Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Dinh dưỡng với nhiễm khuẩn và miễn dịch ở trẻ em pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.57 KB, 7 trang )


Dinh dưỡng với nhiễm khuẩn và
miễn dịch ở trẻ em



Trẻ em có tình trạng dinh dưỡng không bình thường ở nước ta
còn ở mức khoảng 20%. Chủ yếu là suy dinh dưỡng và béo phì. Dinh
dưỡng không bình thường, sức đề kháng kém, trẻ rất dễ mắc bệnh.
Viêm phổi, tiêu chảy và một số bệnh nhiễm khuẩn khác lại làm cho
tình trạng suy dinh dưỡng thêm nặng nề khó khắc phục. Vì vậy cần có một
chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để giúp trẻ phát triển thể chất bình
thường và trí tuệ tốt.
Thức ăn có chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết đó là protid,
glucid, vitamin, các chất khoáng và nước. Nếu thiếu một trong các chất này
có thể gây ra nhiều bệnh tật thậm chí tử vong.
Một mặt thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Mặt
khác các nhiễm khuẩn làm suy sụp thêm tình trạng suy dinh dưỡng sẵn có.
Hai điều này là một vòng xoắn luẩn quẩn.
Ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng đối với tiến triển các bệnh
nhiễm khuẩn không giống nhau như trong bệnh lao, bệnh tiêu chảy nhiễm
khuẩn ảnh hưởng này rất lớn, còn trong bệnh uốn ván, bại liệt thì ảnh hưởng
rất ít.
Đối với miễn dịch thì thiếu protein – năng lượng ảnh hưởng trực tiếp
đến hệ thống miễn dịch đặc biệt là miễn dịch qua trung gian tế bào, các chức
phận diệt khuẩn của bạch cầu đa nhân trung tính, bổ thể và bài xuất các
globulin miễn dịch nhóm IgA. Ở trẻ suy dinh dưỡng, tuyến ức giảm về thể
tích và có biến đổi hình thái. Các mảng Peyer ở ruột non cũng bị teo đét
cùng với giảm các nang lympho bào. Các lympho T (trưởng thành ở tuyến
ức) có vai trò miễn dịch qua trung gian tế bào và các lympho B (trưởng
thành ở tủy xương) chịu trách nhiệm về miễn dịch dịch thể nghĩa là tạo ra


các kháng thể đặc hiệu của các kháng nguyên tấn công cơ thể. Nếu trẻ suy
dinh dưỡng thì số lượng lympho T luân chuyển giảm sút và quá trình trưởng
thành của chúng bị rối loạn. Khi có giảm đáp ứng miễn dịch dịch thể vẫn cần
tiêm chủng cho các trẻ này đặc biệt là bị sởi và ho gà.
Vai trò của một số vitamin đối với miễn dịch:
Vitamin A: Cần cho phát triển bình thường của cơ thể, cho chức năng
của tế bào võng mạc, biểu mô hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự
xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào. Chức năng của Retinoid trong việc
kiểm soát, biệt hóa tể bào là quan trọng trong hệ miễn dịch. Hai loại trong hệ
miễn dịch mắc phải là thể dịch và tế bào đều bị ảnh hưởng của vitamin A và
các chất chuyển hóa của chúng.
Vitamin C: Khi thiếu thì sự nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm khuẩn
tăng lên. Một số nghiên cứu cho thấy khi cơ thể đủ vitamin C thì các
globulin miễn dịch IgA, IgM đều tăng, tính cơ động và hoạt tính các bạch
cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lympho bào và giúp tạo thành một
trong các thành phần của bổ thể: yếu tố C3.
Vitamin nhóm B: Đáng chú ý là vai trò của folat và pyridoxin.
Thiếu folat: làm chậm sự tổng hợp các tế bào tham gia vào các cơ chế
miễn dịch nhất là miễn dịch qua trung gian tế bào. Thực nghiệm trên động
vật thấy tuyến ức bị teo nhỏ và số lượng các tế bảo cũng giảm khi thiếu
folat. Trên lâm sàng thiếu folat thường kèm thiếu sắt là hai yếu tố gây thiếu
máu dinh dưỡng.
Thiếu Pyridoxin: làm chậm trễ các chức phận miễn dịch cả dịch thể
lẫn trung gian tế bào.
Vai trò của một số chất khoáng đối với miễn dịch:
Sắt (Fe): Cần thiết cho tổng hợp ADN. Fe còn tham gia vào nhiều
enzym can thiệp vào quá trình phân giải các vi khuẩn bên trong tế bào. Khi
thiếu Fe tính nhạy cảm với nhiễm khuẩn tăng nhưng Fe cần được kết hợp
với các protein đúng mức mới hấp thu được nếu không Fe tự do sẽ là yếu tố
thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy khi bổ sung Fe cần chú ý cả mặt

