyển và mềm dẻo ấy.
Mềm dẻo mà cương nghị, khuất phục mà tự cười, đó cũng là những đặc tính của người
Việt-nam. Tất cả là những biểu hiện linh động để duy trì sự tồn tại được xem như cái lý
tưởng lớn lao hơn hết. Ta cũng nhìn thấy qua sự kiện đó ý thức trách nhiệm cao cả của
người cầm quyền đối với dân chúng, những người cầm quyền nhìn xa thấy rộng, không vì
những sự ngạo mạn và cái tự ái một thời mà quên nghĩ đến đời sống lâu dài của cả dân
tộc, không vì những chút lợi nhỏ mà phí phạm xương máu của đồng bào. Sự uyển chuyển
ấy còn là dấu hiệu của một trình độ văn minh khá cao bởi đặc tính của văn minh là tiến
bộ, mà tiến bộ là đa tạp, nhưng là một sự đa tạp đã được đồng nhất trong một ý hướng
vươn cao không ngừng. Vì thế, nho sĩ Việt-nam ngày xưa dù đã tôn thờ thánh hiền
Trung-quốc, lệ thuộc văn hóa Trung-quốc hết sức sâu xa, nhưng khi cần phải bảo vệ độc
lập quốc gia, những sĩ phu ấy đã sớm trở thành chiến sĩ gan dạ, cương quyết đánh bại kẻ
thù xâm lược.
Về mối tương quan giữa chính trị và văn hóa, người Việt nhìn thấy được sự đồng nhất
trong cái giai đoạn nhất thời, và sự khác biệt trong những đòi hỏi dài lâu, và biết lúc nào
phải nên chấp nhận hay phải chối từ, cái gì phải nên vứt bỏ hay nên giữ lấy.

Căn bản đạo đức của người Việt

Tìm hiểu kỹ hơn dân tộc Việt-nam, người ta có thể nhìn thấy đời sống của dân tộc này đã
được đặt trên căn bản đạo đức hết sức sâu xa. Có những kẻ thù ở trong lịch sử bị họ giết
chết, nhưng rồi sau đó cũng được họ dành cho một miếu nhỏ phụ thờ, có lẽ vì họ quan
niệm có sự khác biệt giữa những giá trị thuộc về sự sống và những giá trị mà chỉ cái chết
mới làm thoát hiện. Nhiều người Việt-nam được đào tạo trong trường học Tây-phương
đôi khi chỉ trích những kiểu thờ phụng như thế, coi như là một dấu hiệu nô lệ còn sót
tiềm tàng ở trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc mình. Nhưng họ cần nhớ lại rằng chính
kẻ thù đó đã bị đồng bào của họ giết chết, trên cái cơ sở của lòng bất khuất và chí quật
cường. Bây giờ kẻ thù đã bị diệt trừ, đã mất khả năng tác hại, không còn là những đối
tượng như trước. Bây giờ có thể là sự bù đắp cho một cái gì đã bị tận diệt, một chút an ủi,

dấu hiệu của lòng khoan dung, của sự nhân từ. Khi người Việt-nam giết Sầm Nghi Đống,
rồi dựng ngôi miếu thờ y, không phải là lo khói hương cho loài giặc cướp, mà chính trả
lại cho nó một sự úy lạo, nghi lễ của một dân tộc văn minh riêng biệt, đồng thời cũng lại
ghi dấu cho một chiến công hiển hách, của một giống nòi ý thức về cái năng lực phi
thường của mình nhưng không tự mãn, tự kiêu.
Điều đó còn cho thấy rằng người Việt-nghiêng hẳn về các giá trị tinh thần mà coi thường
các giá trị hình thức. Đối với thánh hiền nước ngoài, danh nhân
nước ngoài, họ vẫn sẵn sàng tôn thờ hay cơ ngợi mà không hề có mặc cảm mảy may. Tất
nhiên, không thể bảo đó là cái bằng chứng của sự nô lệ, vì họ luôn luôn là một dân tộc
quật cường được kể vào hàng những dân tộc có tinh thần bất khuất cao nhất ở trong nhân
loại. Thánh hiền và danh nhân ấy được xem như những giá trị tuyệt vời của cái di sản nói
chung của nhân loại này, và người Việt-nam được hướng về đó như sự hướng về cái đẹp
tuyệt vời mà mình tự thấy có quyền chia xẻ cũng như đã từng góp phần vun bồi cho nó
được dồi dào hơn.
Trong các dân tộc văn minh, có lẽ không dân tộc nào có những quan niệm chặt chẽ về
mặt đạo đức ở trong hôn nhân như là người Việt. Những người bà con xa gần, kể đến
những người đồng tính, đều không được phép phối hợp, và những cuộc hôn nhân như thế
đều bị kết tội vô luân là một tôi phạm hết sức nặng nề ở trong sinh hoạt tinh thần cho
người Việt-nam. Nhiều người bảo rằng dân tộc Việt-nam đã chịu ảnh hưởng đậm đà của
nền văn minh Trung-quốc, nhưng chính trong sự hôn phối, ta cần thấy rõ người Việt vẫn
giữ bản sắc riêng biệt của mình. Nếu trong đời sống Trung-hoa, con cô, con cậu, con dì
có thể tiến tới hôn nhân như một cách chính thức, thì ngược hẳn lại xã hội Việt-nam kết
án một cách khắc nghiệt những điều như thế. Sự khắc nghiệt ấy hẳn được phát sinh từ
một tinh thần tự vệ khá cao, vì nó bảo vệ nòi giống khỏi những liên hệ nguy hại, bởi sự
hôn phối nếu quá gần gũi ở trong thân tộc có thể tạo nên những lớp con cháu bất thường,
suy nhược, do sự kết tập của những ảnh hưởng di truyền xấu xa.
Cố nhiên người Việt ngày xưa hẳn không phân tích một cách khoa học những sự kiện ấy.
Có thể họ đã rút tỉa kinh nghiệm ở trên thực tế lâu dài của dân
tộc mình và đã biến thành một thứ phản ứng hoàn toàn luân lý. Người Việt bao giờ cũng
coi các cuộc hôn nhân như thế là những biểu hiện thú tính và ta cần phải đánh giá cái

quan niệm ấy như một ý thức vững mạnh về sự tồn tại của mình. Phải chăng phát khởi từ
một tinh thần tự vệ quá cao mà tiếng xưng hộ theo từng vị trí ở trong gia đình đã được
phân biệt quá mức cụ thể, vì chính sự phân biệt ấy ngăn ngừa những sự lầm lẫn nguy hại,
có thể ảnh hưởng sâu xa, xét về phương diện tổ chức gia đình cũng như phương diện sinh
tồn xã hội.
Tinh thần đạo đức và luân lý ấy biến thành phản ứng sâu sắc ở trong đời sống Việt-nam,
và càng đi sâu vào những thôn trang hẻo lánh, núi rừng xa xôi, nhiều người ngoại quốc
vô cùng ngạc nhiên tìm thấy những người dân Việt hồn nhiên trong cái tư thái đạo đức
vững vàng của mình, và gần như càng xa chốn phố phường, tinh thần đạo đức và luân lý
ấy lại càng đậm đà nhiều hơn. Rõ ràng điều này thật là trái ngược với các xã hội phương
Tây, những nề nếp văn hóa được thấy đậm đà ở nơi thành thị hơn là các vùng quê xa.
Như vậy là bởi những người Việt-nam sống trong các đô thị mình đã bị những sự xâm
nhập cưỡng ép của những văn minh nước ngoài, vì nhiều nền văn
minh này đã đến Việt-nam không phải với một thiện chí trao đổi bình đẳng hay với mục
đích liên kết thân hữu. Trong tình trạng đó, lầm lỗi và sa đọa là những hậu quả tất nhiên
của một thiểu số người việt ở các Đô-thị, những kẻ đã quá nông nổi vì không nhìn thấy
đúng mức chủ trương phá hoại của những thế lực ngoại xâm.
Tinh thần đạo đức cũng như luân lý Việt-nam thật đã thấm sâu ở trong mọi mặt, vật chất
cũng như tinh thần. Trong một đoạn trước chúng ta có nói đến sự ăn mặc giản dị của họ
như là bằng chứng của óc thực tế, nhưng suy rộng hơn, đó còn là một dấu chứng của sự
đạo đức, của một thái độ khiêm nhượng, từ tốn, thích điều thanh nhã hơn là thích sự phô
trương, âm thầm giữ lấy thái độ dè dặt, thận trọng, hơn là kiêu hãnh lòe loẹt bên ngoài.
Những màu sắc quá lộ liễu đều có tính cách hướng ngoại, tiêu biểu cho sự nông nổi, dù
đó cũng là bằng chứng của sự trẻ trung.
Những màu thanh nhã thường là biểu lộ cho sự hướng nội, thiên nhiều về bề sâu, chỉ tìm
thấy trong sinh hoạt thật sự văn minh. Hầu như văn minh Việt-nam không có mặt nổi mà
có mặt chìm, thiên về phẩm chất hơn là số lượng. Đây là một loại văn minh độc đáo,
không giống hẳn với bất cứ loại văn minh nào đã có những thời sôi động trải qua lịch sử
loài người từ trước đến nay.
Nhờ có căn bản đạo đức như thế nên đời sống của Việt-nam bao giờ cũng lấy nhân nghĩa

