Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Văn học Việt Nam thời trung đại- Bức tranh thiên nhiên trong thơ chữ Hán ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (184.1 KB, 19 trang )

Văn học Việt Nam thời trung đại- Bức
tranh thiên nhiên trong thơ chữ Hán
Nguyễn Du

Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du đầy thi vị, sinh động
và gợi tình. Nguyễn Du đi nhiều, nhìn ngắm nhiều nên cảnh vật đi
vào trong thơ dễ dàng, nhẹ nhàng như bản chất nó vậy. Cảnh vật
gần gũi thân quen: một đêm mưa gió, một buổi chiều tà, một cơn
gió lạnh, một đám cỏ xanh, một vầng trăng sáng, một rừng đỏ lá
phong, một hơi thu hiu hắt Màu sắc, âm thanh cũng rất quen
thuộc: tiếng xào xạc của tàu chuối gió đưa, tiếng ếch nhái nỉ non
trong đêm vắng, âm thanh náo nức của hội đua thuyền, màu đỏ
thắm của hoa lựu trên núi, màu vàng rực của hoa cúc trước sân,
màu xanh hoang dại của rừng núi bạt ngàn Trong thơ Nguyễn
Du, thiên nhiên không chỉ là những nét chấm phá, không chỉ mơ
hồ như sương khói, không chỉ bàng bạc, mông lung như mây
chiều mà đôi lúc hiển hiện rõ rệt, lấp lánh như sao đêm, như
muốn báo cho vũ trụ biết rằng nó đang có mặt giữa đời. Nếu như
trong Truyện Kiều, thiên nhiên bị con người lôi cuốn cùng tham
gia vào câu chuyện như người trong cuộc “Người buồn cảnh có
vui đâu bao giờ” thì trong thơ chữ Hán, thiên nhiên cũng ít nhiều
mang nét nhân tính nhưng đồng thời nó cũng tồn tại một cách
độc lập, trần trụi và nhất là giữ nguyên nét ban sơ hoang dã. Đó
là thiên nhiên của thế giới khách quan. Tất nhiên nó phải mang
tính chất hình chiếu tâm trạng, có nghĩa là phải thông qua lăng
kính chủ quan của nhà thơ. Hơn nữa thơ chữ Hán Nguyễn Du
được xem như những trang nhật kí, kí sự về cuộc đời của chính
nhà thơ, cho nên chắc chắn không thể miêu tả một số cảnh mà
không để tâm trạng mình tham gia vào và một số cảnh trên
đường đi không thể không miêu tả một cách khách quan để thấy
hết nét đẹp dịu dàng cũng như sự hung dữ, lồng lộn, táo tợn của


nó.

Thiên nhiên hiền hòa nhưng cũng thật dữ đội. Nó có thể trải mình
ra phơi phới tươi xinh để con người hồn nhiên chiêm ngưỡng.
Nhưng nó cũng có thể bộc lộ hết những nanh vuốt, những cạm
bẫy để vồ xé, dìm chết con người như một bầy quỉ dữ. Cả hai
mặt này đều được Nguyễn Du ý thức đưa vào thơ của mình.
Không đâu xa, ngay chính trên quê hương tác giả, nó vừa là kho
báu mặc sức ngâm vịnh nhưng nó cũng là chỗ nguy hiểm có thể
chết người. Sự thật là vậy. Ông thường khuyên bạn: Chớ sầu ở
nơi hẻo lánh không gặp được bạn tốt/ Sông Lam núi Hồng đã đủ
để ngâm vịnh (Tặng Thực Đình); Sông Lam núi Hồng đẹp vô hạn/
Nhờ anh thu lượm để giúp thêm cho việc ngâm vịnh thanh tao
(Phúc Thực Đình) Nhưng lúc khác, nhìn thấy sông Lam trong
cơn nước lụt mùa thu, ông mới hình dung hết sức mạnh vô hình
của nó:Sông Lam tràn đầy nước lụt mùa thu/ Cá giải bơi đùa trên
gò đất/ Trâu ngựa không nhận ra bờ nước/ Bờ sông lở sụt ầm
ầm như sấm dữ/ Sóng lớn thấy như có quỉ lạ (Lam Giang). Nó có
thể nhấn chìm con người bất cứ lúc nào, và tất cả đều là do ý
trời