protein – năng lượng của khẩu phần. Chỉ nên bổ sung Fe vào ngày thứ 5
hoặt thứ 7 của quá trình hồi phục dinh dưỡng. Fe ảnh hưởng tới miễn dịch
qua trung gian tế bào nhiều hơn miễn dịch dịch thể vì thế ở trẻ thiếu Fe vừa
phải việc tiêm chủng phòng bệnh vẫn cótác dụng.
Kẽm (Zn): Hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng Zn
của cơ thể. Khi thiếu Zn tuyến ức nhỏ đi, các chức năng của hầu hết các tế
bào miễn dịch bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào đến giảm
thymulin một hormon của tuyến ức có chứa Zn. Trên chuột thực nghiệm nếu
thiếu Zn có biểu hiện thiểu sản lách và tuyến ức, giảm sản xuất các globulin
miễn dịch bao gồm cả IgA, IgM và IgG. Hiện tượng hoạt hóa đại thực bào
và hiện tượng thực bào bị suy giảm được nhận thấy cả ở súc vật thực nghiệm
và trẻ em bị thiếu Zn.
Thiếu Zn đơn thuần ít gặp mà hay kèm theo thiếu protein – Fe và các
vitamin.
Đồng (Cu): Trẻ em thiếu đồng bẩm sinh (bệnh Menkes) thường chết
do nhiễm khuẩn nhất là bệnh viêm phổi.
Selen (Se): Là thành phần thiết yếu của glutathion – peroxydase là
men góp phần giải phóng sự hình thành các gốc tự do, đó là một chất chống
oxy hóa mạnh. Thiếu Se cùng với thiếu vitamin E sẽ làm giảm sản xuất
kháng thể.
Sự liên quan giữa các chất khoáng và miễn dịch cần chú ý:
- Còn nhiều chất khoáng khác như Mg, Co, I2, Ni (Manhê, Coban,
Iốt, Niken) và phần lớn các kim loại nặng cũng có vai trò đáp ứng miễn dịch
nhưng các chất này vừa cần thiết vừa thiết yếu nhưng thừa sẽ gây độc.
- Sự thiếu tuyệt đối các chất này ít gặp trừ bị bẩm sinh.
- Thiếu Zn và Fe được quan tâm hơn cả trong chăm sóc sức khoẻ cộng
đồng.
Như vậy các nhiễm khuẩn có thể làm rối loạn tình trạng dinh dưỡng
hoặc làm trầm trọng hơn một tình trạng suy dinh dưỡng mới bắt đầu. Ngược
lại các rối loạn dinh dưỡng có thể gây rối loạn các cơ chế miễn dịch, làm

nguy cơ nhiễm khuẩn cao hoan. Cho nên một chiến lược toàn diện về sức
khoẻ cộng đồng kết hợp phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn với phòng
chống bệnh do thiếu dinh dưỡng mới có hiệu quả cao.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, các bậc phụ huyenh cần hết
sức quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đảm bảo thành phần các chất dinh
dưỡng cần đối, hợp vệ sinh. Thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ
hàng tháng, hàng năm để có sự điều chỉnh thích hợp tránh để trẻ suy dinh
dưỡng hoặc béo phì.

×