làm gốc, và trên nền tảng tinh thần như thế dân tộc ấy đã tồn tại qua nhiều bão tố lịch sử,
tưởng có thể vùi lấp họ ở dưới đáy sâu biển cả thời gian. Dân tộc ấy đã đứng vững trên
lãnh thổ mình, và họ sẽ đứng vững vàng như thế trong suốt con đường lịch sử lâu dài của
nhân loại này.
Khi đề cập đến ý thức đạo đức của người Việt-nam, có lẽ nên đề cập tới một vài sự kiện
quan trọng đã xác định nó thật là sâu đậm ở trong sinh hoạt. Chẳng hạn quan niệm đối
với lớp người xướng ca của xã hội này. Ta còn nhớ rằng ở trong xã hội La-mã cổ thời,
những người chăn heo và làm thịt heo đã bị khinh ghét ra sao, đã bị tước bỏ tất cả quyền
lợi ở trong cộng đồng sinh hoạt, thì dưới chế độ vua quan Việt-nam ngày xưa quyền lợi
chính trị của hạng xướng ca và con cháu họ cũng bị tước đoạt, vì họ cho rằng tầng lớp ấy
thật vô luân. Không phải vì chính đời sống bừa bãi, xa rời đạo đức của lớp này khiến họ
bị kết án nghiệt ngã như thế, mà chính là do tình trạng sinh hoạt của họ: vì trên sân khấu,
người con có thể giữ một vai trò thiên tử và bắt người cha làm kẻ bề tôi cúi đầu quỳ lạy ở
trước mặt mình, một đôi anh em có thể đóng vai chồng vợ, đôi khi vợ chồng lại phải thủ
vai mẹ con hay là cha con Nếu nhìn những sự kiện ấy thuần túy ở trên phương diện
nghệ thuật, người ta có thể cho rằng đó chỉ là sự giả tạm chỉ có ý nghĩa trong sự đóng
kịch, diễn tuồng. Nhưng cái nhìn tinh thần đạo đức Việt-nam muốn nhìn xa hơn thế.
Người Việt quan niệm rằng lớp xướng ca đã làm mất hẳn ranh giới đạo đức, dầu chỉ là
mất ở trong thời khoảng trình diễn, và họ phải được cản ngăn để khỏi ra đời chiếm một
ưu thế xã hội. Vì những con người như vậy nếu họ giữ một địa vị và có được quyền quyết
định đoạt đời sống vật chất cũng như tinh thần kẻ khác, thì họ có thể gây nên nhiều sự
đảo điên, nhiều sự ngộ nhận, nguy hại cho sự trong sạch của một cộng đồng. Tóm lại,
những kẻ đã từng vi phạm đạo đức, dù ở bất cứ nơi nào, sẽ không còn được một chút uy
lực nào nữa, đó là kỷ luật xã hội. Đó cũng là một kỳ thị, kỳ thị thuần túy ở trên phương
diện đạo đức, bắt buộc những hạng xướng ca không được tham dự vào các khoa thi, và
trong hôn phối, con em cũng như gia đình tử tế không được kết thân với lớp xướng ca,
ngoại trừ những dịp mua vui giây lát.
Nhiều người vẫn cho rằng đó là sự hẹp hòi của cái chế độ phong kiến khắc nghiệt. Không
ai phủ nhận rằng lối chế tài như thế là một biện pháp khắc nghiệt, hẹp hòi. Tuy nhiên, cần
phải nhìn thấy người Việt luôn luôn ý thức về sự tự vệ, tự tồn của dân tộc mình, nên đã

sẵn sàng chấp nhận một số quan điểm nghiêm khắc để mà giành lấy lợi quyền lớn lao của
dân tộc mình, là sự độc lập, là sự sống còn. Tất nhiên, một khi xã hội phát triển thì những
thành kiến như thế phải được dẹp bỏ.
Nhưng về sau này, dầu cái quan niệm xướng ca vô loài đã không còn nữa ở trên bình diện
ý thức của xã hội Việt, ảnh hưởng sâu xa của thành kiến ấy vẫn còn khá đậm và khá nguy
hại đối với chính tầng lớp ấy, cũng như đối với những người thức giả. Chính một số
người sống nghề xướng xa vẫn còn nuôi cái mặc cảm sai lầm là mình không được sắp
xếp vào một tầng lớp những người chính chuyên, không được xã hội thừa nhận như một
loại hạng đứng đắn, nếu học thường dễ coi nhẹ giá trị của mình, tự xô mình vào ngõ lối
trụy lạc và chính cuộc sống bừa bãi như thế đã làm phá sản nhân cách của họ hết sức
nặng nề. Đồng thời dư luận vẫn còn cố tình coi thường những kẻ sống về nghề nghiệp ấy,
dù trái ngược thay, họ vẫn được sự hoan nghênh, được sự yêu chuộng, cố nhiên họ phải
là những diễn viên có tài. Kể ra, sự khinh thường này đã thành phản ứng sâu xa khó lòng
mà dứt bỏ sớm, vì hai
nguyên nhân như sau: thành kiến lâu đời đối với chính tầng lớp này, và cái cuộc sống có
vẻ hỗn tạp bừa bãi của họ trước mắt mọi người. Đó quả là một trở ngại sâu sắc đối với
kịch nghệ Việt-nam, và nhiều gia đình vẫn cho sự bất hạnh lớn lao khi thấy con cháu của
mình bước vào hàng ngũ xướng ca. Đôi khi chính gia đình đã từ bỏ công khai hay là âm
thầm con em họ, khi biết chúng đã thực sự chọn nghề nghiệp ấy.
Sau khi gạt bỏ ra ngoài tính cách cố chấp lộ liễu của các quan niệm trên đây, chúng ta sẽ
nhìn thấy cái tâm trạng luôn luôn băn khoăn bảo vệ luân lý cổ
truyền thật là sâu sắc, khẩn trương không biết chừng nào, bởi lẽ, người Việt là dân tộc có
căn bản đạo đức hết sức vững mạnh.
Thành kiến đối với phụ nữ Việt-nam lấy chồng nước ngoài cũng thật nghiêm khắc. Dĩ
nhiên, trong những điều kiện bình đẳng nào đó, người Việt có thể chấp nhận những cuộc
hôn nhân dị chủng, vì quan niệm họ không phải hẹp hòi một cách máy móc. Ở trong lịch
sử Việt-nam, một nàng công chúa đã bị đem gả cho vua một nước láng gièng, từng bị coi
như thấp kém hơn dân tộc họ, nhưng hôn phối của Huyền Trân và Chế Mân vẫn được
một số nho sĩ tán thành, vì quyền lợi của quốc gia đã được phát triển thêm lên nhờ món
sính lễ cầu hôn là hai miền đất Ô, Rí rộng lớn. Điều lý thú nhất trong câu chuyện này là ở

đoạn kết, vì nàng công chúa rồi được cướp về, như tuồng người Việt vẫn không thể nào
chấp một cuộc ra đi dứt khoát của người đàn bà xứ họ với một người dân xứ khác. Kể ra,
xét về mặt này, người Việt cũng có một lòng tự ái thật là đặc biệt. Có thể hiểu rằng, trải
qua trường kỳ lịch sử đối đầu với những thế lực ngoại xâm, người Việt đã tìm thấy sự
khôn ngoan là phải ngăn cản mọi sự liên hệ sâu xa với những thế lực ngoại nhập, để dân
tộc mình khỏi bị diệt vong. Ngăn ngừa những người phụ nữ chung sống với kẻ ngoại
bang, đó cũng là một cách bảo tồn nòi giống và danh dự mình. Bài học lịch
sử trong đó cô nàng Mỵ Châu lấy gã Trọng Thủy là người nước ngoài, đã khiến cơ đồ của
An Dương Vương suy sụp, đất nước lâm vòng lệ thuộc, có lẽ người Việt không bao giờ
quên. Họ thường biểu lộ một sự khinh bỉ hết sức sâu đậm đối với tất cả những người đàn
bà lấy chồng nước ngoài, nhất là khi nước ngoài ấy thuộc về lực lượng của các dân tộc đã
gây thiệt thòi đến những quyền lợi thiết tha của đất nước họ. Ngày xưa, họ vẫn quen dùng
thành ngữ thằng Ngô con đĩ để nói về người Trung-hoa và các bà vợ Việt-nam, mặc dầu
đối với văn hóa Trung-quốc, họ vẫn đặc biệt tỏ lòng quý trọng. Đối với những người đàn
bà lấy chồng là những người Pháp sang đất nước này cai trị, họ gọi bằng tiếng me Tây,
cũng như họ vẫn gọi những người đàn bà lấy Mỹ bằng tiếng me Mỹ. Tiếng me có một ý
nghĩa thật là đặc biệt hàm ngụ một ý xấu xa, khinh bỉ sâu đậm. Trong nhận thức ấy, chỉ
có những người đàn bà không biết tự trọng, thiếu hẳn nhân cách ở trong xã hội Việt-nam,
mới phải lấy chồng ngoài nước. Kể ra, vẫn có một số con nhà thuộc hạng giàu sang, có
một trình độ văn bằng nào đó hay đã được đi du học ở những nước ngoài, lấy chồng
ngoại quốc và coi là việc tự nhiên, nếu không phải là dấu hiệu văn minh, nhưng trên căn
bản họ vẫn không sao thoát khỏi búa rìu dư luận của đồng bào họ. Sự khinh bỉ này thể
hiện rõ rệt, hoặc là âm thầm, tùy theo trường hợp và tùy đối tượng, nhưng bao giờ người
Việt-nam cũng nhìn các phụ nữ ấy như là biểu tượng của một lớp người đã mất lương tri,
đã lìa nguồn cội của mình. Trong xã hội Việt có một hiện tượng khá mâu thuẫn này, là
người phụ nữ thuộc về thành phần hạ lưu hay tầng lớp trụy lạc, nếu phải lấy chồng nước
ngoài vẫn thường âm thầm cảm thấy tủi nhục, hơn là những người phụ nữ có học vấn cao
và được sinh trưởng trong những gia đình khá giả, có một địa vị xã hội nào đó. Người ta
có thể tự hỏi vì sao những người phụ nữ khốn khổ, lấy chồng nước ngoài như một
phương kế mưu sinh, lại có tinh thần dân tộc hơn lại loại hạng những người có nhiều học