Cũng như với trăng tưởng chừng Nguyễn Du thân thiện gần gũi.
Nhưng ngoài một số hình ảnh đẹp, tứ lạ như vẻ cái sáng trong
vằng vặc, cái độ tròn thật tròn (Quỳnh Hải nguyên tiêu), trăng như
hộp gương, như vành cung tráng sĩ (Sơ nguyệt)… thì đậm nét
nhất trong thơ ông vẫn là những hình ảnh tàn nguyệt (trăng tàn),
tà nguyệt (trăng xế), lạc nguyệt(trăng lặn)… buồn hiu hắt, đơn
côi, lạnh lẽo. Dù trăng là nguồn thi liệu vô tận và gợi nhiều cảm
hứng cho các bậc thi nhân. Với Nguyễn Du, trăng đẹp, đêm đẹp
nhưng vẫn có cái gì đó không trọn vẹn.


Mùa xuân và mùa thu cũng vậy. Nguyễn Du nâng niu, ngưỡng
mộ cả hai. Nhưng xuân là bà tiên kiêu kỳ chẳng phải với ai cũng
có thể ban phát hạnh phúc. Nguyễn Du đã từng nép sau cánh
cửa ngại ngùng dõi theo để xem Xuân lọt vào nhà ai (Quỳnh Hải
nguyên tiêu) vì biết rằng trăng chẳng bao giờ đến với người có
mối lo nghìn năm như ông (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền). Còn
mùa thu, vốn là một nàng thu lặng lẽ sầu muộn thì lại có sức hút
kì lạ với Nguyễn Du. Thu dẫu nghèo nàn nhưng hào phóng hơn
tất cả, thu có khả năng ban phát và đồng cảm rất lớn. Phải chăng
thu cũng buồn bã tư lự như người ngưỡng mộ nó? Thiên nhiên
trong thơ ông luôn có hai mặt như vậy.

Cuộc sống muôn dặm của Nguyễn Du, ông đã qua không biết
bao nhiêu chặng đường hiểm nguy. Cảnh rừng núi dây leo chằng
chịt, thú dữ chầu chực rình mồi. Sông hồ thì ngập lũ, sóng cao,
gió lớn, cá rồng, quỉ thần ẩn nấp: Đêm tối sói hổ kiêu ngạo (Biệt
Nguyễn Đại Lang II); Trăng lặn ở ngoài phía có vượn kêu/ Người
đi trong vết chân hổ (Phượng hoàng lộ thượng tảo hành); Núi
trùng điệp đã chất thành đống/ Dây leo bò khắp mặt đất chật chội
khó mở lối đi(Sơn trung tức sự); Thần mưa khóc sướt mướt, thần
nước giận dữ/ Trước núi Ngủ chỉ nước như trút xuống/ Sóng bạc
suốt ngày như rắn rồng đua chạy/ Hai bên bờ, núi xanh như sói
cọp (Bất tiến hành)…

Không đợi các vị thần ra oai, bản thân rừng núi nhìn dưới góc độ
cận cảnh cũng đã đủ để rùng mình khiếp sợ: Giữa có những hòn
đá kỳ lạ chen chúc nhau/ Các hòn hình rồng, rắn, cọp, beo, trâu,
ngựa bày la liệt (Ninh Minh giang chu hành); Những bờ núi lở,
những hòn đá kì quái như giận dữ nhìn nhau (Chu hành tức sự)


Các nhà thơ thường ca tụng vẻ đẹp hùng vĩ của khung cảnh núi
sông với tư thế đứng từ xa. Quang cảnh chung bao giờ cũng
mang sắc thái tráng lệ do tầm mắt lướt đi trên sắc xanh của cây,
tầm cao của núi, độ dài của sông, cái mênh mông lồng lộng của
mây trời Những hình ảnh như núi Tản Viên của Cao Bá Quát:

Ngọn núi nổi tiếng xưa nay vẫn truyền tụng,
Bốn bề tròn trĩnh như hình cái tán.
Mây giáp đến tận trời các chòm sao có thể hái được,
Đất xa hàng vạn bậc, nước lụt không làm gì nổi.
(Vịnh Tản Viên sơn)

