Liên kết nhóm (teamwork)
của nhân sự các doanh
nghiệp Việt Nam
Bài viết chứa đựng nhiều điều bổ ích cho những ai
mong muốn trở thành lãnh đạo, điều hành giỏi và
những ai đang làm TeamBuilding:
Trong nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Nhân sự (đặc biệt là
Nhân sự cao cấp) và chất lượng nguồn nhân sự quyết định sự thành bại
của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ
phận, sự tin tưởng và thấu hiểu nhau giữa các thành viên trong bộ máy
cũng đóng vai trò quan trọng mang lại thành công cho doanh nghiệp.
Nhưng điều mà các nhà lãnh đạo trăn trở nhất chính là mỗi nhân viên
trong công ty như là một “ốc đảo tự trị”, không quan tâm đến nhau, có
xu hướng làm việc độc lập trong một tập thể và chỉ nghĩ đến lợi ích cũng
như sự thăng tiến cá nhân. Vậy làm thế nào để các thành viên trong một
tập thể hoà hợp với nhau, liên kết với nhau và cùng hướng đến mục tiêu
công việc chung của công ty? – Đó chính là vấn đề mà ông Phạm Đình
Đoàn (CEO Phú Thái Group) đề cập tới trong bài thuyết trình của mình
tại diễn đàn Giám đốc nhân sự.
Theo ông Đoàn, một teamwork giờ đây không còn là mối quan hệ giữa
người với người theo lý tính, trên công việc mà còn chứa yếu tố cảm
tính: đó là văn hoá tập thể, tình cảm và sự chia sẻ cảm thông hay nói một
cách khác là Tinh thần đồng đội.
Thực tế, Teamwork trong các công ty Việt Nam hiện nay ra sao? Ông
Đoàn đã đưa ra dẫn chứng từ hội thảo của một công ty Nhật, Giám đốc
VJCC tại Hà Nội khi tham dự đã phát biểu rằng: "Người Việt Nam làm
việc rất thông minh, cần cù, khi được các chuyên gia hướng dẫn thì họ
biết phải làm gì và học hỏi rất nhanh và thực tế là các bạn làm việc tốt
hơn 3 lần so với người Nhật của chúng tôi nhưng chỉ là khi các bạn làm
một mình. Tuy nhiên, khi các bạn làm việc tập thể thì các bạn làm không
tốt bằng người Nhật chúng tôi vì khả năng làm việc nhóm của các bạn
không tốt bằng người Nhật và tôi có thể khẳng định rằng khi làm việc
tập thể thì 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Nhật”.
Tại sao người Nhật lại có thể làm việc nhóm tốt như vậy? Theo ông
Đoàn, nguyên nhân chủ yếu là do triết lý quản lý của Người Nhật hay
các nước tiên tiến trên thế giới thường chú trọng vào phương thức và
liên kết làm việc nhóm trong tất cả các loại hình: kinh doanh, tiếp thị,
quan hệ khách hàng…đặc biệt được nhấn mạnh trong sản xuất vì sản
xuất là nơi tập trung mọi nguồn lực, công việc của doanh nghiệp.
Đối với người Việt Nam, khả năng làm việc nhóm còn hạn chế bởi khá
nhiều nguyên nhân: Chúng ta chưa có ý thức và tinh thần hợp tác cao
trong khi làm việc tập thể, theo nhóm; Trình độ tri thức, tâm lý ỷ lại,
hoặc ghanh tị hoặc thiếu trách nhiệm hoặc thiếu tin tưởng …lẫn nhau
dẫn tới cảnh “huynh đệ tương tàn”; Nhân viên không đựơc huấn luyện
để sẵn sàng làm việc theo mô hình này;…Sự hợp tác diễn ra cầm chừng
hoặc thụ động và đâu đó xuất hiện những thành viên tìm mọi cách để trở
thành “ngôi sao”;
Diễn giả đã khẳng định vai trò của làm việc nhóm: “Thế kỷ XXI là thế
kỷ làm việc theo nhóm!” – thông qua việc chỉ rõ những lợi ích mà làm
việc nhóm mang lại:
• Tạo ra sự giao tiếp và hợp tác tốt hơn trong tổ chức.
• Khơi dậy, duy trì tinh thần đồng đội, sự đoàn kết cao độ trong tập thể
công ty.
• Gắn kết sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể.
• Nhân viên biết hành động vì lợi ích tổng thể của công ty, biết suy nghĩ
vì người khác.
• Xây dựng ý thức hợp tác đồng đội.
• Phát triển năng lực đội ngũ nhân viên.
• Tận dụng và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực,…
Xuất phát từ vai trò, lợi ích của làm việc nhóm, ông Đoàn đã đặt ra vấn
đề cần xây dựng liên kết hiệu quả:
- Là tập hợp của những người có tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm,
có đạo đức, hiểu về tầm nhìn của doanh nghiệp và có mong muốn phát
triển lâu dài cùng doanh nghiệp.
- Là trang bị kỹ năng làm việc nhóm, dung nạp và hài hoà tính cách, biết
cách giải quyết các mâu thuẫn, có kỹ năng giao tiếp nội bộ và kỹ năng
lắng nghe.
- Là tập hợp của những cá nhân có sự tin tưởng và tôn trọng với nhau.
Tôn trọng sự công bằng, nghĩ về người khác.
- Là sự phân công phù hợp, động viên và khen thưởng đúng và kịp thời,
xây dựng một môi trường văn hoá thân thiện, cởi mở, trách nhiệm, tôn
trọng trên dưới.
Với liên kết hiệu quả góp phần hình thành được nét văn hoá đẹp của tổ
chức - Văn hoá chia sẻ và hợp tác trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng, từ
đó giúp:
Phá vỡ bức tường ngăn cách, tạo sự cởi mở và thân thiện giữa các thành
viên và người lãnh đạo.
Cá nhân được đảm bảo quyền lợi, các nhu cầu được đáp ứng một cách
công bằng, điều này giúp họ dễ dàng hơn trong việc liên kết với những
cá nhân khác trong tập thể. Nhân viên sẽ không chi li tính toán được mất
nhất thời của mình, mà biết nhìn xa hơn, làm việc hết mình vì sự nghiệp
chung, thật sự hoà mình vào sự phát triển của doanh nghiệp
Ông Phạm Đình Đoàn kết thúc bài thuyết trình của mình với câu nói ông
rất tâm đắc: “Một doanh nghiệp muốn phát triển nhanh và bền vững thì
cần phải có chiến lược thu hút đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ
chốt, có chất lượng tốt và phải có khả năng làm việc tập thể
(teamwork).”