thức? Có lẽ tầng lớp sau này đã nhiễm khá sâu văn hóa nước ngoài và cái thực chất của
văn
hóa ấy đã làm nhiễm độc tâm não của họ, xóa mờ dần đi ý niệm quốc gia dân tộc ở nơi
lòng họ. Thực sự số phụ nữ này không nhiều ở trong xã hội Việt-nam, và theo một số
những người có quan tâm nhiều đến các vấn đề hôn nhân dị chủng, thì rồi về sau hạng
phụ nữ ấy cũng không thoát khỏi những nỗi mặc cảm ê chề về thân phận mình, vì hình
như trong thâm tâm họ vẫn cảm thấy sự hôn phối ấy như một phản bội đối với truyền
thống đạo đức của giống nòi mình, hoặc phải côi đó là một biểu hiện sa đọa nhân phẩm.
Tinh thần đạo đức nơi người Việt-nam còn thể hiện rõ trong sự đối xử giữa những tầng
lớp con người khác nhau. Không ai có thể chối cãi rằng người Việt-nam là một dân tộc
hiếu khách, và nếu có dịp đi vào thôn trang xa xôi hay nơi núi rừng hẻo lánh, người ta
còn thấy lòng hiếu khách ấy càng đậm đà hơn. Người Việt-nam quan niệm sự việc khách
đến thăm nhà là một bằng chứng thân ái, cần phải tôn trọng, nên những tiện nghi tốt nhất
và những món ăn ngon nhất sẵn sàng được giành cho khách với một thái độ hoàn toàn cởi
mở, ân cần. Quan niệm “tiền khách hậu chủ” của họ được xem như một nguyên tắc đối
xử quan trọng, và đó là một quan niệm khá cao về mặt văn minh. Trong tình trạng đó,
những người phụ nữ dầu có tài giỏi hay là xinh đẹp đến mức độ nào cũng bị xã hội Việt-
nam coi như là những người vợ thấp kém, nếu họ làm mất lòng khách hoặc đã tỏ ra thiếu
sự lịch thiệp, ân cần, đối với bà con cũng như thân hữu xa gần.
Căn bản đạo đức của người Việt-nam đã biến thành sức phản xạ tự nhiên, và thực sâu xa,
khiến nó thể hiện trên mọi phương diện sinh hoạt của xã hội này, về mặt tinh thần cũng
như vật chật. Văn chương bình dân của người Việt-nam dành một vị trí vô cùng quan
trọng cho những tục ngữ, ca dao, cổ tích, tiếu lâm, đó là bao nhiêu hình thức đạo đức,
luân lý hết sức thực tế và rất linh động, thể hiện bằng những hình tượng rất là tiêu biểu.
Quả là người Việt đắm mình ở trong không khí của những tục ngữ, ca dao, cổ tích, tiếu
lâm, như cá bơi lội giữa vùng sóng nước biển khơi, và qua ngôn ngữ hàng ngày của họ
bao nhiêu tình ý, bao nhiêu tiêu chuẩn tinh thần đã được rút tỉa từ cái kho tàng văn
chương quá phong phú ấy.
Những người dân quê được xem như không có được một chữ nghĩa nào cũng vẫn thấm
nhuần được nhiều những câu răn dạy truyền khẩu có vần, có điệu, để đem áp dụng vào

những đối thoại hàng ngày, coi đó như những khuôn vàng thước ngọc để mà đánh giá
cuộc sống, chỉ đạo sinh hoạt, và cả trong khi nguyền rủa một cách thô bạo, đấu khẩu một
cách tục tằng thì những điều răn dạy đó vẫn được coi như là những luận chứng không ai
có quyền ngờ vực. Điều đáng chú ý là có nhiều câu ngạn ngữ hết sức khó hiểu vì sự hàm
súc, bóng bẩy của nó, kể đến những người có học thức cao vẫn không giải thích một cách
gọn gàng, thấu đáo, thế mà tầng lớp bình dân Việt-nam vẫn sử dụng được rất là tinh xác
trong mọi phát biểu. Họ chỉ hiểu nó hoàn toàn bằng thứ trực giác, hầu như nền tảng tâm
hồn của họ cũng làm bằng chất liệu ấy, nên họ cảm thông với nó một cách quá đỗi tự
nhiên. Có người bảo rằng, nếu đem so sánh trình độ một người dân quê nước Pháp hay là
nước Mỹ với trình độ người dân quê Việt-nam, thì sự phản ứng đạo đức của người Việt-
nam sẽ tinh nhạy hơn và sâu sắc hơn. Tất nhiên, khó lòng đạt đến một sự chứng minh như
thế, vì cuộc so sánh như vậy sẽ quá trừu tượng, nhưng đó là một cách nói để đánh giá cao
trình độ của dân tộc Việt, dân tộc đã từng lập quốc lâu đời hơn các quốc gia kể trên hàng
mấy nghìn năm, đồng thời là một dân tộc không ngừng chiến đấu lâu dài ở trong lịch sử
để mà tồn tại, phát triển một cách độc đáo, độc lập.
Nếu ta đi sâu vào nhiều thần thoại của họ, ta có thể thấy căn bản đạo đức như là nền tảng
được hướng về những lý tưởng hết sức cao đẹp. Họ đã đề cao dân tộc của mình, giống
nòi của mình qua chuyện Con rồng cháu tiên, ca ngợi anh hùng cứu quốc như chuyện
Phù-Đổng Thiên-Vương, cổ võ quan niệm hôn nhân bình đẳng, tự do như chuyện Tiên-
Dung và Chữ Đồng Tử, phát huy đức tính siêng năng như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh
Những điều nhân nghĩa, những ý thủy chung, bao nhiêu giá trị đạo đức cao đẹp được làm
chất tủy của thần thoại họ. Nếu ta nhớ lại những chuyện thần thoại Tây-phương, ta sẽ
ngạc nhiên biết là chừng nào. Đa số thần thánh trong những thần thoại Tây-phương đều
là lớp người vô luân, sống đời hỗn loạn, thường còn thấp kém hơn loài cầm thú. Căn bản
đạo đức không chỉ là cái chất tủy của nền văn chương bình dân mà còn là cái chất tủy của
nền văn chương bác học vốn là công trình của lớp sĩ phu được xem như một tầng lớp
hưởng thụ trong xã hội Việt ngày xưa. Nhiều khi đạo đức, luân lý trong tầng lớp này vẫn
chưa thoát khỏi tính cách giáo điều của những nguyên tắc hẹp hòi, nhưng trên toàn bộ nó
vẫn chứng tỏ được nhiều giá trị lớn lao đáng kể khi các sĩ phu hòa đồng được với yêu cầu
sâu xa của dân tộc mình. Người Việt thường ca ngợi một nhà thơ miền Nam là Nguyễn

Đình Chiểu, mặc dầu đã bị mù lòa và điếc khá nặng, vẫn thừa hào khí để làm thơ phú
chống giặc, cũng như viết sách phổ biến luân lý, đạo đức để mà răn dạy dân chúng. Nhà
thơ ấy được xem như là một hình tượng tiêu biểu cho lòng yêu nước và sự khẳng khái đã
không chịu nhận những khoản tiền bạc do bọn thực dân tặng cấp, dù sống trong cảnh đói
nghèo, tàn tật. Trong suốt quãng đời nghèo khổ, gian lao của mình, ông Nguyễn Đình
Chiểu chỉ giặt áo quần bằng thứ nước tro vì ông từ chối xà-phòng mà ông cho đó là một
sản phẩm của giặc. Dân chúng còn truyền tụng rằng nhà thi hào này đã không chịu đi trên
con đường quốc lộ vì ông quan niệm nó là công trình của bọn thực dân xây đắp, cho nên
mỗi khi di chuyển ông không quản ngại băng đồng, lội ruộng, chịu mọi gian nan. Những
kẻ hời hợt có thể nghĩ rằng hành động của nhà thi hào là những phản ứng cố chấp của
một luân lý cổ thời, nhưng nghĩ như thế là không đo lường được cái lý tưởng căm thù
xâm lược hết sức sâu xa, mãnh liệt ở trong tâm não của con người ấy. Chính cái lý tưởng
căm thù như thế thật là vô cùng lớn lao, có thể coi như một sự khuyến cáo không thể phai
nhòa đối với bao nhiêu thế hệ đến sau.
Trước những biểu hiện tinh thần như vậy, người ta không thể lấy cặp mắt nhìn bàng quan,
hời hợt để mà đánh giá, coi đó là những phản ứng của một tinh
thần bảo thủ. Người ta phải đứng vào cái vị trí dân tộc, nhìn thấy nhu cầu tự vệ khẩn
trương của dân tộc ấy, trong cái hoàn cảnh cụ thể nào đó, mới mong thẩm giá đứng đắn.
Tinh thần của Nguyễn Đình Chiểu thuộc vào một loại ý thức kết tinh của nhiều thế hệ đối
kháng, đó là một loại kim cương đã từ bao lớp đá than sinh hoạt của biết bao đời, dồn tụ
kết thành. Trước những biểu hiện như thế, khả năng phá hoại đến từ bên ngoài dù có ma
lực bao nhiêu cũng thành vô hiệu, như ngọn gió cuồng đập vào vách đá uy nghi, hay nói
giản dị theo một thành ngữ Việt-nam, thì đó chỉ là sự trạng nước đổ lá môn. Hầu hết
những tác phẩm xưa của nền văn học Việt-nam đều được thấm nhuần căn bản đạo đức
như thế, và dù có những tiêu chuẩn luân lý không còn thích ứng với một hoàn cảnh xã hội
đã được thay đổi, nhưng trong bản chất, tinh hoa của đạo đức ấy vẫn là cơ sở để người
Việt-nam xây dựng tinh thần dân tộc của mình. Tinh hoa ấy được nhận thức như một
cách sống thế nào cho hợp lẽ phải, hợp đạo lý, một nền đạo lý cao siêu nhưng rất thực
tiễn, là đạo làm người ở trong xã hội, trong đó tất cả nỗ lực hướng về điều thiện và những
giá trị cao đẹp là một nguyên tắc căn bản. Nền văn học Việt ngày xưa không hề dung nạp