Như cảnh Đèo Ngang của Nguyễn Đề:

Cây rừng như gươm giáo ngàn doanh trại,
Khí bốc đầu non tựa hàng vạn bếp thổi.
Đá ngổn ngang san sát thành gò ở lũy cũ,
Sóng xô đẩy cuồn cuộn ngăn dòng sông phía trước.
(Quá Hoành Sơn)

Nguyễn Du cũng có một số bài đứng lui ở khoảng cách xa để
miêu tả. Cái dáng vẻ hùng tráng được quan sát từ tầm xa: Lầu
cao ngất đứng sừng sững trên bờ cao/ Đứng trên cao nhìn xuống
phong cảnh sao mà tráng lệ/ Mây nổi che kín cả ba vùng đất Sở/
Nước thu từ chín sông đổ về (Đăng Nhạc Dương lâu) Nhưng
thường xuyên hơn vẫn là tầm nhìn thật gần, thậm chí có thể sờ
mó được, giống như cảnh vật trong thơ Hồ Xuân Hương:

- Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo,

Đường đi thiên thẹo quán cheo leo.
Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác,
Xỏ kẻ kèo tre đốt khẳng kheo.
(Quán Khánh)

- Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ mó lam nham.
(Hang Thánh Hóa)

Tuy không có giọng đùa cợt và tính đa nghĩa trong từ ngữ như
thơ Hồ Xuân Hương nhưng Nguyễn Du cũng muốn nhìn để thấy
thật gần bộ mặt thật của núi rừng. Chính vì vậy mà ông thấy
được gương mặt của đá lở, chúng như giận dữ nhìn nhau, giống
như những con thú rừng ác độc chỉ chực vồ lấy con người, kể cả
ma quỉ ẩn đằng sau chúng nữa. Trong thực tế thiên nhiên không
chỉ là ánh trăng trong, ngọn gió mát, con sông hiền hòa, mặt biển
sóng lặng mà còn có những cơn thịnh nộ, những phong ba bão
táp, gió dập sóng vùi làm cho con người sợ hãi và những nét
buồn hiu hắt, những màu xanh rợn ngợp làm cho lòng người tê
tái giá buốt. Thiên nhiên thật lạnh lùng và tàn nhẫn. Nó đứng ở vị
trí khách thể và chừng như muốn đối lập với con người, muốn
giơ bàn tay đầy quyền uy của mình ra để chế ngự tình cảm con
người. Còn Nguyễn Du đứng trước uy lực của thiên nhiên, ông
không muốn hòa vào nó, không muốn trèo lên đỉnh núi cao cất
tiếng kêu làm lạnh cả đất trời như Thiền sư Không Lộ, mà hình
như còn muốn chống lại nó. Nhìn sông Lam thấy hết những mối
hiểm nguy đang kề cận con người, Nguyễn Du lo sợ, kêu gọi lòng
hiếu sinh của trời, nhưng rồi ông không tin tưởng lắm, muốn tự
tay mình có sức mạnh thần kì đẩy núi Thiên Nhận để lấp bằng
những chỗ hiểm nguy: Trời vốn có đức hiếu sinh/ Sao cứ để thế

mãi/ Muốn đẩy núi Thiên Nhận/ Lấp bằng năm trăm dặm (Lam
Giang).

Nguyễn Du cũng một vài lần “đăng cao” nhưng không phải để
hòa nhập với vũ trụ mà để thấy rõ hơn con người của chính
mình. Lên lầu Nhạc Dương, ông thấy cảnh vật hùng tráng nhưng
đó chưa phải là cảm hứng chủ đạo. Nhà thơ “đăng cao” chính là
để mở mắt ra mà nhìn về quê hương, nhìn về một góc trời trống
không phía trước để đau buồn, để than thở cho thân phận mình
đang phải làm một kiếp người xa xứ (Đăng Nhạc Dương lâu).

Nguyễn Du cũng thấy được sự lạnh lùng của thiên nhiên, tưởng
như vô tình nhưng bản chất nó là vậy. Chừng như nó cố ý để tạo
nên thế đối chọi lại với ước muốn của con người: Chỉ có sông
Trường Giang là khéo thu xếp/ Bên bồi bên lở vẫn chảy ra hết
biển đông (Hoàng Châu trúc lâu). Sông Trường Giang đã mặc tất
cả, bên nào lở, bên nào bồi nó chẳng cần quan tâm, cứ tuôn chảy
hết về biển đông. Số phận con người cũng vậy, cũng bị cuốn theo
dòng đời, có rền rĩ kêu than rồi cũng chẳng ai nghe.

Con người đi trong cái nắng gắt của mặt trời, mặt trời chẳng
những không dịu mát một chút mà còn đổ lửa hơn. Chỗ có gió
mát ở đâu xa chứ không ở nơi con người đang mong muốn: Ở
Hà Nam vào tiết thu tháng tám/ Khí nóng tàn vẫn chưa tan hết/
Đường ra ngoài chỗ có gió mát/ Người đi trong nắng gay gắt của
mặt trời (Hà Nam đạo trung khốc thử).

Khác xa tình và cảnh mùa hè đậm màu sắc của Nguyễn Trãi - ở
đấy còn có bóng râm của cuộc đời và ước mơ xây dựng của con
người - trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, con người luôn mong

muốn có được một cảnh sắc tươi sáng. Đáp ứng cho nhu cầu đó,
vũ trụ chỉ đưa đến cái gay gắt khó chịu của mặt trời, cái âm u của
giông tố, cái dáng vẻ thê lương, hiu hắt, ảm đạm của núi rừng:
Đêm tối đen tìm đâu thấy ánh sáng mùa xuân/ Trước song cửa
sổ mở chỉ thấy bóng liễu âm u (Xuân dạ); Gượng dậy đẩy cửa
ngắm trăng sáng/ Bóng cây xanh trùng điệp làm ánh trăng không
lọt qua được (Ngẫu hứng II)

Thiên nhiên quả là tách biệt với tình cảm con người. Nó quay
lưng thờ ơ trước mọi đau khổ của con người, không tương giao
với con người. Người thì buồn trong khi cỏ cứ xanh, người thì
héo hắt trong khi xuân vẫn đẹp: Người cứ buồn thương, cỏ cứ
xanh (Thanh minh ngẫu hứng); Người cứ tiêu điều nhưng xuân
vẫn đẹp (Xuân tiêu lữ thứ)

Cảnh vật lạnh lùng, vô tư trước những sợ hãi và buồn thương
của con người: Đường khe đá ở Quỉ Môn từ chân mây chạy ra/
Khách đi đường xa về Nam như muốn đứt hồn (Quỉ Môn quan)

Con người có khi cần một sự trợ giúp hoặc chỉ cần một sự an ủi,
một cử chỉ ve vuốt, cảm thông nhưng thiên nhiên nào có chiều
chuộng: Một trời xuân hứng rơi vào nhà ai? (Quỳnh Hải nguyên
tiêu); Nhưng xuân có bao giờ đến với người nơi đất khách (An
Huy đạo trung); Hoa cúc vàng ngoài cửa sổ tươi đẹp tưởng có
thể ăn được (Tạp ngâm II); Mây chiều che phủ kín những cánh
cửa sài lô nhô (Sơn thôn); Ngoảnh nhìn quê nhà, màu thu xa/
Mây và cây cối trên dãy Hoành Sơn một màu xanh biếc (Giang
đầu tản bộ II)… Xuân đến nhưng đã lạc vào nhà ai, không phải
nhà mình. Xuân đến với ai chứ không đến với người tha phương
nơi đất khách như mình. Hoa vàng đẹp rực rỡ tưởng có thể ăn

được nhưng thực tế không thể ăn được. Người đã buồn thương
cô đơn, mây chiều còn che kín cửa sài, ngăn tầm mắt con người
phóng tìm nơi tự do phóng khoáng. Người nhớ nhà mong ngóng
về quê hương nhưng mây và cây cối cứ trải giăng xanh biếc như
muốn trêu ngươi, cợt đùa. Giống như chàng Kim si tình dõi mắt
khắp nơi tìm dáng hình ngày nọ thì liễu cứ vô tư buông mành và
con oanh trên cành mới học nói cứ buông ra những lời như mỉa
mai, trêu chọc: Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh học nói trên
cành mỉa mai – Truyện Kiều).