những loại sách vở vô luân, những loại tác phẩm ngược lại đạo đức truyền thống dân tộc.
Đó chính là một sức mạnh của người Việt-nam, đã giúp cho họ tồn tại vững bền. Nhìn
vào văn chương cổ thời Trung-hoa, ta thấy khá nhiều tác phẩm phóng đãng, có những
mẫu mực tâm lý bại hoại, thật khác với nền văn chương Việt-nam vẫn giữ được vẻ trong
sạch của một sinh hoạt có những nề nếp mạnh lành. Nếu kể những tiểu thuyết Ý hay Pháp,
hay Mỹ hay Anh thời xưa, thì những tác phẩm đồi trụy trong đó bản năng con người đã
được thể hiện một cách vô cùng phóng túng, lại càng nhan nhản. Ở Việt-nam này, hình
như chỉ mỗi tác phẩm Đoạn-trường Tân-thanh của nhà thi sĩ tài hoa Nguyễn Du là từng
chịu sự đả kích về một đôi điểm mà người ta cho rằng đã xúc phạm đến nền luân lý phổ
biến ở trong xã hội. Nếu đem quyển này so sánh với những văn bản nguồn gốc mà tác giả
đã vay mượn sự kiện để mà sáng tạo trở lại, thì ta nhận thấy tác phẩm của nhà thi hào họ
Nguyễn thanh lịch nhiều hơn, bóng bẩy và tinh tế hơn. Tất cả những sự phê phán, đả kích
truyện Kiều đã có từ trước đến nay, vốn được phát sinh từ những quan niệm hẹp hòi của
một số ít nhân vật nặng óc bảo thủ, có khi sự phê phán ấy đã bị lệch lạc vì một yêu cầu
chính trị giai đoạn, có lúc người ta đã quá chú trọng và những chi tiết mà xa lìa hẳn tinh
thần toàn bộ. Đúng ra nội dung của tác phẩm này đã được xây dựng trên một nền tảng
đạo đức, một nền đạo đức sâu sắc dồi dào tính chất nhân bản, vì tác phẩm đã bày tỏ một
lời tố cáo mạnh mẽ, sâu sắc về nỗi thân phận con người bị chà đạp, giày vò, vì thế đồng
thời tác phẩm cũng nói lên được một niềm khát vọng hạnh phúc cho nhân loại vậy.
Truyện Kiều mà tôi phải mất khá nhiều công phu tìm hiểu, quả đúng là một tác phẩm
sáng chói của nền văn học cổ điển Việt-nam, và không có gì quá đáng khi kết luận nó có
nội dung cao nhất về mặt đạo đức, vượt trội hơn hẳn khá nhiều tác phẩm của những dân
tộc tự hào với nền văn minh độc đáo và lâu đời nhất. Qua nội dung của truyện Kiều, ta
thấy nghẹn ngào niềm tủi nhục về con người bị sự đọa đày, con người toàn tài toàn đức
mà trọn đời không hưởng được yên vui, và trong nỗi nghẹn ngào ấy là lời nức nở kêu đòi
được sống đẹp đẽ, an lành. Chắc rằng những nhà trí thức Việt-nam cảm nhận điều đó rõ
ràng, sâu xa hơn chúng tôi nhiều, bởi lẽ lời thơ của một dân tộc, những ngôn ngữ nó óc
một âm hưởng riêng biệt mà người một dân tộc khác khó lòng thông điệu một cách toàn
vẹn và dễ dàng được.
Nhờ nền tảng đạo đức ấy mà người Việt-nam có một tinh thần nhân bản rộng rãi, dồi dào

sinh lực, dễ tìm thấy trong mọi mặt sinh hoạt. Ở trong gia đình hay ngoài xã hội, người
Việt có một ý niệm tương đối rõ rệt về giá trị của con người nên trong mọi sự giao tiếp,
tương quan, vẫn có tôn trọng lẫn nhau hết sức đặc biệt.
Tục lệ mà người ngoại quốc chú ý trong khi giao tiếp với họ, là người Việt-nam vẫn
thường gọi nhau bằng cái tên con đầu lòng. Qua lối xưng hô đặc biệt Việt-nam như thế,
người ta thấy có một sự nể trọng giữa những người lớn với nhau khi họ đã lập gia đình,
đã có con cái. Sự xưng hô ấy lại còn xác nhận rằng kẻ có con đã được thay đổi vị trí của
mình, khiến sự ràng buộc giữa kẻ đó và con cái trở thành quan trọng và hiển nhiên hơn,
đồng thời mối tương quan giữa kẻ đó với cái xã hội bên ngoài cũng được đặt trên một nền
tảng khác của một trách nhiệm cao hơn. Con trẻ ở trong đời sống Việt-nam không hề bị
sự phủ nhận mà xuyên qua nền văn học bình dân của họ, ta thấy người Việt đã dành địa
vị hết sức quan trọng cho lớp trẻ con. Thần thoại Phù-Đổng Thiên-Vương cũng đã đề cao
con trẻ chừng nào. Con trẻ có thể trở thành anh hùng cứu quốc, và có thể được xem như
thần linh để cho nghìn đời thờ phụng. Chính cái tinh thần yêu nước đã làm cho mọi lực
lượng trở thành vô địch, như em bé nhỏ mới sinh ở nơi làng Gióng xa xôi, khuất lấp, đã
vụt trở thành cao lớn, có một bản lĩnh phi thường, từ khi tâm hồn đã được nung sôi bởi
cái ý tình giải thoát giống nòi khỏi ách nô vong.
Mặc dầu ở trong đời sống gia đình người Việt phải chịu ảnh hưởng quan niệm chồng
chúa vợ tôi, phổ biến ở trong xã hội phong kiến Trung-hoa, nhưng người phụ nữ Việt-
nam không bị lệ thuộc quá đáng, không chịu trói buộc trong những luật lệ khắc nghiệt
như người phụ nữ ở trong xã hội Trung-hoa cổ thời.
Nhiều bậc vua chúa Việt-nam vẫn thường đặc biệt quan tâm cả đến đời sống vật chất
cũng như tinh thần của người phụ nữ và người phụ nữ Việt-nam có một địa vị lớn lao ở
trong lịch sử dân tộc: chính hai chị em anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đã từng phát huy
ý chí tự cường bất khuất của dân tộc họ một cách vinh quang trước hết. Không riêng về
mặt quân sự cũng như chính trị, phụ nữ Việt-nam đã có thành tích đầu tiên trong việc
giành lấy độc lập cho giống nòi mình, qua những hình ảnh phụ nữ oanh liệt như là bà
Trưng, bà Triệu, mà trong phạm vi văn học cũng chính là người đàn bà đầu tiên đem lại
niềm tin cho dân tộc mình bằng chính ngôn ngữ của mình. Đó là Đoàn Thị Điểm, dịch
giả Chinh-phụ Ngâm-khúc, một người đàn bà được xem như là kiểu mẫu cả về nhan sắc,