Thiên nhiên với Nguyễn Du là vậy. Nó rất thực. Thực đến mức độ
quá quắt và trở thành tàn nhẫn. Nó lung linh rọi chiếu nhưng
không phải để xoa dịu tâm hồn con người mà luôn làm một kẻ vô
tình trước nỗi đau của nhân gian. Đây là nét khác biệt của
Nguyễn Du mà các nhà thơ trước, cùng thời và sau Nguyễn Du
một ít, cảm thấy xa lạ. Cảnh vật thiên nhiên trong thơ của các nhà
thơ khác hầu như ít nhiều cũng cảm thông, biết lắng nghe, biết
san sẻ và cùng hòa nhịp với con người. Thơ Lí Bạch trong bài
Xuân dạ Lạc thành văn dịch:

Tiếng sáo ngọc nhà ai bay trong bóng tối,
Tan vào gió xuân man mác chốn Lạc thành.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Trung tân ngẫu hứng:
Khi chống gậy lê dép ra vườn chơi thì hương thơm của hoa
bén vào gậy dép,
Khi nâng chén rượu thưởng thức thì sắc hoa ánh vào chén.
Thơ Tùng Thiện Vương trong bài Sơn cư tảo khí:
Trên nửa chiếc giường ngọn gió vào buổi sáng giấc ngủ khỏe,
Ánh sáng trên núi, sắc cây chưa được rõ ràng.
Người ở ẩn dậy sớm ngồi ngang cây đàn,

Nghe được chim núi những tiếng đầu tiên.

Thơ Cao Bá Quát trong bài Tạp hứng:

Nhặt lấy hoa sen đỏ tròng vào tay áo mang về,
Nhụy hoa thơm của nó chưa mở ra với ai.
Nó chỉ mỉm cười với người khách thơ cô tịch,
Chẳng biết việc gì mà cứ ba năm lại đến một lần.

Một số dẫn chứng trên đây cho thấy thiên thiên trong thơ Nguyễn
Du khác biệt với thiên nhiên của nhiều tác giả thơ trung đại nói
chung. Có lẽ đối với ông, trời đất đóng kín các cánh cửa nên ông
không nhận được tín hiệu đồng cảm của thiên nhiên hoặc bản
thân ông tự đặt mình ở thế đối lập lại với đất trời như để khẳng
định sự có mặt của mình, sự có mặt của một thực thể tự nhiên
muốn được tồn tại độc lập? Thực tế trong thơ là vậy. Cảnh vật và
con người luôn song hành với nhau, có khi làm phiền nhau
nhưng không bao giờ hòa nhập cùng làm một. Nguyễn Du cứ để
nguyên vẻ đẹp xinh tươi lôi cuốn của thiên nhiên: Trúc cao đón
gió, sáo trời thổi/ Hoa cúc được mưa rắc vàng trên đất (Tạp
ngâm III); Trên núi có hoa đào/ Mềm mại như lụa đỏ (Hành lạc từ
II) Còn cảnh buồn héo hắt, tàn lụi, xơ xác, Nguyễn Du cũng cứ
đưa hết vào thơ, không vì tâm trạng mình mà làm cho nó trở nên
buồn hay vui: Trong đám cỏ hoang đom đóm bay/ Ngoài thềm
vắng hơi đêm trong mát/ Ngọn đèn lạnh như lưu lại bóng ma/
Màn thưa tiếng muỗi vo ve (Quế Lâm công quán); Trong rừng
phong lá bay loạn xạ/ Cát tung lên như mưa rơi vào áo khách đi
đường/ Suốt dọc đường cỏ héo xác xơ/ Bóng tà quạnh quẽ bốn
bề toàn núi (Tổ Sơn đạo trung)