đức hạnh cũng như tài năng. Hơn bất cứ sĩ phu nào trên đất nước này, bà Đoàn Thị Điểm
đã cho người Việt thấy rằng ngôn ngữ của mình không thua kém gì ngôn ngữ Trung-hoa
mà họ đã phải vay mượn học tập, không những đã không thua kém mà còn muốn rằng nó
vẫn có thể ngang hàng hay là vượt hẳn về mặt nghệ thuật. Khi đem những tiếng nôm na
của dân tộc mình, qua một thể điệu thuần nhất, dịch lại những lời thơ bằng
Hán-văn viết theo thể điệu tự do, bà đã gián tiếp làm nên một cuộc so sánh kỳ diệu. Bà
Đoàn Thị Điểm được xem như là dịch giả thiên tài đầu tiên ở nước Việt-nam. Và chỉ cần
nghiên cứu thật kỹ lưỡng bản dịch của bà, người ta có thể tìm thấy một số nguyên tắc căn
bản cho một nghệ thuật không kém khó khăn cũng như tế nhị, là sự dịch thuật. Trong một
hoàn cảnh xã hội mà một số lớn những người học thức chạy theo ca ngợi văn hóa nước
ngoài, thậm chí có kẻ coi lời nôm na của dân tộc mình cùng một giống loại với đồ mách
qué, thì người đàn bà họ Đoàn đã khéo dựng lại niềm tin cho những người trên cũng như
cho cả dân tộc đối với ngôn ngữ của mình, bằng một chứng cớ hiển nhiên, quý giá tuyệt
vời.
Trong nền văn học bình dân, hình ảnh người đàn bà Việt dù rất gian lao khổ cực nhưng
luôn được sự yêu chuộng nể vì. Chắc hẳn phụ nữ bình dân nhiều nước phương Tây phải
chịu những sự chênh lệch nhiều hơn như thế. Hẳn không phải để đùa cợt mà người Việt-
nam có câu “nhất vợ nhì trời,” dù trên thực tế phụ nữ còn chịu lắm nỗi thiệt thòi. Tuy vậy,
đàn bà thường giữ vai trò hết sức quan trọng, nhiều khi có một ý nghĩa tối hậu quyết định
ở trong sinh hoạt gia đình. Vì chính người đàn bà ấy quản trị mọi sự sinh hoạt vật chất,
nắm giữ mọi mối tương quan liên hệ với các bà con họ hàng, tự lãnh trách nhiệm nặng nề
của mình đối với con cái và lãnh trách nhiệm của gia đình mình đối với làng nước.
Người phụ nữ Việt được coi như một viên giám đốc chính trị kiêm cả chuyên viên trong
cơ xưởng lớn, là gia đình vậy. Tất cả những người đàn bà Việt-nam hoàn tất được cái vai
trò làm vợ, làm mẹ của mình, đều đạt tới một địa vị tinh thần hết sức xứng đáng, hưởng
sự trọng vọng của chồng con họ và sự trọng vọng của những thân bằng quyến thuộc gần
xa. Nhiều người Việt-nam cũng nhận thấy rằng dân tộc họ tồn tại được, giống nòi họ phát
triển được, phần lớn nhờ những nỗ lực hy sinh của các bà mẹ Việt-nam. Thế hệ của
những người mẹ như thế, đã sống lặng lẽ cao cả như thế, vẫn chưa được các sử gia, các
nhà văn học Việt-nam nói đến một cách đầy đủ với lòng biết ơn tương xứng. Dù sao,

những người Việt-nam có ý thức rõ về sức mạnh của giống nòi, đều thấy phụ nữ là một
lực lượng quyết định đối với vận mệnh của quốc gia họ. Ngày xưa, các bậc vua chúa
Việt-nam muốn xứ sở được phồn thịnh lâu bền đều đã quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ,
chẳng hạn Lê Thánh Tôn và Luật Hồng-Đức, đồng thời các nhà cách mạng tiêu biểu của
nước Việt-nam đều tìm mọi cách nâng cao trình độ của người phụ nữ, giải thoát cho họ
khỏi ràng buộc vô lý về mặt tinh thần, thể hiện qua những tư tưởng văn hóa và những tập
tục xã hội, để họ có thể góp phần lớn lao cho sự nghiệp chung. Điều đó rất là chí lý, vì
nếu không chịu thiết thực quan tâm đến những quyền lợi chính đáng của người phụ nữ thì
không một chế độ nào có thể cải thiện thực trạng xã hội một cách toàn vẹn và không một
chế độ nào có thể tồn tại vững bền.
Nói về căn bản đạo đức của người Việt-nam, chúng ta không thể đề cập đến sự thờ cúng
tổ tiên và lòng sùng bái anh hùng là những tín ngưỡng căn bản có một ảnh hưởng sâu xa
đối với lịch sử phát triển của dân tộc họ. Những tín ngưỡng ấy nói lên tấm lòng nhớ ơn
nồng hậu của họ đối với các bậc tiền bối, về mặt tồn lưu nòi giống cũng như về mặt sản
xuất chiến đấu, và những tín ngưỡng như thế là cái xương sống của lịch sử họ.
Để tạm kết thúc phần này, chúng ta có thể ghi thêm ở đây một đặc điểm khác ở trên cơ sở
đạo đức của người Việt-nam, đó là tinh thần tập thể. Suy ra, lòng yêu mến những bà con,
họ hàng và lòng hiếu khách cũng là biểu hiện của tinh thần ấy.
Có lẽ nguồn gốc văn hóa và cái thực tế lịch sử là hia nguyên nhân đã khiến người Việt có
một tinh thần tập thể thật là sâu xa. Ngoài những ảnh hưởng văn hóa Trung-hoa, người
Việt hầu như đã dựa căn bản trên nền văn hóa Anh-đô-nê-diêng nên đời sống họ nghiêng
về tổ chức làng xã, hướng nhiều về những sinh hoạt cộng đồng nông thôn. Danh từ làng
nước có một ý nghĩa sâu sắc với họ vì nó gợi lên một cái tập thể rộng lớn, nhưng thật gần
gũi, và cũng vì vậy mà miếng thịt làng ngày xưa có một giá trị xã hội thật là đặc biệt
khiến người Việt-nam thấy nó lớn hơn một sàng thịt chợ. Người Việt tôn trọng đặc biệt
những phong tục của làng xã, và những phê phán phát sinh từ những cơ sở như thế trở
thành những tiêu chuẩn lớn có một giá trị dẫn đạo cuộc sống. Họ có lối chơi góp họ (hay
hụi, hay biêu, đó là tiếng gội thay đổi từng vùng, từng miền) để mà giữ lấy tinh thần
tương thân tương trợ, và
những trường hợp tang ma, cưới hỏi đều có tục lệ góp tiền thăm viếng để mà giúp đỡ lẫn

nhau một cách thực tế. Một số trí thức Việt-nam vẫn thường chỉ trích lối đóng góp này,
nhưng bao lâu mà đời sống của dân tộc họ chưa thoát khỏi sự nghèo nàn và những mực
sống quá đỗi chênh lệch, với nhiều bấp bênh ở trong sinh hoạt, thì sự hỗ trợ như vậy vẫn
còn cần thiết, bởi lẽ ngoài phần giúp đỡ vật chất trong đó còn có ý nghĩa cụ thể của sự
san sẻ vui buồn, điều mà tinh thần các nhân chủ nghĩa Tây-phương không sao có được.
Tinh thần tập thể như thế là cái phản ứng tự vệ sâu sắc của một dân tộc thường xuyên
đương đầu với giặc ngoại xâm. Không thể tồn tại, nếu sống lẻ loi, không thể mãnh liệt
nếu chịu rời rạc, điều này người Việt phải hiểu rõ hơn bất cứ là dân tộc nào trên quả đất
này.
Tinh thần cộng đồng sinh hoạt của người Việt-nam thể hiện thật rõ trong chén nước mắm
đặt giữa mâm cơm. Mắm là thức ăn căn bản, giản dị và bổ dưỡng, phổ biến trong mọi gia
đình người Việt. Khi phải sống xa đất nước, người Việt bao giờ cũng tưởng nhớ tới nước
mắm một cách đậm đà. Mắm không bao giờ thiếu trong bữa ăn, hoặc nói cách khác, nó
gần như không thể tách rời được khỏi sự ăn uống của người Việt-nam. Những người ngồi
chung trong một mâm cơm đều chấm thức ăn trong chén mắm ấy, như cùng gặp nhau
trong điểm hòa đồng đằm thắm mặn mà. Nhiều người trí thức Việt-nam nhiễm cái tinh
thần khoa học Tây-phương có thể chỉ trích sự thiếu vệ sinh của một lối ăn như vậy, và họ
cũng vẫn có lý, nhưng tưởng cần phải đánh giá sự việc khác hơn để khỏi phạm vào thái
độ đơn giản một cách máy móc, đưa đến phủ nhận mọi phần nội dung sâu xa ngầm chứa
ở trong sự việc.
Tinh thần đạo đức, ý thức tập thể, những giá trị này đã làm cho dân tộc Việt nổi bật hơn
lên trong một đặc điểm khác nữa là sự hiếu hòa. Không chỉ là sự hiếu hòa của những dân
tộc sống bằng nông nghiệp, bao giờ cũng mong mỏi cảnh thái bình để được trồng trọt anh
lành hơn là rối loạn vì cảnh chiến tranh và sự tàn sát, mà còn có những ý nghĩa cao hơn
như một triết lý tinh diệu, như một đạo sống tuyệt vời. Đó chính là sự liên kết mềm mỏng
mà không thỏa hiệp, hiền lành mà không yếu đuối, uyển chuyển và vẫn đủ sự cương
quyết để mà duy trì lấy sự trường tồn. Tính hiếu hòa ấy được xem như một kinh nghiệm
thực tế trải qua thăng trầm lịch sử, một thứ tin hoa tìm được qua sự quy nạp sinh động
của những nỗ lực lịch sử, để vượt khỏi những nguy cơ cùng những biến cố lớn lao.
Chỉ có khi nào chúng ta biết được dân tộc Việt-nam đã phải chiến đấu thế nào suốt trong

trường kỳ lịch sử của mình thì ta mới hiểu sâu xa hơn nữa tinh thần hiếu hòa của dân tộc
ấy. Đó là dân tộc đầy rẫy anh hùng nhưng lại không có một anh hùng ca nào hết, bởi lẽ
người Việt không xem mọi sự chém giết là một vinh quang. Dù đã chiến thắng oanh liệt
thì họ cũng lại là những con người hiền lành, thích sự hòa hảo, chuộng sự yên vui. Sau
những tranh chấp lịch sử, sau những biến cố đã làm chia rẽ cuộc đời của dân tộc ấy,
những người Việt-nam dù có những quan niệm sống khác nhau đều biết tìm sự dung hợp
trong niềm thông cảm sâu xa về những cảnh ngộ đắng cay mà giống nòi mình trải chịu,,
để mong tìm sự nhất trí trong những nỗ lực tự cứu lấy mình. Bản chất dễ tha thứ ấy phát
sinh từ lòng bao dung rộng rãi và lòng yêu nước nồng nàn, làm cho lực lượng dân tộc của
họ thoát khỏi những sự sứt mẻ lớn lao. Ý nghĩa sâu xa của tinh thần ấy đã được thể hiện
trong một câu hát bình dân hết sức phổng biến: Người trong một nước phải thương nhau
cùng.
Người việt phải biết thương nhau, vì trước bao nhiêu kẻ thù hiểm ác ở trong lịch sử, họ
đã tìm ra chìa khóa của sự trường tồn trong niềm cảm thông và lòng quảng đại, khác xa
với những cố chấp hẹp hòi và những kỳ thị vô lối mà nhiều dân tộc vẫn còn vướng mắc.
Sự nhượng bộ này, nếu quả tinh thần quảng đại như thế cũng là một cách nhượng bộ, có
nghĩa như một cách sống thực tế đã kết hợp được với một lý tưởng đạo đức cao siêu. Đối
với anh em ở trong nhà đã có hòa nhượng theo lối chín bỏ làm mười hầu đạt được sự đề
huề rộng lớn, mà đối với những kẻ thù, người Việt cũng không nuôi những thành kiến
hoặc những cố chấp hẹp hòi.
Các vua chúa ngày xưa sau khi đánh bại kẻ thù xâm lược vẫn biết nén mình, lùi lại một
bước để mà triều cống, hầu mua những ngày thái hòa cho dân tộc mình, mặc dù đã phải
trả bằng giá đắt của lòng tự ái cũng như bảo vật có hạn ở trong kho tàng.
Trong nền văn chương bác học cũng như bình dân Việt-nam, dù ta mất công tìm kiếm
bao nhiêu vẫn không sao tìm thấy được một tác phẩm nào đề cao sắt thép cũng như lửa
máu chiến trinh. Nhan nhản trong các lời thơ, điệu hát, chúng ta nhìn thấy những cảnh
nông thôn êm đềm, những lời tình tự trong sáng, chứa chan hy vọng, tin yêu. Ở nơi
những người bình dân ngậm ngùi khi bị cưỡng bách làm người lính thú không có chút gì
oanh liệt, dĩ nhiên, mà nơi những kẻ sĩ kia thết roi cầu Vị, ra chốn sa trường cũng chỉ băn
khoăn trong niềm khát vọng được quay về sống bên người mẹ già đáng kính, bên người

vợ hiền đảm đang, giữa những đàn con thơ ngây, trong những sinh hoạt bình thường.
Bình dân cũng như quý tộc quả không thích làm những loại cá kình, cá ngạc, vùng vẫy bể
khơi, đùa trên sóng gió, mà chỉ mơ tưởng làm con cá diếc, cá rô để mà thảnh thơi trong
nước giếng trong. Như thế không phải là người Việt-nam thiếu những lý tưởng cao cả -
điều này họ đã tỏ ra quá mức dư thừa – nhưng chỉ chứng minh rằng người Việt trước sau
là một lớp người không muốn thoát ly thực tế và rất hiếu hòa.
Vì vậy, trong mọi giao tiếp, người Việt thích sự liên kết, hòa đồng đầy niềm thân ái,
khoan dung. Thực sự, người Việt không nuôi kỳ thị đối với chủng tộc hay dân tộc khác.
Điểm này thể hiện rất rõ ở trong sinh hoạt phong phú thường ngày của họ. Suốt một thời
gian Bắc – thuộc dài dặc, ngót cả nghìn năm, dù vẫn chống lại quân thù phong kiến
Trung-hoa, người Việt vẫn niềm nở tiếp người Tàu tìm đến định cư và buôn bán tại quê
hương của họ. Và những người này lại là những tay thương mãi rành nghề đã xây dựng
được khá nhiều tài sản quý giá ở trên đất nước Việt-nam. Với họ, người Việt vẫn gọi
bằng các danh xưng các chú, như gọi bà con quyến thuộc mình. Nếu ta biết rằng hiện
trên thế giới còn nhiều dân tộc sống trên mảnh đất trù phú vẫn tìm mọi cách ngăn người
Trung-hoa sinh sống như là đề phòng một sự phá hoại lớn lao, thì ta càng thấm thía hơn
tinh thần liên kết dân tộc của người Việt-nam. Hẳn người Việt đã hiểu rõ rằng những
người Trung-hoa này tìm đến xứ sở của họ không với tính cách xâm lược nhưng là những
người tị nạn,
hoặc vì nghèo khổ tìm đến mưu sinh, nên họ vẫn cảm thông được một cách dễ dàng.
Nhưng, không chỉ riêng với người Trung-hoa mà đối với mọi dân tộc, thái độ người Việt
cũng rất hòa đồng, nếu họ tìm đến không phải với những ý đồ xâm lược.
Người Việt vẫn gọi các người bạn hữu Ấn-độ tìm đến định cư tại đây bằng cái danh xưng
anh Bảy hết sức thân mật, như đã dùng tiếng chú Ba gọi người Trung-hoa. Anh Bảy, chú
Ba, đúng là những tiếng quen thân để gọi những người cùng chung trong một gia đình.
Nghĩ về các đại danh từ, chúng ta có lẽ nhìn thấy ít có những dân tộc nào phân biệt rành
mạch các tiếng xưng hô như dân tộc Việt, đồng thời lại có tinh thần liên kết rộng rãi như
thế. Đó quả là một lối nhìn riêng biệt, xứng đáng với một giống nòi thực sự văn minh, bởi
chỉ nền văn minh nào có một chiều sâu quan trọng mới có ý nghĩa bao trùm được hết đủ
mọi từng lớp con người. Nếu đem so sánh với biết bao nhiêu dân tộc ngày nay vẫn còn

ghét nhau chỉ vì màu da, tiếng nói, vì những thành kiến phi lý và những tự ái điên rồ, thì
ta thấy rõ người Việt quả có trình độ văn minh tinh thần rấ cao, xứng đáng là bậc đàn anh
tinh thần của cá dân tộc như thế. Tinh thần hào đồng không chỉ tìm thấy trong sự giao
tiếp với các dân tộc mà đối với các tôn giáo, người Việt vẫn có sẵn niềm tôn trọng hòa
hợp như thế.
Dù giáo lý các tín ngưỡng có nhiều những điểm khác biệt, người Việt vẫn chịu chấp nhận
ở trong sinh hoạt của mình mà khoogn nuôi dưỡng một hậu ý nào. Kể ra, ở trong lịch sử
Việt-nam vẫn có những thời một tôn giáo chiếm được ưu thế cũng như những thời mà
một tôn giáo suy vong, nhưng trong quan niệm tín ngưỡng, tinh thần hòa đồng của dân
tộc ấy vẫn không có gì khác biệt. Trong các khóa thi ngày xưa, thí sinh vẫn được hỏi về
tam giáo, ở vào cái thời tam giáo đồng tôn, và đây cũng là trạng thái đặc biệt của nền văn
minh Việt-nam. Người Việt quả là dân tộc độc đáo ở trên phương diện không hề có
những kỳ thị ấu trĩ, những sự kỳ thị nặng phần cố chấp, chỉ biết chú trọng mỗi mặt hình
thức. Nếu có kỳ thị trong dân tộc họ thì đó là sự kỳ thị về cái phẩm chất đạo đức trong
mỗi cá nhân, tức là có sự phân biệt rõ ràng người tốt kẻ xấu trong cách ăn ở. Giá trị cao
nhất, đối với người việt là biết cung cách ăn ở trên đời, sao cho giữ được những cái tiêu
chuẩn đạo đức căn bản, cụ thể là sự trung tín, là sự nhân nghĩa. Điều đó khiến dân tộc học
không bao giờ chịu cúi đầu trước những bạo lực, bạo quyền, không bao giờ chịu mù
quáng nô lệ những thứ giá trị vật chất. Lấy cái thước đo nhân nghĩa để mà định đoạt con
người, và chỉ có mỗi cái thước đo ấy mới giúp cho họ tìm ra ni tấc của cuộc sống thực.
Đối với người Việt, mọi thứ giá trị được xem như những cơ thể mà điều nhân nghĩa,
trung tín là xương sống vậy. Thiếu xương sống ấy, bất cứ giá trị nào cũng chỉ là những cơ
thể tàn tật, nếu không là những xác chết. Vì thế, những thể lực được mệnh danh là dư
luận, thị phi, hay là miệng thế, miệng đời, có một quyền năng kỳ lạ, cụ thể cũng như vô
hình, giúp dân tộc họ thẩm định cũng như duy trì mọ thứ giá trị cần thiết cho sự sinh hoạt
xã hội.
Chính cái căn bản đạo đức, tinh thần tập thể, bản chất hiếu hòa, khiến cho tâm hồn Việt-
nam có một gái trị nhân bản tích cực và những sinh hoạt xã hội của họ mang đầy màu sắc
tình nghĩa sâu xa. Dù có nghèo khổ bao nhiêu, nhưng người Việt-nam vẫn mong có nghĩa,
có tình là đủ an ủi nhiều rồi. Dù có gian lao, khốn đốn bao nhiêu, nhưng còn giữ được

tình nghĩa là còn tin tưởng, là còn hy vọng. Như thế, nói đến Việt-nam là phải nói đến
những gì có nghĩa, có tình. Không tình, không nghĩa, không còn là Việt-nam nữa, mà chỉ
là những kiểu cách man rợ đội lốt văn minh.
Nhiều người Việt-nam vẫn thường than thở rằng chính đời sống phố phường của họ đã bị
mất dần tính chất tình nghĩa rất cao đẹp này. Chính những sinh hoạt hỗn độn và cái văn
minh vật chất của các nước ngoài kéo đến khiến các đô thị đã bị tràn ngập trong những
kiểu sống phức tạp, thiên về hình thức hơn là nội dung, thiên về trước mắt hơn lâu dài, đã
làm người dân như bị lạc lối, không còn nhận biết được những giá trị đích thực của mình,
và cái chiều hướng tốt đẹp mà dân tộc mình vươn tới