Kể cả những loại chim chóc côn trùng nhỏ bé như ếch, nhái, giun,
dế, gà, kiến, đom đóm, muỗi, chim cuốc, chim hồng, vượn cũng
được Nguyễn Du trân trọng mang vào thơ và đặt vào một vị trí
xứng đáng. Tất nhiên từng hình ảnh con vật tác động đến khung
cảnh thông qua đặc trưng riêng. Đom đóm bay loạn xạ trên cánh
đồng hoang (Quế Lâm công quán) dĩ nhiên người đọc phải nghĩ
đến sự hoang vắng, thê lương, chết chóc. Rắn mối leo trên vách
nát, dù trăng có sáng, có chiếu rọi (U cư II) thì cũng chỉ để làm
nổi bật khung cảnh nghèo hèn, tối tăm. Tiếng cuốc kêu buồn
thảm, đánh dấu cho mùa xuân đã tàn, đã hết (Ngẫu thư công
quán bích I) càng làm tăng thêm vẻ buồn bã, nuối tiếc. Tiếng côn
trùng rền rĩ giữa mùa đông lạnh lẽo (Thu dạ) làm cho con người
cảm thấy giá lạnh, trống vắng, cô đơn. Tiếng chim hồng kêu bi
thương bay về làm xao động cả dòng nước sông Ngân (Trệ
khách) cũng làm xao động cả lòng người. Ve sầu bị lạnh, kêu ra
rả suốt ngày trên cành cao (Ngẫu hứng II), lòng người sao có thể
hững hờ với âm thanh não nuột kia? Ao hoang, nước cạn, ếch
nhái không còn chỗ trú chân phải bò ra (U cư II) gợi nên cảnh bế
tắc, mất phương hướng. Bếp hoang không đỏ lửa, cóc nhái tụ
họp, nhà tối, giun dế bò ra (Bất mị) khiến người đọc có thể hình
dung sự vắng vẻ, không hoạt động của con người mặc dù con
người vẫn đang tồn tại nơi hoang vắng đó

Nói chung, cách miêu tả khách quan, cảnh vật lại rất thực cho
thấy sự tỉnh táo của nhà thơ. Tỉnh táo để nhìn sự vật khách quan
bằng con mắt chủ quan của mình. Tưởng chừng như không có
quan hệ giữa tác giả và cảnh vật nhưng người đọc vẫn có thể liên
hệ, đưa trí tưởng tượng của mình vào, bắt nhịp cùng cảnh và
tình, từ đó mở thông được cánh cửa tâm hồn của tác giả. Thiên
nhiên tươi đẹp, trần trụi, hoang dã hiển hiện rõ rệt trong thơ cũng

là dấu ấn mà nhà thơ đã tự khắc lên đó một cách riêng biệt,
không lẫn lộn với bất cứ một ai. Có lẽ Nguyễn Du muốn làm một
cây chiên đàn(1) đứng trên gió mới thấy được mùi hương, cũng
như cách miêu tả của ông đi ngược với truyền thống thì mới thấy
hết những ẩn giấu mà ông chỉ thổ lộ với những ai đồng tình, đồng
điệu.

Khảo sát và đi sâu vào một số hình tượng chính có tính chất
thường xuyên, được lặp đi lặp lại nhiều lần chúng ta sẽ thấy và
hiểu được thế giới bên trong con người Nguyễn Du. Tất nhiên
đây mới chỉ là một góc nhỏ thiên nhiên trong bộn bề những vấn
đề lớn lao khác trong thơ chữ Hán Nguyễn Du(2). Có những điểm
chung nhưng cũng có những điểm khác biệt. Điều này cũng có
thể lí giải là ở Nguyễn Du vẫn còn một nét nào đó mang dáng dấp
cái nhìn của con người thời đại. Nguyễn Du bước đi bằng đôi
chân trần của thời đại mình đồng thời với đôi cánh ước mơ được
chắp bằng những khát khao cháy bỏng. Ông đã vượt khỏi lằn
ranh thời đại để bắt gặp sự đồng tình, đồng điệu mà cả trăm năm
sau mới có được. Để mãi đến bây giờ những kẻ “phong vận kì
oan” của đời vẫn còn khóc, vẫn còn thương, vẫn còn viết về một
Nguyễn Du – đau đời và thắm tình người – mãi mãi không bao
giờ có thể đặt dấu chấm dứt./.

×