Ý chí kiên cường bất khuất của người Việt Nam

Chúng ta đã thường nói đến một số đặc điểm tiêu biểu ở trong sinh hoạt tinh thần của
người Việt-nam, và trong những giá trị ấy, ý chí kiên cường bất khuất là điểm nổi bật hơn
hết ở trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc này.
Hầu như trong sự phát triển nhân loại chưa có một dân tộc nào nhỏ bế như thế, phải trải
qua một lịch sử chiến đấu lâu dài gian nan như thế, để mà giữ vững lấy sự tồn tại vinh
quang của mình. Có thể gọi đó là một dân tộc không biết chịu nhục, dù phải nếm mùi thất
bại dài lâu, đó là dân tộc có thừa kiêu hãnh dù đã nhiều phen sống đời lệ thuộc, đó là dân
tộc có nhiều tự tin cũng như sức mạnh để biết rằng mình cuối cùng sẽ lại chiến thắng, dù
phải đương đầu với kẻ thù nào.
Thật chưa có dân tộc nào trên địa cầu này, với những phương tiện hạn hẹp như thế, trải
qua những bước thách thức lịch sử gian lao như thế, mà vẫn giữ vững được sự sống còn
và sự độc lập kiêu hùng. Dở xem bản đồ của miền Đông Nam Châu Á, chúng ta nhìn thấy
Việt-nam ở sát nách nước Trung-hoa to lớn chừng nào, và về phía Tây, phía Nam, tiếp
giáp với nhiều dân tộc khác nữa, thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Khmer. Trải mấy nghìn
năm dựng nước và giữ nước, người Việt không ngừng chịu đựng những cơm xâm lược ồ
ạt của các lực lượng phong kiến Trung-hoa để mà giữ lấy màu cờ độc lập. Phụ nữ Việt-
nam, trẻ em Việt-nam, vẫn có chỗ ngồi xứng đáng và thật vẻ vang trong cuộc chiến đấu
lâu dài và gian khổ ấy, và những con người tiêu biểu trong từng lớp ấy vẫn được giống

nòi ca ngợi: tấm gương sáng chói dẫn đường cho biết bao nhiêu thế hệ cháu con lớp lớp
đến sau.
Ngoài kẻ thù là lực lượng phong kiến Trung-hoa đông đảo hơn mình gấp mấy mươi lần,
dân tộc Việt-nam còn phải đối đầu với bao nhiêu kẻ láng giềng dai dẳng để mà quyết
định một mất một còn, đó là lực lượng phong kiến Chiêm-thành, Ai-lao, Cao-miên, và
còn đối đầu khó khăn lâu dài với những kẻ thù xa lạ kéo đến từ trên sóng nước Đại-
dương, với những vũ khí tối tân và sức hủy diệt bạo tàn.
Qua những giai đoạn cực kỳ gian nan trước những kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp bội,
người Việt đã biết đấu tranh liên tục và khéo giữ mình để được tồn tại trên mảnh đất này.
Tinh thần bất khuất dung hợp một cách kỳ lạ được sự uyển chuyển và sự cứng rắn, tạo
nên sức sống phi thường của họ. Người Việt được kể như một dân tộc duy nhất trên địa
cầu này đã từng chiến đấu và đã chiến thắng bao nhiêu đội quân xâm lược có những kích
thước lớn lao hơn hết ở trong lịch sử loài người.
Ngay từ buổi đầu, sống trong trạng thái sơ khai của những đám người bộ lạc tản mác ở
trong núi rừng miền Bắc, người Việt đã đẩy lui được đạo quân xâm lược bạo tàn hùng
mạnh bằng những chiến thuật duy kích tài tình. Suốt buổi ban đầu gian khổ của thời lập
quốc, dầu chưa tiến đến một sự thống nhất hoàn thiện của một quốc gia trưởng thành,
người Việt đã phải nếm trải một cuộc đô hộ của lớp phong kiến Trung-hoa ngót cả nghìn
năm. Thế mà cuối cùng họ vẫn vươn mình đứng dậy với một tinh thần độc lập và một ý
chí tự do cứng hơn sắt thép, lần lượt xua tan những kẻ thống trị bạo tàn để mà tự mình
xây dựng cơ đồ riêng biệt. Người ta cũng thường nói đến sức mạnh đồng hóa của dân tộc
Hán, nhưng với khả năng đồng hóa của chính người Việt mới thật khác thường. Bởi vì
suốt cẩ nghìn năm đô hộ, dân tộc to lớn với một trình độ sinh hoạt khá cao vẫn không xóa
mờ được những bản sắc của dân tộc Việt, và rốt cuộc lại đã bị chính dân tộc này đồng
hóa.
Lịch sử Việt-nam đã chứng tỏ rằng những triều đại đã qua của họ dùng chống đối nhau
nhưng vẫn đồng nhất ở trên căn bản dân tộc, cụ thể là mọi nỗ lực
của họ đều được châu tuần chung quanh ý chí mở mang bờ cõi, bảo vệ giống nòi. Từ thời
nhà Đinh, tự xét mình không đủ sức ngăn chận một cuộc xâm lược có thể đến từ phương
Nam qua sự đe dọa thường trực của người láng giếng Chiêm-thành, trong lúc dân tộc còn

phải lo âu về người láng giềng khổng lồ phương Bắc, các vua chúa ấy đã lo xây đắp con
đường chiến lược đến tại biên giới mới này, để góp một phần phương tiện, đồng thời
cũng để nhắc nhở cho các triều đại về sau cần phải tỉnh táo trong sự tự vệ, chủ động trong
lẽ tự tồn. Lo xa bao giờ cũng là biểu hiện văn minh, và người Việt-nam quả biết nhìn xa
thấy con đường đi tới của dân tộc mình.
Lịch sử Việt-nam dễ gây cho ta những mối xúc động lớn lao và sự thán phục nhiệt nồng.
Phải thấy hết cái bao la của chính đế quốc Thát-đát, hiểu hết tài năng chiến trận của
người Mông-cổ, mới biết được cái khả năng chiến đấu phi thường của người Việt-nam.
Trên quả đất này, chỉ mỗi một dân tộc ấy đã thực sự đánh bại quân Mông-cổ xâm lăng
trong mấy năm liền, bằng chính gan dạ của các binh lính, tài năng của các tướng lãnh,
kiến thức của các vua chúa, và sự hy sinh của toàn dân mà những bô lão Diên-hồng là các
dân biểu tuyệt vời. Chính nhờ cái tổng lực ấy mà một lực lượng xâm lăng hùng mạnh như
là Mông-cổ đã từng xéo nát dưới vó ngựa mình bao nhiêu dân tộc, thôn tính bao nhiêu
đất đai, đã chiếm Trung-hoa, đã đoạt Tây-hạ, càn quét Trung-Âu, đe dọa Áo, Đức, và đã
muốn dùng xương sọ kẻ thù che kín mặt trời, thế mà đã bị thảm bại liên tiếp ba lần, đến
nỗi những viên danh tướng đều bị giết chết hay bị bắt sống, đến nỗi chính vị thái tử cầm
đầu là gã Thoát-Hoan đã phải bở vía tìm đường tháo chạy và được trốn thoát trong một
ống đồng.
Những chiến thắng ấy của dân tộc việt đã làm điên đảo kẻ thù số một của cả loài người
thời ấy, đáng đưa Việt-nam lên ngồi một chỗ vinh quang, oanh liệt hàng đầu. Về sau, gần
một thế kỷ bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, một loại đế quốc lớn mạnh được kể
vào hạng nhất nhì của thế giới này, người Việt đã lại kiên trì vùng lên bẻ gãy gông cùm
nô lệ, dành cho kẻ thù một sự thất bại thảm thương, và nhiều đại tướng lừng danh của
Pháp vẫn còn giữ những kỷ niệm kinh hoàng về các trận đánh mà họ được kể vào số
những người sống sót.
Rõ ràng dân tộc Việt-nam có một ý chí kiên cường bất khuất cao vời. Nhờ ý chí ấy mà
một dân tộc nhỏ bé như thế lại là một dân tộc mạnh nhất. Và cũng do ý chí ấy mà bị đè
nén bao nhiêu lại càng quật khởi oai hùng bấy nhiêu.
Thật khó lòng biết hết được kích thước cũng như trọng lượng của ý chí này, nếu thiếu
điều kiện tìm đến chiều sâu của lịch sử Việt, nếu chỉ đánh giá sự việc theo cái quan điểm

hình thức quen thuộc của người Tây-phương. Trở lại khởi điểm, khi người Việt-nam
trong nỗi khốn khổ tột cùng của mình vùng dậy với những chiếc gậy tầm vông vót nhọn
hoặc những dáo mác thô sơ, ta mới hiểu hết ý chí quật cường cùng tiềm năng phi thường
của dân tộc họ. Tất cả kẻ thù của họ, những kẻ vốn đã tự hào hùng mạnh bậc nhất, khốn
thay lại không nhìn thấy điều đó. Thật cũng khó lòng nhìn thấy khi cái vốn liếng hòa
hùng đã được gây dựng từ trong lịch sử ngàn xưa, thấm trong xương tủy, hòa trong huyết
mạch, tỏa ngời trong mọi sinh hoạt qua niềm tự hòa lớn lao của những lớp người trọn đời
đã biết gắn chặt cuộc sống vào từng thớ đất quê hương, nơi đó còn in dấu vết của biết bao
nhiêu đau khổ và những vùng dậy kiêu hùng. Những kẻ thù của dân Việt chỉ nhìn thấy
được sức mạnh của ý chí ấy, một cách muộn màng, nghĩa là khi chúng đã thất bại rồi.
Trái lại, dân Việt đã biết rằng mình chiến thắng từ khi chiến đấu, ngay cả trước khi chiến
đấu, dù đó là kẻ thù nào. Bởi người Việt-nam biết rõ họ không dựa lưng vào một khoảng
trống mênh mông của những kỷ niệm nhạt nhòa, hỗn tạp, họ không tiến tới như những
con người tuyệt vọng dấn bước vào cuộc phiêu lưu, mà đằng sau họ, có một lịch sử tràn
đầy nỗ lực vinh quang, và đằng trước họ có một tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết. Khi
ông Lê Lai đổi thay áo ngoài cho vua Lê Lợi để mà bình thản đón tìm cái chết, tuyệt
nhiên không có chút gì là cái dáng vẻ của một việc làm tuyệt vọng, cũng như khi Trần
Thủ Độ khẳng khái đem cái đầu mình làm vật bảo đảm để ngăn ngừa vua khỏi phải đầu
hàng, hay Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống dòng Bạch-đằng cương quyết bảo không quay
về chốn cũ nếu không tiêu diệt kẻ thù, đều không phải là những lời đại ngôn của những
kẻ không ý thức được tầm vóc của lực lượng mình, và nhất định không phải là những sự
bảo đảm liều lĩnh của kẻ phiêu lưu. Đó là bao nhiêu thái độ lịch sử được soi nhìn, học tập,
đó cũng là bao nhiêu nét tượng trưng cho một niềm tin nhất trí, niềm tin quyết thắng cuối
cùng của dân tộc mình. Câu thơ từ xưa của một vị tướng tài danh là Lý Thường Kiệt:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Như đẳng hành khan thủ bại hư!
(đã từng được dịch:
Cớ sao giặc dám hoành hành?
Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi!)
cho thấy chính niềm tin ấy, ở cái khả năng chiến đấu của giống nòi mình, thật là sâu sắc

dường nào. Trong những thời đại lớn lao ở trong lịch sử của dân tộc Việt lại có những
loại anh hùng tuyệt vời, những người đã được đúc kết bằng những tinh anh phong phú
của giống nòi mình, nên không chỉ những lỗi lạc về tài thao lược mà còn xuất sắc về mặt
văn chương. Bốn câu tơ trên của Lý Thường Kiệt – được ông mạo gọi là Thần-linh
truyền đạt ở trong giấc ngủ - tuy thật ngắn ngủi nhưng cũng biểu lộ đầy đủ về cái ý thức
tự do, độc lập của một dân tộc vốn biết rằng mình có thừa khả năng để mà kiến tạo những
giá trị ấy. Kể ra, bốn câu thơ trên cũng là một lối trong những phương thuật tuyên truyền
chiến tranh sớm sủa mà loài người đã vận dụng. Một điểm đặc biệt, như trên đã đề cập tới,
là các vị tướng tài ba của Việt-nam xưa đều kết hợp được văn võ một cách toàn diện, và
dưới áo giáp uy nghi còn thấy rạng rỡ những nhà thi sĩ đa tài. Trần Hưng Đạo với Hịch
tướng sĩ văn, Nguyễn Trãi với Bình Ngô Đại Cáo, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải,
v.v
đều là những người toàn diện, những bậc tài danh. Chỉ trong những giai đoạt thiệt suy đồi,
trong xã hội ấy, mới có một sự cách biệt quá rõ giữa văn và võ, để chỉ xuất hiện những
loại võ tướng thô bạo và những văn nhân yếu hèn.
Sức sống kỳ diệu của người Việt-nam quả có tính chất tiềm ẩn mênh mông như Thái-
bình-dương giăng trải như cái sân trước bao la của quê hương họ, vững vàng hùng vĩ như
dãy Trường-sơn, chạy dài như cái xương sống mãnh liệt của dân tộc họ. Sức sống ấy đã
khiến người Việt-nam chấp nhận được những hy sinh cho một chính nghĩa, hồn nhiên
như sự thở hít khí trời. Sức sống ấy đã khiến dân tộc này có niềm khao khát vô biên về
một cõi đời độc lập, và trải qua những bão lốc lịch sử kinh hoàng, vẫn cứ điềm nhiên tồn
tại trong niềm kiêu hãnh và sự dung dị, vốn là truyền thống của mình. Nhờ sức sống ấy,
và cái bản chất đặc biệt thông minh của mình, mà người Việt-nam có những sáng kiến
độc đáo về mặt quân sự, thể hiện qua những chiến lược, chiến thuật tài tình của họ để
chống lại những đoàn quân xâm lược vào loại quy mô bậc nhất ở trong loài người; có
những sáng tạo tân kỳ về mặt nghệ thuật, về các kỹ thuật canh tác .
Nếu ta nghĩ đến sự kiện nhà Tống ngày xưa đã họ tập theo nhà lý đề mà tổ chức lại quân
binh, nếu ta tìm hiểu được cái nghệ thuật kiến trúc trên Cổ-loa thành, kỹ thuật đắp đê từ
thời thượng cổ, khí giới bắn lửa từ đời Phù-Đổng Thiên-Vương, và biết được hết tài nghệ
dụng binh của Trần Hưng Đạo, cho đến những cây súng trường chế tạo bằng tay của

người thợ rèn Cao-Thắng, rồi liên hệ với thể điệu lục bát giản dị mà phong phú qua các
truyện dài bằng thơ và bao nhiêu là thế cách sinh hoạt tân kỳ khác nữa, thì ta sẽ có một ý
niệm rõ về những đặc điểm của nền văn minh Việt-nam.
Ta cũng sẽ hiểu nhiều hơn sức mạnh tinh thần Việt-nam qua những chặng đường gian
nan, lâu dài mà dân tộc ấy hoàn thành lãnh thổ của mình. Dân Việt
không chịu đứng nguyên trên cái mảnh đất mà tạo hóa đã an bài cho họ. Họ đã không
ngừng di động, họ là đoàn quân tiến bước về Nam, chuyển cái khối lượng dân tộc đến
những chân trời xa lạ, mang cái niềm tin chiến thắng của giống nòi mình ở nơi lồng ngực,
và giành lấy quyền chủ động trên những đất mới, mãi cho đến khi biển cả nơi mũi Cà-
mau buộc họ dùng chân. Ở trong ngôn ngữ Việt-nam vẫn có tiếng đi như một trợ từ sao
cho các động tự, để mà biểu thị một ý sai bảo.
Ăn đi, nói đi, làm đi,v.v đó là cách thế phổ biến đề mà truyền lệnh. Chính sự đắc dụng
của cái tiếng đó có thể khiến ta suy nghĩ. Có thể nó là biểu chứng của một đặc tính lớn
lao của dân tộc Việt, dân tộc luôn luôn di động không ngừng trong suốt lịch sử dựng
nước, lập quốc, và sẽ chuyển biến không ngừng trong sự vươn lên.
Chính trong quá trình hoạt động mà người Việt đã hoàn thiện dân tộc, hoàn thành lãnh
thổ.
Lãnh thổ Việt-nam là cái thành quả của cuộc chiến đấu từng kỳ, gian nan, nó được kể
như là một kiến trúc công phu phải biết bao triệu con người góp sức mới tạo dựng nên, nó
là tác phẩm bất hủ phải biết bao nhiêu cảm hứng cũng như hy sinh mới thể hiện được.
Một số những người Việt-nam nào đó khi nhìn thấy Kim-tư-tháp, Ăng-ko, Vạn-lý
Trường-thành, có thể dày vò bởi mối mặc cảm tự ti vì cảm thấy dân tộc mình hầu như
không có những công trình lớn để mà tự hào. Nhưng họ đang lầm đấy chăng? Dân tộc họ
vốn có thừa nghị lực cũng như tài năng để mà thực hiện những công trình lớn, nhưng nào
có đủ khoảng trống thời gian để mà đạt thành? Suốt lịch sử dài, dân Việt phải dồn toàn
lực của mình xuống đầu lưỡi cày sản xuất hoặc lên lưỡi dáo chiến đấu, để mà duy trì lấy
lẽ tồn sinh. Đâu có những tháng năm dài yên ổn, miên man sống tuổi thái hòa ngõ hầu
dựng tháp, xây đền, vẽ tranh, tạc tượng? Dân tộc ấy chỉ biết đi chứ không hề biết dừng

×